Trong phần 5: Tôi sẽ đặt ra một viễn cảnh dự đoán kết quả của xung đột, những thay đổi sau khi chiến dịch Nga – Ukraine hoàn thành. Một trật tự thế giới mới sẽ xác lập, và những chuyển biến trong tương lai của thế giới.
Xã hội loài người là vậy, sẽ có hoà bình và chiến tranh. Bởi thế giới dẫu có trật tự, trong một thời điểm là cân bằng, cân bằng này là một cân bằng động. Các phần tử trong trật tự luôn hoạt động, mạnh lên hoặc suy yếu đi. Luôn tích luỹ, căng thẳng tiềm tàng những nguy cơ xung đột giữa các nguồn xung lực.
Đặc biệt cứ xảy ra một kì khủng hoảng (tác động của ngoại lực lên hệ thống trật tự) thay đổi tính chất và hướng của moment vectơ lực. Các xung đột sẽ diễn ra. Thứ chúng ta nhìn thấy chỉ là xung đột vũ trang, trong khi các thiết chế, ràng buộc đã cơ bản thay đổi. Việc bóc tách các nguyên nhân thay đổi cơ bản, sẽ góp phần dự đoán những nguy cơ xảy ra chiến tranh.
Hoà bình tại Ukraine sẽ được lập lại. Đó là điều chắc chắn, nhưng xung đột này sẽ kéo dài đến bao giờ thì sẽ còn nhiều biến số. Theo tôi, nhiều khả năng xung đột tại Ukraine sẽ phải dừng lại sau mùa đông năm nay. Khi nhu cầu sử dụng năng lượng càng cao và các nền kinh tế đi vào suy thoái. Sức ép trong nội bộ xã hội các bên khiến cho hoà đàm sẽ sớm được diễn ra.
Thế giới sau xung đột tại Ukraine là một thế giới như thế nào? Liệu cuộc chiến này sẽ thay đổi điều gì? Tôi xin mạn phép nêu lên một số ý tưởng sau.
minh họa
minh họa
1. Ukraine sẽ chia làm 2 phần đông tây.
Một hiệp định đình chiến giữa Nga – Ukraine + phương Tây sẽ được kí kết. Phần phía Tây Ukraine sẽ nhận được hỗ trợ kinh tế quân sự từ phương Tây (nhiều khả năng sẽ gia nhập EU và NATO), phần phía Đông chịu sự kiểm soát của Nga. Kịch bản một Đông Đức thứ 2 sẽ diễn ra. Vấn đề về một Ukraine độc lập bị chia tách sẽ được thảo luận rất nhiều trong thời gian sắp đến.
Về phía mình, Nga buộc phải kiên trì với chiến lược này. Nếu chấp nhận rút quân và khôi phục các thỏa thuận thương mại trước cuộc chiến, những nỗ lực quân sự trong suốt thời gian vừa qua sẽ trở thành công cốc. Đồng thời tạo nên một tiền lệ rất xấu, khiến các các quốc gia lân cận tăng cường đề phòng, khuyến khích cho làn sóng thân Phương Tây trong khu vực. Ở phía bên kia chiến tuyến, Ukraine + phương Tây không có cách gì ngăn chặn được Nga thực hiện ý đồ của mình trước sức mạnh quân sự to lớn của họ và nguy cơ leo thang một cuộc chiến toàn cầu. Chấp nhận thỏa thuận đình chiến chia đôi Đông - Tây và gỡ bỏ một số các hạn chế thương mại với cả hai phía là điều hòan toàn thích hợp cho lợi ích của cả hai bên, trừ "Ukraine" trong tình thế bất khả kháng.
2. Sáng kiến Một Vành Đai, Một Con đường của Trung Quốc sẽ thành hiện thực nhờ sự hướng Đông của kinh tế Nga.
Vào ngày 16/10/2022, Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ XX sẽ được tổ chức. Chúng ta sẽ tiếp tục ngóng chờ những chuyển biến tiếp theo từ "gã khổng lồ phương Đông". Quan trọng nhất đó là chiến lược tiếp theo của họ trong 05 năm sắp đến. Nếu như ở Đại hội lần thứ XIX "tư tưởng về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới" là lời tuyên bố chính thức về vị thế của họ sau những năm tháng "trỗi dậy hòa bình". “Một vành đai, một con đường” (One Belt, One Road - OBOR) được công bố lần đầu vào năm 2013. Sau đó, từ năm 2016, “Một vành đai, một con đường” được đổi tên thành sáng kiến “Vành đai và con đường” cũng là chiến lược được đẩy mạnh thực thi sau Đại Hội Đảng lần thứ XIX, được củng cố và hoàn thiện với ba mục tiêu rõ ràng. Tuy nhiên trước các mối đe dọa từ "bẫy nợ" sáng kiến này đang rơi vào bế tắc bởi sự nghi ngại đến từ các quốc gia tham gia.
Một là, việc thiết lập “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” (SREB) trên bộ với ba nhánh chính, mục tiêu là hình thành cầu nối Á - Âu và phát triển các hành lang kinh tế Trung Quốc với Mông Cổ, Nga, Trung Á và Đông Nam Á. Hai là, việc xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” (MSR), nhằm xây dựng các hành lang kinh tế qua Ấn Độ Dương, kết nối Trung Quốc với Nam Á, Trung Đông, châu Phi và Địa Trung Hải. Ba là, việc hình thành dự án “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” nhằm hướng tới xây dựng một siêu xa lộ thông tin kết nối nước này với châu Âu và châu Phi. Trụ cột thứ ba của sáng kiến “Vành đai và con đường” là “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” được công bố lần đầu trong diễn đàn sáng kiến “Vành đai và con đường” tháng 5-2017, trong đó đưa ra việc lắp đặt tuyến cáp quang dưới biển cung cấp đường truyền internet ngắn nhất giữa các quốc gia châu Á - châu Âu và châu Phi, đồng thời cung cấp “cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến cho các quốc gia tham gia “Vành đai và con đường”, bao gồm mạng băng thông rộng, trung tâm thương mại điện tử và thành phố thông minh”.
Nguồn: http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/3698-sang-kien-%E2%80%9Cvanh-dai-va-con-duong%E2%80%9D-cua-trung-quoc-va-co-hoi-thach-thuc-doi-voi-viet-nam.html
Nguồn: http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/3698-sang-kien-%E2%80%9Cvanh-dai-va-con-duong%E2%80%9D-cua-trung-quoc-va-co-hoi-thach-thuc-doi-voi-viet-nam.html
Nước Nga tuy đã suy yếu nhiều so với một Liên Xô hùng mạnh tại lục địa Á-Âu, tuy nhiên uy tín của người Nga tại khu vực này là điều không thể chối bỏ. Sáng kiến Vành Đai, Con Đường hầu hết gặp khó khăn trên lục địa hơn là trên biển. Việc ưu tiên hoàn thành “con đường tơ lụa” sẽ được thúc đẩy bởi cả 2 đầu cầu là Trung Quốc và Nga. Nga sẽ ảnh hưởng đến chính sách, quy chế làm việc, các quy tắc phối hợp. Và cơ bản, “Một con đường” đi qua hầu hết các đồng minh thân cận của Nga. Một vùng nguyên liệu khổng lồ được Trung Quốc kết nối và lan toả đến hầu khắp các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, vấn đề này gần như chỉ còn phụ thuộc vào thiện chí của Trung Quốc mà thôi. Kết nối kinh tế với khối phía Đông sẽ là nhiệm vụ sống còn đối với Nga, khi hướng kết nối hướng Tây đã bị cắt đứt hoàn toàn và rất khó để tiếp tục phát triển dẫu có những động thái hòa bình đến đâu đi nữa.
Khi xung đột ở Ukraine bước sang tháng thứ 5 và hai thập kỷ sau khi Iran, Nga và Ấn Độ ký kết Hành lang Giao thông Bắc Nam Quốc tế (INSTC) vào năm 2002, chuyến hàng đầu tiên được chuyển thông qua tuyến đa phương thức qua cảng Astrakhan, đặc biệt là qua vùng Solyanka của Nga, cảng Bandar Abbas và Chabahar (Iran) và Nhava Sheva Port (Ấn Độ).
INSTC. Nguồn: https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/huong-thoat-trung-phat-cua-nga-hinh-thanh-tu-mot-du-an-vien-tuong-c415a1382269.html
INSTC. Nguồn: https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/huong-thoat-trung-phat-cua-nga-hinh-thanh-tu-mot-du-an-vien-tuong-c415a1382269.html
Tuy có sự thay đổi nhất định bởi cuộc chiến Nga - Ukraine, nhưng sáng kiến vành đai, con đường (BRI) sẽ được tiếp tục, trong tháng 3/2022, Trung quốc đã cập nhật về chiến lược này như sau:
Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/trung-quoc-chuyen-huong-vanh-dai-va-con-duong-146683.html
Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/trung-quoc-chuyen-huong-vanh-dai-va-con-duong-146683.html
Có thể thấy, nhu cầu về những tuyến đường kết nối lục địa Á - Âu trở nên vô cùng cấp bách. Từ phía Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran đã chứng minh các động lực này diễn ra một cách mạnh mẽ nhằm phục vụ lợi ích kinh tế của chính họ trước sự "cường quyền" kinh tế Phương Tây. Một chuỗi cung ứng mới sẽ hoàn thành, mà Việt Nam cũng sẽ kết nối vào hành lang kinh tế này. Khả năng tái hiện thành công "con đường tơ lụa" thế kỷ 21 của Trung Quốc đã trở nên sáng rõ hơn bao giờ hết.
3. EU nở rộng sang các quốc gia có truyền thống trung lập để đối chọi với khối phía Đông.
Hình thái lưỡng cực trong trật tự thế giới sẽ hình thành. Trật tự thế giới sẽ chia lại theo chiều kết nối và các chuỗi cung ứng. Thế giới chia thành Phương Tây (với Hoa Kỳ là thủ lĩnh) – Phương Đông (với Trung Quốc là thủ lĩnh). Ranh giới tạm thời ở 2 hình thái này sẽ là chuỗi đảo thứ nhất (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines) ở phía Đông, hành lan Ukraine, các nước Baltic ở phía Tây.
Sau một thời gian dài hơn ba thập kỷ, từ khi Liên Xô sụp đổ, trật tự thế giới lưỡng cực có xu hướng tái hình thành và có tính chất đối đầu. Bởi sự chèn ép từ Hoa Kì và đồng minh là động lực khiến cho Trung Quốc và Nga bỏ qua các mối hiềm khích trong quá khứ, xích lại gần nhau. Có thể nói, lợi ích của Nga trong vấn đề từ Phương Tây rất tương đồng với lợi ích của Trung Quốc đối với Hoa Kì.
Hoa Kì, với các thiết chế mà họ tạo nên, tìm mọi cách ngăn cản các thế lực mới thách thức ngôi vị của mình. Nếu Nhật Bản vào những năm 80 bị triệt hạ bằng các hiệp ước kinh tế bất bình đẳng (được biết đến với thỏa ước Plaza), rơi vào suy yếu trong các thập kỉ tiếp theo. Tiếp tục đe dọa phá vỡ kinh tế Nga vào năm 2014 sau sự kiện Crieam, thì đến nhiệm kì của tổng thống Trump, Hoa Kì tuyên chiến kinh tế đối với Trung Quốc. Các đối trọng đi ngược với mong muốn và yêu sách của Hoa Kì phải chịu lệnh "cấm vận" kinh tế như Iran, Triều Tiên, Venezuela,... cần hợp thể thống nhất bằng một tổ chức, hoặc một chuỗi cung ứng mới đã khiến cho các quốc gia này hình thành nên một phe đối trọng. Xu hướng này sẽ tiếp tục vận động trong thời gian sắp đến, khi các căng thẳng giữa các bên tiếp tục nổ ra, cuốn các thực thể vào vòng xoáy lựa chọn mà Việt Nam sẽ không thể đứng ngoài tình thế đó.
4. Phong trào không liên kết và những xung đột tiếp theo
Các quốc gia nằm ở vùng biên giới hai phe như Việt Nam sẽ luôn phải đứng trước nguy cơ chiến tranh. Lựa chọn trung lập về mặt quân sự của Việt Nam sẽ là nước đi tương đối tích cực trên bàn cờ thế giới thay đổi nhanh. Đài Loan sẽ là vùng căng thẳng tiếp theo. Quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng giảm tải nhiêu liệu hoá thạch là xu hướng tất yếu. Dựa trên các bản kế hoạch của các công ty sản xuất xe ô tô hàng đầu trên thế giới. Tôi ước đoán quá trình này sẽ diễn ra trong vòng 10 năm nếu không có bất ổn gì tiếp theo (thể hiện qua lộ trình chuyển đổi của các nhà sản xuất xe ô tô lớn trên thế giới Toyota, Volkswagen, Nissan, Ford đều có lộ trình đến 2030 - 2035).
Tuy nhiên, về mặt chiến lược, sự chuyển đổi này tương đối có lợi về phía Phương Tây, bởi điện khí hoá không chỉ đơn thuần chuyển sang có thiết bị dùng điện mà còn cả lĩnh viện điện tử hoá các hình thức vận tải và thiết bị. Sự hợp thể từ công nghệ điện tử và phần mềm vào các hình thức vận tải là xu hướng của thế giới. Nếu về sáng chế và phần mềm, các nước phương Tây có ưu thế gần như tuyệt đối, thì trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn thì phụ thuộc hầu hết vào phương Đông (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc). Với những nỗ lực gần đây, bằng việc cấm vận các công ty bán dẫn số một Trung Quốc là SMIC, Hoa Kì đã bước đầu thành công trong chiến lược CHIPS khi đã thu hút được các công ty hàng đầu chuyển dịch chuỗi cung ứng bán dẫn về sản xuất tại Mĩ. Và tôi cho rằng, nếu tiếp tục với các xu hướng hiện tại, một lần nữa khối phía Đông sẽ bị vượt mặt trong các tiến bộ của khoa học công nghệ.
Điều này làm cho tôi vô cùng lo lắng bởi Trung Quốc sẽ không thể để kế hoạch của người Mĩ dễ dàng thành công như thế. Việc phát động một cuộc sáp nhập Đài Loan về với đại lục sẽ trở thành vấn đề sống còn trong cạnh tranh chiến lược giữa hai bên. Hiện tại Đài Loan chiếm hơn 90% sản lượng bán dẫn tiên tiến nhất trên thế giới. Chỉ cần chiến tranh tại Đài Loan diễn ra, toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn trên khắp thế giới sẽ gián đoạn và quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ chậm lại thêm nhiều năm nữa. Những con chip hàng đầu của Apple, Intel, AMD, Nvidia, Qualcomm đều được sản xuất tại đây, chưa kể đến các con chip cấp thấp hơn được sản xuất từ Mediatek và TSMC. Nếu Trung Quốc có thể "sáp nhập mềm" được Đài Loan, họ sẽ trở thành bá chủ của thế giới, còn nếu không, họ sẽ tiến hành sáp nhập Đài Loan bằng vũ lực. Đài Loan – lãnh thổ chiến lược của 2 bên, nơi sự tranh chấp giữa 2 xung lực mạnh mẽ nhất sẽ là điểm nổ tiếp theo trong xung đột toàn cầu.
Căng thẳng Đài Loan. Nguồn: https://24hmoney.vn/news/cang-thang-trung-quoc-va-dai-loan-co-anh-huong-den-vnindex--c30a1568017.html
Căng thẳng Đài Loan. Nguồn: https://24hmoney.vn/news/cang-thang-trung-quoc-va-dai-loan-co-anh-huong-den-vnindex--c30a1568017.html
Kết thúc Seri về cuộc xung đột Nga – Ukraine tôi muốn mở ra một cái kết mở hơn rằng, trong những thách thức đều luôn có cơ hội. Cơ hội của Việt Nam sẽ như thế nào trong sự chuyển biến của đời sống kinh tế chính trị thế giới. Tôi xin được phép tiếp tục mạn đàm với quý vị trong các Seri bài viết của tôi tiếp theo. Và trong bối cảnh đó, cơ hội cho những bạn trẻ Việt Nam sẽ là gì, những ngành nghề nào sẽ lại bùng nổ và chịu ít ảnh hưởng từ các tác động của căng thẳng chính trị thế giới. Xin cảm ơn và hẹn gặp lại các bạn ở các bài viết sau.