New year, new you OR new year, same you but better
Một mùa xuân lại tới, trong không khí rộn ràng của mùa xuân năm mới, người ta hay viết…new resolutions! Những mục tiêu và kế hoạch hết sức hứa hẹn này, dù một số có thể hoàn thành nhưng rất nhiều trong số chúng sẽ bị xếp xó khi mà động lực bắt đầu bị phai mờ dưới gánh nặng của vô thiên lủng những lý do có thật lẫn ..tự bịa ra. Nhưng tôi nghĩ rằng, đặt mục tiêu cho năm mới và phấn đấu vì nó vẫn là điều nên làm, nó cho thấy phần nào con người mà bạn muốn trở thành và điều mà bạn nên làm với quãng thời gian (có hạn) mà bạn có. Vì vậy, với bài viết này, tôi muốn giới thiệu một số cuốn sách mà tôi nghĩ có thể giúp ích ít nhiều cho bạn, có thể là để đạt được mục tiêu năm mới hoặc đơn giản chỉ là để sống vui vẻ, tích cực hơn.
Danh sách này, do vậy, mang đậm tính chất…self-help. Nếu bạn anti sách self-help đây có thể là tín hiệu để bạn dừng đọc 😄 (được gửi từ tôi chứ không phải từ vũ trụ 😅) Bản thân tôi cũng từng có suy nghĩ trái chiều về thể loại sách này, từ rất hào hứng tin tưởng, đến thất vọng, vứt xó vì thấy nó chẳng có help gì. Tuy vậy, rất lâu sau này, tôi đã nhìn nhận nó một cách khác đi, tôi không kỳ vọng vào tính chất đổi đời mà nó có thể mang lại, cũng không tin vào những lời đao to búa lớn mà một số cuốn sách tuyên bố. Tôi tìm đến những cuốn sách mà tôi nghĩ có thể mang đến cho mình một vài giải pháp mà mình đang cần, thử áp dụng, điều chỉnh và có khi là bỏ ngang vì thấy không phù hợp. Tôi nghĩ rằng sách self-help cũng chỉ có thể giúp bạn được đến thế: cho bạn một vài định hướng hay một vài cách nhìn nhận khác đi, nhưng tất cả những khó khăn của việc thực hiện thì chỉ có bạn là người đảm nhiệm, và cũng có như thế thì bạn mới có cái mà tự hào về bản thân mình chứ!
----------------
Bây giờ thì không dông dài nữa, tôi sẽ bắt đầu với cuốn sách đầu tiên là cuốn sách có thể khiến bạn suy nghĩ lại về việc bạn muốn trở thành người như thế nào trong đời. Điều này có vẻ hiển nhiên, ai chẳng biết mình muốn gì cơ chứ. Tuy nhiên, khi nhìn kỹ lại, mọi thứ lại có vẻ không hiển nhiên đến thế.

Chó sủa nhầm cây

Đây là một cuốn sách nói về thành công, từ định nghĩa của nó đến tất cả những thứ liên quan đến nó. Nhưng cuốn sách này không đưa những lời khuyên như những cuốn sách self-help thông thường, hay những “triết lý” mà số đông cho là hiển nhiên và đúng đắn. Trong cuộc sống, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều những lời khuyên trái chiều và đôi khi chúng ta bị rối mù lên và không biết điều gì mới là đúng. Chẳng hạn như: “ Những lời khuyên cũ rích nào là đúng, và cái nào chỉ là cổ tích? Có phải “người tốt luôn cán đích cụối cùng”? Vậy ai cán đích đầu tiên? Có phải người bỏ cuộc sẽ không bao giờ chiến thắng? Hay sự cứng đầu mới đúng là kẻ thù thực sự? Liệu sự tự tin có quan trọng hơn hết thảy? Và khi nào thì nó chỉ là ảo tưởng? “ Cuốn sách này sẽ lần lượt phân tích và mổ xẻ những câu hỏi này và cả N những câu hỏi vô cùng hay ho và thú vị khác, thách thức lại những định nghĩa rập khuôn của nhiều người về thành công và con đường đi đến nó.
Cách viết của tác giả cũng rất hấp dẫn bằng cách đưa ra những câu chuyện thú vị, những dẫn chứng và ví dụ ở cả 2 chiều ý kiến đối lập và rồi đưa ra cách giải quyết, hay cách dung hòa những yếu tố đối nghịch nhau. Nhan đề của cuốn sách ‘Chó sủa nhầm cây’, ngụ ý rằng khi bạn có cách nhìn nhận sai thì bạn cũng sẽ hành xử sai và tiêu phí tất cả năng lượng, công sức của mình để cố gắng đạt được những điều mà cuối cùng bạn nhận ra là không phải những gì mình thực sự khao khát. Vì vậy , cuốn sách này có tính chất định hướng rất lớn, giúp bạn tự chiêm nghiệm cho chính mình điều bạn mong muốn hay cách thức nói chung để đạt được điều ấy, dù định nghĩa về thành công của bạn là gì. Nó chỉ là định hướng chung và cũng là để bạn học cách đặt câu hỏi khi nhận được bất cứ lời khuyên nào, để biết nó có phù hợp hay thậm chí có cơ sở hay không. Còn nếu bạn đã rõ ràng về con đường mình cần đi rồi, thì có lẽ cuốn sách này không ích gì cho bạn cả :)
Gợi ý khác: “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” của Mark Manson cũng là một cuốn sách rất hay khác mà tác giả tìm câu trả lời cho việc đâu là chìa khóa của một cuộc sống tốt đẹp đích thực ? Giá trị của cuộc sống là gì ngoài những hào quang của tiền bạc, sự nổi tiếng và một đời sống an nhàn. Đây cũng là tác giả mà mình rất yêu thích và hay tìm đọc các bài viết trên blog của anh.
Ngoài ra thì khi nói đến thành công, người ta cũng hay đi kèm từ “hạnh phúc”, cứ như thể là nếu thành công thì người ta sẽ hạnh phúc vậy! Nên nếu bạn muốn đọc thêm về cả hạnh phúc nữa thì gợi ý của tôi là cuốn “6 tỉ đường đến hạnh phúc” của Stefan Klein - một cuốn sách phân tích một cách khá chuyên sâu và khoa học về cái gọi là Hạnh Phúc. Tuy nhiên nó không khó đọc đâu, với tôi thì nó rất hấp dẫn và giúp giải đáp rất nhiều những câu hỏi thú vị về tâm lý học và hành vi.
Sau khi đã xác định được điều mình muốn thì bước tiếp theo chính là bắt tay vào làm. Động lực có thể là lý do để bạn bắt đầu nhưng cái sẽ giúp bạn đi xa là những thói quen mà bạn hình thành. Và làm sao để hình thành một thói quen đủ khả thi và đủ tốt ? Gợi ý của tôi là cuốn sách này

Thay Đổi Tí Hon – Hiệu Quả Bất Ngờ < Atomic Habit> – James Clear

Cuốn sách này tập trung vào việc xây dựng các thói quen tốt và xóa bỏ thói quen xấu, mà ở đây tác giả gọi là ‘thói quen nguyên tử’ , tức là những thói quen nhỏ xíu, nhưng bằng cách lặp đi lặp lại việc hàng ngày. Nếu mỗi ngày bạn chỉ cần tiến bộ 1% thôi thì sau một năm bạn sẽ tốt hơn chính mình gần 38 lần! Và một sự tiến bộ như thế không yêu cầu bạn phải thay đổi thói quen sinh hoạt 360 độ hay đòi hỏi một ý chí quật cường mà nó bắt đầu từ những việc rất nhỏ, những thứ mà ban đầu ta nghĩ chả có gì đáng kể và có lẽ chả thể tạo nên sự khác biệt gì. Tuy nhiên, chính sự tích lũy và bền bỉ ấy đến một ngày nào đó sẽ mang lại một sự tiến bộ kinh ngạc mà nếu chỉ nhìn từng ngày đơn lẻ bạn sẽ khó có thể cảm nhận được. Nhưng đừng hiểu nhầm ý tôi là xây dựng một bộ thói quen tốt và duy trì nó liên tục một thời gian dài là điều dễ dàng. Nếu mà dễ thế thì cần gì phải viết đến 300 trang cuốn sách này cơ chứ :D Không, nó không dễ nhưng nó là hoàn toàn có thể và thật sự thì nó dễ để bắt đầu, mà chỉ cần bắt đầu được thôi là bạn cũng đã là một thành công rồi. Cái hay của cuốn sách này so với những bài báo về thói quen như: thói quen của người thành đạt, thói quen của tỷ phú, thói quen của Jack Ma hay của Albert Einstein,… là nó không nêu ra một thói quen cụ thể nào mà bạn ‘phải’ có để thành công, giàu có hay trông mlem cả mà nó giúp bạn xây dựng một thói quen tốt , xóa bỏ thói quen xấu dựa trên chính con người hiện tại của bạn.
Về nội dung của cuốn sách được chia làm 6 phần chính. Phần đầu tiên là giới thiệu về thói quen nguyên tử, những người đã áp dụng nó và những thay đổi kinh ngạc của việc thay đổi 1% mỗi ngày. 1% này không phải là một thay đổi bất kỳ mà nó là một phần nhỏ của một hệ thống tổng thể, và đó mới chính là cái chúng ta cần tập trung vào chứ không chỉ chăm chăm vào mục tiêu sau cuối. Vậy làm sao để hình thành thói quen này? Theo James, cả thói quen xấu lẫn thói quen tốt đều hình thành dựa trên chung một vòng lặp của: tín hiệu, cơn thèm muốn, phản hồi và phần thưởng. Và vì vậy bốn phần tiếp theo tác giả đi vào phân tích từng đặc điểm này để giúp hình thành nên một thói quen tốt bằng cách khiến nó : trở nên rõ ràng, trở nên hấp dẫn, trở nên dễ dàng và tạo cảm giác thỏa mãn. Phần cuối cùng là phần chiến thuật nâng cao, để từ hơi hơi tốt đến vĩ đại thực sự.
Về cơ bản, cuốn này hợp cho bất cứ ai muốn tạo lập một thói quen tốt mà chưa biết bắt đầu từ đâu.
Gợi ý khác: một cuốn sách cực kỳ hay khác về đề tài thói quen chính là cuốn  ‘Sức mạnh của thói quen’ của Charles Duhigg. ‘Sức mạnh của thói quen’  có thể nói là thuộc hàng kinh điển trong những cuốn sách nói về thói quen, mình không còn dám xem thường sức mạnh của nó nữa kể từ sau khi đọc cuốn này.
Rồi, giờ sang một vấn đề khác. Dù bạn có làm cái gì đi nữa, thì khả năng cao là bạn sẽ phải dùng đến.. tiền (để duy trì cuộc sống trong lúc đang tập tành hình thành mấy thói quen mới chẳng hạn). Và làm sao để sử dụng tiền một cách khôn ngoan luôn là một câu hỏi khó, mà để hiểu về nó chúng ta không chỉ cần biết về bản chất của tiền mà còn cần hiểu hơn về tâm lý của người tiêu nó nữa. Vậy  nên tôi muốn giới thiệu với các bạn cuốn sách này

Tâm lý học về tiền - Morgan Housel

Cuốn sách này đi sâu vào đề tài sự ảnh hưởng của tâm lý đến cách chúng ta dùng tiền như thế nào. Theo ý tưởng của bài viết, có vô số những lời khuyên về cách sử dụng tiền bạc đúng đắn cũng như những lời khuyến nghị đầu tư lý tính và khôn ngoan nhưng chúng ta vẫn liên tục thất bại trong việc làm theo. Điều này không phải bởi vì chúng ta / hay người khác ngu dốt mà bởi vì chúng ta đánh giá sai tầm quan trọng của tâm lý và cảm xúc của con người khi chúng ta đưa ra quyết định. Và vì vậy, mỗi quyết định tài chính không bao giờ có thể thuần túy là những quyết định lý tính được. Bằng cách hiểu về tâm lý của con người về tiền bạc và học cách chung sống với nó thay vì loại bỏ nó, ta sẽ đạt được mối quan hệ tốt hơn với tiền bạc và từ đó dùng tiền bạc để thực sự thực hiện đúng những nhu cầu của bản thân.
Cho dù hướng dẫn sử dụng tiền không có sẵn trong DNA của con người nên đôi khi (hay nhiều khi) chúng ta tiêu tiền một cách thực sự ngu ngốc và đối xử với nó khác với cách mà nó nên được đối xử từ coi trọng thái quá đến coi khinh thái quá. Nhưng bằng cách hiểu và lưu tâm đến tâm lý của chính bản thân khi tiêu tiền, ta có thể trở nên khôn ngoan hơn khi đưa ra những quyết định tài chính quan trọng. Trong cuốn sách này , tác giả đã đưa ra 18 lời khuyên về tiền bạc (chia vào 18 chương), chương 19 là sự tổng kết và chương 20 với tên gọi ‘lời thú nhận’ là chương mà tác giả chia sẻ cách chính tác giả sử dụng và đầu tư tiền, điều mà có thể giúp người đọc hình dung ra cách nhìn nhận về tiền bạc của ông được ảnh hưởng bởi ai hay hoàn cảnh như thế nào cũng như lý do cho sự lựa chọn của tác giả là gì hay sự nhìn nhận của chính ông về cách thức của mình từ cả phương diện tài chính lẫn cảm xúc.
Trong hai cuốn sách cuối, tôi xin giới thiệu hai cuốn sách mà tôi nghĩ có thể giúp bạn suy nghĩ tích cực hơn, một bằng cách hiểu thêm về thế giới và một bằng cách làm dịu tâm trí của chính mình.

Sự Thật Về Thế Giới : Mười Lý Do Khiến Ta Hiểu Sai Về Thế Giới – Và Vì Sao Thế Gian Này Tốt Hơn Ta Tưởng – Hans Rosling, Ola Rosling, Anna Rosling Rönnlund

Cuốn sách này bản tiếng Anh có cái tên đơn giản là ‘Factfulness’ nhưng bản tiếng Việt thì vâng, cái tên đã nói lên tất cả :) Cuốn sách nói về số liệu của thế giới này thực sự hấp dẫn hơn rất nhiều so với tưởng tượng. Cuốn sách tập trung vào việc đưa ra các số liệu chính xác để phủ định những niềm tin sai lầm của chúng ta về thế giới, những sai lầm được hình thành từ truyền thông, giáo dục, những định kiến lâu đời khiến chúng ta đang hiểu sai về thế giới nên cái nhìn của chúng ta vì thế bị bóp méo và bị chi phối bởi những nỗi sợ không thực tế. Dĩ nhiên, ai cũng có thể sai lầm vào lúc nào đó về một điều gì đó và bởi vì thế giới tốt hơn so với những gì chúng ta nghĩ không có nghĩa là thế giới không còn những vấn đề và cũng không có nghĩa là chúng ta lảng tránh khi thấy một vấn đề nảy sinh. Tuy nhiên khi bạn biết về những gì đang thực sự xảy ra với thế giới dựa vào chính những số liệu thống kê cơ bản bạn sẽ biết khi nào thì một thông tin thật sự đáng sợ và bạn nên lo lắng và khi nào thì đó chỉ là một thông tin gây nhiễu và không đáng đề đầu tư thời gian, công sức cho nó, cũng như việc có lẽ bạn nên đặt câu hỏi về tính nghiêm trọng của một sự việc khi đọc một tin tức tiêu cực, bằng cách so sánh, đối chiều, đặt câu hỏi trước khi để nỗi sợ trào dâng và để nó chi phối mình.
Nỗi sợ hãi là một trong những tình cảm cơ bản của con người và thực sự trong rất nhiều trường hợp nỗi sợ hãi cứu sống chúng ta,nó khiến ta cảnh giác với những nguy cơ và suy xét hơn khi hành động. Mặc dù vậy, truyền thông và báo chí trong thời đại ngày nay đang kiếm sống bằng việc khai thác dựa vào sự chú ý và nỗi sợ hãi của con người và vì thế khiến chúng ta dù trực tiếp hay gián tiếp bị sợ hãi bởi những thứ có xác suất rất thấp trong khi lại mất tập trung vào những thứ có nguy cơ cao hơn rất nhiều và đáng để sợ hơn rất nhiều. Và vâng, dù vẫn còn rất nhiều vấn đề, thế giới này đang trở nên tốt đẹp hơn nhiều so với quá khứ và có lẽ sẽ tiếp tục tốt đẹp hơn trong tương lai nếu bạn chịu khó nhìn vào những số liệu từ quá khứ đến hiện tại thay vì để những niềm tin cố hữu điều hướng.

3 phút thiền – Christophe Andre

Cuối cùng, nếu bạn không quan tâm gì đến mấy số liệu thống kê hay là những phân tích tâm lý nhưng vẫn muốn tâm trí nhẹ nhàng hơn và tránh những suy nghĩ tiêu cực không đáng có ? Thiền có lẽ là một lựa chọn không tồi. Mặc dù vậy, thiền không phải việc đơn giản, việc cố ý để bản thân rơi vào trạng thái không suy nghĩ gì thật sự là không dễ dàng vì tâm trí bạn luôn có xu hướng suy nghĩ về một vấn đề gì đó cho dù bạn có muốn hay không. Để bắt đầu thì tôi xin giới thiệu cuốn ‘ 3 phút thiền’ vì nó nhẹ nhàng và dễ áp dụng. Bản thân tôi cũng không phải người có khả năng thiền tự nhiên và cũng không theo hệ tâm linh nhưng tôi muốn tìm hiểu về nó vì những lợi ích về thiền mà tôi đọc được khiến tôi tò mò và muốn áp dụng. Cuốn sách mang tính thực tiễn cao và bản thân tác giả vừa là một bác sỹ cũng là một người thực hành thiền định để vượt qua những chấn thương tâm lý từ sự mất mát nên cách viết rất khoa học nhưng cũng rất nhẹ nhàng và mang tính an ủi.
Cuốn sách chia làm 40 bài học nhỏ về một đề tài nào đó, như một người hướng dẫn chậm rãi bạn trong hành trình đến với thiền. Thay vì hoàn toàn để bản thân không suy nghĩ gì, bạn hãy hướng suy nghĩ của bản thân về 1 điều gì đó và chính qua sự điều hướng đó tâm trí của bạn sẽ tìm được sự giải phóng. Chẳng hạn như thay vì bạn nhắm mắt lại và không suy nghĩ gì thì bạn hãy nhắm mắt lại và tập trung lắng nghe tất cả những âm thanh dù là nhỏ bé xung quanh bạn hay cảm nhận tất cả những xung động mà mỗi một phần cơ thể đang truyền đến và ‘nói’ với bạn. Khi đọc cuốn này, mỗi ngày tôi sẽ đọc một topic rồi sau đó bấm đồng hồ 3 phút để tập hít thở và làm theo topic ấy, tôi thấy hiệu quả và biến thiền từ một cái gì khó nhằn thành một thứ hoàn toàn có thể làm được.
----------------
Cuối cùng, chúc bạn một năm mới với nhiều dự định được thực hiện, trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình hoặc đơn giản, chỉ là tận hưởng mỗi ngày mà bạn sống. 
Chúc mừng năm mới!