Tôi viết bài này hoàn toàn trong trạng thái khẩn thiết, gần như chếnh choáng sau một giấc ngủ chập chờn và, thực lòng mà nói, chắc chắn không bị thúc đẩy bởi sự cấp bách của nhu cầu tài chính, hay bất cứ gì nghe kiểu vậy. Nói chung là, tôi không viết bài này vì tiền, cũng chẳng phải vì niềm vui, mà chỉ vì cảm thấy cần phải tống khứ hết ra, để khuây khoả.
Chủ đề bài viết thì bạn đã biết, có lẽ cũng vì nó mà bạn mới bấm vào đây, chứ chẳng quan tâm tôi tới độ nhảy bổ vào đọc bài viết này như một độc giả đón chào tác phẩm mới của nhà văn yêu thích. Ừ thì, chỉ là đôi dòng về việc đọc sách ấy mà, nhưng nếu đủ ám ảnh để buộc tôi viết ra thì xin đảm bảo về tính thiết thực của chúng.
***
Trở ngại lớn nhất tôi từng gặp phải khi đọc sách, hoàn toàn do tôi tự áp đặt chính mình, rằng, tôi thực sự không hiểu hết cái hay của cuốn sách mà tôi cho là hay. Đôi khi lỗi nằm ở tôi, còn quá ngu ngơ và nông cạn, không ngấm nổi cái dụng ý lớn lao của người cầm bút; đôi khi, trường hợp hiếm thấy, lỗi nằm ở tác giả, tác phẩm của họ được tung hô quá đà, khích động lòng tò mò khiến tôi rút hầu bao, hoặc đơn giản là cuốn ấy chẳng hợp với tôi.
Tôi thích đọc sách từ nhỏ, nhưng thói quen đọc sách của tôi chỉ được gây dựng từ những năm đại học. Ngọn đuốc mở đường cho tôi, à không, kéo tôi trở lại với thế giới của mấy tên mọt sách, là Rừng Na Uy của Haruki Murakami. Tôi thấy nó hay tuyệt, và tới nay, tôi nhẩm tính đã ngấu nghiến nó trên dưới chục lần. Tất nhiên tôi vẫn thấy nó hay, nhưng ở mỗi lần đọc sau, tôi đều phát hiện nhiều chi tiết mà ở lần đọc trước, dù tôi có chăm chú biết mấy, đã vẫn bỏ qua. Và cái thú vị hơn là, ở những lần đọc sau, tôi thấy nó ít hay đi nhưng ngày càng thấy nó đẹp. Tin tôi đi, nếu một tác phẩm khiến bạn kiên quyết giữ lại trên kệ sách vì biết chắc sẽ còn sờ đến, giá trị của nó sẽ tăng theo cấp số nhân ở mỗi lần đọc lại.
Ai cũng khuyên bạn hãy đọc thật nhiều, nhưng có vẻ bạn đang hiểu sai. Hãy đọc nhiều, nhưng là nhiều lần. Dostoevsky thời đi đày đã chỉ có độc một cuốn Kinh Thánh để đọc trong bốn năm ròng đấy.
Cái thuở hồng hoang ấy, Rừng Na Uy gần như là cuốn tiểu thuyết duy nhất tôi sở hữu. Còn lại toàn sách chuyên ngành (tôi học về marketing), dăm ba cuốn cẩm nang sát thủ bán hàng, vài cuốn dạy viết quảng cáo, và tất nhiên, rất nhiều self-help (dù tôi chẳng mấy mặn mà với thể loại này, nhưng tôi thường khuất phục trước những tiêu đề nghe kêu kêu, và chương trình giảm giá). Đó tới giờ đã hai năm rưỡi, nhớ lại đợt chuyển nhà lần đầu tiên, tôi đã chất hết gần 20 cuốn sách, cả gia tài của mình vào ba, bốn hộp giày rỗng rồi luân chuyển. Tôi sắp chuyển nhà đây, và giờ thì nó là hơn 100 cuốn, dày mỏng ngắn dài đủ cả, và chưa kể là tôi đã cho 50 cuốn đi tong coi như phát quang bụi rậm. Trong hơn 100 cuốn tiếp tục đồng hành cùng tôi, phân nửa là tiểu thuyết, thêm một phần tư là tiểu luận phê bình, luận bàn về viết lách, rồi tới tiểu sử, tự truyện, hồi ký, và ở tầng dưới cùng là sách về ngành quảng cáo (tôi từng ao ước trở thành một người viết quảng cáo, và rất có thể, tôi đã đọc gần như tất cả mọi cuốn về ngành này được xuất bản tại Việt Nam - dù đã từ bỏ nó rồi, tôi vẫn thấy tiếc khi phải đem bán khát vọng một thời, một hành động gần như phản bội bản thân thì quá khứ). Tôi cũng đọc về tâm lý học, dù khá ít, nhưng cũng đủ để tạm gọi mình là có đôi chút hiểu biết.
***
Là một độc giả trung thành của văn học, kẻ đóng họ thường kỳ cho Nhã Nam và Nhà xuất bản Văn học, hiển nhiên tôi sẽ cổ vũ bạn đọc tiểu thuyết. Và như bạn sắp thấy dưới đây, tất cả những gì tôi bàn luận đều xoay quanh tiểu thuyết, vậy nên những ai thấy vô bổ có thể rời ngay.
Nếu mới bắt đầu đọc, hãy đọc tiểu thuyết. Nếu thấy đọc sách chẳng hơn gì một thú tiêu khiển giết thì giờ, hãy thử đọc tiểu thuyết. Nếu thấy bản thân trì độn, ngắc ngứ dù ngốn không biết bao nhiêu là sách tạp nham, hãy bỏ cả đi và đọc tiểu thuyết. Hãy đọc tiểu thuyết, và hãy đọc những tiểu thuyết hay. Vế đầu dễ, vế sau thì không.
Bạn có biết Nhà giả kim thực chất là một cuốn tiểu thuyết không? Có thể bạn biết, nhưng nhiều người như bạn đang đọc bài này không biết đâu. Tôi vẫn chẳng hiểu sao về tới Việt Nam nó lại nổi lên như Kinh Thánh thứ hai của dòng self-help (Kinh Thánh đầu tiên chắc chắn là Đắc nhân tâm rồi). Nhà giả kim từng khiến tôi mê mẩn xiết bao, tôi nhớ đã lấy cảm hứng từ nó để viết ra một bài luận thời cấp ba về tầm quan trọng của ước mơ; tôi đã viết "Khi bản thân ta thực sự mong muốn điều gì, vũ trụ sẽ hợp sức để giúp ta đạt được điều đó." - trúng phóc, tôi đạt điểm tuyệt đối, và bài của tôi được đem đọc trước toàn thể cả lớp, và đó có lẽ là lần đầu tiên tôi thấy tự hào vì tác phẩm (tôi không biết có thể gọi nó là tác phẩm chưa) của mình. Giờ nhìn lại, tôi thấy câu nói kia có phần sáo mòn, có lẽ bởi nó đã được xào đi xáo lại nhiều quá, và, bởi thực sự ta chỉ thấy nó hay hay chứ chẳng hiểu rõ ý nghĩa nó là sao cả. Tựu trung lại, nó khá mơ hồ, và tôi không ngại để thừa nhận rằng nếu tôi đọc Nhà giả kim vào năm tôi 30 tuổi, tôi sẽ chẳng thấy nó hay tới thế. Một vài cuốn sách nên được đọc vào một số thời điểm nhất định trong đời để được phát huy tác dụng; một vài cuốn có thể đọc ở bất cứ thời điểm nào trong đời; một vài cuốn phải đọc đi đọc lại, số khác thì chỉ xứng đáng đọc một lần rồi vứt đi; hoặc tệ hơn, đọc không nổi năm trang..
Về cách nhận biết đâu là tiểu thuyết hay, có thể tạm chia vài dấu hiệu thế này: a) bạn không thể ngừng đọc; b) bạn sẵn sàng đọc nó nhiều lần; c) hậu vị của nó, dù đắng hay ngọt, đều khiến bạn tê dại; d) nó thuộc hàng kinh điển; và e) nó đã trải qua lưỡi gươm thanh trừng của thời gian mà vẫn sống nhăn răng, thậm chí là còn to lớn hơn trước.
Ý d) và e) gần như trùng lặp, nhưng có lẽ vẫn nên tách riêng. Tôi sẽ không trình bày lý do cụ thể bởi sợ bạn phát chán mà bỏ dở những điều thú vị phía dưới.
***
Tôi đã ruồng bỏ phần lớn số sách tôi từng mua trong hai năm trở lại đây, và chỉ giữ lại những cuốn tâm đắc. Có lẽ bạn sẽ muốn nghe qua vài-cuốn-tôi-sẽ-không-bao-giờ-bán-đi: tất cả sách của Gustave Flaubert, tất cả sách của Charles Dickens, tất cả của F. Scott Fitzgerald, Đỏ và đen của Stendhal, Anna Karenina của Leo Tolstoy, tất cả của Dostoevsky, Bố già của Mario Puzo, Bay trên tổ chim cúc cu của Ken Kesey, Don Quixote của Cervantes,... Như bạn thấy, đều là tiểu thuyết cả, và tôi không biết bạn có nhận ra không, tôi đọc sách theo tác giả.
Đơn giản mà nói, nếu tôi đã đọc một tác phẩm bất kỳ của một tác giả và thấy yêu thích nó, tôi sẵn sàng ngốn hết sạch số tác phẩm còn lại của họ. Tất nhiên, tôi không bài trừ việc đọc da dạng; lượng sinh ra chất, nhưng tên nào đọc một cuốn sách duy nhất của một nhà văn mà dám nhận mình là người hâm mộ trung thành thì thật đáng khinh.
Việc đào sâu trước tác của một tác gia, phần lớn, phụ thuộc vào công đoạn sưu tầm. Thực tế thì những tiệm sách cũ chứa nhiều cuốn giá trị hơn những hiệu sách đương thời, cơ bản là vậy. Tin tôi đi, những cuốn hay thì lại ít người biết, và bởi ít người biết, nên họ chẳng xuất bản nhiều. Toàn hết hàng cả thôi. Và, ta lại phải tìm tới chợ sách cũ, nhóm rao bán trao đổi sách, hoặc, mấy gã đầu cơ, hoặc mấy gã ngu nắm giữ kim cương mà không hay biết. Xin lỗi nếu có lời lẽ khiếm nhã, bởi về cơ bản cuốn sách là kim cương với bạn nhưng là than chì với kẻ khác, và ngược lại, là chuyện khá thường tình.
***
Điều tuyệt vời nhất ở một cuốn sách là nó dẫn ta tới những cuốn sách khác. Không có gì đáng trân trọng hơn là mỗi cuốn sách ta đọc đều hay hơn, vĩ đại hơn hẳn những cuốn trước. Ít nhất thì bạn cũng có thể tự hào rằng gu thưởng thức của mình đã tăng lên, hoặc ít nhất, bạn cũng là một kẻ may mắn. Ngoài kia có những người ngụp lặn trong biển sách và, mãi mãi không biết mình thuộc về chốn nào.
Có lẽ sẽ cần bàn qua đôi chút, về một khái niệm không mấy đơn giản, gọi là tính liên văn bản. Đại khái là tất cả các cuốn sách bạn đọc đều có dây mơ rễ má với những cuốn khác. Cái này thì ai đọc nhiều ắt sẽ hiểu, rằng tác phẩm nào cũng na ná các tác phẩm trước đó, và các tác phẩm sau nó thì lại cũng na ná nó. Ví dụ, bất cứ cốt truyện nào mà nam chính, nữ chính yêu nhau nhưng hai gia đình lại mang mối tử thù là con cháu của Hamlet, hoặc mô típ bán linh hồn cho quỷ dữ thì là từ Faust mà ra; nam chính hay nữ chính là dân miền quê lên thành thị rồi theo đuổi phù hoa, cuối cùng vỡ mộng thì từ Balzac, Stendhal, sau này có Gatsby của Fitzgerald, rồi tới Bữa sáng ở Tiffany's của Capote.
Tới giờ tôi vẫn chưa khám phá hết tiềm năng của tính liên văn bản; về phần mình, tôi chỉ có thể nói rằng nó giúp tôi khá nhiều trong việc cảm nhận tác phẩm, và hiểu được nó. Bên cạnh đó, việc nhận biết ra tất cả những áng văn khiến bạn mê đắm đều chứa đựng ít nhiều cái gọi là "đánh cắp ý tưởng", khiến bạn nhẹ cả gánh, đặc biệt nếu bạn là dân viết.
Sự vĩ đại của các thần tượng sẽ mai một đôi chút, bởi bạn đã phát hiện ra bí mật của họ, bạn biết họ lấy cảm hứng từ đâu. Và bởi bạn biết suối nguồn đó rồi, bạn có thể xuôi chèo và tự tạo ra dòng chảy của riêng mình.
***
Giờ tới lời khuyên khó nhất, và cũng là lời khuyên mà tôi cố gắng theo đuổi: Đừng chỉ đọc bằng mắt của bạn. Ý tôi là, nếu bạn đọc một tác phẩm, bạn phải tự sắm cho mình đôi mắt của một kẻ đứng trong thời cuộc mà cuốn sách ra đời. Điều này, tất nhiên, đặc biệt khó; và khi bạn đã thử rồi, bạn sẽ thấy nhà văn đôi khi không chỉ là nhà văn nữa, ông ta còn là một sử gia, một thư ký của thời đại như lời Balzac.
Một ví dụ rút ra từ trải nghiệm của chính tôi sẽ củng cố tính xác đáng cho luận điểm trên: trường hợp của Gatsby vĩ đại. Gatsby không phải một cuốn sách đọc một lần, chắc chắn thế, và sau lời giải thích dưới đây, bạn sẽ hiểu tại sao nó được phổ cập vào chương trình học của nước Mỹ.
F. Scott Fitzgerald là một trong số những nhà văn thuộc Thời đại Jazz, thuật ngữ do ông tự đặt tên, ý chỉ thời kỳ 1920-30 tại nước Mỹ, nơi nhạc jazz bắt đầu trở nên phổ biến nhờ các nghệ sĩ da màu, và, cả thế kỷ này được đặt tên là The Roaring Twenties. Đây là giai đoạn trước thảm hoạ phố Wall, nước Mỹ đang vào đà phát triển cực thịnh, nhưng phân hoá giai cấp cũng đặc biệt sâu sắc. Giới thượng lưu ăn chơi trác táng, người ta tề tựu tại những bữa tiệc đốt tiền như lũ bướm đêm; đàn bà bắt đầu rũ bỏ lề lối, du nhập từ Âu châu những thói đồi bại; ngoại tình được coi là thời thượng, và, trở nên phóng đãng, tình dục bừa bãi.
Vậy là tôi vừa tóm tắt cho bạn bối cảnh của Gatsby vĩ đại. Giờ thì hãy nhớ lại cuốn tiểu thuyết đó, nhớ lại những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng của Gatsby, nhớ lại kiểu tóc ngắn cụp tai của Daisy và Jordan - vốn du nhập từ Pháp - mốt thịnh hành thời bấy giờ của đàn bà con gái, nhớ lại cái vẻ phù phiếm của ảo mộng đô thị, tất cả. Rất có thể, bạn sẽ đọc lại Gatsby một lần nữa, và tôi đảm bảo, lần này sẽ hay hơn nhiều, rất nhiều.
Trong trường hợp bạn muốn hiểu thêm về Đại gia Gatsby, thì nó đây.
***
Viết tới đây thì tôi cũng thấm mệt rồi, có lẽ nên để dành cho đợt sau.
Lời cuối, tôi sẽ phát biểu ý kiến của mình rằng thế nào là một cuốn sách đáng đọc. Tôi từng đọc được một câu nói thế này, một cuốn sách không đáng đọc lần hai thì không đáng đọc. Tôi đã lấy đó làm phương châm đọc của mình.
Yêu một cuốn sách cũng như yêu một người. Nếu bạn thật sự yêu người ta, gặp gỡ một lần đâu có đủ. Bạn luôn bị thôi thúc tìm đến họ, trở về bên họ, nhìn ngắm họ, muốn hiểu họ hơn, muốn họ trở thành một phần trong bạn.
Vậy nên, nếu bạn nói yêu một cuốn sách dù mới chỉ đọc một lần, thì đó chưa phải là yêu đâu. Tạm gọi là thích thôi.
Nhân tiện, tôi đã bán đi tất cả những sự thích như thế. Tôi, chỉ giữ lại những gì tôi yêu.
P.S: Một người dùng Spiderum mà tôi không quen biết từng hỏi tôi vào cuối tháng Chạp rằng bao giờ thì tôi lên bài những cuốn hay nhất đã đọc được trong năm 2023. Tôi đáp là vài ngày nữa, rồi vài ngày nữa ấy không bao giờ tới cả. Tôi đã thoái thác, không, tôi mõm. Thôi thì cũng có chút gọi là áy náy, vậy nên đây, quà đền bù tới người bạn vô danh.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất