NHẢY VIỆC, CÓ PHẢI CỨ THÍCH THÌ NGHỈ?
Trong nhiều trường hợp, chỉ cần cảm thấy hơi khó chịu với một trong rất nhiều yếu tố của công việc, các bạn trẻ sẵn sàng mặc kệ toàn bộ và rũ áo ra đi, bất kể cơ hội học hỏi và thăng tiến trước mắt còn nhiều vô kể.
Sau đây là một vài suy nghĩ của mình về tình trạng nhảy việc ở các bạn trẻ thông qua các câu hỏi của Châu Linh từ báo Tiền Phong.
1) GENZ nhảy việc – Tự tin thật hay không hiểu bản thân?
Thứ nhất, chuyển việc là hiện tượng thường thấy ở mọi độ tuổi nhưng phần nào xảy ra chóng vánh và mơ hồ hơn ở các bạn trẻ, đặc biệt là GenZ. Một số nguyên nhân tiêu biểu dẫn tới việc thay đổi công việc ở mọi lứa tuổi có thể kể đến: bất mãn với sếp; thiếu cơ hội phát triển bản thân và thăng tiến trong công việc; chế độ lương thưởng không phù hợp; bản thân công việc không phù hợp với sở thích và tính cách; môi trường làm việc không phù hợp, có thể là thời gian làm việc hoặc địa điểm làm việc.
Rất khó để trả lời các bạn trẻ tự tin hay không hiểu bản thân khi nhảy việc vì vấn đề thường thấy ở nhiều bạn đó là không hiểu lý do vì sao mình lại nhảy việc. Gặp bao nhiêu trong số các vấn đề trên thì nên nhảy việc? Có cách nào để giải quyết vấn đề mà không cần nhảy việc? Khi nhảy việc rồi mà vẫn gặp các vấn đề đó thì cần phải làm gì? Tôi mong muốn nhận được điều gì từ công việc mới? Đây là những câu hỏi không phải bạn trẻ nào cũng đủ tỉnh táo để tự tra vấn trước khi quyết định nhảy việc.
Trong nhiều trường hợp, chỉ cần cảm thấy hơi khó chịu với một trong rất nhiều yếu tố của công việc, các bạn trẻ sẵn sàng mặc kệ toàn bộ và rũ áo ra đi, bất kể cơ hội học hỏi và thăng tiến trước mắt còn nhiều vô kể.
Thứ hai, vừa thiếu kiến thức về bản thân, bao gồm điểm mạnh, điểm yếu, kinh nghiệm, sở thích; vừa thiếu kiến thức về thị trường lao động, bao gồm lộ trình phát triển nghề nghiệp của công việc đang hướng tới, yêu cầu công việc ở các công ty khác nhau, mức lương trung bình cho các vị trí khác nhau, cách làm việc ở các công ty khác nhau v.v… các bạn dễ dàng có những ảo tưởng không thực tế về một “công việc trong mơ".
Cảm giác tự tin về bản thân và về số lượng việc làm có trên thị trường có thể dẫn tới suy nghĩ rằng mình sẽ tìm được một công việc tốt hơn, có mức lương cao hơn, sếp tốt hơn, nhiều cơ hội học hỏi và phát triển hơn. Suy nghĩ này không sai! Thậm chí còn là sự thúc đẩy mạnh mẽ để các bạn liên tục tìm kiếm những cơ hội tốt hơn cho chính bản thân mình và cho người tuyển dụng. Chỉ khi các bạn không có đủ dữ liệu để đánh giá như thế nào là “hơn" thì vấn đề mới thực sự xuất hiện.
Có rất nhiều bạn trẻ sau khi nhảy việc tới 4, 5 lần mới nhận ra rằng, hoá ra, công việc nào cũng có những điều bất cập của nó. Những điều các bạn từng nghĩ là “tồi tệ" hay “không thể chấp nhận được" ở công việc cũ hoá ra chỉ là những điều rất bình thường.
2) Các bạn nhân viên là GEN Z hiện nay có điểm khác gì so với các thế hệ trước về mức độ chịu áp lực trong công việc?
Hiện tại chưa có nghiên cứu nào ở Việt Nam cho ta thấy sự khác biệt trong khả năng chịu áp lực của người trẻ so với các thế hệ trước. Một lý do thường được đưa ra để hạ thấp năng lực chịu áp lực của GENZ trong công việc đó là các bạn ít phải chịu khổ trong cảnh nghèo đói hơn cha mẹ thời bao cấp. Điều này là chưa hoàn toàn chính xác bởi, sức chịu đựng của GENZ ngày nay không bị thử thách bởi chiến tranh hay nghèo đói mà bị tấn công bởi các căn bệnh tâm lý, sự cô đơn trong thời kỳ công nghệ, và sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động.
Hơn nữa, số lượng việc làm của các thế hệ trước không nhiều và đa dạng như hiện nay. Việc bố mẹ hay anh chị mình ngày xưa phải cắn răng chịu đựng, làm ngơ đi mà tiếp tục làm việc là chuyện rất bình thường. Mặc dù những vấn đề họ gặp phải có vi phạm nặng nề các giá trị đạo đức và giá trị cá nhân mà họ theo đuổi.
Thêm vào đó, thế hệ trẻ ngày nay có nhận thức tốt hơn rất nhiều về sức khỏe tinh thần, các đặc điểm của một môi trường làm việc lý tưởng, hay những giá trị cá nhân và các bạn đề cao. Vì vậy, một số hành vi tưởng chừng như là “yếu đuối" của GENZ lại thực chất là những phản ứng lành mạnh trước những áp lực độc hại và gây tổn hại trực tiếp tới các bạn.
Cá nhân mình thấy rằng, nếu như có được một mục tiêu rõ ràng và một cái nhìn rõ ràng hơn về thị trường lao động, GENZ hoàn toàn có khả năng chịu đựng tốt các áp lực gặp phải trên con đường đạt được ước mơ của mình.
3) Cũng là một trong những người chuyển việc trong 3 năm gần đây, vậy chị đã có sự chuẩn bị gì cho dự định mới trước khi nghỉ việc?
Trong các công việc gần đây, mình thường đề cao tiêu chí phát triển chuyên môn và kỹ năng trong công việc lên hàng đầu. Khi công việc dần trở nên lặp lại, nhàm chán và không có cơ hội thay đổi do chiến lược của tổ chức thì mình sẽ suy nghĩ tới việc thay đổi công việc. Ngoài ra, mình sẽ chủ động điều hoà các mối quan hệ trong công sở và đề xuất mức lương thưởng phù hợp, không đủ để mình có một cuộc sống xa hoa những đủ để mình sống thoải mái và làm những điều mình mong muốn.
Mỗi người sẽ có một ưu tiên khác nhau trong công việc, có những bạn sẽ ưu tiên môi trường làm việc thoải mái hơn, có những bạn lại đặt lương thưởng lên hàng đầu. Quan trọng là các bạn cần biết mình đang cần gì, thiếu gì để tinh chỉnh trong các công việc tiếp theo.
Ngoài ra, vấn đề tài chính cũng là một vấn đề đáng được lưu tâm. Việc sử dụng đến tiền tiết kiệm trong thời gian chuyển việc cần được suy nghĩ và tính toán kỹ lưỡng. Không nhất thiết nghỉ việc là nghỉ hoàn toàn. Nếu có thể, bạn có thể nhận thêm các công việc ngắn hạn và không tốn quá nhiều thời gian, cũng như giảm chi tiêu để không phải quá lo lắng về vấn đề tài chính trong tiến trình tìm kiếm công việc tiếp theo.
4) Theo chị, việc chuyển sang làm freelancer có phải là một quyết định liều lĩnh và cần cân nhắc với bài toán ổn định không?
Liều lĩnh hay không còn tuỳ thuộc vào mức độ sẵn sàng của mỗi người. Bạn đã tìm hiểu thị trường lao động tới đâu? Có bao nhiêu người sẽ sẵn sàng thuê bạn làm freelancer? Mức thu nhập tổng của bạn sẽ là bao nhiêu? Bạn sẽ cân đối thời gian giữa các công việc như thế nào? Nếu như bạn đã có câu trả lời khiến bạn hài lòng cho tất cả các câu hỏi trên thì việc làm freelance có thể sẽ là một trải nghiệm thú vị của tuổi trẻ.
Bài toán “ổn định" không nhất thiết phải có lời giải ngay trong hôm nay. Những kỹ năng bạn nhận được trong thời gian làm freelance cũng có thể hỗ trợ các bạn trong các công việc toàn thời gian trong tương lai, nếu như sự ổn định về mặt thời gian là thứ bạn tìm kiếm.
Trong một số lĩnh vực như thiết kế, nhiếp ảnh hay truyền thông hay tâm lý, việc làm freelance thậm chí còn đem lại sự ổn định về mặt tài chính cao hơn so với việc làm toàn thời gian.
Link bài viết cuối cùng về chủ đề này trên báo Tiền Phong. Bài viết có thêm sự chia sẻ của chị Nguyễn Thái Hà (Giám đốc tuyển dụng của VNOKRs, giảng viên thỉnh giảng môn kỹ năng ứng tuyển ở Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) mà mình cực kỳ tâm đắc.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất