Khi cãi nhau, chúng ta sẽ trở thành phiên bản xấu xí nhất !?
"STOP! Em càng nói em càng sai..."
Chắc hẳn bạn cũng như mình, chúng ta đã nghe câu này nhiều lần nhưng chẳng bận tâm lắm. Hay nói "ngây ngô" là chúng ta thường né tránh một chủ đề không mấy vui vẻ.
Muốn nhìn rõ một người, dù là người yêu hay bạn bè, hãy quan sát khi họ tức giận
Bởi lúc ấy, họ bị mất lý trí nên sẽ bộc lộ bản chất thật nhất, không che đậy hay giấu giếm được gì.
Và mình cũng không hề có ý định viết topic này. Nhưng bằng sự tình cờ, sáng hôm nay, mình lại bắt gặp trích dẫn đó khi lang thang Facebook. Cùng với hồi khuya, mình mới trải qua một cuộc cãi vã. Hay nói đúng hơn là 1 bên kịch liệt chỉ trích 1 bên -.- . Vậy mượn Spiderum lưu giữ vài suy nghĩ nhé.
Trong khuôn khổ bài này,
Cãi nhau = Phẫn nộ, cãi lộn, tranh luân, chỉ trích, phàn nàn. Cuộc đối thoại giữa 2 người, khi cảm xúc đã lấn át lý trí.
Phương thức: Online (Facebook, Zalo, Ig…)
Đối tượng bên kia: Người yêu, bạn bè, đồng nghiệp, người thân.
*Ngày trước: Trước tháng 7/2023. Hiện tại: Từ tháng 7/2023 - Nay
Hình như để tăng tính gần gũi, bài viết cần có một chút Storytelling. Vậy thì mình sẽ điểm lại những lần cãi nhau khó quên nhất trong 3 năm gần đây. Những lần mà tới giờ mình vẫn còn nhớ không khí lúc đó, còn nhớ hôm ấy mình đang ở đâu, làm gì, trong dịp gì.
Thực ra, số lần cãi nhau trong cuộc sống hằng ngày nhiều vô kể, nhưng ngay khoảnh khắc viết bài, mình chỉ đọng lại 8 lần đáng nhớ nhất. Cãi nhau mà như muốn từ mặt nhau.
Thống kê trong 8 lần khô máu.
Chủ đề: 4 lần về tình cảm, 3 lần về công việc, 1 lần về đời sống. Tất cả đều liên quan trực tiếp tới bản thân.
Chà, có vẻ mình khá may mắn khi không tốn công sức cãi lộn vào chuyện của người khác, không phí thời gian cho những trận comment máu lửa trên MXH.
Đối tượng: 6 Nữ, 2 Nam.
Con số này thể hiện điều gì? Chắc là cho thấy mình giao tiếp sâu với nửa kia nhiều hơn.
Kết quả: Thắng/ Thua? 2 bên đều thua và đều thắng ở khía cạnh nào đó.
Còn nếu xét tiêu chí: Tính tới hiện tại,2 bên có đối xử với nhau như MQH bình thường không? Mình tự đoán là 6/8 7/8. Một kết quả khá tốt.
*Có vẻ bản chất của mình là hướng thiện. Dù có cãi nhau căng thẳng tới mức nào, mình vẫn có xu hướng tiến tớii một cái kết Happy ending.
Vậy với đôi chút kinh nghiệm ở trên, mình nhận ra điều gì?
3 kiểu phản ứng phổ biến nhất khi cãi nhau
(1) 2 bên đều tranh sức cãi. Không ai chịu ai. Người nào cũng muốn chứng minh mình đúng, đối phương sai. Và đây là mẫu hình thường gặp nhất. Đặc điểm của dạng này là bầu không khí cực kỳ căng thẳng, tính tổn thương cực cao. Một câu thoại viral trong phim "Nhà bà nữ" vang lên:
“STOP! Em càng nói em càng sai.”
(2) 1 bên nói nhiều thật nhiều, 1 bên im lặng (nói ít). Trường hợp này hay gặp khi 1 bên phàn nàn, chỉ trích về bên kia. Một người lựa chọn im lặng có thể vì nhiều lý do khác nhau. Người kia nói đúng quá hoặc sai bét hay chỉ đơn giản không muốn câu chuyện bị đẩy đi quá xa. Nhưng điều trớ trêu là phía người nói sẽ mặc định rằng “T nói đúng quá không cãi được chứ gì” Vậy nên họ sẽ tiếp tục diễn thuyết.
(3) 2 bên chọn im lặng. Sau vài tin nhắn, cả 2 nhận ra sức nóng của cuộc trò chuyện ngày càng cao. Cách hạ nhiệt dập lửa nhanh nhất là tạm thời tách 2 nguồn cháy, không cho chúng tiếp xúc với nhau. Điều này xảy ra khi 2 bên đều có mức độ lý trí đáng kể.
Có thể diễn biến cuộc cãi nhau sẽ đi theo mạch 1->2->3 hoặc 2->3, 1->3, hoặc chủ đạo chỉ 1, chỉ 2 hay chỉ 3 ngay từ đầu…
Keyword chính cần lưu ý: Tùy tình huống.
*Ngày trước: Có nằm mơ chứ mình mà chịu im lặng. Bên kia nói bao nhiêu, mình sẽ đáp trả lại tương ứng bấy nhiêu, thậm chí hơn. Mình muốn thắng.
Hiện tại: Thôi mà, cãi nhau làm gì trời. Vấn đề có chừng đó, mình giải quyết xong là vẹn toàn cho 2 bên rồi…Nói chung, mình sẽ chọn cách kiệm lời, sẽ hướng mọi thứ êm xuôi nhất.
Còn trong những lần công kích nhau kia. Mình thấy
5 loại “vũ khí” thường dùng nhất
Ngôn từ là vũ khí sắc bén nhất của con người
Lời nói giết chết một người.
Những quotes trên không hề nói quá. Lời nói có sức sát thương cực lớn. Vậy nên cha ông ta mới bảo “Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”.
Nhưng trớ trêu vì không gặp mặt trực tiếp, vì cách nhau bởi cái màn hình, chẳng có gì ngăn cản chúng ta, hàng loạt skills, vốn từ phong phú liên tục được xả ra để thẳng tay hạ gục nhau,
(1) Nhắc lại chuyện quá khứ.
“Chớ hồi đó anh từng X, từng Y này sao không kể???”
Bạn biết suy nghĩ của mình là gì không? Mình ghét dạng này.
Với 1 đứa luôn mang tinh thần “Growth mindset”, mình đều sãn sàng tiếp thu góp ý rồi sửa đổi nếu có thể. Chủ quan mà nói thì nếu ai từng phàn nàn điều gì, mình sẽ nhớ và hạn chế lặp lại. Có thể chưa triệt để 100% nhưng ít nhất cũng có tiến bộ.
Đằng này, mình đã cải thiện, hay thẳng thừng rằng vì người ta mà mình cố gắng điều chỉnh. Không những không công nhận, đối phương lại còn phủ nhận “Anh cứ mãi như vậy thôi”
Là sao trời @@@@@@
Thật vô nghĩa khi phán xét con người hiện tại bằng những dữ liệu quá khứ.
(2) Tìm điểm sai của nhau.
“T mệt rồi, như hồi đó…”
…
"À, đợt kia m thế này nữa… "
Từ những mẩu tin nhắn nhỏ nhặt nhất cho tới hành động sai rành rành. Bằng cách nào đó mà đối phương lại xuất thần với trí nhớ siêu phàm, từng lỗi sẽ được liệt kê một cách đầy đủ & chi tiết nhất.
Lúc này chúng ta lại thấy: “Má, bên kia cũng sai quá trời mà nói như thể họ đúng hết là sao”. Nhưng quan trọng nhất, chúng ta cần nhận ra 1 logic hiển nhiên khi sử dụng vũ khí này
Bạn sai ≠ Tôi đúng & Tôi sai ≠ Bạn đúng.
Chúng không đồng nghĩa với nhau. Hơn thế nữa, việc tìm thật nhiều lỗi sai của đối phương không giúp cả 2 giải quyết vấn đề!
(3) Chọn cách nói cay nghiệt xa xôi.
“Sau này lớn hơn em sẽ hiểu” “Sợ rằng không tới lúc đó” “Mãi mãi” “M cứ để đó xem”
Mục đích là để nói cho đỡ tức + “trù ẻo” người kia. Nếu không may, chúng ta sẽ nhận được vài câu nói “nhớ đời” theo đúng nghĩa đen của nó. Và từ đó tạo thành 1 chấp niệm rất lớn mãi về sau
Với đứa có vốn từ kha khá, mình không hề ngán chửi nhau :)). Thậm chí mình con lo giùm bên kia khi tranh luận nhầm người. Như hiện tại, khi chơi game, mình có 3 mode chính: vui vẻ, bình thường và khô máu. Nếu bạn lỡ chạm vào công tắc “khô máu” thì chắc sẽ có màn “đấu võ mồm” free cho 8 người chơi khác thưởng thức.
(4) Xuống nước, năn nỉ.
“Thiệt mà, chỉ cần thêm một cơ hội thôi, lần sau anh sẽ khác”... hay là “:((((((((“ cùng một loạt icon, sticker, meme được thêm vào để hạ lửa.
Vũ khí này phổ biến trong chuyện tình cảm. Bằng mọi cách khác nhau, 1 trong 2 bên sẽ van xin bên kia suy nghĩ & hành động khác. Sắc thái lúc này trở nên mếu máo. Chúng ta cảm thấy bất lực khi nói mãi mà đối phương chẳng hiểu. Và rồi chuyện gì tới cùng tới, chúng ta không bật được người kia. Chúng ta bật khóc.
(5) Im lặng.
Biện pháp tối thượng.
Im lặng vì đã cạn lời?
Im lặng vì không còn gì thiết tha nữa?
Im lặng vì khinh thường?
Dù im lặng vì lý do gì, đây cũng là cách tệ nhất. Lướt Tiktok dạo gần đây, mình thấy rộ lên từ "Silent Treatment". Hy vọng nó không trở thành trend...
Trường hợp những người nói nhiều, chúng ta còn hiểu được nỗi lòng và tâm tự của họ.
Nhưng lỡ người kia chọn cách im lặng thì sao?
Họ không hề hé môi 1 lời về những tổn thương của bản thân đã gánh chịu. Họ vẫn bình thường như chẳng có chuyện gì. Để rồi môt ngày, giọt nước tràn ly....Họ đưa ra quyết định cuối cùng trong sự ngỡ ngàng của bên kia. Đây chính là mẫu chuyện tình cảm buồn nhất. Chàng trai thất thần không hiểu “Ngày hôm ấy, em buông tay anh vì lí do gì”
Trên đó là những vũ khí mình từng thao tác & từng “nếm trải”. Ngoài ra, một số vũ khí thay thế khác được lưu truyền như:
- So sánh đối phương với người X, người Y
- Chọc tức bằng cách lặp đi lặp lại điểm yếu của người kia
- Đe dọa bóc phốt, tố tụng
*Vì chưa trải đủ chất lượng & số lượng của chúng nên mình rất vui nếu mọi người đóng góp góc nhìn về chúng tại phần comment.
Nhìn chung
Ngày trước: Mình cũng từng nắm rõ và tận dụng tối đa đống vũ khí kia.
Hiện tại: Mình đã tự kí bản hiệp ước hòa bình với chính bản thân. Trong bất kỳ cuộc cãi nhau, tranh chấp nào, mình sẽ cân nhắc tránh giải pháp xấu nhất. Hạn chế tối đa thiệt hại về tinh thần cho đối phương. Mình không muốn đồng quy vô tận, cả 2 bên cùng kéo nhau xuống hố.
Từ những yếu tố kể trên, khi cãi nhau, mình sẽ là con người như thế nào
Ngày trước, mình sẽ trở thành phiên bản xấu xí nhất...
Còn hiện tại, nếu đã cố hết sức tránh nhưng xung đột vẫn xảy ra, mình có xu hướng là người nói ít hoặc đóng vai im lặng đợi người kia nói hết 1 lượt. Mình hạn chế việc làm tổn thương người khác khi cãi nhau. Tất cả vì một cái kết happy ending dành cho cả 2. Mình muốn nếu sau này trên đường đời, khi cả 2 bất chợt nhớ về nhau, đó sẽ là 1 nụ cười mỉm thay vì nụ cười mỉa.
Đằng sau tinh thần Win-win hết sức hết mình hết lòng đó, mình nhận ra
3 nỗi sợ phổ biến khi cãi nhau
(1) Sợ bản thân chưa kịp nói hết ý…Thì bên kia đã block trên mọi mặt trận :). Nếu thế thì "Sống 1 cuộc đời không hối hận” nhưng sẽ mang theo mãi một nỗi tiếc nuối chưa bày tỏ hay sao? Chắc hẳn nó không phải cảm giác dễ chịu.
(2) Sợ kết thúc lãng xẹt. Thà rằng 2 bên khác tư tưởng quan điểm nên cãi nhau. Đằng này, 2 bên lại hiểu nhầm ở điểm nào đó. Hy vọng mọi thứ không giống trong phim. Những tình huống chúng ta thấy tiếc giùm cho nhân vật khi đạo diễn đã "khốn nạn" sắp xếp cho họ hiểu nhầm một cách vớ vẩn nào đó…
(3) Sợ mất mát. Một phần bản năng con người. Dù có phải là người có tính sở hữu cao hay không, mình tin rằng chẳng ai muốn mất thứ bản thân đang có. Từ giá trị vật chất hay giá trị tinh thần, mỗi thứ đều có giá trị khác nhau. Mà mình lại có quan niệm “Mọi thứ đều có ích ở khía cạnh nào đó” Thế nên, mình lại càng không muốn mất đi một mối quan hệ
Thế cơ mà cả 3 nỗi sợ trên, lại cùng xuất hiện trong lần cãi nhau tối hôm qua. Bên kia sử dụng cùng lúc những “vũ khí” để tổn thương nhau nhiều nhất.
Nhưng khoảnh khắc ấy, mình không trách không giận người kia chút nào. Mình chỉ ánh lên suy nghĩ…
Haizzzzz, thật buồn...Tội nghiệp
Một chút sự việc, nhiều chút nhạy cảm và cả ngàn sự nặng nề trong cách nói. Điều gì đã khiến một người hiền lành bộc phát trở thành phiên bản như vậy khi cãi nhau? Chắc hẳn họ đã bị khắc một hoặc nhiều vết thương lòng cực kỳ sâu đúng không nhỉ? Và chẳng lẽ những vết thương đó sẽ thành vết sẹo theo mãi suốt đời luôn ư?
Rồi câu hỏi lớn nhất: Thời gian không thể chữa lành mọi vết thương. Nhưng hành động thì có thể. Vậy làm cách nào để mình giúp người kia đâyyyyy? khi mà có thể 2 bên sắp từ mặt nhau luôn rồi?
Rồi thời gian sẽ là câu trả lời chính xác nhất. Mọi thứ sẽ được kiểm chứng. Nếu vẫn có Happy ending như những lần khô máu xưa giờ, thật tốt biết mấy. Còn nếu chẳng may, mình vẫn gửi lời cảm ơn bạn rất nhiều, như quan điểm đã nhắc đi nhắc lại n lần
“Mọi thứ xảy ra đã là tốt nhất dành cho mình. Biết ơn vì giữa vạn người, vạn vật trong cuộc đời này, chúng ta đã giao nhau tại một điểm nào đó…”
Khi cãi nhau, bạn hóa thân thành phiên bản như thế nào?
Bạn sẽ thường phản ứng ra sao?
Bạn có từng "tấn công" người kia tới mức thậm tệ rồi sau này tự trách bản thân không?
Nếu quay trở lại lúc đó, bạn sẽ cư xử như thế nào?
Đâu sẽ là điều bạn luôn tự nhắn nhở bản thân trong những lần "không may" tiếp theo?
Liệu khi cãi nhau, chúng ta có trở thành một nhân cách khác, một con quỷ, một quái vật - Như những tình tiết thường đọc trên truyện hay không? Dù chúng có là phiên bản xấu xí tới mức nào, mong rằng chúng ta dám đương đầu đầu trực diện với nó, để khống chế, để thuần hóa rồi đồng hành tốt hơn cùng con “quái vật” trong bản thân.
Cãi nhau mệt thật đấy, nhưng hy vọng sau những lần cãi nhau, khoảnh khắc nhớ lại, chúng ta sẽ nở một nụ cười mãn nguyện và nói...
"Nhờ lần cãi nhau đó mà..."
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất