“Gatsby chỉ là đại gia, người tạo ra Gatsby mới thực sự vĩ đại"?
Gatsby vĩ đại hay chỉ là đại gia?
Tiếp nối loạt series về tiểu thuyết gia đại tài F. Scott Fitzgerald, hôm nay chúng ta sẽ cùng phân tích tác phẩm được biết tới nhiều nhất – và chắc chắn là thành công nhất trong sự nghiệp nhà văn này, đó là Đại gia Gatsby. Không dài dòng nữa, bắt đầu thôi!
“Thời đại Jazz” của Fitzgerald
Đại gia Gatsby lấy bối cảnh New York năm 1922, thời điểm chiến tranh thế giới thứ nhất vừa qua. Lưu giữ trong lòng tình yêu đầy sự ngưỡng mộ với cô tiểu thư đài các Daisy, James Gatz, chàng trai nghèo tay trắng đã dùng nhiều thủ đoạn để có được một gia tài lớn nhằm chinh phục người đẹp sau thời gian dài xa cách. Sau khi trở nên giàu có, James đổi tên là Jay Gatsby, chuyển tới sống ở Long Island, mảnh đất của giới siêu giàu New York và đây cũng là lúc câu chuyện bắt đầu.
Giai đoạn 1920 – 1930 là thời kỳ được gọi tên “Roaring Twenties”, khi mà nền kinh tế của Mỹ đang phục hồi sau Thế chiến và phát triển cực đại. Kéo theo đó là sự giàu sang tới chóng mặt của tầng lớp thượng lưu, đà tăng trưởng cứ lên mãi, lên mãi rồi tan vỡ vào cuộc Đại suy thoái năm 1929.
Fitzgerald đã tái hiện thành công trước mặt người đọc về sự xa hoa, phù phiếm của thời đại này, sự ra đời của jazz, các biến chuyển trong phong trào nữ quyền, kinh tế hưng thịnh và cả những thành phố công nghiệp mịt mù khói bụi.
Thập kỷ 1920 – 1930 thường được gọi dưới cái tên Thời đại Jazz (Jazz Age, do chính Fitzgerald đặt ra), khoảng thời gian mà các nhạc sĩ như Jelly Roll Morton, Count Basie và Louis Armstrong bắt đầu phổ cập nhạc Jazz tới đông đảo quần chúng khán giả. Các nhạc sĩ Jazz thường là người da màu, và giai đoạn này nước Mỹ tồn tại những luật lệ hà khắc buộc họ phải sống và làm việc tách biệt hoàn toàn với người da trắng.
Nói tới đây, Đại gia Gatsby đã phản ánh chân thực vấn đề nhức nhối lúc bấy giờ – nạn phân biệt chủng tộc. Fitzgerald khéo léo cài cắm ẩn ý trong các chi tiết của tiểu thuyết, tiêu biểu là trong đoạn nhân vật Tom Buchanan tự đắc về cuốn sách The Rise of the Coloured mà anh ta vừa đọc:
"À, vì đó là một cuốn sách hay, mọi người ai cũng phải đọc. Ý tưởng của nó là nếu chúng ta không cẩn thận thì giống người da trắng sẽ bị… sẽ bị áp đảo hoàn toàn… Tất cả chỉ là chuyện chúng ta, nòi giống thống trị, phải biết canh chừng, không thì mọi thứ sẽ rơi vào tay các nòi giống khác hết."
Thập kỷ này chứng kiến một vài thay đổi tích cực trong các điều luật, tiêu biểu nhất là bản sửa đổi thứ 19 đã cho phép phụ nữ có quyền bầu cử. Các bà nội trợ bắt đầu ra ngoài tìm kiếm công việc – xu hướng mà sau này sẽ còn mạnh mẽ hơn trong Thế chiến II bởi hầu hết đàn ông đều rời nhà xưởng ra tiền tuyến.
Một vấn đề nữa mà Fitzgerald đã đề cập tới trong Đại gia Gatsby là nạn phân biệt giới tính, thể hiện rõ nét qua cách mà Daisy Buchanan tỏ rõ sự thất vọng khi biết đứa con vừa mới chào đời của mình là một bé gái. Daisy hy vọng rằng “nó sẽ ngu ngốc – cứ như vậy là tốt nhất đối với một đứa con gái trên đời này, một con ngốc xinh đẹp”.
Nữ golf thủ chuyên nghiệp Jordan Baker trong tiểu thuyết được miêu tả như một người phụ nữ độc lập, tự do, thậm chí nhiều người còn cho rằng cô là “Daisy phiên bản độc thân”. Tuy vậy, cô cũng nhận không ít lời châm chọc và thái độ không mấy tích cực từ các đồng nghiệp nam về sự cứng rắn vốn “khác lạ” với phần đông phụ nữ thời ấy.
Vấn nạn này vẫn tiếp tục hoành hành ở Mỹ suốt thời gian sau đó khi các nhà văn khác cũng tái hiện y hệt, tiêu biểu là đoạn thoại của nhân vật Scarlett O’Hara trong tác phẩm kinh điển Cuốn theo chiều gió. Trong tiểu thuyết, Scarlett có nói:
"Thực tế, những bà mẹ đều nhồi nhét vào đầu con gái mình sự cần thiết phải tỏ ra là những sinh vật yếu đuối, ngơ ngác như con nai nhỏ, cần có chỗ bấu víu nương tựa."
Chỗ nương tựa ở đây chính là đàn ông, và phụ nữ luôn phải tỏ ra mình là một con búp bê bé nhỏ, mỏng manh thì mới mong kiếm được một tấm chồng.
Quay lại với Đại gia Gatsby, chúng ta còn một nhân vật nữ khác cần bàn luận là tình nhân của Tom – bà Myrtle Wilson. Myrtle là người phụ nữ trung niên, thuộc tầng lớp lao động nhưng cũng rất xa hoa phù phiếm. Vì vậy, bà ta phụ thuộc tài chính hẳn vào chồng mình và tình nhân.
Trong tiểu thuyết, Fitzgerald đã diễn tả chân dung ba người phụ nữ với cái vẻ “ngơ ngác” theo những cách khác nhau, đều ám ảnh vì tiền bạc và sự giàu sang nhưng ông đã không cài cắm các chi tiết cho thấy sự tiến triển của nữ quyền giai đoạn đó trong ba nhân vật này.
Ngoài ra thì giai đoạn này cũng là lúc Mỹ ban hành đạo luật cấm rượu, tuy nhiên không ít tên tội phạm đã ăn nên làm gia nhờ khai thác rượu lậu trái phép. Ông trùm Al Capone, xuất thân nghèo khó sau đó trở nên vô cùng giàu có nhờ các hoạt động phi pháp cũng được coi là cảm hứng cho nhân vật chính Gatsby của chúng ta.
Gatsby có thể được xem là hình mẫu mà Fitzgerald đặt ra để cổ vũ, động viên tinh thần những người thuộc tầng lớp dưới như anh trong xã hội Mỹ bấy giờ. Thành công của Gatsby cho thấy một người với xuất thân khiêm tốn hoàn toàn có quyền và khả năng chạm tới sự giàu sang.
Tuy vậy, ý tưởng này khá mâu thuẫn nếu xét về kết cục của Gatsby và hai nhân vật khác cùng tầng lớp lao động trong tiểu thuyết – vợ chồng Wilson.
Daisy và Tom, thuộc tầng lớp tinh hoa, luôn tạo ra mọi rắc rối và để lại cho người khác dọn dẹp, họ chỉ việc rời đi với đồng tiền của mình. Chỉ có Gatsby, Myrtle và George Wilson – vốn không được xã hội thừa nhận – phải chịu đựng số phận nghiệt ngã và chịu trận cho cái đống hổ lốn sót lại.
Trong tiểu thuyết, Fitzgerald đã để Nick Carraway làm công việc buôn bán trái phiếu, ngụ ý nói đến sự đi lên của thị trường đầu tư, mà tiêu biểu là phố Wall đương thời.
Tuy nhiên, Tom, Daisy, Jordan và có lẽ chính cả Fitzgerald, khi ông viết tiểu thuyết này năm 1925 cũng không thể ngờ rằng chỉ 4 năm sau, cái thời đại hoàng kim mà họ đang đắm chìm trong đó sẽ đi tới một kết cục thảm khốc.
“Thời đại Jazz” mở đầu “sặc mùi tiền” và cũng kéo phăng hết mọi của cải, vật chất, mở đường cho cuộc Đại suy thoái toàn cầu.
Một góc nhìn chân thực hơn về Gatsby và Daisy
Ở phần này, mình sẽ đi sâu vào khai thác từng khía cạnh của Gatsby và Daisy để giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về hai nhân vật này và tầm ảnh hưởng của họ lên tổng thể câu chuyện. Chúng ta sẽ bắt đầu với nhân vật chính trước – đại gia Jay Gatsby.
Jay Gatsby
Đại gia Gatsby là câu chuyện tình yêu về một chàng trai xuất thân nghèo khó, đánh mất tình yêu của đời mình vào năm tháng đôi mươi và sau đó, bằng nỗ lực phi thường đạt tới đỉnh cao rồi quay lại nhằm giành lấy thứ đã từng thuộc về mình.
Nếu bạn nghĩ Đại gia Gatsby là một câu chuyện như vậy, thì không sai, nhưng đó mới chỉ là phần nổi. Gatsby còn nhiều điều để ta bàn luận hơn là một chàng trai trẻ với mơ tưởng hão huyền như vậy.
Đối với mình, Đại gia Gatsby là câu chuyện về nỗi vô vọng trong việc cố gắng thay đổi quá khứ và có lẽ, là cả thay đổi tương lai của một người.
Ban đầu, bao quanh Gatsby luôn là một tấm màn bí ẩn, hầu hết hiểu biết của ta về Gatsby đều qua lời giới thiệu của Nick – đại khái là rất giàu, sở hữu một cơ ngơi đồ sộ và chi hàng núi tiền cho các bữa tiệc xa hoa. Song hành cùng Nick, người đọc cuối cùng cũng hiểu ra mục đích tối thượng của đại gia này: Daisy, tình yêu mà anh ta đã đánh mất, tình cờ lại là cô em họ của Nick.
Vậy thì ai là phản diện trong câu chuyện tình yêu này? Tom – chồng của Daisy? Không hẳn, phản diện là những gì mà Fitzgerald đã thêu dệt lên như những “chướng ngại vật” vô hình trong hành trình tìm lại Daisy của Gatsby, những thứ đó bao gồm cách biệt giai cấp, định kiến xã hội, và những cố gắng che đậy xuất thân nghèo hèn của anh.
Thế nhưng, có lẽ thứ quyền năng nhất mà cuối cùng Gatsby cũng không vượt qua được, thứ đã ngăn cản anh chạm tới giấc mơ đời mình, là thời gian – bởi ta không thể lấy lại những gì đã mất.
Thông qua Nick và Baker, Gatsby đã gần như đạt được điều mình mong muốn. Anh và Daisy rơi vào tình yêu một lần nữa, nhưng có vẻ quá đắm chìm trong giấc mơ đó, anh không thấy “ngờ ngợ” như độc giả chúng ta.
Có thể, thứ Gatsby yêu là phiên bản Daisy đã được lý tượng hóa mà anh luôn tôn thờ. Bởi lẽ, Daisy trong lòng Gatsby khác xa với những gì chúng ta biết về cô nàng này, dường như anh ấy đã nâng Daisy lên một tầm cao mới – một khát vọng về cuộc sống trong mơ mà anh vẫn luôn tôn thờ, đó là lớp rào giai cấp sẽ không thể ngăn cản anh tới với người mình yêu nữa, bởi giờ đây anh đã giàu có và có thể cho Daisy cuộc sống nhung lụa mà cô mong ước.
Gatsby dường như “mất trí” trong hành trình “thay đổi quá khứ” của mình. Trong tiểu thuyết có một đoạn đối thoại nổi tiếng giữa Nick với Gatsby, khi Nick nói:
“Anh không thể lặp lại dĩ vãng.” Gatsby trả lời: "Không thể lặp lại dĩ vãng?" - Anh kêu lên đầy vẻ hoài nghi. "Sao, dĩ nhiên ta có thể!".
Dĩ vãng Gatsby chắc chắn có những phần mà anh muốn chối bỏ: quá khứ nghèo hèn cơ cực, con trai của một gia đình nông dân ít học nhưng quan trọng nhất, nó có phần mà anh khao khát: tình yêu với Daisy khi cô chưa lấy chồng.
Người đọc sau đó biết được, Jay Gatsby tên thật là James Gatz, sinh ra trong một gia đình có bố mẹ là “nông dân nghèo cả đời chẳng đi đâu”. Chúng ta cũng được hé lộ về “bí mật” ẩn giấu đằng sau cơ ngơi đồ sộ đó đến từ việc khai thác rượu lậu trái phép. Khi khám phá ra sự thật này, mình bỗng nhớ đến lời tựa của Mario Puzo trong tiểu thuyết Bố già, vốn là câu gốc của Balzac:
"Đằng sau mọi gia sản kếch xù là tội ác."
Gatsby lấy cái phần “khao khát” đó làm kim chỉ nam trong hành trình thay đổi cái phần “chối bỏ”, anh thay tên đổi phận, gắng gượng làm giàu dù là phi pháp, tổ chức các buổi tiệc xa hoa phù phiếm cho “những con bướm đêm” cũng chỉ mong Daisy ghé thăm. Nhưng tuyệt nhiên, cô không tới dù chỉ một lần.
Ngay cả khi Gatsby hiểu rõ bản chất Daisy là một cô gái thực dụng và hời hợt, anh vẫn sống chết theo đuổi giấc mơ đời mình. Lúc này, ta không biết anh ta đáng nể hay đáng thương nữa, bởi ngay khoảnh khắc Daisy tỏ rõ sự ngập ngừng khi được yêu cầu lựa chọn giữa Tom và Gatsby, cô đã không chọn nổi.
Rõ ràng, tình cảm giữa Daisy và Tom vốn đã nguội lạnh, nhưng anh ta có thứ mà cô yêu: tiền bạc, danh tiếng và quyền lực cùng một cuộc sống xa hoa vô lo vô nghĩ. Gatsby cũng có những điều đó, nhưng có thể những lời lăng mạ phán xét gia thế trước đó của Tom về quá khứ cơ cực, nguồn gốc “tiền bẩn” ẩn đằng sau gia sản kếch xù kia đã làm cô lưỡng lự.
Đỉnh điểm của câu chuyện xảy ra trên đường từ New York về, Daisy và Gatsby đi chung trên con xe Roll-Royce màu vàng của anh. Myrtle vì nhầm tưởng xe Gatsby là của Tom nên đã chạy ra giữa đường và không may bị tông chết.
Mặc dù Daisy là người cầm lái, vấn đề được giải quyết nhanh gọn khi Gatsby đã nhận hết tội lỗi về phần mình để bảo vệ cô. Chồng của Myrtle – đầy phẫn uất căm hờn, tìm tới dinh thự của Gatsby cho một màn trả thù.
Cuối cùng, lời đề nghị của Gatsby với Daisy về một cuộc sống chỉ có hai người bị khước từ, khép lại bằng cái chết tức tưởi và đám tang vắng vẻ lạnh ngắt. Tom và Daisy vẫn như vậy, họ để lại mớ hỗn độn đó cho người khác gánh chịu và cùng nhau “cao chạy xa bay” tới những chân trời mới.
Daisy Buchanan
Daisy có lẽ là nhân vật khó nắm bắt nhất và cũng gây thất vọng nhiều nhất trong cả tiểu thuyết này. Mặc dù Fitzgerald đã dày công miêu tả cô thật bóng bẩy, kiêu sa và “sặc mùi tiền” khiến người đọc cảm thấy cô xứng với tình yêu của Gatsby, tới cuối thì cô vẫn lộ ra bản chất thật sự.
Khoảnh khắc mà Daisy “hiện nguyên hình” đồng thời chấm dứt những hy vọng le lói của người đọc về một cuộc tái hợp viên mãn, và cũng chấm dứt luôn cả giấc mơ đời Gatsby.
Mặc dù xinh đẹp kiều diễm, Daisy thực chất là một con người ích kỷ, nông cạn, phù phiếm và thực dụng – chắc chắn rồi. Chính sự ấm áp qua từng cử chỉ, lời nói của cô càng khiến cô trở nên thật giả tạo và thật vô tâm khi đã bỏ mặc Gatsby sau vụ tai nạn ấy.
Cuối cùng thì chính Fitzgerald – người đã tạo ra Daisy cũng không thể ngăn cản cô trở về với thứ cô vốn là – thứ trái ngược hoàn toàn với những lý tưởng về cô mà Gatsby vẫn tôn thờ.
Daisy dường như có vẻ rất hạnh phúc trong cuộc đoàn tụ với Gatsby, tuy vậy đó chỉ là mặt tiền. Thứ Daisy yêu không phải Gatsby, cũng chẳng phải Tom, mặc dù cô đã từng yêu họ, nhưng thứ cô yêu nhất là vật chất. Cô thừa biết Tom có tình nhân bên ngoài, nhưng cô đâu có bỏ anh ta.
Tiếp tới phân đoạn ở nhà Gatsby, khi Daisy “thổn thức, giọng ngàn ngạt giữa những nếp vải dày”, thực chất những nhung lụa đó tượng trưng cho cuộc sống giàu sang mà cô mong ước. Cô ấy không khóc vì được đoàn tụ với Gatsby, cô ấy khóc vì những xa hoa phù phiếm mà anh có thể đem lại.
Trong phân đoạn xảy ra cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Tom và Gatsby gần cuối, Tom đã vạch trần Gatsby trước mặt Daisy – anh là người có xuất thân hèn kém, gia sản kia cũng chỉ từ “tiền bẩn” mà ra, hoàn toàn không thể sánh với Tom – vốn giàu có bao đời nay nhờ tiền thừa kế.
Tom nói ra điều này vì biết rằng, ngay sau khi Daisy nhận ra Gatsby không hề chung đẳng cấp xã hội với họ, cô sẽ quay về với anh để được bảo vệ bởi tiền bạc và quyền lực – thứ Tom mặc định là sẵn có. Cuối cùng thì Tom đã đúng.
Mặc dù bản chất của Daisy càng được bộc lộ rõ hơn qua từng phân đoạn, hành động cuối cùng của cô là đòn “chốt” giúp khẳng định con người thực sự của cô nàng. Khi Daisy tông chết Myrtle Wilson và rời khỏi hiện trường, dường như cô không hề có chút ý thức nào về việc mình vừa gây ra.
Có thể tất cả những tà váy trắng được xem là tinh khiết kia lại tượng trưng cho những lỗ hổng trong nhận thức của người phụ nữ này, mà cô vốn “ngơ ngác” sẵn rồi. Với Daisy, Myrtle không đáng để cô bận tâm. Bà ta đâu phải người thuộc tầng lớp tinh hoa như cô, vậy thì cái chết của bà có ảnh hưởng gì?
Dù Gatsby sau đó đã nhận phần tội về mình, cô ta thậm chí còn tặng anh một cú đòn chí mạng hơn, cô cự tuyệt Gatsby cho tới lúc anh chết. Sau khi giết Myrtle, Daisy trở về nhà, hàn gắn với Tom và họ chuyển tới một thành phố khác – nơi mà họ sẽ vẫn như vậy và đáng buồn thay, cuộc sống vẫn tiếp diễn.
Daisy đối với Gatsby có thể là một nàng thiên thần, nhưng đối với nhiều người chúng ta, cô ta không hơn gì một con người tàn nhẫn và vô tâm.
Gatsby vĩ đại hay chỉ là đại gia?
Trong bài phỏng vấn dịch giả Trịnh Lữ của Vietcetera, ông có đề cập tới tranh cãi về hai nhan đề Đại gia Gatsby và Gatsby vĩ đại. Nhan đề gốc của tiểu thuyết do Fitzgerald đặt là The Great Gatsby, nhưng khi về tới Việt Nam, chữ “great” sao lại hóa thành “đại gia”?
Giải thích cho điều này, Trịnh Lữ có nói trong những bản đầu tiên, Fitzgerald sử dụng những từ ngữ Latin để nói về Gatsby, chỉ những người làm giàu nhanh chóng nhưng hiểu biết ít, tuy vậy lại rất thích phô trương. Ông cho rằng một nhân vật như vậy không hẳn là vĩ đại, vậy nên sẽ sát hơn nếu dịch là Đại gia Gatsby.
Đứng trên quan điểm một độc giả, mình thích nhan đề Gatsby vĩ đại hơn, nhưng Trịnh Lữ nói cũng có ý đúng. Gatsby vốn không phải người có vốn học thức uyên thâm, anh làm giàu nhanh chóng bằng hoạt động phi pháp.
Tuy nhiên, việc tổ chức tiệc tùng để phô trương thì mình không chắc, bởi cá nhân mình nghĩ nếu có phô trương thì anh ta cũng chỉ muốn sự chú ý của Daisy.
Cũng có luận điểm cho rằng Gatsby tổ chức tiệc như một cách để mọi tầng lớp đều có thể tham gia – điều vốn rất hiếm hoi trong xã hội Mỹ phân biệt giai cấp gay gắt bấy giờ, lý do mà anh thường không phát thiệp mời cho các bữa tiệc.
Sẽ có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này, và đó là ý kiến từ phía mình. Tuy nhiên thì mình đồng tình với câu nói nổi tiếng của Trịnh Lữ là: “Gatsby chỉ là đại gia, người tạo ra Gatsby mới thực sự vĩ đại”. Thật hiếm thấy ai mới 20, 30 tuổi đầu mà có thể viết lên những câu chữ đan xen nhiều tầng ý nghĩa và đáng luận bàn tới vậy.
Mình để link bài phỏng vấn tại đây cho mọi người tiện xem, chú ý từ phút số 8 trở đi nha:
Tổng kết
Sự vĩ đại của nhân vật Gatsby có thể nhìn nhận theo nhiều khía cạnh khác nhau. Gatsby vĩ đại không vì mục tiêu Daisy của mình, thậm chí cái mục tiêu ấy còn quá tầm thường và thực dụng.
Anh vĩ đại vì tầm cỡ giấc mơ của mình, vì sức mạnh niềm tin của mình, vì sự giàu có của mình và sự hy sinh cao cả đến không thể hiểu được cho niềm tin ấy.
Càng đọc, mình càng thấy Gatsby đáng thương, đồng thời cũng rất đáng tôn trọng. Chính Nick Carraway, vốn nói Gatsby là “người đại diện cho những gì mà tôi hết lòng khinh miệt”, sau cùng vẫn nhìn nhận Gatsby bằng sự ngưỡng mộ:
“Bọn họ chỉ là một đám thối tha,” tôi quát vọng lại qua vườn cỏ. “Cả lũ khốn đó gộp lại cũng không xứng đáng với ông đâu.”
Cũng thật buồn khi mà Nick – vốn tự nhận là người trung thực, đã không thể tiết lộ chân tướng sự việc đằng sau vụ tai nạn ấy, và cái tên Gatsby, cùng giấc mơ Mỹ theo anh mà nằm vẹn nguyên trong cỗ quan tài lạnh lẽo…
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất