Ngay từ khi còn bé, tôi là một kẻ an phận, không tin vào những bộ phim cường điệu hóa quyền lực của Hàn Quốc. Không thích cạnh tranh với bạn bè và dễ bị bạn bè đưa vào thế khó. Để đứng top đầu, họ sẵn sàng cáo buộc tôi là kẻ ăn cắp ý tưởng của họ trước mặt giáo viên. Nhưng lúc đó tôi cảm thấy bình thường, tôi chọn im lặng và dễ dàng thoái lui. Cứ như thế, thành tích của tôi không có gì nổi trội cho đến hết những năm cấp ba. Cho đến khi tôi tham gia thị trường lao động, tôi nhận ra không phải lúc nào tôi cũng có thể sống trong môi trường làm việc công bằng, ở đó có những kẻ nịnh hót cấp trên, kẻ lén lút cướp công người khác, thậm chí bọn họ còn chia bè kéo cánh để tranh dành quyền lợi. 
Còn tôi thì cứ giữ im lặng nhưng đối phó khéo léo hơn. Tôi không thích nói nhiều khi không cần thiết, tôi không theo phe ai cả, và tôi cố gắng tham vọng hơn bằng cách trổ tài có chừng mực trước mặt những ai có thói đố kỵ. Cho đến khi tôi đọc tác phẩm đầu tay của tác giả Robert Greene với tên gọi 48 NGUYÊN TẮC CHỦ CHỐT CỦA QUYỀN LỰC - một quyển sách tai tiếng khi bị cấm ở các nhà tù tiểu bang Hoa Kỳ - tôi thấy nguyên tắc sống của mình có những điểm tương đồng với tác giả.

1. Robert Greene và quyển sách thay đổi cuộc đời ông.

Nguồn: Internet.
Nguồn: Internet.
Robert Greene là con trai út của một gia đình Do Thái trung lưu sinh sống ở thành phố hoa lệ Los Angeles. Bố ông là nghề bán dụng cụ dọn dẹp, trong khi mẹ ông là một bà nội trợ với niềm đam mê nghệ thuật nhưng không thành. Lớn lên, ông theo học đại học Wisconsin-Madison, sau đó tốt nghiệp với bằng cử nhân về nghiên cứu cổ điển tại đây. 
Trước khi trở thành nhà văn, Robert Greene đã làm khoảng 50 công việc khác nhau từ công nhân xây dựng, dịch giả, biên tập viên tạp chí cho đến nhà biên kịch phim Hollywood. Vì thế, thái độ của ông về cuộc đời trở nên thực tế hơn.
Năm 1995, Robert Greene làm nhà văn tại trường nghệ thuật và truyền thông Fabrica ở Ý. Đồng thời, ông đã bắt đầu ấp ủ ý tưởng về quyển sách đầu tay thông qua cuốn tiểu sử độc tài Julius Caesar. Khi ông gặp mặt Joost Elffers, ông Greene đã trình bày ý tưởng của mình cho ông ta. Sáu tháng sau, Elffers đã yêu cầu ông viết quyển sách này. Năm 1998, sách được xuất bản. Tác phẩm đầu tay mang tên 48 NGUYÊN TẮC CHỦ CHỐT CỦA QUYỀN LỰC đã chính thức thay đổi cuộc đời ông. Sách lọt top New York Time Bestseller, đạt doanh số 1,2 triệu bản và được dịch sang 24 thứ tiếng. Đây là quyển sách yêu thích của các nghệ sĩ underground, doanh nhân Mỹ, đặc biệt là chính trị gia Cuba - Fidel Castro. 
Cấu trúc của sách được phân thành 48 nguyên tắc khác nhau. Mỗi nguyên tắc là một chương, được đặt một cái tên ngắn gọn xúc tích như: ‘ĐỪNG BAO GIỜ CHƠI TRỘI QUAN THẦY’, 'NHỔ CỎ PHẢI NHỔ TẬN GỐC’. Cho nên, người đọc có thể dự đoán trước được nội dung của các chương. Trong mỗi chương, ông chia thành 4 nguyên tắc nhỏ, và được lập lại xuyên suốt quyển sách:
- Vi phạm nguyên tắc: Kể về những sai lầm của các danh nhân khi họ đùa giỡn với quyền lực. - Tuân thủ nguyên tắc và cốt tủy của nguyên tắc: Phương pháp thực hành quyền lực và bóc trần các thủ đoạn quyền lực. - Nghịch đảo: Trình bày điểm yếu cốt tử của các nguyên tắc quyền lực.
Với lối thiết kế nội dung như vậy, sách đã trở thành một cuốn cẩm nang thực hành dành cho người bận rộn. Người đọc chỉ cần lấy kinh nghiệm cá nhân ra đối chiếu với tiêu đề chương, tra vào từng đề mục, đọc qua một lần là nắm được toàn bộ nội dung của một nguyên tắc.
Vậy, công thức thành công của Robert Greene với 48 NGUYÊN TẮC CHỦ CHỐT CỦA QUYỀN LỰC khá tương đồng với triết gia lịch sử Oswald Spengler - vị triết gia này đã trở nên giàu có sau khi xuất bản quyển sách CON NGƯỜI VÀ KỸ THUẬT để tố cáo Đức quốc xã. Đương nhiên, nội dung của hai sách đều dễ tiếp cận với đại chúng, ngôn từ kích động gây nhiều tranh cãi, bóc trần sự thật về thói tham quyền của con người. 

