Khi chúng ta google tìm kiếm cụm từ “đánh ghen”. Hầu hết là nữ giới đánh và lột đồ bồ nhí của chồng. Ở trường hợp ngược lại là hầu như không có. Tại sao rất hiếm khi đàn ông đánh và lột đồ bồ của vợ?
Ở một diễn biến khác, tại sao người tỏ tình thường là nam giới. Tại sao nam giới thường là người cầu hôn chứ không phải ngược lại?
Tại sao khi cháy nhà hay động đất, chìm thuyền đàn bà và trẻ con lại sơ tán trước nhất?
Hoặc là ở trong công ty của bạn, có bao giờ bạn tự hỏi là tại sao thằng A bật sếp thì được, còn bạn bật sếp thì hôm sau chỉ có xách ba lô lên và đi. Tại sao chị kế toán lại có vẻ rất có tiếng nói dù không quản lý bạn.
Tại sao trong chiến tranh ai cũng nói là “không giết sứ giả” dù không thấy ghi luật đó ở đâu?
Tại sao trong bữa cơm miền Bắc lại phải mời ông bà bố mẹ.
Tại sao lại có câu “Ở đây chúng tôi không làm thế”
1, Định nghĩa
Trên đời này có hai loại luật là luật thành văn và luật bất thành văn. Luật ngầm là một nhánh của luật bất thành văn. Luật ngầm là một hệ thống quy tắc chung, được lặp đi lặp lại nhiều lần với một cơ quan, tổ chức, cá nhân nhưng thường không được ghi lại hoặc không được pháp luật công nhận. Nó thường được truyền miệng hoặc ngầm hiểu với nhau.
Luật ngầm thường được tạo ra khi con người lập nên một nhóm người, từ hai trở lên. Nó cũng là dấu hiệu để nhận biết người đó có trong nhóm người kia hay không. Ví dụ tôi mời bố mẹ ăn cơm thì tôi người miền Bắc, còn không mời thì thường là người miền Nam.
Luật ngầm thường chồng chéo hoặc là đi ngược lại với pháp luật. Ví dụ vợ bạn nói “Anh mà léng phéng với con nào thì em cắt chim”. Việc cắt chim chồng phạm vào tội cố ý gây thương tích. Nhưng nó lại là một luật ngầm hợp lý vợ bạn đưa ra trong cuộc hôn nhân của hai người.
Hành vi của người vợ, nếu gây tỷ lệ thương tổn cơ thể của người chồng từ 11% trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.
Theo quy định này đối với hành vi cắt của quý chồng thì người vợ có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 14 năm tùy tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với người chồng do hành vi đó gây ra.
Luật ngầm cũng như luật, phải có hình phạt đi kèm. Hình phạt thì tùy mức độ vi phạm. Thường thấy nhất đó là khi ta vi phạm thì bị đuổi khỏi cộng động sử dụng chung luật ngầm đó. Nhẹ hơn thì bị cảnh cáo, giảm bớt đi quyền lợi.
2, Tác dụng
Lý do mà luật ngầm thường xung đột với luật pháp là vì luật ngầm thường được đưa ra ở những chỗ luật pháp không chạm tới được, hoặc chưa tường minh. Ví dụ khi bạn buôn ma túy, bạn không thể áp dụng luật pháp vào trong cách quản lý nhân sự của mình được. Bởi vì buôn ma túy thì mặc định là án tử rồi.
Tại khoản 4 điều 250 bộ luật hình sự 2015 quy định thì đối với hành vi vận chuyển trái phép heroin thì khối lượng là 100 gam trở lên có thể sẽ bị tử hình, đối với hành vi vận chuyển ma túy đá chất ma túy ở thể rắn thì với khối lượng 300 gam trở lên có thể sẽ bị tử hình.
Khi bạn buôn ma túy thì bạn đã ngoài vòng pháp luật. Nhưng mà bạn vẫn cần luật để vận hành cái thế giới ngầm của mình cơ mà. Vì nếu không có luật thì sẽ … loạn mất. Quốc có quốc pháp, gia có gia quy. Nếu không có luật thì thằng sale ma túy “lỡ tay” bắn chết thằng điều chế thì sao? Nếu không có luật thằng điều chế cố tình làm phản rồi bắn chết bạn thì sao? Nếu không có luật thì một thằng bị bắt khai ra cả đám thì sao? Từ đó luật ngầm ra đời.
Đấy chính là sức mạnh của luật ngầm. Nếu đã xem và đọc The god father ( Bố già) của Mario Puzo thì bạn hẳn phải thấy nổi bật của mafia ý chính là luật im lặng. Kể cả tên kia có là kẻ thù của bạn, khi bị rơi vào tay cớm hắn cũng sẽ không khai ra bạn. Bởi vì luật đó là cái nền tảng vận hành của thế giới tội phạm đó. Nếu phá vỡ luật đó thì bạn sẽ bị cả thế giới tội phạm quay lưng. Và sẽ bị trừng phạt không cách này thì cách khác. Vấn đề là nếu bạn khai ra thì không chỉ bạn bị giết mà con cái, ông bà, bố mẹ, vợ và tài sản của bạn cũng bị tan hoang. Chị cần im lặng, những thứ bạn yêu thương sẽ yên lành.
Bên cạnh ma túy thì cờ bạc, mại dâm, tham nhũng, rửa tiền, … nói chung những cái gì kiếm tiền phi pháp đều rất nặng nề về luật ngầm.
Luật ngầm có mặt ở mọi nơi trong cuộc sống nếu bạn chịu để ý. Luật ngầm đưa ra cũng na ná với mục đích của luật pháp thông thường. Đó chính là để bảo vệ lợi ích của những người tham gia và không tham gia vào luật ngầm.
Khi hai người ngoại tình với nhau, chàng và nàng đã mắc tội nên rất thấm nhuần hai chữ luật ngầm.
Về cơ bản là, ngoại tình thuần túy là một trò chơi. Bởi vì nếu vẫn còn tình yêu thì đã không ngoại tình. Tình yêu không phải là trò chơi, hôn nhân không phải là trò chơi, nhưng ngoại tình thì có. Ngoại tình khá giống với trò chơi “trốn tìm”. Theo quan điểm cá nhân tôi, một thứ nếu là trò chơi thì mình phải giỏi, nếu không thì sẽ bị thua. Một là không chơi, hai là chơi thật giỏi. Thế thôi.
Khi là một trò chơi thì bước cơ bản là người chơi phải tuân thủ luật chơi.
Có rất nhiều lý do để người ta ngoại tình, nó cũng giống như có nhiều lý do để người ta buôn ma túy vậy. Biết là chết nhưng mà họ vẫn làm. Bởi vì ngoại tình đôi khi nhiều lợi ích hơn là hình phạt cho nó nên người ta sẽ ngoại tình.
Ví dụ: Với đàn ông thì thường đi ngoại tình vì không được vợ tôn trọng ý kiến, không được vuốt ve cái tôi. Tình nhân cho anh ta điều đó. Tình nhân trẻ hơn và đẹp hơn vợ anh ta. Cho anh ta cái tình yêu đôi mươi mà anh ta mong muốn…
Với phụ nữ thì thường đi ngoại tình vì chồng không quan tâm cô ấy. Chồng không có khả năng giường chiếu đủ tốt. Chồng đi công tác xa nhà, vì chồng cũng đi ngoại tình,…
Khi người ta ngoại tình thì luật đầu tiên họ được học là phải biết kết quả khi họ bị bắt quả tang.
Để dễ hình dung thì tôi ví ngoại tình giống như là “trái cấm” trên thiên đàng của Adam và Eva vậy. Luật chúa đưa ra ở đây là “Nếu đứa nào nếm trái cấm thì sẽ bị ném khỏi thiên đàng”. Kết quả thì ai cũng biết rồi đấy. Eva nếm trái cấm và cả hai bị đuổi cổ khỏi chốn thiên đàng.
Ở đây luật có tác dụng răn đe hai người trong một cộng đồng gọi là hôn nhân. Chiếc nhẫn cưới giống như chiếc vòng kim cô của Sư phụ đưa cho tôn ngộ không. Mỗi khi niệm mấy chữ “ly dị” “ly dị” “ra tòa” “ra tòa”“chia tài sản” “chia tài sản””cắt chim””cắt chim” đối phương biết đường mà tịnh tâm, chớ có manh động mà ngoại tình. Đối phương phải nhắm mắt mà niệm “Mô phật vợ mình ngon hơn, Vợ mình ngon hơn, Amen”.
Nhưng nếu khi đối phương đã động tâm, quyết ngoại tình, thì chúng ta có cấm cũng không được. Vì ngoại tình bản thân nó cũng đã là phạm luật của hôn nhân rồi, cho nên nó sẽ kéo theo một loạt hành vi sai trái khác. Cụ thể, khi anh A ( có vợ) ngoại tình với chị B (có chồng) thì đó là cả một quá trình:
Từ việc ngoại tình tư tưởng, cho đến lời chào hỏi chị B, nói chuyện qua lại với chị B, đến việc xin contact liên lạc chị B, tin nhắn đầu tiên qua lại giữa hai người, một chút sự dằn vặt của anh A, rồi lại là sự quyết tâm ngoại tình của anh A, xóa tin nhắn giữa hai người, nhắn tin gạ gẫm, đặt phòng khách sạn, nhắn tin mã phòng khách sạn, đi đến khách sạn, mở cửa, đóng cửa, cởi đồ, tắm rửa, vào giường … mà thôi, nói chung từ A tới Á luôn.
Như vậy để thấy, ngoại tình nó là cả một quá trình liên tiếp các hành động sai trái nối tiếp nhau. Chứ không chỉ dừng lại ở việc hai bên quan hệ tình dục trong phòng khách sạn như nhiều người vẫn lầm tưởng. Và trong quá trình trên, anh A hoàn toàn có thể quay xe bất cứ lúc nào nếu như nghĩ tới vợ con đang chờ mình ở nhà.
Để ngoại tình không bị phát hiện thì anh A ở trên phải đặt ra luật ngầm với vị tình nhân trẻ B của anh ta. Ví dụ như: hai người dùng mật mã gì? Hai người dùng app gì để nhắn tin. Theo như tôi được biết quá trình bắt gian khá thú vị ở cái đoạn điều tra xem hai con giời nhắn tin trao đổi thông tin như thế nào.
Có rất nhiều pha xử lý rất hay. Có người dùng gmail ( dùng chung 1 gmail) và cứ gửi thư vào chung một tin nhắn nháp. Có người sử dụng điện thoại thứ hai. Có người dùng tin nhắn trên sàn shopee. Có người đổi tên bồ thành tên đàn ông. Có người thì an toàn hơn còn chả dùng gì cả. Cặp bồ với thư kí cho lành, ngoại tình luôn ở công sở cho nó máu.
Nhìn chung tất cả những luật ngầm của những đôi mèo mả gà đồng kể trên đều để chỉ nhằm mục đích không bị phát hiện, không bị lật tẩy. Bởi vì lật tẩy là tan hoang gia đình. Nhiều khi nó mang tính thủ thuật nhiều hơn.
Điều này giống như buôn hàng trắng thì các đối tượng ngày càng sáng tạo để qua mặt cơ quan chức năng vậy. Có những người giấu vào khung tranh, có người thì giấu vào lốp xe ô tô. Có người giấu vào két sắt và đọc mã cho đối phương,… đủ kiểu tinh vi. Rất sáng tạo.
Vậy nên mới có câu: “đạo cao một thước ma cao một trượng” là vì vậy. Mấy ông hacker thường đi trước mấy ông an ninh mạng. Vì kẻ phá hoại thì thường tìm điểm yếu giỏi hơn là người xây dựng. Kẻ có tâm muốn phá luật lúc nào cũng ranh ma hơn kẻ tuân thủ luật pháp.
Tôi viết như vậy không phải khuyến khích các bạn ngoại tình hay là buôn ma túy, hay là vi phạm luật pháp. Mà chỉ để chứng minh luật ngầm là có tồn tại và nó rất hữu ích trong hầu như tất cả các trường hợp.
Luật ngầm không chỉ tiêu cực như kể trên, nó còn có những mặt tích cực. Nó khỏa lấp những điểm mà luật pháp chưa đề cập tới. Phép vua thường thua lệ làng bởi vì lệ làng chi tiết hơn, gần gũi hơn với cuộc sống của quần chúng nhân dân hơn.
Ví dụ, khi tham gia một nhóm thì khi vào nhóm mọi người hay nói vui là:
“Trong nhóm ta có luật sau, điều thứ nhất chị Quỳnh luôn đúng Điều thứ hai, nếu chị Quỳnh sai xem lại điều một”
Nói đến đấy chắc các bạn sẽ thấy quen quen đúng không. Đúng vậy, nó đó. Ở trong một tổ chức bất kì, việc phân bổ quyền lực thường sẽ tập trung vào 1 cá nhân duy nhất. Người này gần như là chủ tịch hội đồng quản trị, có quyền đưa ra quyết định cuối cùng của một sự việc. Người này đôi khi đóng vai trò là quan tòa để đưa ra kết quả phán định xem ai sai ai đúng trong một cuộc tranh cãi nảy lửa của cộng đồng. Phải có người như vậy thì một cộng đồng mới tồn tại được. Một thuyền không thể không có thuyền trưởng.
Nghĩ thử xem, trong lớp bạn ngày xưa thì lớp trưởng tiếng nói to hơn hay bí thư lớp tiếng nói to hơn. Hay là giáo viên chủ nhiệm? Tùy đúng không, tùy vào trường hợp là trong nhóm nào. Thậm trí có trường hợp một nhân vật “trùm trường" cấp 3 lại có tiếng nói hơn cả mấy người kể trên. Đó là những “chị đại” hay “anh cả” của trường. Hoặc đó cũng có thể là một phú nhị đại tiền đè chết người nhà mặt phố bố làm to nào đấy. Hay một học bá, thi đâu đỗ đó có tiếng của trường.
Từng cộng đồng khác nhau thì “chủ tọa” cũng là người khác nhau. Nếu tìm đúng cộng đồng của mình, bạn hoàn toàn có thể trở thành một “chủ tọa” đấy. Tin mình đi.
Từ đó có thể thấy thêm hai ích lợi lớn nhất của luật ngầm: duy trì trật tự và duy trì cộng đồng. Nếu không có luật ngầm, cộng đồng tất sẽ tan rã.
3, Ứng dụng
Thực ra gọi là ứng dụng thôi, chứ theo mình thì chủ yếu là quan sát. Bạn hãy thử dùng con mắt để đặt câu hỏi xem tổ chức bạn đang tham gia có những luật bất thành văn nào.
Thử nghĩ xem ai là người không thể động vào, là người thân tín của sếp. Ai là chủ tọa của clb mà bạn đang tham gia. Ai có tiếng nói nhất trong nhóm bạn chơi chung.
Sâu xa hơn nữa là, thử nghĩ xem có luật nào là vô lý không? Nếu được thay đổi thì bạn sẽ thay đổi luật nào. Đổi thành thế nào?
Nếu bạn muốn kết hôn, hãy thử thảo ra cho mình một bộ luật ngầm thật chất lượng để thương thảo với đối phương trong tương lai. Tin mình đi, khi đã thống nhất được luật rồi thì cuộc sống hôn nhân sẽ dễ thở hơn đấy. Và luôn nhớ là, luật vẫn có thể chỉnh sửa trong quá trình thi hành nó. Phải chia rõ thành các khung hình phạt khác nhau, không phải khoản nào cũng ly dị được đúng không. Thế thì chỉ có toang.
Hãy cmt thêm ý kiến vào dưới bài viết nhé.
Nếu thấy hay hãy upvote ủng hộ. Xin cảm ơn.
Đọc thêm:
29/12/2023
An Phạm
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất