Thăng Long, Chạp nguyệt, sơ Nhất nhật.
Các tác phẩm văn học, ngày nay, đã trở thành sản phẩm thuộc toàn nhân loại. Thế giới ngày càng phẳng, cho nên, văn chương đã từ lâu không còn biên giới. Một người châu Phi có thể dễ dàng tìm đọc một tác phẩm châu Á. Một người châu Á có thể dễ dàng tiếp cận một tác phẩm châu Âu … Bên cạnh công sức sáng tạo vô biên của tác giả, ta không thể quên công lao của những dịch giả – những người bản ngữ hóa các tác phẩm ngoại lai, để biến chúng thành một sản phẩm phù hợp với cư dân bản địa.
Nhiều người coi việc dịch thuật tác phẩm gần như một quá trình sáng tác lại. Dịch giả, vì thế, cũng trở thành một người sáng tác, nhưng khó khăn hơn nhiều so với tác giả nguyên gốc của tác phẩm. Khi sáng tác, mọi thứ là tự do, miễn sao tác phẩm được tạo thành thật hay và cuốn hút. Nhưng với dịch giả, bên cạnh yêu cầu phải bám sát nội dung tác phẩm còn có rất nhiều yêu cầu khác đi kèm (văn phong, cấu trúc, từ ngữ, giai điệu …). Bản dịch không chỉ phải hay mà còn phải thể hiện được những tinh hoa, ưu tú của ngôn ngữ bản địa. Ngoài ra, còn rất nhiều những điểm chênh văn hóa, phong tục, khái niệm giữa hai quốc gia, hai nền ngôn ngữ khiến dịch giả phải đau đầu suy nghĩ…
Ngôn ngữ vốn đẹp. Tiếng Việt rất đẹp, hoặc đã từng rất đẹp! (giờ cũng không tệ đâu!)
“Make Vietnamese great again!”
Đó không chỉ là công việc của các tác giả. Với vai trò tương tự tác giả, đó là vai trò của dịch giả. Làm sao để dịch một tác phẩm không trở thành một thứ bánh bột lọc bị chế biến hỏng (vỏ đi đường vỏ, nhân đi đường nhân), điều đó chẳng dễ dàng bao giờ. Làm sao để dùng những ngôn từ bình dị nhất, Việt Nam nhất mà vẫn có thể lột tả, bóc tách thành công những ý đồ, thông tin trong tác phẩm gốc?
zorba_the_greek

Bản dịch “Zorba – con người hoan lạc” của dịch giả Dương Tường, đối với cá nhân tôi, là một bản dịch tiếng Việt xuất sắc về cách sử dụng ngôn từ. Tiếng Việt trong bản dịch tự nhiên, bình dân ở những chỗ nó cần và sắc sảo ở những nơi không thể khác. Cả những ngạn ngữ cũng được chuyển thể thành ca dao, tục ngũ Việt Nam. Trừ những tên riêng, bản dịch không khiến tôi cảm thấy đang đọc một tác phẩm nước ngoài.
Về nội dung tác phẩm, đã có quá nhiều người viết, từ vui vui tới sâu sắc. Tôi chỉ muốn nhắc thêm (hoặc nhắc lại ) một vài ý nho nhỏ.
Cuốn sách đưa ra nhiều góc nhìn về người Hy Lạp, từ những nét anh hùng tới xấu xa, ti tiện; từ việc chiến đấu bảo vệ nhân dân, lao động hăng say cho tới việc chia chác đồ đạc của kẻ đang hấp hối. Những chua chát, châm biếm về những thói xấu, sự rởm đời của người Hy Lạp khiến người đọc cảm nhận tình yêu vô hạn của tác giả Nikos Kazantzakis với đồng bào và quê hương mình. Con người Hy Lạp hiện ra với những đặc tính kế thừa từ những vị thần nhưng cũng rất người, rất đời, thậm chí là không kém phần ô trược.
Nhân vật chính trong câu chuyện, anh chàng “cạo giấy” như thể ngài Thiện Tài Đồng Tử đi học. Nếu như ngài Thiện Tài Đồng Tử học với rất nhiều vị, từ bậc đại trí như ngài Văn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền cho tới những đối tượng rất khác thì anh chàng may mắn hơn, chỉ cần học với một người mà hội tụ đầy đủ mọi yếu tố, từ tốt đẹp nhất cho tới xấu xa nhất, Zorba. Anh chàng đã có nhiều thay đổi, từ không tới có. Nhưng chính vào lúc tưởng như anh có mọi thứ, từ vật chất tới tình yêu, đó lại là dấu hiệu bắt đầu cho sự mất mát, đổ vỡ, tang thương. Để rồi khi đã mất gần như tất cả, chỉ còn lại bản thân, người ta sẽ hiểu ra nhiều điều mà khi đủ đầy, người ta chưa bao giờ hiểu nổi.
Trong câu chuyện, tất cả mọi thứ đều được phá bỏ khá nhiều lớp vỏ bọc bên ngoài để người đọc có thể thấy những thứ thực sự bên trong nó. Đó là những câu chuyện ái tình. Đó là những câu chuyện chiến chinh. Đó là những sự việc tôn giáo… Và đó là mỗi con người và bản thể của mình.
562689_496735487068042_1607204033_n

Còn nhiều thứ mình muốn kể lắm nhưng mình đã lại dài dòng những điều mà rất nhiều người đã biết. Cảm ơn bạn vì đã đọc đến dòng này!
P/s : Mấy hôm nay, ngoài phố nhiều thược dược quá! (25,000/bó nhé!)