Biên dịch từ bài viết Hero trên Film Quarterly
Khi Anh Hùng của Trương Nghệ Mưu lần đầu ra mắt tại Trung Quốc vào năm 2002, mặc dù vẻ đẹp trong những cảnh quay võ thuật của phim đã tạo nên một sự thích thú nhất định, thì cũng có rất nhiều người xem cảm thấy phẫn nộ về thứ mà họ nghĩ là phim muốn truyền tải, tức là quan điểm chính trị của phim vậy - ấy chính là một sự biện minh nào đó cho chế độ quân chủ chuyên chế trong lịch sử quốc gia này. Ấy thế nhưng khi phim được ra mắt tại Mỹ vào tháng 8/2004, hàng triệu người đã đi xem và chỉ đơn thuần thấy thích thú và bị mê hoặc bởi chất sử thi của Anh Hùng và dường như không ai (có lẽ ngoại trừ một số người thuộc cộng đồng người Hoa ở đây) cảm thấy bị bộ phim xúc phạm hay gì hết. Mặc dù những người xem của Anh Hùng có chia ra hai thái cực yêu - ghét tương đối rõ rệt, nhưng bộ phim còn nhiều điều để nói hơn thế, nhất là khi đào sâu vào ý nghĩa của phim. Dù sao đi chăng nữa, vị đạo diễn từng tạo ra những bộ phim như Cúc Đậu (1990), Đèn lồng đỏ treo cao cao (1991) hay Không thiếu một em (1999) chưa bao giờ tỏ ra rằng mình là một người hời hợt nông cạn.
Thoạt nhìn, có thể cho rằng Anh Hùng là một phim khác biệt so với các phim trước đây của Trương Nghệ Mưu. Từ Cao lương đỏ (1988) cho đến Không thiếu một em (1999), các phim trước của ông đều có bối cảnh ở Trung Quốc vào thế kỷ 20, và câu chuyện của chúng đều có trung tâm là các nhân vật có địa vị xã hội khiêm tốn và cảnh ngộ đáng thương. Nhưng Anh Hùng thì khác hẳn. Không chỉ có bối cảnh ở một thời kỳ hoàn toàn khác biệt (cuối thế kỷ 3 TCN, khi Trung Nguyên được thống nhất bởi vị Hoàng đế đầu tiên); mà các nhân vật chính của phim cũng đều là những cá nhân đặc biệt, chẳng hề tầm thường. Ấy chính là Tần vương, người thống nhất thiên hạ và những thích khách đều chung mục đích muốn ám sát ông ta. Ngay từ tiêu đề của phim - Anh Hùng - cũng đã thể hiện rõ rằng câu chuyện của phim muốn kể về một ai đó phi thường. Nhưng ai là anh hùng, và “anh hùng” chân chính có nghĩa là gì?
Bộ phim bắt đầu với một tráng sĩ, tên là Vô Danh, tức là chẳng có tên, được triệu kiến tới gặp Tần vương để nhận thưởng do đã thành công hạ sát ba thích khách khác đã từng nhiều lần âm mưu ám sát Tần vương. Ba người ấy là Trường Không, Phi Tuyết và Tàn Kiếm. Câu chuyện của phim được kể theo cấu trúc từng hồi, chuyển qua lại giữa cuộc đối thoại giữa Vô Danh và Tần vương tại đại điện và lời kể của Vô Danh về những gì đã xảy ra. Và khi mọi chuyện sáng tỏ, thì thực chất Vô Danh đã dựng nên việc mình giết ba thích khách kia để được triệu đến nhận thưởng tại đại điện, và nhờ thế có cơ hội tự mình giết chết Tần vương. Trường Không và Phi Tuyết cũng chính là đồng mưu với anh ta. Nhưng chẳng may thay, Tần vương là một người sắc sảo, và ông nhìn thấu ngay được những lỗ hổng trong câu chuyện của anh ta. Nhưng thay vì tức giận vì âm mưu bị bại lộ, Vô Danh lại thấy ấn tượng bởi sự thông minh của Tần vương. Và anh ta kể cho Tần vương nghe những chuyện còn vượt xa sự tưởng tượng của ông. Một trong ba thích khách đã dùng mọi cách để ngăn Vô Danh ám sát Tần vương, và người đó chính là Tàn Kiếm. Tàn Kiếm tin rằng, Tần vương là người duy nhất có thể thống nhất thiên hạ, và đem đến thái bình cho dân chúng. Xúc động trước tâm ý của người từng muốn giết mình, và sau khi suy ngẫm về bức thư pháp của Tàn Kiếm - một chữ “Kiếm” duy nhất, dài 8 xích - Tần vương đã ngộ ra cảnh giới tối thượng của kiếm pháp.
Quả nhân ngộ ra rồi! Phúc tự của Tàn Kiếm căn bản không chứa chiêu thức kiếm pháp, mà đích thị là cảnh giới tối cao của kiếm pháp. Đệ nhất tầng cảnh giới kiếm pháp là nhân kiếm hợp nhất. Kiếm tức là người, người tức là kiếm, cọng cỏ trong tay cũng thành lợi khí. Đệ nhị tầng cảnh giới, trong tay không có kiếm, kiếm ở trong tâm, tuy xích thủ không quyền, vẫn có thể dùng kiếm khí, giết địch ở ngoài trăm bước. Cảnh giới tối cao của kiếm pháp, chính là trong tay không có kiếm, trong tâm cũng không có kiếm, có thể bao dung tất cả xung quanh, không còn muốn giết chóc, chỉ còn lại hòa bình.
Chấn động trước sự giác ngộ của Tần vương, Vô Danh đã hạ quyết tâm tha chết cho ông, vì anh ta tin rằng người này có thể đem lại thái bình thịnh trị cho thiên hạ. Nhưng anh ta cũng phải giữ lời hứa với bằng hữu, và vì thế Vô Danh phải “ám sát” Tần vương. Rút lấy thanh kiếm trên bàn, Vô Danh phi về phía Tần vương, và đến khắc cuối cùng, anh ta xoay ngược kiếm lại, chỉ dùng cán kiếm đâm vào người Tần vương. Và sau đó, Vô Danh ném thanh kiếm xuống, để lại những lời cuối cùng.
Đại vương, một kiếm này thần đã thích sát xong. Vì một kiếm này, nhiều người phải chết, và đại vương còn sống. Người chết này mong đại vương hãy nhớ đến cảnh giới tối cao của kiếm pháp.
Và cứ như thế, Vô Danh đường hoàng bước ra khỏi đại điện, coi như không thấy hàng ngàn cấm vệ quân vây xung quanh. Trong khi anh ta bước ra, chúng ta có thể nghe thấy những tiếng thét của bá quan văn võ đòi xử chết Vô Danh. Chi tiết này cũng có người cho rằng những tiếng thét ấy là tự bản thân Tần vương tưởng tượng ra, và nó thể hiện sự băn khoăn của ông ta trước việc phải quyết định ra sao với số phận của Vô Danh.
Hãy nhớ cho kỹ, lớn mật hành thích, giết không tha! Đây chính là đại pháp của Tần quốc mà đại vương đã chế định! Đại vương muốn có được thiên hạ, nhất định phải thi hành! Đại vương, giết hắn!
Cuối cùng, Tần vương hạ quyết tâm, ông ta không nói không rằng, chỉ vẫy tay một cái, và hàng trăm mũi tên phóng ra về phía Vô Danh. Khi nghe tin thích sát thất bại, Phi Tuyết đã giận dữ với Tàn Kiếm, bởi cho rằng cơ mưu thất bại là do anh ta can thiệp, làm rối loạn quyết tâm của Vô Danh. Cô đòi anh rút kiếm ra chiến đấu, và để chứng minh mình vẫn luôn một lòng một dạ với cô, Tàn Kiếm đã không đỡ nhát kiếm sát thủ của Phi Tuyết. Rồi trong lúc tuyệt vọng cùng cực, Phi Tuyết ôm lấy Tàn Kiếm, và tự vẫn bằng chính thanh kiếm của mình. Ấy chính là cái kết bi kịch của Anh Hùng. Cảnh quay cuối cùng của phim là hình ảnh Vạn Lý Trường Thành cùng những dòng chú thích:
Năm 221 TCN, Tần vương thống nhất Trung Nguyên, trở thành Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông hạ lệnh xây dựng Trường Thành để bảo vệ dân chúng khỏi các bộ tộc du mục phương bắc.
Người xem có thể sẽ đơn giản chỉ nghĩ rằng thông điệp mà phim muốn truyền tải là: từ bỏ việc thích sát Tần vương là đúng đắn, để cho thiên hạ có thể nhất thống và chiến loạn chấm dứt; và bởi vậy, vì đã có thể thống nhất Trung Nguyên, nên Hoàng đế đầu tiên này nên được xem là một anh hùng. Hơn thế nữa, cả bốn thích khách đều chứng tỏ họ không chỉ có võ công kiệt xuất, mà còn đều là quân tử, vậy cũng có thể xem họ là những anh hùng. Vậy nhưng, theo ghi chép lịch sử, thì Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc lại được coi là một bạo chúa. Mặc dù xã hội Trung Quốc đã dần trở nên tự do và phóng khoáng hơn trong nhiều thập kỷ qua, thì vẫn chẳng mấy người có thiện cảm với đệ nhất bạo chúa này. Anh Hùng phải chịu vài lời chỉ trích nặng nề cũng chẳng phải điều bất ngờ. Mặc dù đã thống nhất Trung Nguyên, chấm dứt tình trạng phân liệt, vị Hoàng đế ấy vẫn gánh chịu hậu quả do sự tàn bạo của mình, chẳng phải vậy sao? Liệu có nên biện minh cho sự chuyên chế và bạo ngược của ông ta?
Anh Hùng của Trường Nghệ Mưu tạo nên sự tranh cãi ở Trung Quốc, nhưng trước phim này, các tác phẩm của ông chưa bao giờ cho thấy vị đạo diễn tỏ ra đồng tình hay có thiện cảm với sự chuyên chế. Các bộ phim trước đây của ông đều cho thấy một chủ đề trung tâm rõ rệt và nhất quán: sự phê bình của ông đối với một số khía cạnh lịch sử và văn hóa của Trung Quốc. Vậy với Anh Hùng, Trương Nghệ Mưu muốn truyền tải điều gì?
Đầu tiên, cần hiểu rằng ngoại trừ Tần vương, thì các nhân vật chính còn lại đều không có thực trong lịch sử, và dù dựa trên ghi chép thật, thì câu chuyện của phim cũng khác rất nhiều. Thậm chí ngay chính Tần vương cũng có thể được coi chỉ là nhân vật dựa trên hình tượng của Tần vương Doanh Chính vậy, chứ chẳng phải bản thân ông ta. Tiếp nữa là, mặc dù Tần vương và bốn thích khách đều cho thấy một vài nét của một anh hùng, nhưng nếu nói đúng ra, chẳng ai trong số họ là anh hùng chân chính cả.
Hãy cùng xét về bốn thích khách. Như Tàn Kiếm đã chỉ ra, động cơ cho việc muốn thích sát Tần vương của Vô Danh, Trường Không và Phi Tuyết chỉ đơn thuần là thù hận của họ với nước Tần, vì họ là người nước Triệu. Tần - Triệu có oán thù sâu nặng, tự nhiên họ sẽ căm thù Tần vương, và muốn giết ông ta bằng mọi giá. Giả như họ có thể thích sát thành công, rồi sao nữa? Dường như họ chẳng hề nghĩ đến những việc sau đó, nếu Tần vương bị giết. Với Phi Tuyết, sự thù hận với nước Tần thuần túy là một sự ám ảnh, cuối cùng dẫn tới bi kịch mà cái giá phải trả là mạng sống của Tàn Kiếm và chính cô. Người giống như tên, Phi Tuyết cũng như những bông tuyết nhỏ bay vô định, và cuối cùng biến mất. Vô Danh thì dường như có một mục tiêu rõ ràng hơn. Anh ta từng nói rằng: “Võ công và tiếng đàn tuy không tương đồng như nguyên lý tương thông. Ấy là đều nằm ở cảnh giới đại âm hy thanh.” Vậy nhưng, việc anh ta truy cầu cảnh giới tối cao thì lại không hề ẩn chứa một lý tưởng hay học thuyết chính trị nào. Giả như việc thích sát Tần vương là mục tiêu chính trị của anh ta, vậy cái mục tiêu ấy vốn đã thất bại, nếu không có lý tưởng nào đằng sau chống lưng. Vô Danh không có tên, mà cũng chẳng cần có tên, anh ta rồi cũng tan biến vào hư không, chẳng ai còn nhớ, cũng như tham vọng của mình vậy.
Trong bốn thích khách, Trường Không là người duy nhất còn sống, nhưng một dòng chú thích trong phim ở đoạn cuối cho chúng ta biết rằng: “Để tưởng nhớ các bằng hữu, Trường Không vĩnh viễn từ bỏ võ công.” Anh ta còn sống, nhưng cũng chẳng hề có một tương lai nào rõ ràng, chỉ là một khoảng không trống rỗng, vô tận, thực như tên vậy. So với ba người kia, Tàn Kiếm dường như thấu đạt mọi sự hơn. Anh ta lĩnh ngộ được sự tương đồng giữa kiếm pháp và thư pháp, đạt được cảnh giới tối cao của cả hai, và anh ta cũng nhận ra rằng, vì toàn dân trong thiên hạ, Tần vương không thể chết. Có thể coi Tàn Kiếm là người duy nhất trong bốn thích khách mơ hồ có một lý tưởng về chính trị. Nhưng kể cả vậy, lý tưởng của anh ta cũng không giải thích được rằng vì sao Vô Danh phải bị xử tử cho dù đã đổi ý không thích sát Tần vương; mà cũng không thể lý giải vì sao Tần vương đã ngộ ra cảnh giới tối cao là “không còn muốn giết chóc”, nhưng cuối cùng vẫn hạ lệnh xử tử Vô Danh. Lý tưởng của Tàn Kiếm chưa hoàn chỉnh, cũng như tên của anh ta - một thanh kiếm gãy, một thanh kiếm không hoàn mỹ. Còn với Tần vương, với trí tuệ và quyền lực ít ai bì kịp, rốt cuộc ông ta lại không thể đạt tới cảnh giới cao nhất, không thể đạt tới “hòa bình”. Khoảnh khắc do dự trước khi hạ lệnh của Tần vương đã cho thấy sự xung đột trong tâm ông ta: xử tử Vô Danh là điều Tần vương chẳng hề muốn, nhưng để đạt được thái bình cho thiên hạ, thì ông ta buộc phải duy trì quyền lực tối thượng để dựng nên một đế quốc duy nhất. Tần vương không có cách nào khác, ông ta buộc phải vô tình, phải nhẫn tâm. Và đó chính là sự khó xử với một vị vua quyền lực như Tần vương.
Sự hạn chế của những “anh hùng” không chỉ được thể hiện qua câu chuyện của phim, mà còn được thể hiện thông qua hình ảnh, hay ở đây chính là màu sắc đặc trưng của từng hồi trong phim. Với hồi phim mà trọng tâm xoay quanh việc Vô Danh kể về chuyện mình đã hạ Tàn Kiếm và Phi Tuyết như thế nào, màu được sử dụng là màu đỏ, và ngay cả các nhân vật cũng mặc y phục đỏ. Kết hợp với những cảnh võ thuật tuyệt mỹ, màu đỏ đã làm nổi bật lên thân thủ và ý chí phi thường của những thích khách này, và đồng thời thể hiện cho cả màu máu. Nhưng màu đỏ thì lại không đại diện cho trí tuệ cao thâm, mà đó lại là thứ mà những thích khách còn thiếu.
Với hồi phim thể hiện cảnh Tàn Kiếm và Phi Tuyết cùng nhau luyện kiếm, viết thư pháp, và sau đó là đột phá vào cung điện Tần vương, màu được sử dụng là màu xanh lá, cũng như y phục của họ. Màu xanh lá thể hiện sự trẻ trung, khỏe khoắn, tương ứng với thời điểm họ còn trẻ tuổi. Nhưng cũng vì thế mà họ chưa có được sự thông thái, bởi màu xanh lá không thực sự đại diện cho sự sâu sắc. Ở một hồi khác, khi Vô Danh cố gắng thuyết phục Tàn Kiếm và Phi Tuyết giúp mình thực hiện kế hoạch thích sát Tần vương; tất cả các nhân vật, kể cả Như Nguyệt (tỳ nữ của Tàn Kiếm) đều mặc y phục màu trắng. Tại thời khắc ấy, Tàn Kiếm đã ngộ ra cảnh giới tối thượng, và màu trắng đó là biểu lộ của sự ngây thơ trong tâm của anh ta. Nhưng mặt khác, chẳng dễ gì để phân biệt giữa ngây thơ và ngu xuẩn; vậy màu trắng có lẽ cùng còn nhằm biểu lộ sự thiếu hiểu biết thấu đáo về chính trị và xã hội. Mà hơn nữa, trong văn hóa Trung Quốc, màu trắng còn là màu của tang tóc, cho nên việc các nhân vật trong cảnh đều mặc y phục trắng, là một lời tiên đoán cho cái chết và sự tang thương.
Xuyên suốt cả phim, Tần vương là nhân vật duy nhất được thể hiện bằng tông màu xanh. Màu xanh thể hiện rằng ông ta là một nhà lãnh đạo tài năng về chính trị, và cũng là một người uyên thâm, sâu sắc. Nhưng màu xanh của y phục và cung điện của ông ta còn điểm xuyết cả tông màu đen xám, thể hiện mặt tối của sự uyên thâm ấy. Và thêm vào đó, trước mặt Tần vương luôn luôn có rất nhiều ngọn nến tỏa ra ánh sáng màu cam, và đằng sau ông ta là một chữ “Kiếm” lớn được viết bằng mực đỏ, thể hiện sự mâu thuẫn trong nội tâm của Tần vương.
Những cảnh chiến đấu trong phim cũng không chỉ để phô diễn, mà còn để truyền tải một ý nghĩa nhất định. Ta thấy rằng mặc dù thân pháp của những nhân vật đều cực kỳ phi thường, nhưng họ luôn luôn bị giới hạn trong một không gian nào đó. Nào là mái hiên và những cây cột, hoặc tán cây trong rừng rậm. Dù cho võ công của họ có kiệt xuất ra sao, ý chí của họ có kiên định thế nào, thì các thích khách cũng không thể vượt qua được giới hạn của thế gian - những giới hạn cả về vật chất lẫn giới hạn trong nội tâm của họ. Mà ngay cả Tần vương cũng vậy. Mặc dù về sau ông ta có thể diệt được sáu nước, thống nhất thiên hạ, nắm lấy quyền lực tối thượng, thì khi ngự trên ngai vàng, Tần vương luôn luôn ngồi trong một không gian nhỏ hẹp, lọt thỏm giữa bức bình phong phía sau và hàng nến ở phía trước. Ấy là để thể hiện một điều trớ trêu, rằng cho dù ông ta có nắm được quyền lực tối thượng, thì chính bản thân ông ta cũng bị cái quyền lực tối thượng đó hạn chế - một sự trớ trêu với bất cứ quân chủ nào.
Hơn thế nữa, trong cảnh quay cuối cùng của Tần vương, ta thấy ông ta đứng ở xa trong khung hình, cũng ngai vàng đó, cũng không gian nhỏ hẹp đó, và ta giật mình thấy rằng sao ông ta lại nhỏ bé đến vậy? Một quân chủ nắm quyền lực to lớn nhường nào, ấy vậy mà sao lại được thể hiện theo một cách nhỏ bé và tầm thường đến vậy?
Đến đây, có lẽ ta đã nhận ra được chủ đề thực sự của Anh Hùng, ấy chính là sự thiếu vắng một anh hùng chân chính. Và ta cũng nhận ra rằng thực chất chủ đề của Anh Hùng cũng không khác biệt là bao so với những tác phẩm khác của Trương Nghệ Mưu. Chính là những cá nhân dù nhỏ bé hay to lớn, dù tầm thường hay vĩ đại, dù thông thái hay vô minh, cũng đều mắc kẹt với những khó khăn khác nhau. Thông qua đó, Anh Hùng cũng muốn nói rằng, chừng nào xã hội vẫn còn chưa được thay đổi triệt để, thì cho dù có là kẻ thống trị hay kẻ bị trị, thì cũng chẳng cách nào xóa bỏ được những khó khăn ấy. Mà đó cũng là cái đặc điểm chung của nhiều nền quân chủ chuyên chế vậy, tức là vị quân chủ sẽ muốn đạt tới thái bình cho dân chúng toàn thiên hạ, nhưng để đạt được điều đó trong một xã hội như vậy, buộc ông ta phải nắm giữ chắc chắn quyền lực của bản thân. Và rồi chính cái quyền lực ấy rồi sẽ dần dần tha hóa người nắm giữ nó, tạo áp lực cho dân chúng, để rồi rốt cuộc đẩy thiên hạ tới cảnh loạn lạc một lần nữa.
Và đây chúng ta cũng nên xem xét cảnh quay cuối cùng của phim, đấy là khi kết thúc, màn hình hiện ra cảnh Vạn Lý Trường Thành uốn lượn giữa những triền núi, và trên bầu trời là cảnh bình minh đang lên. Những dòng chú thích cho chúng ta biết Tần vương đã thống nhất được thiên hạ. Mặt trời đang mọc chính là để biểu thị rằng đó là bình minh của một thời kỳ mới - khi mà Trung Hoa dần trở thành một đế quốc thống nhất, bỏ lại sự hỗn loạn và phân liệt phía sau. Nhưng cảnh đó sớm thay đổi, khi máy quay dần lìa xa mặt trời trên cao, là để biểu thị rằng khoảnh khắc đầy hy vọng đó sẽ không kéo dài lâu. Đó chẳng phải là điểm chung của các triều đại Trung Hoa ư, khi mà khởi đầu đầy hứa hẹn như mặt trời buổi sớm, nhưng thật sự chẳng kéo dài lâu, để rồi thiên hạ lại chìm vào bóng tối lần nữa, lặp đi lặp lại như vậy suốt hàng ngàn năm lịch sử.
Anh Hùng chọn một bối cảnh khác xa so với các phim khác của Trương Nghệ Mưu - hơn 2000 năm trước, có lẽ là để mở rộng thêm cái nhìn của người xem về lịch sử. Những vấn đề, khó khăn mà Trung Quốc trải qua chẳng phải chỉ mới có trong thế kỷ này, mà nó đã tồn tại từ lâu. Với Anh Hùng, cái khó khăn, cái thất vọng mà phim muốn nói, chính là việc Trung Quốc chưa bao giờ thực sự có một vị quân chủ nào đạt tới cảnh giới tối cao của thái bình. Người đó mới chính là một anh hùng chân chính, và tiếc thay, người đó chẳng tồn tại.
Anh Hùng thực sự đáng được xếp vào một kiệt tác, cả về hình ảnh, tính thẩm mỹ và ý nghĩa mà phim truyền tải. Điều đáng nói là “Anh Hùng” đã truyền cho người xem cảm hứng để nhìn sâu hơn, xa hơn, rộng hơn và kỹ càng hơn về lịch sử. Và thiết nghĩ cũng chẳng nên phê bình phim chứa những thông điệp tiêu cực về chính trị vậy. Nhưng thật lòng mà nói, việc nhiều người hiểu sai ý nghĩa của phim âu cũng là bởi chính cái hay của phim: sự mơ hồ. Sự mơ hồ khiến người xem phải ngẫm mới hiểu được rốt ráo ý nghĩa của phim, tức là khó đạt được với phần đông đại chúng, nhưng dẫu sao, đấy cũng là một khía cạnh quan trọng của nghệ thuật thực sự vậy.
Trên cùng tiêu chí ấy, những phim tương tự cùng khai thác chủ đề về Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc như Tần ca (1996) của Chu Hiểu Văn hay Kinh Kha thích Tần vương (1998) của Trần Khải Ca thì lại không được đánh giá cao như Anh Hùng. Ý nghĩa và thông điệp của cả hai phim đều rất mạnh mẽ, gần như là giống nhau - chính là dù muốn hay không, thì muốn trở thành một quân chủ xuất chúng, không thể không nhẫn tâm. Nhưng cả hai phim đều thể hiện thông điệp ấy một cách quá rõ ràng, chẳng hề mơ hồ dù là về cách dẫn truyện hay hình ảnh như là Anh Hùng. Bởi vậy, cả hai phim đều không thể hiện được nhiều tầng ý nghĩa và góc nhìn sâu sắc về lịch sử như “Anh Hùng” đã làm được.
Nhắc tới phim võ thuật, thường người xem sẽ chú ý tới tính giải trí của chúng: những cảnh chiến đấu tuyệt hảo, những mối tình lãng mạn mà cũng đầy bi kịch, chỉ đạo võ thuật độc đáo, sự chính trực và công nghĩa lý tưởng, và một kết thúc đẹp. Tất nhiên những phim như vậy đều rất hấp dẫn, nhưng cũng vì thế mà chúng cũng khó truyền tải được nhiều ý nghĩa. Trước Anh Hùng, không có nhiều phim võ thuật có thể đưa ra nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc, họa chăng thì có Hiệp nữ (1971) của Hồ Kim Thuyên, hoặc Ngọa hổ tàng long (2000) của Lý An. Với việc thể hiện được đúng tham vọng của Trương Nghệ Mưu về một phim võ thuật vừa hấp dẫn về mặt thị giác, lại ẩn chứa được ý nghĩa sâu sắc và đáng nhớ, Anh Hùng thực sự đã khai phá một chủ đề mới cho thể loại này, và phá bỏ những giới hạn từng có. Vậy nên, Anh Hùng thực là một phim xứng với cái tên của nó vậy, một anh hùng.