Làm thầy mới hiểu lòng thầy cô

Làm giáo viên cũng nhàn, vì thấy thầy cô cứ dạy cùng một giáo trình qua khóa này sang khóa khác. Có thay đổi thì cũng chỉ một tí. Có thế thôi mà đi học thấy thầy cô nào cũng căng, cũng hở tí là mắng, là lên giọng quát nạt. Thậm chí chỉ một việc nhỏ cũng có thể biến buổi học ngày hôm đó thành một buổi học về triết lý cuộc sống. Rằng việc quên làm bài tập có một hôm mà bị biến thành tương lai không tươi sáng. Mà kể cả mình có ra sao thì cũng đâu ảnh hưởng gì tới thầy cô sau này đâu. Đúng là người già, toàn làm màu.
Đó là những gì mình từng nghĩ trước khi chính thức đi học ngành Sư Phạm. Đến khi học xong rồi, đi làm rồi, mình mới nhận ra, chỉ trong năm đầu tiên đi dạy, mình đã nói đủ những câu mà thầy cô từng nói mình ngày xưa. Đúng là, giống như phải làm cha mẹ mới thấu hiểu lòng cha mẹ, phải thực sự đứng ở vị trí của giáo viên, với những trách nhiệm của giáo viên cùng trải nghiệm của một người đi trước, thì mới hiểu được tại sao thầy cô trên lớp lại cư xử như vậy, lại nói những câu như vậy.
Thì ra những giáo viên chân chính là những người thực sự quan tâm và lo lắng cho việc học của học sinh. Chính bởi vì họ đã từng là học sinh, cũng đã từng nói chuyện riêng trong lớp khi thầy cô giảng bài, và đã từng trải qua cảm giác tiếc nuối khi lớn lên rằng "Giá như ngày xưa mình chịu khó nghe giảng và học tốt hơn, thì bây giờ cơ hội của mình đã nhiều hơn", nên họ hơn ai hết không muốn các em lại gặp phải những tiếc nuối ấy. Chính bởi vì tâm huyết với việc đem lại cho các em nền giáo dục tốt nhất tới như vậy, mà họ sẽ dành cả ngày trời để lên giáo án, tra cứu, tìm kiếm, và vắt óc nghĩ ra cách giảng dạy hiệu quả nhất để TẤT CẢ các em, kể cả các em học yếu nhất, cũng có thể hiểu bài. Tưng đó nỗ lực, tưng đó cố gắng, tưng đó công sức và thời gian, chỉ để tới lớp và thấy học sinh làm việc riêng hay nói chuyện riêng và không nghe mình nói, nếu là một người ngoài, có lẽ họ cũng sẽ bực bội thay.
"Một người giáo viên tốt giống như một cây nến - tự đốt cháy bản thân để thắp sáng cho người khác".
"Một người giáo viên tốt giống như một cây nến - tự đốt cháy bản thân để thắp sáng cho người khác".
Việc bé xé ra to ư? Thầy cô chính là những người hiểu rằng, một lần lười không làm bài về nhà hoàn toàn có thể dẫn tới lần thứ hai, thứ ba, từ đó ảnh hưởng tới toàn bộ quá trình học tập sau này. Thầy cô cũng là người hiểu rằng, việc bạn cứ chọn câu dễ mà làm, khó tí là bỏ, sẽ tạo cho bạn thói quen dễ dàng bỏ cuộc mỗi khi gặp khó khăn, thói quen lười suy nghĩ, tất cả đều đem lại những hậu quả xấu cho công việc nói riêng và cuộc sống nói chung của bạn. Thầy cô, cũng giống như mọi người từng trải khác, hiểu rõ quy luật nhân quả, và đang cố gắng giúp học sinh tránh khỏi những quả xấu bằng cách dạy các em tạo ra những cái nhân tốt. Thầy cô nghiêm khắc với học sinh không phải vì họ có tuổi (rất nhiều giáo viên ngày nay vẫn còn rất trẻ, thậm chí đáng tuổi anh chị của học sinh thôi), mà vì họ cảm thấy có trách nhiệm với tương lai của học sinh.
Vì vậy, nếu bạn còn đang đi học và có một người thầy/cô nghiêm khắc (tới mức bạn phải sợ), thì xin chúc mừng bạn. Họ còn nghiêm khắc tức là họ còn quan tâm tới bạn. Tới khi họ còn không thèm để ý tới kết quả học tập của bạn, không thèm nhắc bạn khi bạn ngủ trong lớp, thì đó là lúc họ đã từ bỏ việc giúp bạn trở nên tốt hơn rồi đấy.

Làm giáo viên không chỉ có mỗi việc dạy

Khi thầy cô dạy một lớp đủ lâu, là lẽ tự nhiên khi họ quan tâm tới học sinh không chỉ mỗi việc học. Họ sẽ để ý tới cả sắc mặt, tâm trạng của học sinh, phát hiện xem liệu có vấn đề gì liên quan tới sức khỏe, cả về tinh thần lẫn vật lý của học sinh hay không để kịp thời giúp đỡ. Rồi một cá nhân học sinh thôi là chưa đủ. Họ còn phải nhận biết mối quan hệ giữa các học sinh trong lớp: liệu có ai đang ghét ai không, có ai đang bắt nạt ai không, có ai đang có những hành vi không phù hợp với ai không v..v.....
Bên cạnh những vấn đề của học sinh, còn là những vấn đề liên quan tới phụ huynh. Nhiều khi học sinh về nhà báo với phụ huynh những thông tin sai lệch, khiến họ hiểu lầm và gây ra những phiền toái không đáng có ở trường, ảnh hưởng tới giáo viên nói riêng và bộ mặt của nhà trường nói chung. Có khi có những phụ huynh lại muốn con mình được đối xử "đặc biệt", một điều mà những giáo viên có đạo đức nghề nghiệp không thể làm, vì giáo dục phải được công bằng cho tất cả học sinh. Lại có những khi học sinh có những vấn đề mà cần được bàn bạc với phụ huynh, nhưng phụ huynh lại thờ ơ, bỏ bê tới mức không thèm quan tâm, không liên lạc được và cũng không liên lạc lại. Xử lý tất cả những vấn đề đó đều thuộc vào phạm trù trách nhiệm của mỗi giáo viên.
Làm giáo viên cũng không có nghĩa là chỉ có mỗi dạy trên lớp. Sau giờ dạy ở lớp, thầy cô còn phải chấm bài, làm đề, làm giáo án, làm báo cáo, họp hành, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, liên lạc với phụ huynh (khi cần), tập văn nghệ, học thêm các chứng chỉ nghiệp vụ, tập huấn cải cách, thi các giải thi giáo viên giỏi để đem về thành tích cho trường v..v....
Có thể thấy trách nhiệm của giáo viên trải dàn một diện khá rộng tới mức hầu như họ lúc nào cũng bận bịu làm gì đó, cả ở nhà lẫn ở trường.

Sư Phạm là một nghệ thuật

Chí ít với mình thì nó là như vậy. Đây là nghề có liên quan rất nhiều tới yếu tố con người, vì vậy một giáo viên giỏi có thể nói là một bậc thầy trong tương tác xã hội.
Muốn học sinh hiểu được bài, giáo viên không chỉ đơn giản là thuật lại những gì có trong sách. Như Einstein đã từng nói "Nếu bạn không thể giải thích một vấn đề một cách đơn giản, thì bạn chưa thực sự hiểu kĩ nó". Giáo viên phải biết đặt mình vào vị trí của học sinh để biết được khả năng của các em tới đâu, nói bằng ngôn từ thế nào thì học sinh hiểu, và giải thích kiến thức chuyên môn bằng cách tối giản nhất để ngay cả những học sinh học yếu cũng có thể hiểu được. Để làm được điều đó, không những phải nắm chắc và nắm sâu kiến thức chuyên môn, người giáo viên còn phải biết cập nhật những kiến thức xã hội mới nhất, thậm chí biết cả những ngôn ngữ của giới trẻ, để dùng nó vào trong những giải thích của mình, giúp cho học sinh nhanh chóng tiếp cận và hiểu kiến thức hơn.
Bên cạnh đó, một giáo viên giỏi còn phải là người biết tạo ra một bầu không khí vui vẻ, an toàn, chào đón những sai lầm để sự kết nối giữa học sinh và giáo viên trở nên chặt chẽ hơn. Chỉ khi các em học sinh cảm thấy người giáo viên đó sẽ không miệt thị mình nếu mình mắc sai lầm, sẽ không cảm thấy phiền khi mình hỏi nhiều câu hỏi, cảm thấy vui vẻ, chờ đón tiết học của người giáo viên đó, thì đầu óc các em mới sẵn sàng mở cửa đón nhận kiến thức. Nếu một giáo viên luôn tỏa ra sự nghiêm túc tới mức hà khắc, bước vào lớp một cái là cả lớp im phăng phắc vì sợ, thì dù lớp đó có vẻ trật tự nhưng chưa chắc tính hiệu quả của việc tiếp nhận kiến thức đã cao. Ngược lại, nếu lúc nào cũng vui vẻ, hòa nhã thì học sinh sẽ ... "nhờn" và đi quá giới hạn vì biết rằng thầy/cô sẽ chả làm gì mình. Vậy nên, một giáo viên giỏi là người biết cân bằng, biết lúc nào nên mềm, nên nhẹ nhàng, và lúc nào nên cứng rắn, tạo ra sự tôn trọng/nể trọng thay vì sự sợ hãi trong lớp học. Biết lúc nào nên gần gũi như một người bạn, nhưng vẫn đủ uy nghiêm để học sinh không dám làm quá.
Đó là chưa nói tới việc phải thật tinh tế khi xử lý những vấn đề liên quan tới phụ huynh. Đa phần những tình huống phải gọi phụ huynh tới, hoặc phụ huynh đòi gặp, là khi mà lợi ích của con cái họ bị ảnh hưởng, tức là lúc mà phụ huynh thường không được bình tĩnh. Những tình huống như vậy càng cần sự mềm mỏng mà cứng rắn của người giáo viên để mọi thứ được giải quyết một cách nhẹ nhàng nhất. Kể cả buổi gặp đó là để nói về những hành vi không tốt của học sinh, giáo viên cũng vẫn cần phải lựa chọn cách nói sao cho vẫn nêu được vấn đề nhưng không mang tính miệt thị học sinh, không làm phụ huynh xấu hổ mà về nhà lại đánh mắng con.
Khi đứng lớp, giáo viên còn là bậc thầy trong việc đọc vị học sinh để biết được ai nói dối, ai thực sự hiểu bài, ai chưa làm bài tập v...v.. Học sinh Việt Nam vẫn còn văn hóa giữ thể diện, thường không dám thừa nhận mình chưa hiểu bài trước mặt các bạn học, vì vậy thường trả lời là "Có" khi thầy cô hỏi "Có hiểu bài không?". Kỹ năng đọc ngôn ngữ cơ thể này giúp người giáo viên đánh giá được chính xác khả năng cũng như tâm ý của học sinh, từ đó đưa ra những phương án hỗ trợ phù hợp hơn là chỉ đơn thuần dựa vào những gì học sinh nói. Biết đọc vị học sinh cũng giúp cho người giáo viên biết được ngày hôm đó năng lượng của lớp thế nào, từ đó điều chỉnh khối lượng kiến thức cũng như tốc độ giảng dạy cho phù hợp.
Thầy cô giáo cũng có một sự kiên nhẫn tuyệt vời. Nếu như bố mẹ chỉ phải kiên nhẫn với một hay hai đứa con của mình (mà nhiều khi còn không kiên nhẫn nổi), thì giáo viên phải kiên nhẫn với một lượng lớn con cái của người khác. Họ phải kiên nhẫn khi học sinh hư, học sinh lười, học sinh học yếu dạy mãi không hiểu/nhớ, học sinh bị ADHD, học sinh có vấn đề về tâm lý.... Nếu như ở nhà, bố mẹ mà mất bình tĩnh với con cái, bố mẹ có thể mắng chửi chúng mà người khác vẫn có thể thông cảm được. Nhưng ở trường lớp ngày nay, chỉ một lần mất kiên nhẫn có thể ngay lập tức mất việc, thậm chí mất nghề. Đó là chưa kể, với nhiều học sinh có gia cảnh không may mắn, thầy cô là người duy nhất chúng tin tưởng gửi gắm hy vọng rằng cuộc đời này vẫn còn có người yêu thương chúng. Nếu đúng cái lúc các em cần thầy cô nhất, thầy cô lại không may hết kiên nhẫn, thì hậu quả lên các em rất khó lường. Chưa kể, họ lại phải kiên nhẫn với cả những đòi hỏi vô lý ở một số (ít) các phụ huynh sau giờ trên lớp nữa. Tất cả những điều trên càng làm cho sự kiên nhẫn của giáo viên được trui rèn một cách khắc nghiệt nhất.
Ở một số trường, giáo viên còn được huấn luyện những kĩ năng sơ cứu cần thiết đề phòng học sinh gặp nạn. Đôi khi họ còn phải học thuộc danh sách những học sinh bị dị ứng và cách cấp cứu khi học sinh bị sốc dị ứng. Thêm vào đó là những tập huấn liên tục về những đổi mới trong giáo dục, bao gồm cả cải cách về sách giáo khoa, về các phần mềm mới giúp cho việc học trên lớp trở nên thú vị hơn, những phương pháp hay trò chơi mới có thể tích hợp trong việc giảng dạy v..v.. Điều quan trọng là họ phải học những thứ này rất nhanh để áp dụng chúng trên lớp cho học sinh. Giáo viên nhờ vậy có một khả năng tự học tốt, nhanh, cùng bộ kĩ năng khá đa dạng.
Quan trọng hơn cả, các giáo viên cũng đều được huấn luyện để có được một tư duy Phát Triển (growth mindset), vừa để áp dụng lên mình, vừa để truyền lại cho học sinh. Có tư duy phát triển, họ sẽ không vội dán nhãn học sinh mỗi khi các em mắc sai lầm, sẽ luôn biết cách khích lệ các em, giúp các em tin rằng các em luôn có khả năng để trở nên tốt hơn nữa. Và mình tin, xây dựng được niềm tin đó cho các em còn ý nghĩa hơn cả việc đạt được điểm cao. Bản thân giáo viên có tư duy Phát Triển cũng sẽ giúp cho tự họ đỡ stress hơn trong công việc, từ đó gắn bó với nghề được lâu hơn.

Ai cũng nên có kỹ năng sư phạm

Sau nhiều năm giảng dạy thì mình thấy rằng, tất cả những gì mình được nghề rèn cho đều có ích và ứng dụng được trong tất cả các lĩnh vực khác trong cuộc sống chứ không chỉ trong công việc.
Dễ thấy nhất là bố mẹ ở nhà dạy con hay anh chị em dạy nhau cũng cần kĩ năng sư phạm. Nếu không rất dễ phạm vào sai lầm mà rất nhiều người mắc phải: dạy người học theo cách hiểu của mình, chứ không phải cách mà người học hiểu được. Cộng thêm vào đó là thói quen dán nhãn vô cùng toxic cho sự phát triển của người học. "Nói thế mà không hiểu à? Sao mày ng* thế?" có thể nói là một trong những câu hay được nghe nhất trong cuộc sống. Trẻ con khi sợ dễ có xu hướng nói dối để né hình phạt. Có kỹ năng sư phạm cũng giúp người lớn dễ đọc vị được chúng mà biết khi nào thì tin chúng, và khi nào thì nên xác nhận lại thông tin. Mà kỹ năng sư phạm không chỉ dừng ở mỗi việc học thuật hàn lâm. Nó cũng nên được áp dụng khi dạy ai đó đạp xe, đánh đàn, nấu ăn, sử dụng phần mềm, hay cả khi làm những việc nhỏ như chỉ đường giúp người khác.
Trong tình yêu ư? Cũng cần kỹ năng sư phạm luôn. Bạn định góp ý với người yêu mình về một thói quen xấu hay một hành động khiến bạn bị tổn thương như thế nào? "Anh là cái đồ vô tâm, bẩn thỉu. Có mỗi cái việc hạ cái bệ ngồi khi đi vệ sinh xong cũng lúc nhớ lúc quên. Anh không biết nghĩ cho tôi à?" hay "Cám ơn anh vì hôm trước anh đã nhớ hạ bệ ngồi xuống cho em. Em thấy rất hạnh phúc vì được người yêu để tâm cả tới những chuyện nhỏ như vậy"? Tình yêu cũng cần kiên nhẫn của sư phạm chứ. Nếu bạn muốn người yêu bạn thay đổi một thói quen lâu năm của họ, bạn cần phải biết cho họ thời gian để họ điều chỉnh, chứ không phải ngay lập tức dán nhãn vô tâm cho họ ngay trong lần đầu họ quên sửa đổi. Nếu biết đọc ngôn ngữ cơ thể của đối phương thì sẽ giúp bạn biết khi nào thì người ấy mệt để hỏi han chăm sóc, có chuyện gì đó buồn để vỗ về dỗ dành, khi nào sắp bực mình thì nên dừng đùa cợt lại, từ đó trở thành một người yêu tinh tế hơn.
Trong giao tiếp với bạn bè, hẳn ai cũng đã từng nghe câu nói kinh điển của đứa bạn mỗi khi mình gặp chuyện buồn "Ôi xời ơi thế mà cũng phải buồn". Nếu bạn có kỹ năng sư phạm, bạn sẽ biết đặt mình vào vị trí của người đang buồn, biết cách khích lệ họ làm sao để họ thấy rằng, không phải là việc đó không đáng buồn, mà là họ có đủ khả năng để vượt qua nỗi buồn đó như thế nào. Rồi bạn bè chơi thân với nhau, nhiều lúc vui vẻ, nhưng cũng có lúc bạn cần phải biết "cứng" để nó biết tôn trọng mình, chứ không thì nó lúc nào cũng trễ hẹn 15-20' chỉ vì nó biết bạn sẽ chờ nó mà không ca thán gì đấy.
Bản thân kỹ năng biết khi nào thì nên vui vẻ, khi nào thì cứng rắn cũng giúp ích cho bạn rất nhiều trong công việc. Cứng rắn quá thì dễ bị đào thải, lúc nào cũng vui vẻ quá thì dễ bị đánh giá thấp. Biết cân bằng cả hai thì kể cả người không có ác ý với bạn cũng sẽ phải dè chừng bạn. Bạn phải kèm cặp thực tập sinh hay người mới vào làm ư? Cần kĩ năng sư phạm. Bạn phải thuyết trình dự án với sếp ư? Nó khác gì việc giảng bài cho học sinh đâu => cần kỹ năng sư phạm. Bạn phải làm việc nhóm ư? Khác gì việc đứng lớp quản học sinh đâu => cần kỹ năng sư phạm nốt.
Có thể nói kỹ năng sư phạm sẽ giúp ích rất nhiều cho mọi người, mà nếu ai cũng học được nó, thì giao tiếp giữa mọi người sẽ hiệu quả hơn, nhẹ nhàng hơn, từ đó cuộc sống sẽ bớt đi những mâu thuẫn không đáng có hơn.

Kết

Kể từ khi mình đi dạy, mình cảm thấy các mối quan hệ xung quanh mình được cải thiện lên nhiều. Mọi người đều nói mình điềm đạm hơn, ăn nói cảm giác có trọng lượng hơn, và lúc nào cũng tỏa ra vibe nhẹ nhàng, an toàn. Rất mong mọi người đều để ý hơn tới kỹ năng sư phạm, cũng như biết trân trọng công sức của những người làm nhà giáo hơn nhé :D