''Giỏi thì ra mà làm'': Bạn đang chối bỏ cơ hội để mình tốt hơn
Nếu ai đó nói sa sả vào mặt bạn những điều khiến bạn khó chịu, đừng vội tức giận. Chỉ cần bạn có lý do để không tức giận, tự khắc...
Nếu ai đó nói sa sả vào mặt bạn những điều khiến bạn khó chịu, đừng vội tức giận. Chỉ cần bạn có lý do để không tức giận, tự khắc bạn sẽ có một tâm thế bình tĩnh.
Mình rất thích nấu ăn. Mọi người cũng khen mình nấu khá ngon. Đó cũng là niềm vui và động lực để mình vào bếp. Nhưng tất cả những thứ đó đều trở nên vô nghĩa mỗi lần mẹ mình về dũng bữa. Đó là lúc mình phải hứng chịu những lời chê bai, chỉ trích về cách nấu nướng. Mẹ không thích ở chỗ mỗi lần mình nấu nướng là không đậy các nắp bột canh, mì chính lại. Mẹ cũng không hài lòng về việc mình nấu xong mà còn có một vài dụng cụ bếp ngổn ngang. Biết rằng bà chỉ muốn tốt cho mình nhưng cách góp ý của bà khiến mình rất khó chịu. Bà không cần biết mình đảm đương tất cả các món vất vả thế nào. Một mình mình đảm đương các khâu nhặt rau, rửa rau, làm thịt...cho đến những khâu quyết định như nêm nếm gia vị. Nhiều khi những khâu ấy làm cho mình dễ cuống, nhất là lúc nước sôi.Bà không hiểu được điều đó. Bà chỉ cần biết khi về nhà là cơm đã được dọn ra tươm tất; bếp gọn gàng, sạch sẽ.. Trời đánh tránh miếng ăn. Khi mẹ mình càng ''già mồm'' cũng là lúc mình ''phát hỏa''.
Mình buông ra những lời lẽ khó chịu nhất từ trước đến nay. Nó đại loại như '' Giỏi thì làm đi!'' hay '' Việc gì cũng muốn nhanh'', '' Nếu là mẹ mẹ cũng thế thôi. Thậm chí còn bừa bộn hơn. Đã bao giờ mẹ nhìn lại bếp khi mẹ nấu xong chưa???!''. Người ta bảo nguyên nhân lớn nhất khiến cho một gia đình tan vỡ nằm ở thái độ. Phải chăng lúc đó mẹ cũng chỉ bảo mình với một thái độ khác thì có lẽ mình đã không hành xử như vậy.
Mình cứ nổi điên hết lần này đến lần khác không chỉ riêng những tình huống như thế này. Tính mình vốn thiếu kiên nhẫn nên mình hay ''nổ'' nhanh hơn người khác. Và rồi đến một ngày mình nhận ra: Mẹ nói vậy đã đành nhưng vấn đề chính vẫn nằm ở mục tiêu của mình. Sau khi cãi mẹ, mình bắt đầu ngồi xuống và suy xét lại. Mình nhận thức được sâu sắc hơn những điều mẹ nói là đúng. Đại ý chung mà mẹ muốn mình hiểu là: nấu ăn ngon rồi còn phải làm ăn, dọn dẹp khoa học nữa. Từ trước đến nay mình chỉ chăm chăm vào một mục tiêu duy nhất, đó là nấu ăn ngon (tức vế một). Phải công nhận rằng những chef nổi tiếng thế giới đều có cả hai thứ trên. Điển hình nhất là Gordon Ramsay. Mình cá là nếu chỉ với tài nấu ăn làm chao đảo bao nhiêu vị giác, thì chắc chắn ông đã không nổi tiếng như ngày hôm nay. Ngoài yếu tố quyết định kia, người đầu bếp chuyên nghiệp cần phải có kinh nghiệm vận hành bếp sao cho trơn tru, cách làm ăn phải khoa học thì mọi việc mới đâu ra đó. Nghĩ đến đây, mình chợt nhận ra: hóa ra mình đặt mục tiêu chưa đủ cao, nên khi người ta yêu cầu cao hơn mình đâm ra khó chịu. Và mình bắt đầu nghĩ thế này: giả như bây giờ mình tự yêu cầu bản thân phải có cả hai điều trên, cộng với tinh thần hăng say thực hiện bằng được mục tiêu của mình, thì có lẽ sẽ không ai phải nhắc mình nữa. Kết quả sẽ là mình không chỉ nấu ăn ngon mà còn biết cách vận hành bếp, biết cách sắp xếp đồ đạc trong bếp khoa học hơn. Tất cả đều tốt cho mình cả.
Vấn đề nằm ở chỗ: Bạn đặt mục tiêu chưa đủ cao thì thì cách bạn với tới nó cũng chưa đủ tốt. Bạn bảo thế này là ok rồi, thế này là quá đủ rồi thì kết quả cũng chỉ tàm tạm mà thôi. Nên người ta chưa hoàn toàn công nhận là đúng. Chỉ khác ở chỗ cách thể hiện của họ có phần thô lỗ mà thôi. Nhưng mình tin là khi các bạn hướng đến mục tiêu cao hơn. Các bạn có độ điên, độ 'tức' trong người vì chưa đạt được mục tiêu ấy thì các bạn sẽ bớt nổi nóng với những lời góp ý dù là thô lỗ hay nhẹ nhàng. Bởi lúc đó bạn nhận ra, tất cả vì cái đích của mình mà thôi. Bây giờ thử lật ngược lại, mình tin là ngay cả khi lsuc ấy mẹ có nói nhẹ nhàng với mình, mình không lớn tiếng thì cũng sẽ bĩu mỏ bĩu môi. Vì căn bản mình chẳng bao giờ đòi hỏi mình như thế nên khi người ta đòi hỏi mình, dù là với thái độ nhã ý nhất có thể mình cũng cảm thấy thừa thãi. Thậm chí mình nghĩ người ta đang dạy đời mình và đâm ra khó chịu.
Bây giờ mình nghĩ thoáng hơn trước nhiều lắm. Thậm chí mình đã làm được việc không tưởng là thoải mái ăn cơm với bố mình từ đầu đến cuối bữa. Bố mình không những không biết đặt vị trí của mình vào người khác mà còn có cách nói khiến người khác rất khó chịu. Bố hay dùng giọng giễu cợt và khiêu khích để chê bai mình. Mình cá là còn kinh khủng hơn mẹ. Một lần bố mình vẫn dùng giọng điệu, thái độ đó chê món đỗ xào của mình nhiều mỡ. Bố kêu chắc mình phải đổ cả chai dầu vào. Nhưng lần này thay vì khiêu khích mình lại nhẹ nhàng đến lạ lùng. Mình chỉ và cơm rồi nghĩ: Nhất định lần sau mình sẽ cho ít đi một chút, hơn nữa còn phải tìm ra cách căn thế nào để món xào của mình đa phần lượng mỡ vừa đủ. Tất cả không phải để chứng minh cho bố thấy mà để tay nghề của mình đi lên.
Cho nên, trước tiên chúng ta cần đặt mục tiêu, đòi hỏi bản thân cao hơn. Chí tiến thủ của bạn phải cao hơn những gì người khác yêu cầu. Sự khác biệt giữa người thành công và kẻ thất bại nằm ở chỗ đó. Thời đi học, mình phát hận những thầy cô cho điểm mình thấp một cách vô lý.Rõ ràng cũng cùng một kiểu sai nhưng nó lại được cao hơn mình. Ít nhất mình phải cao bằng nó hoặc nó thấp bằng mình. Nhưng thay vì thế, tại sao không phấn đấu để đến một ngày mình làm đúng kiểu thì tự khắc điểm sẽ cao. Đôi khi không phải quan điểm khác nhau mà là yêu cầu cao hơn. Hãy cảm ơn vì đã gặp được những người như vậy. Có thể họ tốt tính nhưng không biết cách thể hiện. Vậy mình thay đổi thái độ của mình trước dần dần thái độ của họ cũng sẽ thay đổi. Họ sẽ nhẹ nhàng với mình như mình nhẹ nhàng với họ.
Thần thái tốt tạo nên phần lớn giá trị của một người. Nhưng thần thái tốt được tạo nên từ suy nghĩ tốt.
Nghĩ khác đi thì sẽ có thái độ bình thản hơn. Đặt mục tiêu cao hơn thì sẽ có kết quả xứng đáng.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất