Xôi vị.....
Sự đối lập giữa thật và ảo. Giá trị của hạnh phúc không nằm ở vật chất. Nó nằm ở những trái tim biết yêu thương...
Facebook xuất hiện. Nó là một trong những đứa đầu tiên có mặt. Ảnh đại diện được photoshop cẩn thận, tỉ mỉ, nhìn tấm ảnh, cứ tưởng là một minh tinh nào đấy, đẹp ngất ngây.
Ngày ngày, gia đình nó cứ thế mà xuất hiện, đẹp không tì vết, nó ôm con gái, chồng nó ôm nó; thứ hạnh phúc gia đình mà ai ai cũng thèm muốn, mọi người yêu thương, tôn trọng và quấn quýt nhau.
Rồi người ta lên đó comment, khen ngợi hết lời, ngưỡng mộ cái tình cảm vợ chồng đẹp như tiểu thuyết ấy.
Xoảng! Mâm cơm văng tung tóe, mấy con cá kho xám xịt nhảy ra khỏi cái dĩa nằm chơi vơi trên nền gạch sáng loáng, mấy cái bát vỡ toang, tô canh bí đỏ đổ tràn lênh láng, khúc giò heo chỏng chơ góc nhà. Con gái nó khóc ré lên, đứa con nít mới hơn bảy tuổi không biết cách ngậm mồm. Cứ hễ đụng chuyện là khóc ré lên.
Mà hễ con bé khóc, là y như rằng nó hoặc chồng của nó sẽ dẫn chiếc xe SH ra, chiếc xe màu đỏ tươi, sáng bóng, rồi đặt con bé ngồi phía trước, phóng cái vèo ra ngõ, chút sau về là trên tay con bé kiểu gì cũng có một món đồ chơi, một loại thức ăn nhanh gì gì đó, đại loại thế.
Thằng Nam đưa mắt nhìn sang.
Vợ chồng chị Hương, đều là người ít học ở quê lên. Anh là thợ hồ, hàng ngày đưa con trai đến trường rồi đi làm, chiều hết giờ thì lại ghé qua trường đón con về. Chị thì ở nhà, nấu một nồi xôi thật to, rồi biến nó thành món được gọi là xôi vị. Món bánh được kết hợp từ nếp dẻo thơm, đậu xanh, dừa khô, đường cát, mè và đậu phộng...chỉ bấy nhiêu thôi, và không biết chị làm cách gì, mà ngon đáo để, ngọt thơm đầu lưỡi. Sau khi ép cứng trên mâm, chị cắt ra từng miếng nhỏ, bày ngay ngắn, đẹp mắt trên những cái đĩa, trong chiếc tủ kính bé bé, xinh xinh trước hiên nhà, thế mà loáng một cái là hết sạch.
Đôi khi hàng xóm nghe tiếng chị cằn nhằn: Cái áo của anh bẩn quá rồi, không để em giặt à?; Ôi! đôi dép nó sình đất chưa kìa!; Sao anh lại mua con cá còn sống thế này, đã bảo bao lần....
Đôi khi hàng xóm nghe anh kêu ca: Ôi giời! Kỹ gì mà kỹ quá không biết, bụi bặm một chút thì có làm sao?; Ăn chay hoài vậy không có sức khỏe đâu, em tu cái tâm là được rồi...
Và đôi khi cả tiếng của thằng Nam đòi quà bánh. Tiếng chị Hương rầy dạy con. Và rồi, mọi người thường nghe một tiếng "Dạ" rất lớn. Phải công nhận thằng bé ngoan. Thằng Nam được ba nó làm cho con ngựa gỗ, là gỗ chàm vàng mang từ dưới quê lên, con ngựa có hẳn cái bụng bự để nó cất giữ đồ chơi, cất được cả cái roi tre vào trong, con ngựa sẵn sàng phi lọc cọc ra trận cùng chàng "Nam Thánh Gióng", thứ đồ chơi xa xỉ đối với tụi bạn nhà giàu.
Anh chị không có điện thoại thông minh, chỉ là hai cái "cùi bắp" của đứa em nó cho, chủ yếu để anh chị liên lạc khi cần. Nhà có cái tivi cũ, hiệu Sony chị mang từ dưới quê lên, sau khi mua cái màn hình phẳng 24 inch hiệu Samsung cho ba mẹ. Cái tivi cũ, chị nhớ đã mua gần hai mươi năm trước, cũng là mua lại đồ cũ của nhà hàng xóm, vậy mà còn tốt lắm, hình ảnh rất là sắc nét. Mỗi tối, anh nhường con trai phần phim hoạt hình, khi thằng bé ngồi vào bàn học bài, anh lại xem thời sự, hay đá bóng. Và đôi khi, chị xem cải lương, thứ cải lương mùi mẫn thường khiến chị khóc ngon lành.
Chiều tối, bên mâm cơm nhà chị Hương, người ta hay nghe loáng thoáng tiếng bé Nam, hình như thằng bé đang kể chuyện ở lớp học, tiếng phụ họa của anh của chị và cả những tiếng cười phá lên, giòn tan, rôm rả.
Con bé đưa mắt nhìn sang.
Facebook hiện lên dòng trạng thái: Cảm thấy tuyệt vời. Chồng yêu tặng nhẫn hột xoàn.
Phía dưới là tấm ảnh nó đẹp lộng lẫy trong một bộ cánh sang trọng, tay đang nâng một ly rượu vang, trên ngón áp út, chiếc nhẫn hột xoàn lấp lánh.
Nó hay giảng đạo lý, hy vọng chỉnh đốn lại cách sống cách nghĩ của mọi người, làm sao để hưởng được phúc báu như nó. Ai đã kết bạn trên facebook với nó, đều thấy thèm được ở vào cương vị đó. Một đời sống nhung lụa, hạnh phúc của một con người đạo đức, thành đạt.
Rầm! Tiếng va đập rất mạnh. Hình như có cái gì đó bị đập vỡ. Tiếng con bé khóc thét.
- Mày nói đi, nói ngay, mày với con đó cặp nhau khi nào? Mày cho nó ăn gì rồi hả? Hết bao tiền của tao?
- Mày câm họng. Tiền nào của mày? Mày ăn rồi thì vui chơi, mua sắm, đến bữa cơm cũng nấu không xong.
- Trời ơi là trời! Đồ khốn nạn, mày nói gì hả?
- Tao làm giám đốc hay mày, hả? Câm họng lại đi. Không thì cút xéo. Tao chán mày lắm rồi.
- Mày làm giám đốc thì ngon lắm hả? Tao cũng là cán bộ đó, mày tưởng tao bán xôi à? Trời ơi là trời!?
............
Tiếng con bé khóc thét.
Hôm ấy, hàng xóm không thấy cái xe SH bóng lán, đỏ tươi được dẫn ra khỏi nhà.
- Hương ơi! Cho bác miếng xôi.
- Dạ! Xôi đây bác. Mai con nghỉ, con về quê, hết tuần con lên. Bác lại đến nhé!
- Thế à? Bác biết rồi. Về thăm ông bà nhỉ? Bác gởi lời thăm nhé! Nhìn ông bà phúc hậu làm sao.
- Dạ! Con cảm ơn bác nhiều! Bác cũng giữ gìn sức khỏe nhé!
- Ừa! Mà bây mau lên đấy nhé! Lâu là bác nhớ cái mùi xôi vị này đấy!
- Dạ! Nhất định rồi, con cảm ơn bác!
Dọn dẹp xong đống bát dĩa, gói mớ lá chuối gọn gàng. Chị bỗng bần thần "lâu là bác nhớ mùi xôi vị này đấy", chị chợt nghĩ: hay là mình làm một mẻ xôi vị nhỉ? Chắc cả nhà sẽ được phen bất ngờ cho coi. Đó là món ăn mà cả ba mẹ và mấy đứa em của chị đều rất thích. Trước kia, khi tụi chị còn nhỏ, là mẹ làm cho ăn. Nó là hương vị tuổi thơ, là bầu trời yêu thương của gia đình chị. Nghĩ là làm, chị thoăn thoắt đôi tay; trong đầu cứ nghĩ đến hình ảnh đoàn tựu với gia đình.
- Em cười gì thế?
Chị giật mình ngẩng lên. Anh đã đứng bên chị tự lúc nào.
Chị lại mỉm cười: em nhớ mùi xôi vị.
- Hả!? Anh ngẩn người.
Xôi vị, món bánh chị được mẹ chỉ dạy cho, cũng là món bánh mẹ chị học từ bà ngoại. Trở thành phương tiện kiếm sống của gia đình chị.
Nhớ ngày trước, vì là chị cả, nhìn thấy ba mẹ vất vả, chị quyết định nghỉ học, ở nhà chăm sóc gia đình, phụ giúp ba mẹ lo cho hai đứa em ăn học. Buổi sáng, chị bưng mâm xôi vị đi từ đầu xóm đến cuối xóm, buổi chiều chị ra vườn, mấy sào đất sau nhà, không một chỗ nào trống, chị cùng với ba mẹ trồng đủ các loại cây, đủ các loại rau. Nhà cửa tuy rất đơn sơ, nhưng ấm cúng, và luôn vang tiếng cười.
Rồi may mắn, chị gặp được anh. Đó là lúc ba mẹ chị quyết định sửa lại cái nhà. Mấy anh thợ hồ xuất hiện, trong đó, có một chàng trai rất hiền, gương mặt thanh tú, luôn cặm cụi làm, và làm một cách cần mẫn, thận trọng. Một chàng trai cần cù, lành tính và cũng ít học như chị, mồ côi từ bé. Duyên nợ thế nào, sửa xong cái nhà, anh chị cũng chuẩn bị làm đám cưới.
Chỉ là anh thợ hồ, nhưng làm việc không có ngày nghỉ, người ta cứ kêu suốt. Những lúc muốn nghỉ một ngày để chơi với con, ở nhà với vợ, anh phải tắt cái điện thoại, chứ không là nó cứ reo tin tít.
Hai đứa em của chị, một đứa là bác sĩ, một đứa là thầy giáo, tụi nó giỏi giang khiến chị tự hào. Lâu lâu, đứa mua cho chị xấp vải, đứa mua cho cháu tập sách. Chị cười, nụ cười hạnh phúc.
Và chẳng hiểu sao, hai đứa em cứ hay nói: anh chị là hình mẫu để bọn chúng noi theo. Anh cười, nụ cười rất hiền.
Facebook hiện lên dòng trạng thái: Cảm thấy hạnh phúc, con gái học giỏi lắm nè! Kèm theo tấm ảnh nó ngồi cạnh dạy con gái học bài.
Mọi người vào comment, ước ao có một cô con gái xinh xắn, ngoan ngoãn, chăm học như thế. Người ta - những bạn bè trên mạng - ai ai cũng thần tượng nhà nó. Thèm khát được như nó. Mọi thứ quanh nó cứ lung linh làm sao.
- Mai mày đi họp phụ huynh đấy!
- Tao mặc xác. Tao không đi.
- Thế mày không phải là cha của nó à?
- Thế mày không phải là mẹ của nó à? Vào mà nghe cô giáo của nó nói, nghe mà nhục mặt vào.
- Thế thì khỏi học hành gì luôn. Trời ơi là trời!
- Tao không quan tâm. Tao chán mẹ con chúng mày.
Rầm! Có vật gì bị rơi mạnh xuống nền gạch, như âm thanh của chiếc điện thoại thông minh bị vỡ vụn.
Tiếng con bé khóc vang . Vang cả sang nhà hàng xóm.
Chiếc xe SH bóng lán, đỏ tươi được dẫn ra khỏi nhà, lao vút ra đầu ngõ.
Tiếng con bé khóc càng lớn hơn, vang hơn, giọng như khàn đặc.
Anh quẩy cái ba lô trên vai, hai tay cầm hai cái túi to đùng, chị mua lỉnh khỉnh bao nhiêu là quà. Hôm nay anh chị lại về quê, thằng Nam nó lại được nghỉ hè, anh chị lại đưa thằng bé về thăm ông bà.
Chị Hương đóng cánh cửa, bóp ổ khóa cẩn thận, rồi nắm lấy tay thằng Nam, thằng bé hớn hở, nhí nhố không ngừng. Bóng ba người khuất dần đầu ngõ.
Trên cánh cửa nhà chị, một tờ giấy học trò được dán thẳng thóm với dòng chữ to, tuy còn non nớt, nhưng được nắn nót rất tròn nét: Xôi vị sẽ bán lại vào thứ hai tuần sau. Cảm ơn bà con!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất