Xích lô (1995): Và khi tan vỡ
Ít có bộ phim nào giống với nhiều loại hình nghệ thuật như thế. Vừa là phim mà vừa là thơ, là văn xuôi, là nhạc, là tranh, là sông,...
Ít có bộ phim nào giống với nhiều loại hình nghệ thuật như thế. Vừa là phim mà vừa là thơ, là văn xuôi, là nhạc, là tranh, là sông, là người. Dù là gì thì “Xích lô” vẫn là một nghệ thuật tương phản. Một bản nhạc với những nốt cao thấp, một bức tranh với những gam màu nóng lạnh, một dòng sông với những khúc trong đục, một con người với tất cả những thiện lương ác độc. Dẫu chẳng có gì đáng ngạc nhiên, nhưng tất cả cùng hiện lên trên màn ảnh thì thực ấn tượng. Không có dấu nối nào chen giữa những thái cực ấy, thậm chí nếu có thể phá vỡ cú pháp tiếng Việt, chữ nghĩa phải dính liền vào nhau, thậm chí lồng vào nhau vì nội hàm của chúng thực quấn quýt không rời.
“Xích lô” của đạo diễn Trần Anh Hùng đặt điểm nhìn vào một cậu trai 18 tuổi chạy xích lô. Từ một thanh niên hiền lành, mồ côi cha lẫn mẹ, sống cùng ông nội, chị gái, em gái, xích lô tập tành những trò du côn theo đám tay chân của bà chủ. Phim có nhiều tuyến nhân vật đáng nhớ, mỗi nhân vật là một mảnh ghép có màu sắc riêng. Đó là bà chủ giàu có, chuyên quyền với người con trai trưởng thành nhưng hành vi không khác một đứa trẻ. Một tên nhà thơ vừa là một đại ca giang hồ, một ma cô chuyên nghiệp. Một cô gái trong trắng bị dẫn dắt vào con đường mại dâm… Thực trong số đó chẳng có một câu chuyện đáng gọi là kịch tính, nếu không muốn nói là nhan nhản. Nhưng “Xích lô” vẫn là một thước phim đáng xem với những kì lạ đủ kích thích, những gợi cảm không biết gọi tên.
Các nhân vật không có tên mà chỉ có danh xưng bà chủ, chị gái, em gái, ông nội, thằng già, thằng nhỏ,... Thực thì họ cũng chẳng cần có cái tên, vì nào ai được lịch sử để mắt tới. Họ có thể là một câu hát, một ánh mắt, một dáng người, một con cá vàng, một dòng máu, nhưng tuyệt nhiên không phải một người với một danh tính. Lịch sử như một ống kính lạnh lẽo vội vàng xoẹt qua họ, chỉ kịp thời ghi lại mảnh vỡ của những khuôn mặt. Có vô kể những khuôn mặt như thế, tất cả vụn tan và ghép thành bức tranh xẹo xọ hết sức mà chỉnh hợp vô cùng. Chỉ điểm nhân vật “đáng nhớ” không thôi là phá hỏng chỉnh hợp đó, vì có những cú nháy tưởng như vô tình mà ấn tượng. Đó là những đứa trẻ đánh giày, những đứa bé đang được tắm gội, những khuôn mặt nhạt màu qua những tấm ảnh,...
vô danh người
vô danh sông
hoa thì vô sắc
hương không thành lời
Từng phân tử kết cấu nên “Xích lô” đều tương phản, có gì như trào phúng, vừa nức nở, vừa xót xa, vừa tàn nhẫn.
Bỉ bôi đầu tiên đó là hình ảnh một nhà thơ và cũng là một tên giang hồ đĩ điếm và chém giết. Thực không biết nên giới thiệu y bằng danh xưng nào trước, nhà thơ hay đại ca, hay đĩ đực, hay ma cô, hay sát thủ? Thơ gì mà thơ trong những máu me tanh hôi, trong khói thuốc, trong lặng thinh. Thì ra thơ là tất cả những thứ đó, là máu, là thuốc, là lặng câm, là dục tình, là yêu đương, là lửa cháy. Tất thảy là thơ, vì thơ là đời.
