Chào các bạn, mình là một sinh viên khoa Cơ điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Sau năm năm học tập tại trường, bản thân mình thấy nhận ra khá nhiều điều mình nên nhìn lại và viết ra. Vì có những vấn đề mà những bài viết hay video review không thể hiện hết được hoặc đó cũng chỉ là chiến dịch quảng bá của trường "lọt top 1000 thế giới" này :D.
Trước khi đi vào nội dung chính, mình cần phải khẳng định lại với các bạn rằng đây là trải nghiệm cá nhân của mình. Thứ nhất, việc bạn gặp hai giảng viên khác nhau đã có thể khiến con đường học tập của bạn khác nhau. Thứ hai, các khoa, viện khác nhau cũng có thể khiến trải nghiệm của các bạn khác nhau. Vậy nên bài của mình không phải là một tiêu chuẩn đánh giá đại diện cho nhiều mặt của ĐHBKHN. Vì thế nếu có đồng môn HUST nào ở đây xin nhẹ tay, vì có thể trải nghiệm của chúng ta khác nhau, chắc chắn rồi.
Bài viết của mình gồm hai phần:
1. Đánh giá chung về trường.
2. Tổng quan ngành Cơ điện tử.
3. Ý kiến về các môn cụ thể trong chương trình đào tạo ngành.
Giờ thì thay vì hiểu về trường qua tin tức kiểu như đuổi 800 sinh viên mỗi năm hay tham gia trải nghiệm "một ngày làm sinh viên Bách Khoa", để mình kể cho các bạn về năm năm làm sinh viên của trường sẽ thế nào nhé.
1. Đánh giá chung về trường.
+Học phí: Chương trình đại trà 12-15 triệu mỗi kỳ nếu bạn học đúng số tín để ra trường đúng hạn, mình già nhất trường nên tiền học phí khóa sau chỉ có tăng chứ không có giảm, yên tâm đây là số nhỏ nhất rồi.
+Giờ học: 6h30 hoặc 6h45 tới 17h30 đến 17h45, tùy theo việc bạn đăng ký học.
+Giảng đường: To thì 160 tới 200 đứa, nhỏ thì 80, có phòng 40 nhưng khá ít, có điều hòa. Theo cá nhân đa số các lớp học mình tham gia thì sự ồn ào là điều không thể tránh được. Ngồi bàn đầu là lựa chọn khả dĩ nhất bạn có để có thể tiếp thu bài học. Hãy cố gắng kiếm mấy đứa bạn tốt mà ngồi cùng hàng tuần, chắc chắn sẽ giúp bạn học tốt hơn rất nhiều, đừng lang thang xuống cuối lớp, thật lòng đấy.
+Giảng viên: Đa số các môn đại cương là không quan tâm tới sinh viên, vì với họ thì dạy xong đề cương mỗi buổi đã là bài toán khó rồi. Còn chuyên ngành thì đỡ hơn chút, bạn sẽ được thầy cô tận tình hơn ở một vài môn.
+Thư viện Tạ Quang Bửu: Bình thường thì vắng nhưng mùa thi thì khá ồn và chật chội. Mình không hay ghé qua đây lắm.
Có lẽ tổng quan vậy là đủ rồi, giờ hay đến với phần chính là về chuyên ngành của mình.
2. Tổng quan ngành Cơ điện tử.
Cơ điện tử là ngành học liên quan tới nhiều lĩnh vực, tiêu biểu là cơ khí, điện tử và lập trình. Kỹ thuật Cơ điện tử Bách khoa thì đặt ở viện cơ khí nên có phần nghiêng cơ khí hơn nhưng vẫn có đặc thù riêng, đó là đặc thù "thập cẩm". Mình phải học những môn cơ bản của ba ngành khác nhau như trên định nghĩa và việc phải học qua nhiều những mảng kiến thức không liên quan tới nhau khiến mình đôi lúc sẽ bị quá tải. Đặc điểm này sẽ được trình bày rõ hơn ở phần sau.
Về đội ngũ giảng viên thì mình đánh giá đa số các thầy cô có trình độ cao (TS trở lên) nhưng về cách giảng dạy thì chưa tốt chứ chưa nói tới việc kết hợp với nhau để khiến chương trình đào tạo vận hành trơn tru hơn. Một phần nằm ở chương trình, nhưng chương trình cũng do thầy cô đề ra, việc đứt gãy kiến thức của các kỳ là rất rõ ràng.
Ví dụ như có những phần mềm mà bản thân sinh viên cần được làm quen và thông thạo trong khoảng thời gian dài hơn nhưng đa số đều gói gọn trong một kỳ 15 tuần, rất ít những phần mềm được dùng xuyên suốt và được hướng dẫn tới nơi tới chốn, như TIA PORTAL đề lập trình PLC thì học phần đầu tiên và duy nhất dạy trong chương trình đào tạo của mình là Giao diện người máy. Mà một kỳ thì nhiều môn, một phần mềm chưa chín được nữa là nhiều hơn, chưa kể môn nào cũng cần thời gian, thành ra một thực trạng đáng buồn là sau một kỳ thì kiến thức kỳ trước không còn quá nhiều giá trị.
Rộng ra, những kiến thức học ở trường hiện tại đã quá cũ kỹ, nhiều giảng viên cứ vin vào lý do là kiến thức nền tảng mà không cố gắng đổi mới chương trình, cung cấp những kiến thức hữu ích hơn, thay vì dạy đi dạy lại những kiến thức đã từ năm sáu thập kỷ trước. Họ dường như bỏ qua việc nó có ích hay không mà cứ chăm chăm bắt sinh viên tiếp thu và tình trạng đào tạo lại khi đi làm là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó.
Và sau đây là phần điểm qua cả chương trình đào tạo để các bạn có cái nhìn rõ hơn về việc cái xe máy của mình đã đi những đâu, bàn tay mình đã chạm vào những cơ sở vật chất thế nào, đôi mắt và đôi tai mình đã tiếp thu những thông tin ra sao.
3. Ý kiến về các môn cụ thể trong chương trình đào tạo ngành.
Mình sẽ phân ra làm các kỳ cho các bạn dễ theo dõi. Mình sẽ để là 10 kỳ nhé, mỗi hai kỳ là một năm. Có vài môn là thể dục với quân sự thì mình không nói ở đây, vì đó là tùy thế mạnh của bạn. Chú ý chương trình này là dành cho Kỹ thuật Cơ điện tử nhé.
Giới thiệu thêm khái niệm nhỏ đó là kỳ hè. Kỳ hè là kỳ gồm năm tuần học vào sau hai kỳ chính mỗi năm. Học phí tất nhiên là nhân 1.5 rồi :D. Đa số là để sửa chữa sai lầm kỳ chính. Ai vjppro có thể học trước.
Kỳ 1:
1. Pháp luật đại cương, Những NLCB của Mac-Lenin I: Đa số là lý thuyết, mình vẫn cố gắng học thuộc để đi thi được. Việc coi thi khá ngặt.
2. Giải tích, Đại số: Hai hung thần hủy diệt tinh thần sinh viên đầu khóa. Tỷ lệ trượt không quá cao, từ 20 tới 25 %, đa số không qua được 7 và chỉ đủ qua môn. Ấy vậy mà nhà trường nói không ngoa còn lấy làm tự hào, tự hào vì mình dạy khó nên sinh viên nó mới trượt, lớp học kỳ hè nó mới nhiều sinh viên học lại tới thế.
Lý do một phần nằm ở việc sinh viên lười, phần còn lại là do giảng viên, đa số là các thầy không còn trẻ, đã quá cứng nhắc trong phương pháp dạy, gì mà dạy lý thuyết liền 3 tiết, ai mà chịu nổi, lại còn không chữa ví dụ, vì bài tập sẽ được chữa ở lớp bài tập riêng. Vì thế nên đa số sinh viên sẽ không nắm được trọng tâm của bài ngay trên lớp, rất dễ rơi vào trạng thái chưa hiểu cái này đã phải học cái kia. Và điểm đã chứng minh tất cả, và câu nói "qua là được" trở thành câu cửa miệng của đa số sinh viên non nớt.
Kỳ 2:
1. Những NLCB của Mac-Lenin II: Như học phần I, may mắn mình gặp được thầy dạy rất hay, mình không tốn quá nhiều thời gian để ôn lại cuối kỳ.
2. Giải tích 2, 3: Nói chung thì nó là Toán giải quyết các vấn đề về tích phân đơn, kép và 3, chuỗi và cách giải phương trình vi phân đẳng cấp hơn thời cấp 3. Cách tiếp cận cũng không khác học phần Giải tích 1 là mấy.
3. Vật lý đại cương I: Nêu ra vấn đề và đi sâu hơn cấp 3. Nhưng cái khoai nhất là Thí nghiệm vật lý. Thí nghiệm sẽ giúp các bạn biết cách fake số liệu nhập môn khi mà máy móc thì mình cũng không biết từ năm nào rồi, mình đo kết quả từ trên bộ thí nghiệm ra thì không được chấp nhận, còn fake thì lại ký nhận ngon lành. Không qua TN là tạch luôn môn nên không đứa nào dám ho he, thầy cô cũng cố gắng tỏ ra ghê gớm một chút để dọa mấy đứa sinh viên.
Kỳ 3:
1. Vật lý đại cương II: Tương tự học phần I, chất lượng bộ thí nghiệm vẫn thế, thầy cô thì vẫn ngồi chơi kim cương rồi thỉnh thoảng chửi mấy thằng sinh viên fake số liệu ngu.
2. Nhập môn Cơ điện tử: Môn đầu tiên động tới chuyên ngành. Nghe thì to tát nhưng đa số giới thiệu nhứng khái niệm đơn giản mà sẽ được làm rõ ở những học phần sau. Nói chung chỉ dừng lại ở mức giới thiệu và không đọng lại được gì.
3. Đồ họa kỹ thuật: Học cách vẽ các hình chiếu của một vật thể 3D. Môn học giới thiệu cho các bạn tư duy hình học là như thế nào. Cái khó là khi thi, bạn vẽ sai vài nét là sẽ coi như sai hết và điểm còn 1 hoặc 2. Tức là bạn phải vừa vẽ được nhiều và vừa tránh sai sót. Tùy thế mạnh của các bạn, môn này sẽ là dễ hoặc khó.
Đề thi cuối kỳ, vẽ hình chiếu cạnh và trục đo. Nguồn theza2.in, trang đáp án khét tiếng.
Đề thi cuối kỳ, vẽ hình chiếu cạnh và trục đo. Nguồn theza2.in, trang đáp án khét tiếng.
4. Cơ khí đại cương: Học về các phương pháp gia công cơ khí, các vật liệu, giới thiệu về những thứ cơ bản nhất của việc chế tạo sản phẩm cơ khí là như thế nào. Và nó nhiều tới phát bội thực vì người ngày xưa nghĩ ra kiểu chơi kim loại nào là có trong quyển này hết. Cưỡi ngựa xem hoa là chính.
5. Sức bền vật liệu I: Môn học xoay quanh việc tính toán biến dạng của một hệ chịu lực, mục đích là để tính toán xem nó có đáp ứng được tải trọng hay không. Một mộn học quá nền móng, lý thuyết từ năm 1950, nó nền móng tới nỗi không biết ngày nay còn ai quan tâm nữa không, hay chỉ có thầy và hội đồng đang cố gắng dạy lại nhai đi nhai lại hàng năm.
6. Cơ học kỹ thuật I: Mình không nhớ cụ thể môn này học những gì, vì đã quá lâu rồi, chỉ nhớ nó khá khoai.
7. Tin học đại cương: Mình học một người thầy cho nghỉ quá nửa số buổi học và giữa kỳ thầy cho một cái đề và cả lớp làm với nhau. Thầy còn nói thầy dạy vì muốn tiếp xúc người trẻ thôi. Dễ thấy mình cũng khó mà học được gì nhiều.
Kỳ 4
1. Kỹ thuật điện: Giống vật lý cấp 3 phần điện nhưng nhiều hơn, cung cấp các phương pháp tính toán các thông số của mấy mạch điện dở hơi dở hồn, mình cũng không hiểu sao mình qua được môn này, chắc là do có vài câu trắc nghiệm. Chỉ nhớ giảng đường rất đông và nóng.
2. Kỹ thuật điện tử: Học về linh kiện điện tử kiểu như transistor, ... học về các mạch điện điện tử và nguyên lý của chúng, đặc tính lý thuyết. Cách thi cuối kỳ là học thuộc, mình cũng may mắn vì do lớp đông quá, 4 đứa một bàn thi nên mình chép được của thằng bạn cùng lớp.
3. Đồ họa kỹ thuật II: Học vẽ tách một chi tiết ra khỏi một bản vẽ kỹ thuật rất nhiều chi tiết. Luật chơi như Đồ họa 1. Môn sẽ giúp chúng ta nhìn một bản vẽ kỹ thuật và nhìn ra được các chi tiết của nó.
Tách từ đây nè.
Tách từ đây nè.
4. Sức bền vật liệu II: Tiếp tục các vấn đề từ Sức bền I nhưng đối với hệ nhiều phần tử hơn.
5. Cơ học kỹ thuật II: Giống học phần cơ học I, mình cũng không nhớ, chỉ biết nhờ bạn mình dạy mấy hôm. May mắn đủ qua.
6. Tư tưởng Hồ Chí Minh: Chắc cũng không phải nói nhiều về môn này, nó là về Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kỳ 5:
1. Lý thuyết điều khiển tự động: Nghiên cứu chủ yếu về tín hiệu điều khiển của một hệ, giúp mình hiểu được cơ sở của hệ điều khiển PD và PID. Áp dụng vào Đồ án 2 để điều khiển một cánh tay robot. Đây là một môn học thiếu trực quan vì hầu hết mình được làm việc với lý thuyết, còn về phần tín hiệu khi thực hành nó sẽ rất khác. Kiểu như thông số này thế nào thì hệ sẽ ổn định còn hệ là gì, hệ ổn định hay không ổn định trông nó sẽ như thế nào thì mình cũng không được chứng kiến. Kiểu lại phải nhớ chay chứ không hiểu bản chất ấy.
2. Kỹ thuật nhiệt: Nghiên cứu về nhiệt và vấn đề truyền nhiệt. Rất nền móng và rất nhiều công thức. Mình cũng không hiểu tại sao mình lại phải học cái đống đấy mà sau này không dùng gì cả.
3. Cấu trúc dữ liệu và thuật toán: Đây rồi, môn phải học của công nghệ thông tin. Mình thật sự không biết học môn này kiểu gì, nó có một kiểu tư duy khác mà thầy có lẽ không thể truyền tải tới cho mình thì phải, hướng đi khả thi của mình không còn là CNTT nữa.
4. Nguyên lý máy: Nguyên lý cơ bản của một hệ thống cơ khí, bậc tự do, các cơ cấu truyền động, tính toán cơ bản, mình nhớ có nhiêu đó.
5. Phương pháp tính và MATLAB: Thay vì tính toán chính xác, mình được học cách tính gần đúng dựa trên những phương pháp như nội suy, ngoại suy, giúp tìm ra những đáp án toán học chấp nhận được, (ý mình là độ chính xác lên tới 7 chữ số sau dấu phẩy á nha) vì không phải lúc nào người ta cũng có thể tìm được đáp án chính xác. Nói chung là giả lập làm máy tính cầm tay :D
6. Vật liệu học: Học về sức bền và cấu tạo tinh thể của vật liệu, từ đó có những cách để tăng những đặc tính cần thiết của vật liệu như tôi, khử Cacbon, khử Nito,... Phòng thí nghiệm xịn xò, lần đầu nhìn kính hiển vi luôn.
7. Đường lối CM của ĐCSVN: Như các môn lý luận chính trị khác.
Kỳ 6
1. Công nghệ chế tạo máy: Học sâu hơn về các phương pháp gia công đã học ở Cơ khí đại cương, được hơn cái là thầy cho xem video nên đỡ học thuộc chay, nhưng về cơ bản là vẫn cưỡi ngựa xem hoa.
2. Kỹ thuật đo: Học về đo lường, phương pháp đo lường, dụng cụ đo lường và tính toán sai số. Học cũng nhàng nhàng.
3. Robotics: Cung cấp rất nhiều kiến thức về robot, tiêu biểu là cánh tay. Cách tiếp cận là qua tính toán ma trận. Tính toán động học thuận và ngược. Chủ yếu là đề cung cấp một phương pháp để thiết kế, tính toán một con robot từ trên giấy. Cực khó và cực quan trọng.
4. Chi tiết máy: Hướng dẫn cách tính chọn các cơ cấu truyền động quan trọng trong ngành như đai, bánh răng, vít me,... theo tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng của cả một hệ thống chấp hành.
5. Kỹ thuật lập trình trong CĐT: Nghe rất Cơ điện tử nhưng lại Công nghệ thông tin. Lần đầu mình học một ông thầy dạy rất dở trong khoa nên không qua được. Lần 2 thì mình mới nhận ra mỗi ông thầy dạy môn này một kiểu. Nói chung là mình được học về một ngôn ngữ, thường là C++, học những cái cơ bản nhất, cơ bản đến nỗi mình đã rất tức giận khi học trên Youtube còn hay và nhanh hơn của thầy, rồi mãi đến cuối cùng mới được dạy xài một cái vi xử lý để lập trình. Hầu hết là mình tự mày mò nghiên cứu, chứ thầy mang tiếng dạy mà không dạy được nhiều. Bài tâp lớn mình làm là điều khiển đèn led bằng giọng nói, kể cũng ngầu.
6. Cơ sở máy CNC: Học về máy CNC, một máy gia công cơ khí rất quang trọng trong ngành. Bạn hứng thú thì có thể tìm hiểu thêm trên mạng. Dạy thì vẫn đặc lý thuyết, đi thực hành thì thầy không cho xài máy, cũng không làm mẫu luôn, chỉ ngồi nghe lại lý thuyết và nghe thầy ba hoa :D.
7. Phương pháp phần tử hữu hạn: Đối tượng nghiên cứu giống Sức bền vật liệu nhưng phương pháp giải quyết là qua phương pháp số, chủ yếu là ma trận. Không quá khó nhưng đòi hỏi sự cẩn thận vì làm việc bằng tay mà ma trận lại rất nhiều phần tử.
Kỳ 7
1. Kỹ năng mềm, Tâm lý học ứng dụng: Môn tự chọn, nội dung hơi lạc đề.
2. Vi xử lý: Học về cấu tạo, cách hoạt động và cách lập trình một vi xử lý bằng hợp ngữ. Thầy dạy mình hơi lan man và thiếu trọng tâm. Còn từ môn Thuật toán là mình đã không hướng mình đến mảng lập trình nên hơi chểnh mảng.
3. Technical Writing and Presentation: Dạy làm PPT và cách trình bày, gọi là chuẩn bị những thứ cơ bản nhất cho việc bảo vệ những bài tập lớn và đồ án.
4. Xử lý ảnh: Sử dụng OPEN CV để xử lý ảnh. Môn này chủ yếu cung cấp công cụ để cung cấp thị giác cho máy, khiến máy móc có thể giải quyết nhiều công việc hơn. Bạn cứ tưởng tượng người mù và người mắt sáng cũng giống như không thị giác và có thị giác vậy. Môn nghe hay là thế nhưng Vị nữ Phó giáo sư dạy mình cảm giác không tới nơi tới chốn lắm. Kiểu vứt cho một quyển giáo trình tiếng anh tới nghìn trang rồi bảo nghiên cứu, mà cuốn đó chỉ để cung cấp lý thuyết thôi, còn về phần lập trình thì cũng phải học ốm người. Mình thấy môn này cần nhiều thời gian hơn rất nhiều là hai tiết một tuần.
5. Cảm biến & xử lý tín hiệu: Học về các loại cảm biến, sử dụng các tính chất hóa lý của vật liệu để chế tạo nên các cảm biến, đóng vai trò như xúc giác của máy móc vậy. Đáng tiếc là mình lại gặp ông thầy dạy dở nên là nghe chửi nhiều hơn học. Bài tập lớn cũng dễ, kiểu người ta làm trên mạng cũng nhiều.
6. Robot tự hành: Cứ làm sao để làm một con xe tự chạy là được, kiểu như bám tường hay bám dòng kẻ hay bám màu. Sử dụng lập trình khác nhiều đề triển khai thuật toán và xử lý tín hiệu từ camera hay cảm biến. Rất hay với những bạn hứng thú mày mò, chứ thầy cũng không dạy được nhiều lắm, lên lớp là toàn show mấy con vjppro đẳng cấp thể giới thôi, kể cũng nhàm.
Thầy hay show thế này nè nhưng làm mấy con xe ba bánh là chủ yếu.
Thầy hay show thế này nè nhưng làm mấy con xe ba bánh là chủ yếu.
7. Kỹ thuật thủy khí: Như vật lý cấp 3 về chất lỏng và chất khí nhưng mở rộng hơn rất nhiều.
Kỳ 8
1. Quản trị học đại cương: Cũng là môn tự chọn
2. Mạng máy tính: Học cách mà dữ liệu được truyền từ hệ này sang hệ khá, các phương pháp truyền tin và nhiều thứ liên quan khác. Phải thừa nhận là mình không học được môn này, chỉ biết cách thi thôi, may sao điểm không tệ
3. Giao diện người máy: Học sử dụng phần mềm TIA PORTAl. Bản chất thì trước khi học môn này phải học một môn tổng quan về lập trình PLC nữa nhưng phân ngành của mình không có, thành ra học cũng kiểu bắt chước của nhau là nhiều, vì làm gì có gốc đâu mà hiểu được bản chất.
4. Thực tập xưởng Robot: Được đi thực hành mài tay, máy tiện, hàn hồ quang, máy phay,... Đa số máy móc đều rất cũ, có máy từ thời Liên Xô gửi cho, nhưng cũng khá vui, vì được thực hành và chỉ dạy tận tay.
Kỳ 9
1. Hệ thống điều khiển thông minh: Học về cơ sở toán học đằng sau các hệ thống điều khiển và deep learning, cái này hơi khó nói, nếu bạn muốn biết thêm thì có thể tra cứu thử về mạng CNN, nó là một ví dụ nhỏ của môn học. Là môn học nối tiếp của Lý thuyết điều khiển tự động nên học có thấy quen quen một chút. Thi thì giống toán, còn kiến thức cũng không biết xài vào đâu.
2. ĐA TKHTCK-Robot: Áp dụng các kiến thức Chi tiết máy và Robotics để thiết kế một cánh tay robot SCARA.
3. Tự động hóa thủy khí: Học về các phần tử trong hệ thống thủy khí như van một chiều, hai chiều, điều tiết,... Có một lần được lên một phòng khá xịn, nhưng chỉ dừng lại ở mức tìm hiểu, không có lần 2.
4. Micro Robot: Tụ chọn kỹ sư, học về robot rất nhỏ, cỡ mm, dừng lại mở mức giới thiệu, thực tế thì còn quá xa vời.
5. Trí tuệ nhân tạo (AI) trong Robot: Giới thiệu rất nhiều lý thuyết , nhưng không có chút thực hành nào, nói chung là AI trên giấy.
Kỳ 10
1. ĐA Thiết kế hệ thống CĐT: Sử dụng kiến thức của Lý thuyết điều khiển tự động và một phần mềm mô phỏng thường là MATLAB để trình bày cách điều khiển một cánh tay robot SCARA đã làm ở học phần ĐA TKHTCK-Robot.
2. FMS&CIM, Robot dạng người, Điều khiển Robot tự hành: Tự chọn kỹ sư, đa số đề cập tới những vấn đề ngoài lề và thầy cô cũng không dạy nhiều.
3. Thiết kế Robot: Thiết kế và mô phỏng một robot khoảng 3 tới 4 bậc tự do để làm một công việc cụ thể nào đó, như mình là để hàn.
Tổng quan mà nói, chương trình học và các thầy cô cần phải cải thiện rất nhiều để chương trình giảng dạy được mượt hơn, chứ không phải tình trạng như hiện nay, thầy cô giỏi gì dạy nấy, ít quan tâm tới việc sinh viên học được những gì qua từng kỳ học. Hoặc có thể cứ cố gắng dùng những thành tích xếp hạng quốc tế, các chiến dịch quảng bá hoặc danh tiếng Đại học Bách Khoa lâu đời để thu hút sinh viên mới mà quên mất rằng chính chất lượng đào tạo mới tạo nên giá trị của trường bấy lâu nay.
Và đó là quãng đường năm năm của mình, do bị muộn một kỳ nên kỳ 11 mình mới làm đồ án tốt nghiệp. Bài đã quá dài và mình cũng không muốn mang đến những suy nghĩ tiêu cực về trường nữa. Qua đây mình muốn nhắn đến những ai có mục tiêu thi vào trường đại học nào đó hay cân nhắc và tìm hiểu trước cả chương trình đào tạo. Vì bốn năm năm học đại học không phải quãng thời gian ngắn, nếu đã muốn thì tại sao không bỏ thêm chút thời gian đề tìm hiểu sâu hơn, cặn kẽ hơn những gì mình có thể phải trải qua vài năm tới, biết đâu sẽ tránh được những chuyện không đáng sau này, nhất là chọn sai ngành? Cảm ơn các bạn đã đọc tới những dòng này.