7 giờ tối, trên chuyến tàu từ trung tâm Tokyo chạy về vùng ngoại ô, những con người với khuôn mặt xám xịt nhích từng milimet, tranh nhau từng lít không khí để hô hấp, họ quẩy trên vai kế sinh nhai, trách nhiệm được đựng trong các cặp hồ sơ, máy tính xách tay nặng như chì. Họ mệt mỏi, bơ phờ, chai lỳ và mong manh, mờ nhạt như cái lạnh cuối mùa đông vẫn quẩn quanh, bám riết lấy thành phố.
Tôi nhích người giữa đám đông ấy, dồn sức để trụ vững trên đôi chân đã mỏi sau mỗi cú phanh, tăng tốc, giảm tốc bất ngờ theo nhịp độ giao thông của siêu đô thị gần 14 triệu dân.
Cố gắng gấp cuốn sách đã đọc xong, cánh tay tôi vướng phải một ông to lớn đang vòng tay bê cái cặp còn khổng lồ hơn cả cơ thể, sau một hồi khổ sở, với nỗ lực của hai người xa lạ, cuốn sách cũng được gấp lại và cất gọn vào cặp tôi, tôi quay đầu và xin lỗi ông,  đáp lại ông mỉm cười “ xin lỗi cháu nhé”. Tôi bỗng thấy phổi mình tràn ngập không khí, chân đỡ mỏi, một sự dễ chịu lan từ sau hai tai đến các đầu ngón chân.
Chúng tôi làm theo cách của con người ở đây, xin lỗi để thể hiện sự biết ơn, và từ ông lời “xin lỗi”  có thể ngầm hiểu là thông cảm. Mỗi khi cảm thấy mệt mỏi và ngán ngẩm những quy tắc vô lý trong suốt thời gian sinh sống tại Nhật, tôi thường mang thói quen xin lỗi của họ ra xem xét như là một điều gỡ gạc. Ấy là lời xin lỗi của nước Nhật với sự chịu đựng của tôi (?).
 
Có lẽ với người Nhật, lời xin lỗi rất bình thường, như là tàu điện, quần áo, món sushi, lời cảm ơn , nó xuất hiện trên đời một cách tự nhiên vì con người cần nó.
Trong tiếng Nhật có rất nhiều cụm từ khác nhau về cả cấu trúc lẫn hoàn cảnh sử dụng tuy nhiên có cùng mục đích là để xin lỗi. Vấp phải chân của một người, làm ai đó thất vọng, không hoàn thành công việc kịp giờ, để một người phải chờ đợi, tới hơi sớm trong cuộc hẹn. Học tiếng Nhật, tôi học cả cách xin lỗi. Và điều làm tôi bất ngờ là ở đất nước này, 70% số lần một người nói hay viết ra lời “xin lỗi” không phải vì họ mắc một lỗi nào cả.
 
Lớn lên ở Việt Nam thi thoảng tôi nghe về một trận cãi vã dẫn tới xô xát chỉ vì đôi vai quệt phải nhau giữa phố phường đông đúc, một cuộc đâm chém tàn bạo vì cái nhìn mông lung vào không trung, hay ở tầm vĩ mô chuyện một quan chức nói về “đường cong mềm mại” của con đường như là nói về một vật thể đầy tính nghệ thuật có khả năng gây tai nạn giao thông,  hay cơn lũ nhấn chìm đất đai, mùa màng, gia súc và mạng người trong buổi họp báo được giải thích là bởi “vỡ đập theo kế hoạch”, thoạt nhiên không một ai trong số họ nói lời xin lỗi.
 
 
Lời xin lỗi đổ cái bóng ma đầy ứ ám khí lên con người, cũng chính nó là hình ảnh phản chiếu của cái tôi to lớn. Không ai nhún nhường, không ai mở lời. Người ta sợ bẽ mặt, vậy nên với họ im lặng là giải pháp không quá tệ bên cạnh chối tội, chửi bới hoặc bạo lực. Không ai dám nhận trách nhiệm về mình và tất cả sợ hãi khoảnh khắc sau khi lời xin lỗi được nói ra, họ cảm thấy như sắp sửa bị hành quyết.
Không phải “Đường đông quá tôi không trông thấy anh, tôi xin lỗi” mà phải là “Mày không có mắt à?”, hay không phải “Tôi đang vội quá vì chưa ai đón đứa con gái đã tan học” mà phải là “Mày nhìn đểu tao à, mày biết tao là ai không?”. Người ta sợ nhận mọi trách nhiệm vào mình. Tất cả là do đội thi công, do người dân lì lợm, do nhà thầu, do thời tiết, và do tất cả mọi thứ, trừ người ta.
 Lời xin lỗi khoác lên mình một không khí u ám nặng nề, nó nằm trong văn hoá ngôn ngữ nhưng lẻ loi, cô đơn, không ai trong chúng ta muốn dùng tới nó quá 3 lần một năm, nói nó quá ba lần, có lẽ năm đó là một năm thảm bại của đời người ngắn ngủi, hay kết thúc của sự nghiệp đang hồi thăng tiến?
 
 
Quay trở lại Nhật Bản, thỉnh thoảng tôi thấy họ đưa tin một tập thể, có thể là cơ quan hành pháp, có thể là công ty, tập đoàn đứng ra xin lỗi người dân, cá nhân hay tổ chức nào đó. Những người đàn ông đầu đã hai thứ tóc cúi gập người trước cánh phóng viên, có người khóc lóc thảm thiết, có người nằm phủ phục trên sàn nhà.

Image result for ryutaro nonomura
(1)

Image result for japanese apology

(2)
Image result for japanese apology
(3)
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc họ vẫn sẽ bị xử lý theo nhiều hình thức, có thể là khiển trách, có thể liên quan tới luật dân sự hoặc hình sự của nhà nước. Tuy nhiên, trước khi tất cả xảy ra, một buổi họp báo được tổ chức để cá nhận hoặc tập thể cùng nhận lỗi, hành động cuối cùng để thể hiện sự uy tín. Có thể lời xin lỗi không làm vơi bớt sự bất bình, có những kiểu xin lỗi “kịch tính” đến nỗi trở thành meme - một trò đùa của cư dân mạng từ mùa quýt này sang mùa quýt khác như ông Ryutaro Nonomura với đoạn video đình đám (ảnh 1). Tuy vậy, ít ra ta có thể tin rằng người có lỗi ý thức về sai lầm của bản thân và chờ đợi một cơ hội để sửa chữa sai lầm ấy. Điều đó dễ chịu hơn rất nhiều việc phải nghe một lời chối tội mau lẹ, với sự tỉnh táo, lạnh lẽo và vô nhân tính.

Việc xin lỗi vốn là cử chỉ thể hiện sự yếu đuối, tuy nhiên cùng với sự phát triển của nhận thức xã hội , giờ đây ở rất nhiều nền văn hóa, nó đang được xem như một trong những đại diện của sức mạnh đạo đức.
 Xin lỗi ngay cả khi bạn không có lỗi, ấy có thể là biểu hiện của việc kêu gọi thức tỉnh trong nhận thức của đối phương, lời xin lỗi đôi khi cũng mang ý nghĩa “tôi tha thứ cho anh”. Rất nhiều trường hợp người có lỗi đã nhận thức được sai lầm của mình nhưng không đủ mạnh mẽ để xin lỗi. Các mối quan hệ bạn bè, chồng vợ, cha mẹ con cái, bạn trai bạn gái bị đẩy vào ngõ cụt vì không ai dám rộng lượng để nhận phần sai về mình.
Tôi mong bạn nhớ, lời xin lỗi là thuốc giảm đau, là bàn tay mềm mại của sự tử tế, là cái ôm nồng ấm làm tan chảy gươm đao và xoa dịu nỗi đau. Hãy nâng niu những mối quan hệ bạn có và hồi sinh một tình bạn tưởng như đã mất bằng hai chữ “Xin lỗi”.
Khoan bàn đến xin lỗi từ cái nhìn của nhân học, xã hội học, chính trị, tâm lý hay các dạng thức khác nhau của nó. Lời xin lỗi đơn giản, dịu dàng và sâu sắc nhất luôn xuất phát từ sự chân thành.

Xin lỗi bạn vì bài viết quá dài nhưng vẫn còn sơ sài :D chúc một ngày vui vẻ