2. Hãy cẩn thận với “con dao hai lưỡi” của Robert Greene.

Đầu tiên, tôi phải làm rõ với bạn rằng, sách có giọng điệu của một người tỏ vẻ bề trên, làm người đọc ảo tưởng bản thân là người đã nắm chắc quyền lực trong tay. Thế nhưng, các nguyên tắc quyền lực đã tự dẫm vào chân nhau. Cho nên, nếu dùng không cẩn thận, sách sẽ trở thành một con dao hai lưỡi dành cho chủ sở hữu.
Cụ thể hơn, nguyên tắc THU HÚT CHÚ Ý BẰNG MỌI CÁCH yêu cầu rằng: 
“Mọi thứ đều được đánh giá qua vẻ bề ngoài, cái gì không được trông thấy thì xem như không có giá trị. Vì vậy đừng bao giờ để mình bị chìm ngập giữa đám đông hoặc chôn vùi trong quên lãng. Hãy nổi trội.” 
Lola Montez (1821 – 1861) - Nguồn: Internet.
Lola Montez (1821 – 1861) - Nguồn: Internet.
Người đẹp Lola Montez đã tuân thủ nguyên tắc trên, bà ta đã dùng nhan sắc của mình để quyến rũ đàn ông có địa vị. Trái lại, nguyên tắc TRÁNH KẺ XẤU SỐ đã phủ nhận nguyên tắc trên. Robert Greene đã viết rằng, Lola Montez là người xúi quẩy, đi tới đâu thì tai họa giáng xuống tới đó, đàn ông không bại hoại thanh danh thì cũng chết yểu vì bà. Với lẽ đó, Robert Greene khuyên chúng ta tránh xa người THU HÚT CHÚ Ý BẰNG MỌI CÁCH giống như Lola Montez. Thêm nữa, nguyên tắc THU HÚT CHÚ Ý BẰNG MỌI CÁCH yêu cầu bạn đề cao một điểm mạnh của cá nhân lên, và điều này sinh ra sự đố kỵ từ người khác. Việc đề cao điểm mạnh lại vi phạm thêm hai nguyên tắc nữa, đó là: ĐỪNG CHƠI TRỘI QUAN THẦY và ĐỪNG TỎ RA QUÁ HOÀN HẢO, vì nội dung của hai nguyên tắc này đều yêu cầu bạn hạn chế phô trương tài năng nhằm tránh trường hợp bạn bị hãm hại bởi kẻ đố kỵ.
Thứ hai, 48 NGUYÊN TẮC CHỦ CHỐT CỦA QUYỀN LỰC là cuốn cẩm nang tổng hợp vô số thủ đoạn chính trị trong lịch sử trải dài từ Đông sang Tây, bao gồm nhiều chiến lược bài bản, hướng dẫn những kẻ xảo quyệt thành thạo hơn trong thuật thao túng người khác. Ví như nguyên tắc ĐÁNH VÀO NGƯỜI CHĂN, ĐÀN CỪU TAN TÁC yêu cầu chúng ta cô lập một ai đó mạnh nhất bầy đàn. Hay nguyên tắc SỬ DỤNG TAY SAI LÀM VIỆC BẨN yêu cầu bạn sai kẻ khác làm việc dơ dáy để giữ cho bạn được trong sạch thanh danh.
Vì nội dung tiêu cực, mâu thuẫn và dạy người đọc cách thao túng nạn nhân. Cho nên, 48 NGUYÊN TẮC CHỦ CHỐT QUYỀN LỰC đã gây ra một làn sóng tranh cãi cực kỳ gắt gao, và điều hiển nhiên ở đây, sách bị cấm phát hành tại một số nhà tù của các tiểu bang Hoa Kỳ. 

3. Lý do sách trở thành mối quan ngại của các quản ngục và cảnh sát Hoa Kỳ:

Nguồn: Internet.
Nguồn: Internet.
Về mặt tâm lý, đa số các tội phạm đều là những kẻ tâm thần bất thường. Trong số đó, những kẻ nguy hiểm nhất chính là tù nhân thái nhân cách. Bọn chúng đi theo chủ nghĩa xảo quyệt và tài giỏi trong việc thao túng người khác. Không quản ngục nào muốn đưa sách dạy thao túng cho một kẻ có sở trường thao túng cả.
Về mặt an ninh, nhà tù là nơi để cải tạo tù nhân, nhưng mặt trái của nhà tù là tạo điều kiện thuận lợi để những kẻ tội đồ trở nên tinh vi hơn. Ở đó, họ thường dạy nhau những món nghề đối phó với quản ngục, để tấn công các băng nhóm khác nhằm thị uy quyền lực của mình. Nếu ra tù với quyển sách trong tay, họ sẽ trở thành những con mồi khó săn đối với cảnh sát Mỹ.
Cuối cùng, về mặt xã hội, có một sự thật phũ phàng là công dân Mỹ coi thường những người có tiền án. Họ cố tình đẩy những kẻ làm lại cuộc đời vào tình cảnh vô gia cư. Người có tiền án không thể xin việc ở đâu cả. Các cơ sở kinh doanh đều từ chối họ. Mặc dù họ thành tâm hối cải, nhưng vẫn bị người ta gán ghép là những kẻ tâm thần, không có khả năng cải tạo, hay quấy rối và ăn cắp vặt ở nơi làm việc. Cho nên, các cựu tù nhân sẽ cảm thấy tủi thân, để rồi họ lại quay về con đường phạm pháp như trước. Tất nhiên, không một cơ quan luật pháp nào muốn một kẻ ngựa quen đường cũ trở nên khó kiểm soát hơn.
Tóm lại, các nhà tù đã cấm cung cấp sách này cho tù nhân nhằm ổn định lại trật tự nhà giam, giảm bớt những chiêu trò thao túng bạn tù và quản giáo. Đặc biệt là tránh được việc, sách sẽ nhồi sọ tư tưởng bất mãn, bóc trần sự thật chính trị Mỹ cho các cựu tù nhân, để rồi họ mất niềm tin, quay lại đường cũ, làm chính phủ Hoa Kỳ khó săn đuổi họ hơn trước. Tuy nhiên, một số nhà phê bình sách lại cho rằng: các quy luật mâu thuẫn lẫn nhau, vô nghĩa, và có chủ đích châm biếm quyền lực.
“Một số 'luật' của Greene có vẻ mâu thuẫn” - Carol Kennedy, viết trên tạp chí Director. “Cuốn sách lại đơn giản là vô nghĩa.” “Nghiêm túc thì đây là một cuốn sách ngớ ngẩn, khó chịu. Nếu không thì đó là một sự châm biếm tuyệt vời” - Kirkus Reviews, tạp chí review sách của Mỹ thành lập năm 1933.
Với cá nhân tôi, sách này khá trung tính, các thủ đoạn trong sách đều tự triệt tiêu lẫn nhau thông qua cách trình bày hướng dẫn tấn công (tuân thủ nguyên tắc) và phương pháp ngăn chặn (nghịch đảo). Vậy động cơ thật sự của Robert Greene khi xuất bản quyển sách này là gì? Có phải ông ta là ác quỷ? Hay là nhà hiền triết yêu thích sự châm biếm sâu cay?

4. Để hiểu sách, bạn phải hiểu định hướng triết học của tác giả.

Nguồn: Internet.
Nguồn: Internet.

Robert Greene yêu triết học đề cao đạo đức.

Đầu tiên, Robert Greene là người thực hành thiền tông. Trong đó, triết lý thiền tông thường xuyên nhắc đến KHÔNG TÍNH, một hệ thống siêu hình Phật giáo khẳng định thế giới này là hoàn hảo, có trật tự, được cân bằng bởi chân-thiện-mỹ và ngụy-xú-ác. Nếu kẻ nào yêu Thiện ghét Ác hay trọng Ác khinh Thiện, thì kẻ đó vẫn còn sống trong đau khổ của sinh tử luân hồi.
Thứ hai, Robert Greene yêu thích triết gia Nietzsche - tác giả của siêu hình học ý chí quyền lực. Trong đó, siêu hình học có nghĩa là vạn vật trong vũ trụ này đều vận hành theo một nguyên tắc cốt tuỷ nào đó giống như Đạo của Đông phương, hay Logos của Tây phương. Còn ý chí quyền lực của Nietzsche có thể giải thích rằng: vũ trụ này đều đi theo tiếng gọi của quyền lực. 
Trong thang bậc ý chí quyền lực của Nietzsche, triết gia phân cấp loài người thành ba loại:
- Những kẻ đê tiện nhất, yếu đuối nhất là những kẻ dùng quyền lực của mình để làm người khác đau khổ. - Những kẻ tầm thường thì dùng quyền lực để tạo ra sự đố kỵ cho người khác, hoặc buộc người khác phải ngưỡng mộ mình.  - Hiền nhân người có khả năng khắc phục, hoàn thiện và thống trị bản thân.
Thứ ba, ông đam mê triết học Hy Lạp-La Mã cổ đại: Các triết gia yêu thích của ông đều là những người đề cao đạo đức như Plato, Aristotle và hai nhà Khắc Kỷ Seneca, Marcus Aurelius. Cũng vì lý do đó, ông đã trở thành cố vấn của Ryan Holiday - tác giả của quyển sách The Daily Stoic đạt top 10 quyển sách Khắc Kỷ bán chạy nhất thế giới.

5. Năm nguyên tắc quan trọng của quyển sách.

Nếu bạn là một người tự ti, an phận như tôi từ bé. Thích tránh né trò chơi quyền lực, và không tin học thuyết ý chí quyền lực của Nietzsche. Thì tôi nghĩ, bạn là một người tin vào tâm lý học cá nhân của Alfred Adler. 
Alfred Adler tin rằng: Thực tại diễn biến ra sao là do nội tâm bạn quyết định, nên không có thực thể siêu hình ý chí quyền lực nào có thể tác động lên bạn. Nếu xã hội phủ nhận bạn, thì bạn sẽ bị mặc cảm tự ti. Bạn càng tự ti thì bạn càng có động lực phát triển bản thân để thay đổi cuộc đời. Rốt cuộc, bạn phải leo lên và vô tình ngáng chân những kẻ đố kỵ tham quyền. Nếu có thể, hãy đọc qua quyển sách này như một phương thức phòng ngừa, hoặc chí ít là tự chỉnh đốn đạo đức của bản thân như Nietzsche đã đề cập. 
Nguồn: unsplash.com/@helencramer
Nguồn: unsplash.com/@helencramer
Sau đây là 5 nguyên tắc quyền lực mà tôi tự đúc kết từ sách:
#1 ĐỪNG BAO GIỜ CHƠI TRỘI QUAN THẦY.
Tuân thủ nguyên tắc: Các quan thầy gồm có 4 loại: (1) Cùng nhân viên làm việc, biết kết nối đội nhóm, chỉ dạy nhân viên và học hỏi từ nhân viên; (2) Độc tài và để nhân viên tự bơi sau đó là cướp công; (3) Kẻ đa nghi hay ôm hết việc vào mình; (4) Biết xu nịnh cấp trên để dành giật mồi ngon, và bạn là người làm thay hắn ta.
Hãy trân trọng và biết ơn bằng mọi giá(1), nhưng hãy dè chừng, bạn không nên chơi trội tùy tiện trước mặt họ.
Nên vô tình thể hiện tài năng, các quan thầy (2), (3), (4) sẽ bỏ qua. Đừng cố tình chơi trội với (2), (3), (4) vì họ là những kẻ sợ người khác vượt mặt mình. Nếu vị trí họ lung lay bởi tài năng của bạn, họ sẽ chèn ép bạn. Hãy làm việc vừa sức, đừng quá bộc lộ tài năng. Khi đạt thành tựu gì đó, thì hãy khen ngợi công lao chỉ dạy của các quan thầy.
Nghịch đảo: Khi các quan thầy (2), (3), (4) đang trên đà tuột dốc. Hãy thể hiện tài năng của bạn một cách tàn nhẫn có chọn lọc, nếu bạn thay thế được vị trí của các quan thầy này, họ cũng không áy náy. Nhưng nếu quan thầy đã quá yếu, bạn không nên rắp tâm chơi trội quá đà để rồi bị đánh giá là một kẻ nhẫn tâm.
#2 LUÔN NÓI ÍT HƠN MỨC CẦN THIẾT.
Tuân thủ nguyên tắc: Lời đã nói ra như kiếm đã rút khỏi vỏ. Cả hai thứ đều vô tình tổn hại người khác. Không nên ba khoác lác về chiến tích của mình và khạc nhổ vào thành quả của đối thủ. Người trong cuộc sẽ căm thù bạn, kẻ ngoài cuộc sẽ khinh miệt bạn, và bọn họ sẽ nghĩ rằng bạn đang sợ hãi, bất an. Kết quả, cái mỏ hỗn của bạn sẽ bị người khác “đẽo gọt” bằng những lời dèm pha. Về sau, bạn sẽ rơi vào cảnh “lưu đày”. Tốt hơn hết, hãy ít nói và nói những lời đáng giá, vì khi tranh luận, kẻ thù sẽ khó nắm thóp bạn hơn. Hãy để họ đoán già đoán non, để rồi tự họ thoái lui.
Nghịch đảo: Đôi khi ít nói lại là nhược điểm của bạn. Có những tình huống, sự im lặng lại gây ra sự nghi ngờ, lo âu cho đồng cấp và cấp trên. Với lẽ đó, họ sẽ tìm cách thay thế bạn. Tốt nhất bạn nên tung hỏa mù bằng lời nói luyên thuyên, nhờ vậy, người ta sẽ nghĩ bạn là người kém thông minh, vô hại.
#3 TRÁNH KẺ XẤU SỐ, ĐỂ KHỎI XUI LÂY.
Tuân thủ nguyên tắc: Con người rất dễ đồng cảm với người khác: bạn và tôi có thể mê đắm sự dễ thương của một cô nàng thích gây họa, dễ mũi lòng với một người bộc bạch về hoàn cảnh bi đát. Các chuyên gia tâm lý cũng vậy, họ cũng bị trầm cảm sau những ca điều trị cho các bệnh nhân.
Đừng vội ra tay giúp đỡ những kẻ tỏ ra bi ai. Hãy cẩn thận với tiểu sử của hắn. Hãy rà soát thật kỹ quá khứ của hắn để xem: Hắn có phải là kẻ hay đi gây họa hay không? Hắn có đầy nhược điểm không thể sửa chữa hay không? Nếu có thì chớ lại gần vì hắn đang đuối nước, nếu hắn với được bạn, theo bản năng, hắn sẽ cố dìm bạn xuống để tự ngoi lên. Lúc này, bạn là người chết trước chứ không phải hắn.
Nghịch đảo: Nguyên tắc này không có nghịch đảo, nó luôn đúng dưới mọi hoàn cảnh. Hãy để kẻ gây họa tự rút ra bài học bằng việc tự lãnh lấy tai họa. Chỉ nên giao du với người có vận đỏ đang nắm sức mạnh trong tay.
#4 ĐỪNG DẤN THÂN VỚI PHE NÀO CẢ.
Tuân thủ nguyên tắc: Đây chính là phong cách đối ngoại của Việt Nam. Nếu bạn đang chập chững bước vào một môi trường làm việc mới. Làm ơn đừng dại dột đi tìm bè cánh. Hãy theo phe của chính mình và tránh né những lời dụ ngọt về “đại nghĩa” giữa hai phe. Hãy để họ đối đầu với nhau, và bạn sẽ hưởng lợi từ các chiêu trò lôi kéo của hai bên. 
Nếu bạn theo một trong hai phe, bạn sẽ mắc nợ ân nghĩa với họ rồi trở thành một con tốt thí, và tự buộc mình làm bia lãnh đạn từ phe còn lại. Tất nhiên, Ukraine là một ví dụ điển hình.
Nghịch đảo: Đừng cố tình giật dây quá nhiều phe để hưởng lợi. Vì làm như thế, bọn họ sẽ nhận ra chiêu trò của bạn. Họ sẽ bị mất hứng thú rồi phớt lờ bạn, hoặc đoàn kết lại để tấn công bạn. Trong những trường hợp như vậy, bạn nên ngả về phe còn lại về mặt hình thức nhằm chứng tỏ bạn là một người biết gắn kết với phe đó. Tuy nhiên, hãy giữ vững tinh thần độc lập, đừng để những lời dụ dỗ ngon ngọt thao túng làm bạn mắc nợ họ. Hãy bảo lưu một số quyền lựa chọn thoái lui an toàn ngay khi bạn kết giao với họ.
#5 THU HÚT SỰ CHÚ Ý BẰNG MỌI CÁCH.
Tuân thủ nguyên tắc: Quan điểm nhìn người của bạn không trọng bề ngoài của người khác, và có con mắt sắc sảo trong việc đánh giá nội tâm của họ. Trái lại, điều đó không có nghĩa bản thân bạn chỉ nên “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.
“Nước sơn” của bạn phải cần bóng bẩy, chí ít cũng phải gọn gàng, lịch thiệp để người ta đánh giá bạn là một người nghiêm túc, chỉn chu. Về đức tính, hãy chọn một đức tính giúp bản thân nổi trội hơn, ví như: “Tôi không có gì nổi trội ngoài khả năng gắn kết đội nhóm”, hay “Tôi là người yêu trẻ em”. Hoặc là nghịch đảo tật xấu của mình thành đức tính tốt: “Tôi chậm chạp, nhưng tôi làm việc có kế hoạch và chăm chỉ”, “Tôi bị phê bình là người kẹt xỉ, nhưng tôi đang tích góp tiền chỉ để đối phó với các rủi ro trong tương lai mà thôi”.
Tất nhiên, bạn đừng phô trương quá đà, hãy tỏ ra bí ẩn. Hãy khơi gợi cho họ qua những gì bạn làm, bạn thể hiện, thay vì nói trắng ra bằng sự khoe khoang. Không ai thích một kẻ nhiều lời kiêu ngạo, đánh bóng bản thân. Tóm lại, hãy nổi bật tế nhị hơn. Nếu không nổi bật, bạn có nguy cơ bị chìm vào đám đông, bị đám đông chôn vùi vào sự quên lãng.
Nghịch đảo: Đừng bao giờ quá tham lam bằng cách cố tình lôi kéo sự chú ý, vì bạn đang biểu lộ bản thân là một kẻ kém tự tin. Đó sẽ là điểm bất lợi khi bạn trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Hãy tuân thủ nguyên tắc, nếu tình huống trở nên bất lợi, bạn dễ dàng thoái lui.

KẾT.

Robert Greene không phải là người đam mê quyền lực, vì tác giả là người yêu thích triết học Thiền Tông, Khắc Kỷ và Nietzsche. 48 NGUYÊN TẮC CHỦ CHỐT CỦA QUYỀN LỰC không dành cho những ai bị mắc bệnh hoang tưởng, ngáo quyền lực. Bởi vì sách là con dao hai lưỡi có thể giết chết sự nghiệp của bất cứ ai.
Tất nhiên, Robert Greene đã viết quyển sách đầu tay với động cơ châm biếm trò chơi quyền lực của những người yếu đuối, tầm thường như triết học Nietzsche đã từng đề cập. Hãy dùng sách như một công cụ để chỉnh đốn bản thân, không nên dùng để thống trị người khác.