Bật playlist nhạc, trong tai văng vẳng tiếng hát của Harry Styles, “You know it’s not the same as it was.” Một khởi đầu phù hợp để ngồi xuống và viết về “Everything Everywhere All at Once.” Đây có thể là một câu chuyện với quá nhiều tình tiết được cường điệu hóa, một nồi lẩu thập cẩm, một góc nhìn trớ trêu vào thực tại, một cố gắng để trả lời cho câu hỏi về số mệnh - thứ tưởng như nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. 
Mình sẽ không tóm tắt lại nội dung phim nên mình cũng kỳ vọng những bạn đọc bài viết này đã xem phim và có những cảm xúc hay câu chuyện riêng của bạn về bộ phim. Vì đây cũng là điều mình cố mô tả, không phải từ những cảnh diễn xuất, góc quay, cách đạo diễn xâu chuỗi các tình huống mà là từ một người xem, với những cảm giác và trải nghiệm được gợi lại khi nhìn ngắm hành trình của một người mẹ, một người phụ nữ với rất nhiều những hối tiếc. 
Cuộc đời vốn vô nghĩa 
Không rõ có phải ai cũng từng có một ảo tưởng rằng mình đặc biệt hơn, thú vị hơn, buồn bã hơn, đáng yêu hơn hay một thứ gì đấy để vịn vào, để nói với thế giới này, sự tồn tại của tôi có ý nghĩa. Trái ngược với khao khát trở thành “một ai đấy” có thể là nỗi sợ rằng mình chẳng làm được gì, sự tồn tại của mình là một nỗi thất bại. 
Và lúc đấy, câu hỏi “nếu” bỗng trở thành một thứ day dứt. Nếu mọi thứ khác đi thì sao? Nếu có cơ hội làm lại? Nếu mình là một ai đấy khác? 
Câu trả lời bạn nhận được, từ bộ phim “Everything Everywhere All at Once”, đáng buồn, hay đáng mừng thay, là chẳng có gì thay đổi cả. 
Ở một thế giới khác, có thể bạn đã là một ngôi sao điện ảnh, một ca sĩ đứng trên sân khấu lấp lánh hay (không vui lắm) là một người nội trợ với vô vàn những lo lắng và bất mãn. Nhưng đến cuối ngày, hóa ra bạn vẫn ở đấy, đầy nhạy cảm và dễ dàng bị tổn thương. Hóa ra những thứ bạn mặc lên người, số tiền bạn có, đồ vật bạn sở hữu không khiến bạn trở thành một ai đấy “to lớn” hơn. 
Đến cuối cùng, bạn vừa nhỏ bé vừa ngu ngốc, bạn chẳng là gì trong cuộc đời. Vui sướng, đau khổ, buồn bã, khi đã trải nghiệm tất cả, bỗng bạn hiểu rõ tính ngắn ngủi của những xúc cảm này. Bạn cố gắng vì điều gì khi sự sống của bạn chỉ như một vết chân trên cát, một cơn sóng đến và bạn sẽ biến mất. Sự tồn tại của bạn, rốt cuộc có ý nghĩa gì?
Vô nghĩa. 
“Every new discovery is just a reminder. We’re all small and stupid.”
“Mọi cuộc khám phá chỉ là một lời nhắc nhở: Chúng ta đều nhỏ bé và ngu ngốc.”
Nhưng…bạn có sẵn sàng để chấm dứt sự vô nghĩa ấy không? 
Thậm chí kể cả khi không xem “Everything Everywhere All at Once”, mình nghĩ bạn cũng đã không ít thì nhiều tự hỏi bản thân mình đang làm gì. Mọi thứ dường như chỉ là một vòng tròn lặp đi lặp lại, đi học, tốt nghiệp, đi làm, kết hôn,.. một kế hoạch được trải ra mà bạn bắt buộc phải trở thành người tham gia. Như những đứa trẻ từng bất mãn thốt lên rằng “bố mẹ cũng đâu có hỏi ý kiến của con mà vẫn sinh con ra cuộc đời này đấy thôi.” Kể cả vậy, tại sao bạn vẫn chọn cố gắng sống? 
Trong phim, vào khoảnh khắc Evelyn chuẩn bị cùng Joy bước vào bánh gòn, chấm dứt tất cả đau khổ, cô bỗng bị kéo lại bởi chồng mình Waymond, người vốn được miêu tả đầy ngốc nghếch và dại khờ, lại là người giúp cô nhận ra: 
Đến cuối cùng, tình yêu là thứ duy nhất có ý nghĩa. 
"You Are not unlovable. There is always something to love. Even in a stupid, stupid universe where we have hot dogs for fingers, we get very good with our feet."
“Cô không phải không thể yêu, luôn có điều gì đấy để ta yêu nhau. Kể cả trong một vũ trụ ngu ngốc, ngu ngốc đến mức chúng ta có tay được làm từ xúc xích, ta vẫn sử dụng chân rất tốt đấy thôi.”
Thật ngớ ngẩn, nhưng cũng thật đẹp, khi bạn nhận ra rằng ừ thì tất cả mọi thứ đều vô nghĩa, kể cả việc yêu thương cũng vậy, nhưng khoảnh khắc người đấy nở nụ cười, có nghĩa hay không cũng chẳng còn quan trọng. Bởi đôi khi chúng ta sống chỉ vì một khoảnh khắc mà thôi. 
“So, even though you have broken my heart yet again, I wanted to say, in another life, I would have really liked just doing laundry and taxes with you.”
“Vì vậy, kể cả khi em có làm tan vỡ trái tim anh lần nữa, anh muốn nói rằng, trong một thế giới khác, anh vẫn muốn làm tiệm giặt là và lo thuế vụ cùng em. 
"Of all the places I could be, I just want to be here with you."
“Trong mọi nơi mà mẹ có thể ở, mẹ chỉ muốn ở đây cùng con.” 
Điều tuyệt vời mà mình nghĩ “Everything Everywhere All at Once” truyền tải được là tình yêu ở đây không chỉ là tình yêu lứa đôi mà còn là tình cảm gia đình, tình mẹ con, khoảng cách thế hệ,.. Vì mặc cho những mộng mơ khi mới kết hôn, việc có một tiệm giặt là thất bại, một người chồng vô lo và một người con đi ngược lại với những quy chuẩn chung đã khiến Evelyn nghĩ rằng bản thân mình là nạn nhân. Trong khi sự thật là chính chồng và con gái cô cũng phải trải qua những đau khổ trong mối quan hệ. 
Hình tượng Evelyn được xây dựng hẳn là mẫu hình chung của nhiều người mẹ Châu Á, trong đó có mẹ mình. Suốt thời gian lớn lên, mình luôn tự hỏi phải như thế nào thì mới đủ với mẹ? Mình luôn chưa bao giờ đủ, luôn thiếu một phẩm chất cần có, và vì vậy, luôn sợ hãi rằng một ngày nào đấy mẹ sẽ không yêu mình nữa. 
Tình cảm gia đình là thứ khiến mình vừa mong muốn vừa cố tránh xa, vì khác với tình yêu lứa đôi, mình không được lựa chọn gia đình và cũng không thể từ bỏ gia đình chỉ vì một vài bất hòa. Nên gia đình luôn là một nỗi đau âm ỉ mà mỗi lần trở về nhà, mình lại thấy bản thân bất lực và nhỏ bé như ngày nào.  
Nhưng hóa ra, bộ phim dạy mình rằng tình yêu không phải lúc nào cũng là hạnh phúc. 
Yêu thương một người là kể cả khi bạn biết rằng mối quan hệ đấy đầy những vấn đề và tổn thương, bạn vẫn lựa chọn ở bên cạnh, cùng người ấy trải qua tất cả. 
Đó là bài học mà Evelyn nhận ra khi Waymond bảo rằng dù có thế nào, anh vẫn sẵn sàng lựa chọn làm lại cùng cô. Hay như khi Evelyn hét lên với bố, tại sao lại để mình ra đi một cách dễ dàng như vậy, tại sao không liên hệ với cô khi cô cần gia đình nhất. 
Bởi cũng như lời hứa mà Evelyn dành cho con gái mình “Mẹ sẽ luôn ở bên con”: Kể cả khi lời yêu có khó nói ra đến nhường nào, chỉ cần ở cạnh nhau cũng là cách để mẹ chứng minh rằng: Dù có đau khổ đến đâu, tình yêu vẫn luôn ở đấy. Con sẽ không bao giờ, không bao giờ cô độc.