Xưng hô (Bài 2)
Bài viết này sẽ không có gì để tranh luận nhưng tôi vẫn xếp nó vào mục tranh luận hehe. Sau khi viết bài Xưng hô và diễn đạt trước...
Bài viết này sẽ không có gì để tranh luận nhưng tôi vẫn xếp nó vào mục tranh luận hehe.
Sau khi viết bài Xưng hô và diễn đạt trước (xem link phần 1 ở đây), đưa con bạn đọc nó bảo 'Ông viết hay quá trời'. Rồi cả 2 cũng lại tâm sự về chuyện xưng hô, cơ mà lần này là về 1 khía cạnh khác của việc dùng 'Tao - mày". Đó là giữa bố mẹ với con cái.
Nhiều bạn sẽ bảo tôi rằng, ôi dồi cái vấn đề bé bằng cái mắt muỗi này cũng đưa ra để bàn tán á? Nó không nhỏ, nó tượng trưng cho 1 sự đa dạng về ngữ nghĩa của Tiếng Việt. Tôi không biết các bạn ra sao, nhưng tôi CỰC KÌ DỊ ỨNG khi bố mẹ xưng với tôi là "mày - tao", mặc dù với bạn thân xưng hô như vậy thì lại thoải mái hơn rất nhiều. Đó, thấy chưa, tiếng Việt thật đa dạng về cách dùng phải không?
Trở lại vấn đề chính, tại sao tôi ghét bị bố mẹ xưng 'mày - tao' với mình? Vì nó đem lại 1 khoảng cách trong gia đình. Tôi thấy sẽ ấm áp và gần gũi hơn nhiều nếu bố mẹ xưng 'bố - mẹ - con' trong nhà thay vì dùng 'mày - tao'. trong trường hợp này, có lẽ 'mày - tao' không dùng cho sự thân thiết, mà nó vô tình tạo rào cản trong giao tiếp giữa bố mẹ và con. Nguyên nhân cũng là vì chúng ta ở nhà luôn quen bố mẹ gọi 'bố - mẹ - con' từ bé xíu, nên những đại từ ấy đi vào tiềm thức chúng ta, mặc nhiên trở thành các đại từ xưng hô trong gia đình. Thế nên khi nghe xưng hô nó thay đổi 1 chút, tự động chúng ta sẽ nghĩ rằng "À, biến sắp đến rồi", hay "bão sắp đổ bộ vào nhà rồi". Bố mẹ xưng 'mày - tao' với con cái, sẽ phần nào làm chúng cảm thấy khó xử và ngại ngần nói chuyện, do có suy nghĩ rằng cách tiếp cận chúng của bố mẹ đã thay đổi theo hướng tiêu cực.
Thứ nữa, việc bố mẹ sử dụng 'mày - tao' với con cái cũng giống như là một cách xưng hô thể hiện sự giận dữ và có phần tiến tới, hung hăng. Nghe thì có vẻ sai nhưng thực tế là chúng ta cũng đã nghe mấy câu này ít nhất 1 lần trong đời:
"Mày chơi xong mà không cất đồ là tao vứt hết đấy!"
"Tao vào mà thấy mày chưa ngủ thì đừng trách tao!"
"Mày không nghe là tao đuổi mày ra khỏi nhà đấy. Đừng để tao phải cáu lên!"
Nghe đúng là có sự lấn tới, hung hăng và giận dữ đúng không. Nếu cha mẹ nói những lời trên với con, hay không nói mà chỉ dùng những đại từ xưng hô khác với những đại từ gia đình mặc định trong đầu con cái, nó sẽ vô tình tạo 1 khoảng cách rất lớn giữa cha mẹ và con cái. Tôi không biết các bạn ra sao, nhưng với tôi, nó đồng nghĩa với việc tôi cảm thấy khoảng cách của tôi và bố mẹ tăng lên và cách quan tâm bố mẹ dành cho tôi khác đi, đặc biệt là khi tôi đang ở tuổi thay đổi tâm lí. Với tôi, xưng 'mày - tao' giữa bố mẹ và con không chỉ làm mối quan hệ có thêm sự cách xa, lạnh nhạt và đôi khi nó như những lời giáo huấn, lên lớp chứ không có phần cảm xúc và tình cảm.
Nguy hiểm nhất là khi giọt nước đã tràn li, đến 1 lúc nào đó đứa con cảm thấy khoảng cách giữa bố mẹ và nó đã vượt quá 1 giới hạn, nó sẽ dần tách xa gia đình, không muốn chia sẻ với bố mẹ nữa, vì "chia sẻ với ông bà già có ích gì đâu". Đến lúc đó nếu không bên nào chịu "giảng hòa", thì e là cuộc nói chuyện hàng ngày sẽ chỉ xoay quanh mấy câu hỏi có lệ và những câu trả lời ậm ừ cho qua. Kiểu như này này:
- Hôm nay con thế nào?
-Bình thường.
-Tí có đi đâu không?
-Có, với bạn.
Ai muốn 1 cuộc nói chuyện nhạt hơn nước ốc và lạnh hơn băng Nam Cực vậy chứ! Thế nên như 1 bạn nào đó đã comment vào bài trước của mình, hãy xưng hô đúng ngữ cảnh, đúng ngôi và đúng người. Cha mẹ nên tìm cách hạn chế xưng hô "mày - tao" hay dùng những cách diễn đạt đậm chất tiêu cực với con, còn nếu muốn làm bạn cùng con, hãy tìm cách tiếp cận con 1 cách gần gũi nhất, thật nhất, vì giữa 2 thế hệ, làm bạn với nhau khó hơn nhiều.
Như kết của bài 1, trời ơi sao tui thèm tiếng Việt nó có I you quá vậy trời!!!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất