Tôi từng là Giám đốc Quan hệ quốc tế của Google. Đây là lý do khiến tôi rời bỏ công ty
Trước đây, khẩu hiệu của công ty là “Don’t be evil” (Đừng làm điều ác). Mọi chuyện giờ đã thay đổi rồi. Ross LaJeunesse, ứng cử...
Trước đây, khẩu hiệu của công ty là “Don’t be evil” (Đừng làm điều ác). Mọi chuyện giờ đã thay đổi rồi.
Khi tôi rời văn phòng mình vào ngày cuối cùng với tư cách là Giám đốc Quan hệ quốc tế của Google, tôi chẳng thể ngừng nghĩ về cái hôm đầu tiên mình đến công ty. Tôi đã từ bỏ một văn phòng đẹp đẽ được ốp gỗ, một bộ vét với cà vạt cùng vị trí Phó Tham mưu chuyên trách vấn đề quan liêu tại California của Thống đốc Schwarzenegger để đổi lấy một chiếc laptop, mấy cái quần jeans và lời hứa hẹn rằng tôi sẽ làm cho thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn, bình đẳng hơn theo một câu tuyên ngôn đơn giản nhưng vô cùng mạnh mẽ, “Đừng làm điều ác”.
Tôi gia nhập Google vào năm 2008, khoảng thời gian mà những lời ấy vẫn còn rất giá trị. Tôi đã chứng kiến chiếc kim chỉ nam ấy định hướng cho các thiết kế sản phẩm đặt thành công của công ty lên trên sự riêng tư người dùng, ví dụ như trong quá trình phát triển mạng xã hội xấu số của Google, Buzz. Tôi cũng nhớ lại câu đó vào năm 2010 khi đang làm Giám đốc Chính sách công khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lúc thực thi quyết định lịch sử của công ty về việc chấm dứt kiểm duyệt những Kết quả tìm kiếm tại Trung Quốc, đồng thời đặt quyền con người lên trên hết.
Google lần đầu gia nhập thị trường Trung Quốc vào năm 2006. Vào lúc đó, các nhà sáng lập, Larry Page và Sergey Brin đã nói rằng Google sẽ chỉ ở lại nếu như công ty có thể tạo ra nhiều lợi ích hơn là thiệt hại — và rằng người dùng đang có thêm nhiều thông tin hơn bao giờ hết, dù nhiều chủ đề vẫn còn bị kiểm duyệt. Nhưng sau nhiều năm trời, danh sách những thứ mà chính phủ Trung Quốc yêu cầu chúng tôi kiểm duyệt đã tăng lên nhanh chóng. Tới khi chính phủ Trung Quốc cố gắng tấn công vào các tài khoản Gmail của những người ủng hộ nhân quyền vào năm 2009, Larry và Sergey phải suy nghĩ lại về quyết định năm 2006 hồi nào. Sau nhiều cuộc họp khá căng thẳng với các giám đốc khác, họ nhất trí rằng cách duy nhất để tiếp tục cung cấp dịch vụ tìm kiếm ở Trung Quốc nhưng vẫn có thể làm theo khẩu hiệu “Đừng làm điều ác” ấy là ngừng tuân thủ những yêu cầu về kiểm duyệt của chính phủ.
Chúng tôi biết rằng hành động này sẽ là đối đầu với chính phủ một cách công khai, dù chưa rõ chuyện sẽ tệ tới mức nào. Tại Trung Quốc, chính phủ không chỉ yêu cầu được tiếp cận đầy đủ với dữ liệu người dùng và cơ sở hạ tầng của một công ty, họ còn muốn các công ty hợp tác toàn diện để đảm bảo rằng người dùng Trung Quốc chỉ có thể thấy các nội dung tuân thủ theo tiêu chuẩn của mình mà thôi. Ví dụ, với một sản phẩm Maps, chính phủ yêu cầu rằng các ký hiệu với thông tin địa lý cần được họ phê duyệt trước đã, và bất kỳ dữ liệu nào do người dùng cung cấp đều phải được công ty kiểm soát chặt chẽ để tránh những thứ họ coi là “có vấn đề” được tung lên, và yêu sách này nhiều lúc rất khó thực hiện.
Quyết định chấm dứt hợp tác với những yêu cầu kiểm duyệt của chính phủ Trung Quốc của chúng tôi đã tạo ra ngoại lệ. Đây là lần đầu tiên một tập đoàn ngoài đại lục dám đối đầu với họ đấy. Bằng hành động đó, Google đã phải đối mặt với nguy hiểm lớn — mạo hiểm tương lai của công ty trong thị trường internet tăng trưởng nhanh chóng này, hàng tỷ đô la lợi nhuận cùng cả sự an toàn của những nhân viên công ty đang có mặt tại Trung Quốc. Đã có lúc, tôi bắt đầu lên kế hoạch sơ tán tất cả nhân viên Google tại Trung Quốc cùng gia đình của họ cơ đấy. Dù rất khó khăn song tôi tự hào về cách làm việc rất nguyên tắc mà công ty đã thực hiện khi đưa ra quyết định này.
Tuy nhiên, quyết định ấy không chỉ khiến chính phủ Trung Quốc phẫn nộ mà còn làm rất nhiều Giám đốc sản phẩm của Google thất vọng khi nhìn vào thị trường khổng lồ kia cùng lợi nhuận lớn lao của nó. Thực tế thì, trong vòng một năm kể từ quyết định năm 2010, các giám đốc liên quan đến sản phẩm Maps và Android đã bắt đầu hối thúc việc đưa các sản phẩm của họ vào Trung Quốc. Tôi kịch liệt phản đối các kế hoạch này khi biết rằng việc thay đổi trong định hướng kia sẽ khiến chúng tôi đồng lõa với các vi phạm quyền con người, đồng thời gây phẫn nộ trong cộng đồng và cả vài chính phủ phương tây đã ủng hộ chúng tôi hồi năm 2010 nữa. Tôi cũng giải thích rằng sẽ chẳng kế hoạch nào đi đến đâu đâu, bởi lẽ chính phủ Trung Quốc đã rất phẫn nộ với chúng tôi rồi, họ sẽ từ chối gặp gỡ thảo luận về những dự án đó. Trên thực tế, trong vòng hai năm sau đó, chính phủ Trung Quốc chỉ đồng ý gặp chúng tôi một lần. Những nhân viên bình thường trong Bộ Đất đai và Tài nguyên đã lịch sự lắng nghe khi chúng tôi xin phép triển khai một sản phẩm Maps. Và khi chúng tôi quả quyết rằng sản phẩm này cũng sẽ không tuân thủ theo các quy tắc kiểm duyệt, họ đã không hồi đáp lại những yêu cầu tiếp đó nữa.
Sau khoảng gần ba năm hoạt động ở châu Á, công ty bổ nhiệm tôi làm Giám đốc Quan hệ Quốc tế vào cuối năm 2012. Vị trí này chịu trách nhiệm cho quan hệ của Google với những nhà ngoại giao, xã hội và các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc cùng các vấn đề toàn cầu như thương mại, quản lý internet và tự do ngôn luận. Kinh nghiệm cùng trách nhiệm của tôi ngày một tăng, còn công ty lại tăng trưởng về quy mô và doanh thu — từ một công ty vốn đã to lớn và thành công trở thành gã khổng lồ công nghệ tiếp xúc với cuộc sống hằng ngày của hàng tỷ người trên khắp thế giới. Số lượng nhân viên cũng tăng lên nhanh chóng, công ty tuyển dụng những nhân viên cùng các giám đốc mới để phát triển những sản phẩm và theo đuổi nhiều ngành khác nhau len lỏi vào từng ngóc ngách trên toàn cầu, ví dụ như Điện toán đám mây.
Trong vai trò mới của mình, nhóm của tôi tiếp tục làm việc với các giám đốc sản phẩm, những người đã rất thất vọng khi thấy sự phát triển thần tốc của thị trường Trung Quốc và liên tục hối thúc công ty gia nhập lại thị trường này. Tôi đã ý thức được mọi chuyện khi biết vào năm 2017 công ty chuẩn bị xây dựng một phiên bản Tìm kiếm bị kiểm duyệt dành riêng cho Trung Quốc với tên mã là “Dragonfly” (chuồn chuồn). Nhưng Dragonfly chỉ là một trong số nhiều thứ khiến những người vẫn tin tưởng vào khẩu hiệu “Đừng làm điều ác” như chúng tôi phiền lòng. Tôi cũng lo rằng các giám đốc chuyên về Cloud đang chủ động theo đuổi các hợp đồng với chính phủ Ả Rập, và từ đấy tạo ra một kỷ lục ghê rợn liên quan tới các vi phạm quyền con người. Họ không hề giấu giếm chuyện muốn thuê nhóm chính sách của riêng mình, từ đó họ có thể chặn bất kỳ đánh giá nào về hợp đồng của mình do nhóm tôi đưa ra. Cuối cùng thì, vào tháng 12 năm 2017, Google thông báo về sự ra đời của Trung tâm Trí tuệ nhân tạo Google tại Bắc Kinh — tôi đã hoàn toàn ngạc nhiên, đồng thời cũng nhận thức rõ được rằng mình chẳng thể nào gây ảnh hưởng tới việc phát triển sản phẩm cũng như các hợp đồng mà công ty đang theo đuổi nữa.
Giải pháp của tôi là ủng hộ việc áp dụng Chương Trình Quyền Con Người một cách chính thức trên toàn bộ công ty, từ đó cam kết với tất cả mọi người rằng Google sẽ tuân thủ Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền do Liên Hợp Quốc đề ra, đồng thời tạo ra cơ chế đối với các sản phẩm và các nhóm kỹ sư để họ có được những đánh giá nội bộ về việc thiết kế sản phẩm, hướng tới chuẩn hóa việc sử dụng các Đánh giá tác động tới Quyền con người đối với tất cả những lần phát hành sản phẩm và gia nhập thị trường.
Nhưng cứ mỗi lần tôi nhắc tới Chương trình Quyền con người nào đó, các giám đốc cấp cao lại đưa ra một cái cớ để từ chối. Đầu tiên, họ bảo rằng tốt hơn nên kiểm soát vấn đề quyền con người trong nội bộ nhóm sản phẩm hơn là bắt đầu một chương trình riêng biệt. Nhưng những nhóm đó lại không được huấn luyện cách giải quyết các vấn đề đó trong công việc của mình. Khi tôi quay trở lại gặp các giám đốc cấp cao để thảo luận chuyện này, họ đã nói lên nỗi lo rằng trách nhiệm pháp lý của công ty sẽ ngày một tăng. Chúng tôi đưa ra những ý kiến của chuyên gia bên ngoài tái khẳng định rằng nỗi lo đó là vô căn cứ. Tới mức này rồi, đột nhiên một người đồng nghiệp lại được chỉ định để điều hành các cuộc thảo luận của nhóm chính sách về Dragonfly. Với tư cách là một người luôn luôn ủng hộ cách tiếp cận tuân thủ chặt chẽ quyền con người, tôi đã bị gạt ra ngoài lề cuộc tranh luận có nên tung ra Dragonfly hay không. Sau đó tôi nhận ra công ty chưa bao giờ có ý định đưa các quy tắc về quyền con người vào những quyết định liên quan tới sản phẩm của mình. Chính lúc Google cần phải có trách nhiệm hơn trong việc tuân thủ quyền con người, họ lại quyết định theo đuổi những món lợi nhuận to lớn và một mức giá cổ phiếu cao hơn.
Lúc ấy, văn hóa công sở cũng chẳng có gì khác biệt. Những người đồng nghiệp có kinh nghiệm lại chèn ép, la mắng những phụ nữ trẻ, khiến họ bật khóc ngay tại bàn làm việc. Tại một cuộc họp toàn thể, sếp tôi bảo, “Giờ thì mấy tay châu Á các anh cũng định nói gì cơ đấy. Tôi biết các anh không thích đặt câu hỏi đâu mà”. Ở một cuộc họp toàn thể khác, toàn bộ đội chính sách đã được đưa vào nhiều phòng và được yêu cầu tham gia vào một “hoạt động tập thể”. Họ đưa tôi vào nhóm có tên là “đồng tính” còn các thành viên kia lại phải mang những cái tên như “ẻo lả”, “lăng nhăng”. Nhưng đồng nghiệp da màu lại bị bắt tham gia vào nhóm có tên là “Người Á” và “Da nâu” trong mấy căn phòng kế bên.
Trong từng trường hợp một, tôi đều đưa vấn đề tới Ban nhân sự và các giám đốc cao cấp và họ đều bảo rằng mọi chuyện sẽ được giải quyết. Vậy mà chẳng có hành động nào được thực hiện cả — cho tới một ngày tôi vô tình có được một bản sao của email từ một giám đốc nhân sự cao cấp. Trong email đó, vị giám đốc nói với một người đồng nghiệp rằng có vẻ tôi lo lắng hơi quá mức về những vấn đề kiểu này và lệnh cho cô ấy “dò xét” tôi kỹ một chút.
Và rồi, dù nổi tiếng là một trong những quản lý xuất sắc của công ty, dù đã được đánh giá rất cao sau 11 năm làm việc với điểm số gần như tuyệt đối từ những đánh giá hoạt-động-360-độ của Google và là thành viên ưu tú của Chương trình dự bị dành cho những “tài năng quan trọng nhất” của Google, những người là “chìa khóa cho thành công hiện tại và tương lai” của công ty, họ vẫn bảo với tôi rằng sẽ chẳng còn chỗ cho tôi vì lý do “tái cơ cấu”, mặc dù còn tới 90 vị trí trong nhóm chính sách đang cần người lúc bấy giờ.
Khi tôi thuê luật sư, Google lại nhẹ nhàng bảo rằng có hiểu nhầm thôi, và tôi được đề nghị vào một vị trí bình thường để giữ im lặng. Nhưng đối với tôi, con đường đã quá rõ ràng rồi. Tôi đã đi như vậy đó. Việc đấu tranh vì phụ nữ, cộng đồng LGBTQ, vì những người đồng nghiệp da màu và quyền con người đã khiến tôi mất hết sự nghiệp của mình. Có lẽ chẳng cần thêm bằng chứng nào nữa để thấy rằng cái câu “Đừng làm điều ác” đã không còn phản ánh được giá trị thực sự của công ty nữa; giờ nó chỉ là một thứ đồ marketing cho công ty thôi.
Nhiều lần mọi người ta hỏi tôi từ lúc trở về, “Điều gì đã thay đổi vậy”?
Đầu tiên là con người. Các sáng lập viên, những người có tầm nhìn đứng sau công ty, Larry Page và Sergey Brin, đã rảnh rỗi rồi, họ nhường lại việc quản lý cho những giám đốc cấp cao mới. Công ty thuê một CEO mới để điều hành Google Cloud, cả một CFO mới đến từ Wall Street nữa, và chìa khóa chính ở đây là phải vượt mức doanh thu kỳ vọng vào mỗi quý. Mỗi năm, hàng nghìn nhân viên mới được tuyển dụng, và những ai muốn duy trì các giá trị, văn hóa gốc của công ty đều phải rất vất vả. Khi tôi mới vào, chỉ có dưới 10000 Googler mà thôi. Lúc tôi đi, con số đã là trên 100000 rồi.
Thứ hai, đó là sản phẩm. Chắc có người sẽ bảo rằng Google là một diễn viên tồi, và chẳng hề có đủ các hoạt động bảo mật minh bạch đâu. Nhưng lại có sự khác biệt rất lớn giữa chuyện chạy quảng cáo dựa trên một lần tìm kiếm Google và bàn với chính phủ Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo hay ra các ứng dụng dành cho chính quyền Ả Rập, bao gồm ứng dụng Absher cho phép đàn ông theo dõi và kiểm soát chuyển động của các thành viên nữ trong gia đình họ. Các giám đốc quyết tâm muốn chiếm được doanh thu từ điện toán đám mây của Microsoft, Oracle, và Amazon gần như không chịu dành thời gian lắng nghe khi chúng tôi tranh luận một cách có nguyên tắc trước khi họ tung ra các ứng dụng và dữ liệu của bất kỳ khách hàng nào sẵn sàng chi tiền.
Tôi cho rằng câu hỏi quan trọng ấy là điều gì khiến một trong những gã khổng lồ của nước Mỹ thay đổi nhanh chóng đến vậy. Có phải hệ quả tất yếu trong văn hóa doanh nghiệp coi trọng sự tăng trưởng cùng lợi nhuận hơn là ảnh hưởng tới xã hội và trách nhiệm hay không? Liệu có liên hệ gì với sự xuống cấp bám lấy chính phủ liên bang của ta bấy lâu nay không? Hay là một phần xu hướng của những nhà lãnh đạo “tay to” chuẩn bị nắm những quyền lực có thể gây ảnh hưởng tới toàn cầu, nơi mà câu hỏi liên quan tới “đúng” hay “sai” bị sở thích và tư lợi của cá nhân làm lu mờ? Cuối cùng thì, ảnh hưởng với tất cả chúng ta là gì khi mà cái công ty Mỹ từng-rất-vĩ-đại kia lại kiểm soát được quá nhiều dữ liệu của hàng tỷ người dùng trên khắp toàn cầu như thế?
Mặc dù rất đáng tranh luận về nguyên nhân cũng như ảnh hưởng của vấn đề này, song tôi chắc chắn rằng người ta sẽ phản ứng lại ra sao rồi. Các công ty công nghệ khổng lồ kiểu Google không nên được phép hoạt động tự do, không chịu sự kiểm soát từ chính phủ như vậy nữa. Ngay khi Quốc hội chất vấn các giám đốc Google về Dự án Dragonfly và cam kết của Google đối với tự do ngôn luận và quyền con người, họ đã làm dịu Quốc hội rằng dự án chỉ mang tính thử nghiệm và sẽ được kết thúc sau đó.
Vai trò của những công ty như vậy trong cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta, từ cách ta bầu cử cho tới việc giáo dục và giải trí cho con cái mình, là quá lớn lao để có thể phó mặc vào tay một vài vị giám đốc chỉ phải chịu trách nhiệm với những cổ đông lớn của mình. Trong trường hợp Google, Amazon, Facebook và Snap thì ấy chỉ là vài người trong nội bộ cùng các sáng lập viên của công ty mà thôi.
Hai tuần sau khi rời Google, tôi đã về nhà mình ở Maine. Ấy là nơi tôi sinh ra và lớn lên, cũng là nơi tôi học được những giá trị cơ bản như tầm quan trọng của sự chăm chỉ, dám đấu tranh vì lẽ phải và nói ra sự thật. Khi chia sẻ câu chuyện này cùng hàng xóm và gia đình mình, tôi đã hiểu được tại sao tôi lại thường mâu thuẫn với các lãnh đạo công ty khi Google dần thay đổi. Có nhiều người ở Maine này và trên khắp đất nước vẫn sống theo khẩu hiệu “Đừng làm điều ác” đấy. Chúng tôi có thể không nói ra câu đó, không có hàng tỷ đô la kinh phí marketing để thuyết phục thế giới về lòng tốt của mình đâu. Nhưng, hằng ngày chúng tôi vẫn thầm nhủ những lời ấy và hi vọng rằng chính phủ cùng các công ty trên cả nước sẽ thực hiện điều tương tự.
Tác giả: Ross LaJeunesse từ Medium
Dịch giả: Vũ Cường từ group QRVN
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất