Lời mở đầu – Lí do tui quyết định làm blog

Thời điểm nảy ra ý tưởng viết blog này là sau khi tui đã có cơ hội làm việc tại một trong những doanh nghiệp tôm lớn nhất tại Việt Nam, và vì thế tui muốn lưu giữ những trải nghiệm và bài học đúc kết được trong thời gian đi làm vừa rồi.
Tuy nhiên, chỉ kể lại hành trình và những bài học thì chưa đủ. Nguồn động lực lớn nhất để tui thực sự bắt tay vào làm blog này là vì trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng chưa thực sự có một trang/kênh nào viết về các chủ đề trong ngành tôm mà sử dụng ngôn ngữ đơn giản và dễ hiểu cho đại chúng cả. Với một ngành kinh tế đóng góp xấp xỉ 4 tỷ USD xuất khẩu của quốc gia cộng thêm vị thế top 3 các quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất trên thế giới thì việc chưa có nhiều người trẻ hiểu rõ về ngành quả là một thiếu sót lớn.
Đối tượng chính mà những bài viết của tui muốn hướng tới là các bạn trẻ độ tuổi sàn sàn tui thoai – là độ tuổi đại học hoặc mới bắt đầu đi làm – là cái lúc mà sức trẻ còn cho phép bản thân luôn luôn khát khao học hỏi và trải nghiệm những điều mới mẻ. Trong series các bài viết về tôm này, tui sẽ không sử dụng những thuật ngữ khó hiểu mà thay vào đó muốn trình bày một cách đơn giản và dễ hiểu nhất để đưa những thông tin, kiến thức về ngành tôm đặt trong bối cảnh kinh tế xã hội của Việt Nam và thế giới, đưa vào những bình luận cá nhân về số liệu thị trường, tài chính, marketing, chiến lược, vv. với mong muốn lớn nhất là những độc giả của “Tôm Cruise” sẽ có thêm những ý tưởng mới và kiến thức mới qua từng bài viết.
Mà tại sao lại đặt cái tên blog “Tôm Cruise” làm j z tr, định ké fame người nổi tiếng hả? Cũng hơi hơi đó, mà nghe cũng hay mà đúng không. Thực ra Cruise có nghĩa là chuyến du lịch trên biển, thì cũng rất giống như mục đích của blog này là muốn đưa mọi người lên một hành trình viễn du đi khám phá những ý tưởng mới trong ngành tôm, mà tôm thì chủ yếu ở biển chứ ở đâu hehe.

Chuyện lần đầu đi mua tôm

Tui sinh ra và lớn lên trong nội thành thủ đô Hà Nội nên việc tiếp xúc với tôm hay hải sản nói chung là hạn chế, thi thoảng chỉ theo mẹ ra chợ mua con cá, ký tôm rồi thấy con tôm búng tanh tách hay hay chứ thực ra hầu hết nhìn thấy tôm là luộc sẵn để trên đĩa hoặc mấy con trong canh bí thôi.
Tuy nhiên thì đến khoảng hơn 3 năm trước, khi tui còn đang là sinh viên ngành Tài chính ở đại học thì bố tui một ngày đi thực địa rồi về nhà bảo rằng sẽ đi nuôi tôm, lời lắm con à. Thế là bằng một cách đầy tình cờ, con tôm được làm quen tui từ lúc đó. Và sau khi tốt nghiệp đại học, tui cũng làm việc trong ngành tôm luôn. Đó là câu chuyện của tui, còn có thể hầu hết chúng ta đều đã nhìn thấy con tôm như thế nào ngoài chợ, tại các nhà hàng hải sản, hoặc trên mâm cơm gia đình. Tuy nhiên có lẽ không nhiều người chúng ta biết rằng để đưa được con tôm lên bàn ăn của mỗi gia đình thực sự là một bài toán rất khó, và lời giải là gì thì đến giờ ngay cả những xí nghiệp, tập đoàn sản xuất và chế biến tôm hàng Việt Nam cũng đang vò đầu bứt tai đi tìm.
Chậc, vậy thì làm thế nào để giúp cho nhiều người chưa biết nhiều về tôm giải ngố về các thuật ngữ trong ngành nhỉ, có khi câu chuyện của bản thân tui dưới đây sẽ giúp mọi người dễ hình dung hơn đó.
Một ngày nghỉ cuối tuần cấp hai nào đó, đang xem trận bóng đá mà mẹ kêu đi ra chợ mua cho mẹ ít tôm về nấu canh, thế là chạy tót đi luôn quên mất không hỏi loại gì mà ra tới chợ rồi mới sực nhớ ra. Đến trước cửa hàng mẹ hay mua tôm, sao đột nhiên có quá trời là tôm zậy, thường ngày cũng có hôm mẹ dẫn đi mà chả để ý. Trong bể kính lẫn trong mấy thùng xốp sục khí oxy sùng sục. Chắc phải có cả chục loại tôm đó, con thì đỏ, con thì xanh, con thì đen, con có càng, hmm??!
Hàng bán tôm ở chợ nhìn na ná thế này
Hàng bán tôm ở chợ nhìn na ná thế này
Đột nhiên, bà chủ thấy tui còn đang lăn tăn nên gọi với ra: “Mua gì cháu? Có tôm thẻ, tôm sú, tôm càng xanh, tôm đất, tôm hùm đủ cả đó”. Đột nhiên tui đứng sững lại vì biết con thẻ hay con sú là gì đâu (con tôm hùm cũng mới nghe mấy đứa bạn trên lớp kể chứ còn chưa thấy bao giờ nữa). Tuy nhiên, vì là một người không ngại thử thách, tui đã nghĩ rằng tôm nào chả là tôm, con nào chả được. Thế là tui mới chỉ tay vào thùng tôm vằn vện đen đỏ vàng nhìn hay hay, mạnh dạn nói:
- Cho cháu một ký tôm này cô nhé.
- Sú oxy 25 con một ký 400k nhé.
Lục hết túi quần mà mẹ cho có trăm rưỡi – ai mà biết tôm đắt thế đâu. Mà cũng lần đầu mua nên nhỡ bị nói thách thì biết trả lời sao. Biết vậy, nhưng tui tính nhanh mà, bèn nói:
- Thế cô bán cho cháu 3 lạng thôi, 3 lạng chắc trăm hai đúng không ạ?
- Mới đi mua tôm phải không, thôi cô cho 4 lạng cho chẵn nhé, trăm rưỡi (giở ra đếm được chắc 5 con)
Tuy không hiểu tại sao 4 lạng lại chẵn, nhưng mà mua được tôm rùi. Mừng quá, tui cầm túi tôm chạy về luôn kẻo lỡ hết trận bóng. Và kết quả là á, mẹ nhìn tôi mang tôm về và rồi tình huống tiếp theo chắc nếu có cuốn sách nào có tựa đề “Tui bị la, và 2 tiếng sau vẫn thế” thì tui chắc kèo là nhân vật chính lun.
Túm lại tại sao bị la thì, thứ nhất là, mẹ tui nấu món canh tôm nhưng mà là với mấy con be bé như con tôm rim hay tôm thẻ thôi chứ không phải là dùng mấy con tôm sú to đùng như thế này. (Con sú có thể to tới size 3-5 con/kg á, tui để ảnh ở dưới này).
Tôm sú sinh thái nuôi dưới tán rừng đước Cà Mau
Tôm sú sinh thái nuôi dưới tán rừng đước Cà Mau
Qua câu chuyện vừa rồi của tui thì các bạn có thể phần nào đã nhận ra size tôm, loại tôm, và trạng thái (tôm còn sống hay ướp đá) là ba yếu tố quan trọng nhất của giá tôm nội địa tại Việt Nam, nó quyết định đến hôm nay ra chợ thì bạn sẽ mua tôm hết bao xiền. (Tôm xuất khẩu thì chỉ có giá tôm đã qua chế biến thôi vì làm gì có con tôm nào sống được trong container từ Việt Nam qua Mỹ hay Châu Âu đâu ^^, giá tôm xuất khẩu sẽ là nội dung của một bài trong tương lai nhé).
Đầu tiên là size tôm, thực chất nó chỉ đơn giản là bao nhiêu con trên một ký tôm thôi. Ví dụ con tôm ở trên size 25 con thì có nghĩa là mua 25 con thì được một ký tôm. Mỗi con sẽ nặng xấp xỉ 40 gam á. Đó là lí do tại sao bà chủ lại bảo tui lấy 4 lạng cho tròn 10 con, còn nếu lấy 3 lạng thì chỉ được khoảng 7 con mà lại bị lẻ cân (7x40=280g chưa được tròn 3 lạng). Size càng to thì giá càng cao (size 20 thì đắt hơn size 25 là điều hiển nhiên, trong ngành này thì kích cỡ là rất quan trọng ^^).
Cái thứ hai là loại tôm. Mặc dù có rất nhiều loại tôm như đã kể trên (tôm thẻ, tôm hùm, tôm sú, tôm đất, tôm càng xanh), nhưng hai loại được nuôi thương mại phổ biến nhất không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới là tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Các bạn có thể tìm thấy hai loại tôm này ở bất kì đâu, từ chợ đầu mối hay chợ địa phương, tới các nhà hàng hải sản, và thậm chí là tại các quán dạo ven đường luôn. Tôm sú thì luôn đắt hơn tôm thẻ khoảng 40-50% tùy thời điểm do kích thước lớn nhất của tôm sú có thể lên tới size 2-3 con/kg (là 500g/con í), trong khi thông thường tôm thẻ chỉ lớn đến 10-15 con/kg (là 100-66g/con) là cùng thôi, mặc dù size đó cũng là thuộc hàng thủy quái rồi.
Cái thứ ba là trạng thái lúc tôm được bán – là tôm còn sống (thương lái thì hay gọi là tôm oxy do khi vận chuyển tôm phải sục oxy liên tục vào thùng để giữ cho tôm sống) hay tôm ướp đá. Tôm ướp đá là tôm đã chết rồi, khi thu hoạch thì họ sẽ giết lạnh ngay tại chỗ và ướp đá để vận chuyển luôn. Giá tôm oxy thì hầu như luôn luôn đắt hơn tôm ướp đá, vì tôm tươi còn nhảy tanh tách thì lúc nào nhìn cũng mướt mắt và ăn ngon, thịt chắc hơn tôm ướp đá rồi. Tuy nhiên có những kĩ thuật giết lạnh tôm như phương thức Ikejime của người Nhật hay dùng cho cá biển cũng giúp chống stress và bảo toàn sự tươi ngon tới mức tối đa cho con tôm, làm cho người bình thường không thể nào phân biệt được thịt tôm oxy và thịt tôm giết lạnh bằng phương pháp Ikejime đó.
Bây giờ chúng ta sẽ đi vào thực tế một chút, dưới đây chính là hai yết giá mua tôm điển hình mà các thương lái hay dùng để yết giá cho các farm nuôi tôm. Khi chỉ mới nhìn vào thì có thể các bạn sẽ thấy hơi khó hiểu, nhưng thực chất nó đơn giản lắm á.
Đầu tiên, không phải là size nào thương lái cũng thu mua đâu nha, như trong biểu giá số 1 thì lái này chỉ thu mua từ khoảng size 80-90 con/kg cho đến size 25-20 con/kg thui. Còn như trong biểu giá số 2 thì lái này lại chỉ thu mua từ khoảng size 30-35/kg đến size 20-15 con/kg đối với cả tôm thẻ và sú luôn (các bạn có thấy size 40, 50, và 60 đang để trống giá không).
Tiếp theo là cách đọc biểu giá, với mỗi size tôm thì chúng ta có một mức giá khác nhau. Ví dụ biểu giá số 1 đang để là giá mua tôm thẻ KKS (không kháng sinh), tại size 25 con = 158k +- 3k có nghĩa dài dòng là “với tôm thẻ chân trắng size 25 con/kg sạch kháng sinh tại miền Tây, giá thu mua là 158k, cứ nhỏ hơn 1 size thì trừ đi 3k, còn lớn hơn một size thì cộng thêm 3k”.
Đơn giản vậy thôi, ví dụ như theo biểu giá số 1 thì size 27 giá sẽ là 158k – 6k = 152k. Tuy nhiên, size 30 lại có ghi “lớn” và “nhỏ” là sao vậy? Nó chỉ đang nói rằng, từ size 30 về lớn (size 29 chẳng hạn), thì cộng thêm 2k mỗi size, còn nhỏ hơn size 30 thì trừ đi 3k mỗi size. Tại những khoảng trùng nhau, ví dụ size 27 thì mức yết giá 25 con lại là 152k, còn yết giá 30 con lại là 147k + 6k = 153k thì làm thế nào?
Lúc này thì lại phụ thuộc vào thỏa thuận của thương lái và hộ nuôi, cũng như tình hình tôm trong ao và nhiều lí do khách quan lẫn chủ quan khác. Đối với biểu giá số 2 thì từ viết tắt “20cl” và “20cn” có nghĩa là “20 con lớn” và “20 con nhỏ” cũng có ý nghĩa tương tự lời giải thích ở trên, là với mỗi size về lớn hay về nhỏ thì sẽ cộng trừ một con số nào đó.

Tại sao ở hai nơi khác nhau, dù trong cùng một ngày, nhưng giá thu mua tôm thẻ chân trắng cùng kích cỡ 25 con/kg lại có sự khác biệt rất lớn như vậy?

Câu trả lời chính là bởi yếu tố thứ ba như nãy tui có nói, là trạng thái lúc tôm được bán. Mặc dù đều là tôm thẻ cùng kích cỡ, nhưng ảnh bên trái là giá thu mua tôm dập đá, còn ảnh bên phải là giá thu mua tôm oxy. Các bạn đã thấy sự khác nhau lên tới gần 20k chưa. Bản chất của việc này là bởi vùng Đồng bằng sông Cửu Long rất khó bán tôm oxy ra Hà Nội do quãng đường đi rất xa (lên tới 36-40 tiếng) nên tôm vận chuyển ra miền Bắc nói chung thì sẽ hao hụt rất lớn, có khi lên tới 100%.
Do đó, sẽ không có thương lái nào chịu rủi ro để vận chuyển tôm ra Bắc từ vùng ĐBSCL cả vì công nghệ vận chuyển hiện tại chưa cho phép làm việc đó ở quy mô lớn (đương nhiên là vận chuyển đường hàng không thì vẫn được, nhưng số lượng ít). Vì vậy, đại đa số tôm nuôi ở vùng miền Tây sẽ chỉ bán oxy ra chợ Bình Điền ở Sài Gòn là cùng, hoặc bán cho các nhà máy chế biến tôm tại các tỉnh miền Tây để chế biến xuất khẩu. Khi nào có thời gian tui sẽ biên một bài về “Tính toán kinh tế của việc vận chuyển tôm oxy ra Hà Nội”, đây cũng là một bài toán kinh tế rất khó giải và lời giải cũng cực kì thú vị luôn.
Xưa tui có học môn Kinh tế học tại đại học thì mới biết giá cả là do cung cầu quyết định, giờ mới thấy thực tế chỉ ra rõ như vậy luôn á. Do miền Bắc có khoảng 3-4 tháng trong năm là mùa lạnh làm tôm khó lớn, nên việc nuôi tôm ở miền Bắc khó hơn miền Trung hoặc miền Tây rất nhiều. Chính vì cung ít nên cầu vượt cung, giá tôm ở miền Bắc thường rất cao đặc biệt là tôm Oxy. Ngược lại, do miền Tây và miền Nam Trung Bộ nuôi được nhiều tôm nên giá tôm ở miền Nam, kể cả tôm Oxy về chợ Bình Điền ở TP HCM sẽ rẻ hơn miền Bắc nhiều.
Vậy đó, nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng là một ngành khoa học đa lĩnh vực, và trong đó tính toán kinh tế cho hoạt động nuôi tôm cũng phải cần đến một bộ óc vừa kĩ thuật và vừa nảy số nhanh ha.
Chắc bài viết đến đây là đã đủ để cho các bạn một góc nhìn mới về con tôm đang ăn hàng ngày và giá tôm rồi đúng hông, nếu các bạn thấy hay thì hãy ấn like bài viết và theo dõi blog này, điều này sẽ giúp tui có động lực để ra lò những bài tiếp theo nhanh hơn nhé!