Tại sao đi viếng chùa thường xuyên mà vẫn sân si, mỏ hỗn
Khi bạn càng tu thì chấp niệm của bạn càng nhiều
Mình những năm gần đây chủ yếu sống xa nhà, tin tức về họ hàng chỉ lâu lâu mới được nghe kể. Thì gần đây mình được gia đình chia sẻ một bác trong họ hàng không hiểu vì lý do gì mà những năm gần đây liên tục gây hấn với mọi người, gồm cả người trong gia đình lẫn hàng xóm. Ví dụ một cháu nhỏ trong gia đình nhờ trông nhà phụ vì cháu phải ra ngoài mua đồ thì bác từ chối, lý do là vì bác ghét mẹ cháu. Hoặc người khác nhờ phụ khiêng đồ để dọn nhà cửa, bác cũng từ chối bảo rằng có tiền thì thuê người khác khiêng chứ nhờ bác làm gì. Rồi bác lúc rảnh thì lôi chuyện ấm ức trong quá khứ của 10, 15 năm trước của những gia đình ra để kể lại, trách móc người khác, rồi than thở về cuộc đời.
Điều kỳ lạ là bác thường xuyên đi chùa, có thể nói không tuần nào là không đi, cúng kiếng luôn đầy đủ, nghe đọc kinh Phật đều đặn, nghe giảng đạo lý không bỏ buổi nào. Mọi người trong gia đình đều thắc mắc rằng đáng lẽ đi chùa sẽ giúp cho bác tâm tính điềm đạm lại, bớt sân si, có nhiều an yên trong lòng hơn, thì đằng này dường như nó đang phản tác dụng.
Nghe về chuyện này mình khá buồn do hồi nhỏ mình chơi thân với gia đình bác, quý gia đình bác, nhiều lần qua ăn uống, đi chơi chung. Giờ không ngờ bác lại thay đổi theo hướng tiêu cực như vậy.
Nhìn rộng ra người như bác không hề hiếm. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các bản tin về việc nhiều người đi tu làm chuyện thất đức, có người còn có số tài sản bất chính khổng lồ hoặc làm những điều trái đạo lý. Mình lên Youtube xem video về những người khoe bỏ mấy chục tỷ ra xây chùa, nhà thờ, có người kể về việc tu tập của họ đồng thời giới thiệu về gian thờ hàng tỷ đồng. Rồi thì có đại gia hay nói triết lý về tu tập, về việc thường xuyên thiền và vui vẻ chia sẻ về đam mê chơi xe với dàn xe cả trăm tỷ. Mình đặc biệt ấn tượng với chuyện ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch tập đoàn thép Hoa Sen, xây chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen ở Bảo Lộc. Ngoài việc phá rừng phá núi để xây dựng công trình trái phép, họ còn thuê xe gắn loa công suất lớn để phá cuộc sống của hơn 57 ni sư sống gần đó trong khu vực bên cạnh. Xe này phát nhạc từ sáng tới tối với những bài tình ái sướt mướt, công suất thì mạnh gấp chục lần loa karaoke, khiến cho 57 ni sư sống như bị tra tấn suốt cả tháng trời.
Điều thú vị là dường như những người này không nhận thấy được sự đối nghịch giữa những lời giảng dạy trong kinh Phật và những gì họ đang làm. Nếu như việc tu hành khổ hạnh là để đạt được mục đích tháo gỡ tâm trí khỏi những xiềng xích dục vọng (attachment), vượt qua bản ngã (ego), thì những hành động như phá núi xây chùa, xây dựng gian thờ khổng lồ, xây dựng tượng phật khổng lồ, tổ chức buổi lễ hoành tráng để chào đón siêu xe trăm tỷ lại tạo ra kết quả ngược lại hoàn toàn. Điều này giống như những người hay có câu cửa miệng "Cũng không muốn đánh giá, sân si đâu nhưng mà..." và sau đó là một tràng dài các định kiến, phán xét phiến diện.
Khi coi video của anh đại gia nói về tu tâp, chánh niệm rồi siêu xe trăm tỷ, mình tự hỏi nếu anh mua chiếc xe đó mà bị ràng buộc điều kiện là mua trong âm thầm, không được công khai danh tính cho truyền thông, thì liệu anh có mua không? Anh bảo chiếc xe như tác phẩm nghệ thuật đặc sắc dành cho vợ và mẹ, vậy chỉ cần vợ và mẹ anh biết thôi thì có đủ không, hay anh sẽ không chịu được nếu người đời không biết anh vừa bỏ trăm tỷ ra mua xe?
Tại sao lại có hiện tượng như vậy?
Tất nhiên có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới sự mâu thuẫn giữa những gì họ học và những gì họ làm, và mình chỉ ghi ra ở đây một lời giải mà mình thấy hợp lý nhất. Nói ngắn gọn thì khi tu tập, bạn sẽ thường chỉ có một trong hai kết quả: hoặc là con người bạn sẽ thay đổi, hoặc là con người bạn vẫn sẽ như vậy nhưng bạn tin bạn có một lối thoát.
Để dễ hiểu hãy xem ví dụ về một nhân vật giả tưởng sau. Ông V là chủ doanh nghiệp lớn, cực kỳ lớn, sau bao nhiêu năm xây dựng và phát triển thì doanh nghiệp của ông đã có tài sản đến hàng chục nghìn tỷ, tham gia kinh doanh trong nhiều ngành nghề khác nhau: sản xe hơi, kinh doanh bất động sản, có hệ thống trường quốc tế, có bệnh viện. Nhưng ông V cũng biết rằng để ông sống sót qua thời kỳ hỗn loạn và nhiễu nhương, để tiêu diệt được các đối thủ và vươn lên, ông đã phải dùng rất nhiều thủ đoạn xấu và đê hèn khác nhau như: hối lộ, làm ăn gian dối, trốn thuế, bóc lột công nhân, thao túng truyền thông báo chí để giấu các bê bối kinh doanh của mình, thao túng cổ phiếu. Nói chung là trong Thất Đại Tội của con người được liệt kê trong Kinh thánh Thiên Chúa giáo ông không thiếu cái nào.
Tất nhiên là dù có che giấu cỡ nào thì trong thâm tâm ông, ông cũng biết những điều mình làm là sai trái, ông cũng lo. Ông hồi nhỏ hay đi chùa theo ba mẹ thì được biết ai làm điều ác thì sẽ bị đày xuống địa ngục nên ông cũng sợ. Thế rồi sau khi nghe các thầy sư giảng hàng tiếng đồng hồ về việc tích phước qua việc cúng dường cho chùa thì ông cùng gia đình thường hăng hái đi chùa cúng dường. Cúng dường thôi vẫn thấy chưa đủ, ông bắt đầu tìm hiểu về đạo Phật, rồi cố gắng thiền, rồi cũng có pháp danh.
Nhưng tất cả những điều đó ông làm không phải là để ông được khai sáng và đến với chân lý, ông làm những điều đó vì ông coi đây là cách mình tích phước để bù đắp cho các sai lầm mình đã làm. Nó gần như tương đương với giao dịch vậy: tôi làm 2 điều sai trái thì tôi bù lại bằng cách cúng dường 2 tỷ. Tức cách mà ông tiếp cận với đạo Phật không phải đến từ việc ông muốn tìm kiếm sự thật, được khai sáng, được thấy chân lý mà đức Phật đã thấy và từ đó sống tốt hơn. Ông tiếp cận tới đạo Phật coi nó như một công cụ để "chữa lành", cụ thể là để tẩy xóa những điều sai trái đang cắn rứt lương tâm mình. Ông không nghĩ rằng mình cần thay đổi, ông nghĩ rằng mình cần tích phước nhiều hơn.
Vì nhìn tôn giáo như một công cụ như vậy nên ông chọn xây chùa, một ngôi chùa thật to vì ông nghĩ rằng chùa càng to thì đức Phật nhìn thấy sẽ càng hài lòng mà giảm nghiệp cho ông, mà cũng đồng thời thỏa mãn cái tôi của ông. Ông đi tu nhưng cái tôi của ông nó vẫn nguyên vẹn, nó muốn người ta đến chùa của ông phải mồm chữ O chữ A, mọi người phải bàn tán xôn xao về nó, nó sẽ được nhắc đến như các chùa Bái Đính, Yên Tử. Rồi thì ông cũng định sẽ thu phí hoặc tìm cách bán hàng trong chùa đó, hoặc là mang về những món đồ lạ không rõ nguồn gốc xuất xứ và bảo đó là bảo vật trong Phật giáo để thiên hạ ùn ùn đến chiêm bái. Nói chung ông sẽ đi đầu trong ngành du lịch tâm linh. Tại sao đã xây chùa lại còn kinh doanh kiếm tiền từ chùa? Tâm trí ông nhanh chóng có câu trả lời cho điều vô lý này: xây chùa đã là tạo phước cho người đời, tích phước cho bản thân, bây giờ phải kiếm thêm tiền để xây thêm chùa, tạo thêm phước đức nữa.
Tóm lại ở thế giới trần tục, Việt Nam đồng, đô la Mỹ là tiền tệ thì ở thế giới tâm linh của ông, phước đức là tiền tệ. Trong thế giới tâm linh này ông vẫn là doanh nhân như ngày xưa: vẫn dùng các biện pháp phi pháp để kinh doanh, thao túng truyền thông, bóc lột công nhân. Điều khác biệt duy nhất là giờ ông đã có nhà máy tạo phước siêu to khổng lồ nên không còn sợ bị đọa xuống địa ngục nữa.
Mình quan sát thấy rằng phần lớn mọi người đến với tôn giáo thì có nhiều mục đích khác nhau, nhưng cách tiếp cận thì thường là "fear-driven" hơn là "knowledge-seeking". Có lúc rảnh rỗi mình lên Youtube nghe mấy tiếng đồng hồ về các bài giảng của các sư thầy, thì đa số mình thấy tất cả đều tạo ra một cảm giác sợ hãi với các khái niệm như: nghiệp, quả báo, phước đức, nhân quả, kiếp trước, kiếp sau, súc sanh, ngạ quỷ. Tất cả đều giúp gieo rắc những hạt nhân sợ hãi vào sâu trong tiềm thức của người nghe, và giải pháp thì ngoài việc làm việc thiện thì tốt nhất vẫn là: cúng dường, niệm phật, ăn chay, đọc kinh, lại là cúng dường nhưng nhiều hơn, mọi thứ cứ như một công thức mà chỉ cần làm theo thì đảm bảo sống sướng mấy đời.
Hậu quả của cách truyền bá tôn giáo này là mọi người coi đạo Phật như một công cụ mầu nhiệm để trao đổi và đồng thời là giải pháp rẻ tiền cho những vấn đề thường ngày. Không khó để thấy các nội dung kiểu này trên Internet: nếu khó ngủ hãy khấn câu sau <nội dung câu khấn>, nếu bệnh tật ốm đau thì khấn <nội dung câu khấn>, nếu kinh doanh khó khăn thì khấn <nội dung câu khấn>. Cứ gặp khó khăn gì thì đi chùa khấn lạy, đưa tiền cho chùa, mua chim về phóng sanh, mua cá về thả ra sông.
Mình nghĩ đó là lý do lớn nhất dẫn tới hiện tượng càng tu tập càng sân si và việc thương mại hóa tôn giáo hiện nay. Người ta không đến với tôn giáo để tìm kiếm chân lý, sự thật và từ đó thay đổi bản thân. Người ta đến với tôn giáo để tìm liều thuốc giải cho những trăn trở của họ. Thay đổi bản thân rất khó, ta sẽ phải trải qua rất nhiều năm dằn vặt, tự trách mình, tự soi chiếu, tự suy ngẫm và nỗ lực không ngừng để thay đổi. Nhưng dùng tôn giáo như liều thuốc thần thì dễ, và đó cũng là cách mọi người đang được khuyến khích để làm.
Mặc dù đây không phải là bài viết về tu tập nhưng mình cũng muốn chia sẻ một chút về sự hiểu đúng về đạo Phật.
Theo những tài liệu nghiên cứu về Phật giáo Nguyên thủy, trong đạo Phật nguyên thủy không có thờ thần linh nào. Đức Phật không phải là thần linh và cũng không có thần linh nào trong đạo Phật. Đức Phật chỉ là một người thầy, dạy cho chúng sanh cách giác ngộ và giải thoát khỏi mọi đau khổ, bằng cách thực hành theo giáo pháp và giới luật của Ngài. Những người đã giác ngộ được chân lý thì gọi là Phật.
Cốt lõi của đạo Phật là giúp chúng sanh giác ngộ và giải thoát khỏi mọi đau khổ, bằng cách thực hành Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), Ngũ Giới (không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu), Tứ Diệu Đế (từ bi, bi tráng, hỷ xả, đồng nhất), Bát Chánh Đạo (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh hành, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định) và nhận thức được Bốn Chân Lý Cao Thượng (khổ, tích, diệt, đạo). Các lời dạy trong kinh Phật cũng khuyến khích chúng sanh quay về với chính mình, để làm cho thân, khẩu, ý luôn ở trạng thái định tĩnh, trong lành và sáng suốt. Chúng ta cần hiểu đạo Phật không phải là một đạo trông cậy vào tha lực, mà là một đạo tự lực, tự cứu mình bằng chính sức mình. Đạo Phật cũng không phải là một đạo mê tín, mà là một đạo chánh tín, dựa trên những quan sát, nghiên cứu và trải nghiệm thực tế của Đức Phật và các bậc giác ngộ. Mục đích hướng đến của đạo Phật là xây dựng xã hội đầy tình nhân ái, bao dung và hòa hợp, không phân biệt chủng tộc, giới tính, tôn giáo hay địa vị. Đạo Phật là một đạo hướng đến sự an lạc, hạnh phúc và giải thoát cho tất cả chúng sanh.
Như vậy có thể nói đạo Phật nguyên thủy gần như rơi vào lãng quên trong xã hội hiện nay, và bị thay vào đó là một phiên bản suy đồi nhằm phục vụ các mục đích thấp hèn của con người hơn. Những lời dạy cao quý của đức Phật bị chế lại, nhào nặn lại thành những liều thuốc tinh thần rẻ mạt.
Có lẽ bác của mình, cũng như nhiều người khác đã bị đầu độc bởi những liều thuốc rẻ tiền ấy, coi đạo Phật như liều thuốc panadol giúp không còn căng thẳng sau những màn "đấu khẩu" và bị quấy rầy bởi những sân si, hỉ nộ ái ố trong lòng.
Tôi làm điều xấu gì cũng được, miễn là tôi còn lạy Phật thì tôi không phải lo gì cả.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất