You don’t know what you don’t know! 
Ý là vậy đó. Ý là mình hổng biết thứ mình hổng biết. Mọi thứ trên đời này đều có muôn hình vạn trạng, còn mình thì như hạt cát trên sa mạc. Thật ra mình chỉ tình cờ biết đến câu này qua một số Podcast Have a sip của host Thu Minh và khách mời là chị Thái Vân Linh, điều làm mình thật sự bất ngờ là năng lượng của chị Linh, sự khiêm nhường và tinh thần cởi mở của chị, và nói một cách chủ quan rằng thành công đến với chị như một lẽ tất nhiên! Vậy thì bài này mình sẽ nói gì :), đó là tư duy đóng và tư duy mở dưới góc nhìn của mình về thực trạng xã hội ngày nay. 
Tư duy đóng
Tư duy đóng với mình là lối tư duy lối mòn, cũ rích, lúc nào cũng nghĩ là mình đã biết, nhưng thực chất không biết gì. Vì lối tư duy đó mà những người này thường không chịu lắng nghe, có xu hướng bảo thủ chỉ cho mình là đúng, luôn bác bỏ ý kiến của người khác. Những người này cũng thường nhầm lẫn giữa có chính kiến và bảo thủ.
Tư duy mở
Còn tư duy mở là lối tư duy cầu tiến, khiêm nhường, luôn lắng nghe mọi thứ với góc nhìn của người chưa biết gì cả. Những kiến thức, kinh nghiệm mà con người chúng ta có đều từ những lần học hỏi, trải nghiệm của ta trước đó bồi đắp lên, nên đôi khi để lắng nghe, tiếp thu cái mới, cái tiến bộ hơn cũng rất khó. Chính vì vậy, bạn chỉ có thể thấy lối tư duy mở ở những người ham học hỏi, luôn khiêm nhường. 
Đúng/Sai hay Trắng/Đen
Không có ranh giới giữa đúng và sai, cũng như không có ranh giới giữa trắng và đen. Đó là điều mà chúng ta phải thừa nhận. Có phải lúc ta còn bé ba mẹ luôn bắt ta phải làm việc đúng mà không làm việc sai? Có phải lúc ta xem phim cũng muốn mọi việc trắng phải theo trắng, đen phải theo đen? Nhưng liệu có phải mọi thứ đều rạch ròi như thế. Một trong những điều ở tư duy mở đó là không thích phân bua, có những việc không có đúng hay sai, cũng không có trắng hay đen, nó chỉ có phù hợp nhất và không phù hợp nhất. Do đó, chỉ khi đặt vấn đề ở nhiều góc nhìn khác nhau, ta mới biết được điều gì phù hợp nhất và điều gì không phù hợp nhất mà thôi.
Văn hóa mạng hiện nay 
Cùng với cái nhanh của thời đại, cũng như xu hướng tiếp cận lượng thông tin ngắn đã khiến người ta lúc nào cũng nghĩ mình biết rồi, đôi lúc đi vào sâu bản chất lại chả biết gì. Mà cụ thể nhất là văn hóa mạng xã hội gần đây. Mọi người dường như đều đang trở thành chuyên gia trên mạng xã hội. Kể cũng lạ, đời có nhiêu trải nghiệm họ mang ra rèn vũ khí hết. Người ta chưa kịp mở mồm đã đấm ngay vào mõm. Chưa hiểu đầu cua tai nheo đã hớt nọ xọ kia. Phần thì bài đăng toàn giật tít, cắt xén câu này, ghép câu kia, miễn sao mà nhiều views, viral là được, phần còn lại là người nghe cũng chả thèm quan tâm tin đúng hay sai, hùa theo số đông, rồi phán, bình luận như đúng rồi! 
Tôn sư trọng đạo - Kính trên nhường dưới 
Mình cũng chả phải một người cuồng Tây hay sính ngoại gì, nhưng một trong những điều mà mình ngưỡng mộ và thấy đáng học hỏi đó là cái cách người lớn lắng nghe trẻ con, điều mà mình thấy còn hạn chế ở Việt Nam. Mình vẫn luôn ghi nhớ “Tôn sư trọng đạo” hay “Kính trên nhường dưới” và mình tin rằng mình vẫn luôn như thế, nhưng càng lớn mình càng nhận ra rằng cái lối văn hóa này chỉ có một chiều, trẻ nhỏ phải lắng nghe người lớn. Văn hóa Á Đông chả bảo rằng người lớn cũng nên lắng nghe trẻ nhỏ!!! Thử nghĩ xem, nếu một thế hệ tương lai không được lắng nghe cũng dần theo cái lối mòn “bảo thủ, dẫn đến những thế hệ tiếp theo cũng như thế, còn điều gì tệ hơn!
Brainstorm/Think from zero
Dạo này mình học được một điều rất thú vị, để phát triển hay cũng như để sáng tạo hơn, ta phải brainstorm hay think from zero, tức là xem như ta chưa biết gì, và lắng nghe. Cứ ngồi. Cứ lắng nghe. Nghe thật sự. Nghe chủ động. Nghe chăm chú. Nghe với tâm không phân biệt. Và mình thấy mọi thứ dưới nhiều góc nhìn khác nhau, thế mới thấy cái mindset nó quan trọng từng nào. Chỉ có cởi mở với bản thân, với những điều cho là mình đã biết, lắng nghe mọi thứ dưới góc nhìn chưa biết gì cả, mình mới thấy à thì ra mình chả biết gì cả :). 
Tóm lại, you don’t know what you don’t know. Ta chẳng thể nào biết những thứ ta còn chưa biết. Mà nhóm chưa biết này nó đông như quân Nguyên á. Cho nên, từ từ thôi. Bớt bớt lại. Lắng nghe nhiều hơn một chút. Nhiều người lắng nghe cứ sợ thừa thì phải, biết rồi thì nghe lại đã có làm sao, mà cũng chắc gì mình đã biết đúng, đã thật sự hiểu đúng.