Nếu ai đã từng đọc “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp thì có lẽ còn nhớ đến nhân vật Khổng Tử, cũng một người thích làm thơ nhưng làm ở xí nghiệp nước mắm hay có chăng nên nói làm ở xí nghiệp nước mắm nhưng lại thích làm thơ? Dù sao thì cái “thơ” của Khổng Tử là cái giả thơ đồi bại, nhân danh thơ để đi sâu vào giường chiếu của người vợ đã có chồng, lách qua khe cửa hỏng để giở trò với con gái của nhân tình. Y trong “Xích lô” trái lại, đi sâu vào da thịt, vào dục tình để trau nên thơ, những vần thơ trong sáng lạ lùng:
Với một dòng sông vô danh
ta bật khóc chào trời xanh đất rộng
lạch nước đen
sâu hay nông?
lớn cùng năm tháng lại trông đời mình
[...]
rằng sông kia
rằng người đi
có cùng câu chuyện của đời chảy quanh
ta còn mắc nợ nguồn xanh
lang thang mấy cõi đi về đất đai...
Không một nụ cười, không một giọt nước mắt, không cả một cái nhăn mặt, chỉ có những ánh mắt, điếu thuốc và cái thói chảy máu cam để người xem liệu chừng xúc cảm của hắn.
Ánh mắt u hoài như chòng chọc vào tâm hồn người khác, nó vừa tình tứ, vừa có gì như len lén, vừa yêu thương mà vừa như thờ ơ, một đôi mắt chiếm hết đặc quyền thể hiện cảm xúc của những bộ phận khác trên khuôn mặt. Đáng ra y chỉ cần đôi mắt thôi là đủ, không cần thân thể, chẳng thiết linh hồn. Thực không muốn nhắc đến tên ngôi sao thủ vai y, vì tên tuổi chẳng là gì trong mớ hỗn độn này, chỉ có đôi mắt. Đôi mắt. Điếu thuốc và thói chảy máu cam. Trong phim, y chảy máu cam bốn lần, thì hết hai lần có liên quan đến chị gái của xích lô, là người y yêu thương nhất, một lần vì xích lô, một lần vì buồng cau non mới rạch. Những khi ấy có thể đoán mò là y đang xúc động cực mạnh. Những khi châm thuốc lên hút, là khi y đang lắng lo trăn trở. Một tên giang hồ có lẽ chỉ có thể xúc động và lo lắng trong từng ấy khoảnh khắc. Tuyệt nhiên không phải khi y giết dã man tên nhà giàu cưỡng dâm người chị gái, cũng không phải khi y bị cha ruột đập cho tơi bời trước mặt mẹ và người yêu. Con người vô danh ấy xúc động vì những điều chẳng làm ai xúc động, nhưng lại thờ ơ trước những cảnh làm người ta kinh sợ.
Y là một “thằng ngợm” đúng nghĩa của nó, người chẳng ra người, ma chẳng ra ma. Y giết người không ghê tay, y đàng điếm mọi nhẽ nhưng lại yêu thơ, yêu hoa cau, yêu người con gái trong sáng, thanh khiết. Y dửng dưng nhưng vẫn căn vặn hỏi han xích lô. Y dẫn dắt xích lô vào con đường nhuốm máu nhưng cuối cùng lại tự thiêu bằng ngọn lửa tội lỗi. Ngọn lửa ấy khác gì ngọn lửa của xích lô hồi nó mới tập làm giang hồ? Lửa của xích lô bắt đầu con đường tội lỗi, lửa của y thiêu rụi mọi dấu vết và cũng là nguyên căn cho sự ra đi của một sinh mệnh vô tội. Lửa không thể tiêu huỷ tất cả, nó hắt tro bụi vào tâm hồn, nó báo oán vào những người ở lại. Chẳng gì có thể thanh tẩy tội ác. Một tên giang hồ thì càng không thể. Khi y thiêu đốt tất cả, những vần thơ của y cũng bị thêu hết. Người không còn thì đời thơ cũng hết vậy.
Hỗn độn trong khung cảnh hiện thực thô nháp là những câu hát ngọt ngào. Đó là lời ru cái cò mà đi ăn đêm, thằng bờm có cái quạt mo của bà chủ, là Làng tôi của Văn Cao, Em ơi Hà Nội phố của Phú Quang, là Bắc kim thang của trẻ nhỏ… Những câu hát cứ hiện lên trong những khúc quanh, những đợt chuyển máy không ai ngờ đến, trước, sau, nhiều khi cả trong khi những tiếng ca đẹp tuyệt ngần vang lên là những vật vã, những xấu xí, những thô lậu của cuộc sống.
Trong những cảnh quay đó, thật khó để nói điều gì bổ trợ cho điều gì, âm thanh bổ trợ cho hình ảnh hay ngược lại. Lời ru dịu ngọt của bà chủ với đứa con trai quý hoá trong cảnh quay khuôn mặt hốc hác của thằng xích lô, vừa bị bầm dập đi bởi những tay sai phản chủ. Không có trắc ẩn nào đối với thằng xích lô mảy may dao động đến sự hoàn bích của lời hát của bà mẹ dành cho con. Điều đó tạo ra một sự kết hợp vừa như trớ trêu, vừa như trào phúng. Có đẹp chăng lời hát ru của một bà mẹ yêu thương con hết mình, nhưng lại là lạnh tanh với bất hạnh của một đứa trẻ. Hay câu hát nhẩn nha của cô gái điếm đang nằm hớ hênh trên giường của tay ma cô. Gái điếm thì đã sao, gái điếm thì không được hát ca, thậm chí là không được hát những lời rất đẹp? Thế nào là đẹp, thế nào là xấu, thế nào là đáng trọng, thế nào là đáng khinh? Hay tiếng ru nỉ non “gió mù thu mẹ ru mà con ngủ…” của gã đồ tể chuyên nghiệp trước khi bằng một đường dao kết liễu con mồi bị trói chặt.
Âm nhạc thì thanh sạch vô cùng, đấy cũng là sự bất lực của nó. Âm nhạc bị bứt hoàn toàn khỏi trạng huống, dù trong những ẩn dụ, hình tượng, ngôn từ, âm nhạc vẫn chỉ được diễn đạt thứ ngôn ngữ trong sáng, dù cuộc đời nhiều khi thực vấy bẩn.
Tên sát thủ hỏi xích lô: Đây là AK-47, một đạo cụ để phổ những bài hát rất hay. Mày đã nghe những bài hát đó bao giờ chưa? - Dạ chưa. - Vậy thì mày nghe đây. Đây là nốt cơ bản… Còn đây là bài hát…”. Giữa “...” là tiếng súng đạn, mỗi viên đạn bắn ra là một nốt nhạc. Nếu “bài hát” ấy được phát trên pháp trường nhân danh công lí, hay trong những giờ tập của các chiến sĩ công an, hẳn đó phải là những bài ca yêu nước tuyệt đẹp. Nhưng bài hát ấy được ra đời trong những tạp nham, bựa bám của cuộc sống, trong lố nhố người xe đông đúc, trong máu me của tội ác. Đó vẫn là âm nhạc. Nếu cuộc sống chấp nhận những lời hát ru, những tình ca buồn thê lương, cớ gì mà không chấp nhận tiếng súng đạn. Tất cả đều là những đứa con ruột của hiện thực.
Ám ảnh nhất về thân phận phải kể đến cậu con trai bà chủ và xích lô. Hai người là hai thanh niên mới lớn, nhưng thực chất vẫn là hai đứa trẻ, hai đứa trẻ hoàn toàn khác biệt. Con trai bà chủ đã vào tuổi trưởng thành nhưng vẫn mãi là “thằng nhỏ”. Không ai quan tâm xích lô tên là gì, chỉ biết nó chạy xích lô. Nó có một danh xưng gắn chặt vào phương tiện mưu sinh của nó, xe là người, vật là người. Cũng không nhất thiết phải viết hoa cho cái tên ấy. Con trai bà chủ với trí tuệ không bình thường, luôn hành xử như một con cá mắc cạn, hoàn toàn không biết đến những rối ren của cuộc sống. Còn xích lô thì đã nếm trải mọi đau đớn của kiếp người: mẹ cha đều đã mất, phải bươn chải kiếm sống, bị đánh đập, bị dụ dỗ, bị đối xử bất công.
Hai cảnh đời ấy tưởng chẳng có gì gặp gỡ nhưng lại giống nhau đến không ngờ. Trong cuộc rượt đuổi của cảnh sát do hành vi phóng hoả của xích lô, cậu phải lặn sâu xuống con lạch đen ngòm toàn chất thải ô nhiễm để thoát thân. Xích lô rửa sạch mọi chất bẩn bằng việc lặn xuống bể cá cảnh. Cậu chẳng khác nào một con cá. Trong lúc đang phê pha vì hai viên thuốc mà đàn anh đưa cho, xích lô đổ sơn lên người, chẳng khác gì con bà chủ khi nó cũng nghịch sơn như thế.
Sau lần “nghịch sơn” cuối cùng của cậu con trai thiểu năng, có lẽ bà chủ đã biết sự độc ác trong lời hát ru của mình. Đẳng cấp là thứ ngu xuẩn, sau lớp sơn là một linh hồn, dù rách nát, dù tổn thương, dù ngu xuẩn, dù tội lỗi. Bà chủ ôm chầm lấy đứa con trai “sơn” mình bằng máu của nó hay ôm thằng xích lô khốn khổ, dám chắc cảm giác là như nhau vì đau khổ thì không cần một hình hài cố định để dựa vào.
Bà chủ nhìn thấy hình ảnh "con cá của mẹ" trên xích lô. Phải vậy thôi, con cá thật sự vẫn còn bết dính trên mái tóc của chàng thanh niên tội nghiệp, cùng được bà ôm chầm lấy. Nếu người là vật thì vật cũng là người.
Người giống người mà người cũng giống vật. Cảnh con heo bị cắt tiết trong lò mổ, máu tươi tuôn qua không ngừng chẳng khác nào dòng máu do đồng nghiệp bị xe tông chết, ngã ngửa trên đống thịt lợn giấu ma tuý của xích lô. Dòng máu tươi túa ra không ngừng nhắc nhớ xích lô về tai nạn kinh hoàng của người cha mới chết năm ngoái, về phận mỏng tanh của kiếp súc vật, kiếp người, kiếp cha, kiếp mình.
“Hôm qua con mèo nó về. Cả nhà tưởng nó chết đã lâu rồi. Trong nhà ai cũng nói nó đẹp hơn hồi nó chưa đi lạc. Đến nỗi ai cũng ngỡ không phải là nó…”
Sau đám cháy đêm ba mươi của nhà thơ giang hồ là một năm mới sáng sủa cho tất cả. Cái sáng sủa đi cùng với sự thanh tẩy phần nào qua màu áo dài trắng của bà chủ đêm hôm con trai bị tai nạn chết, trong màu áo trắng của cả gia đình trên chiếc xích lô của thằng con trai đã cải tà quy chính. Ngay cả con mèo đi lạc cũng trở về nhà, hơn nữa còn đẹp hơn hồi trước.
Thật ngây ngô nếu nghĩ rằng xã hội trong "Xích lô" đã được thanh tẩy. Dẫu sao, trong những xáo động đó, một thoáng xích lô qua.
Mikodmi.
Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất