Chủ đề về giới tính, xu hướng tính dục, bản dạng giới.... luôn là một mảnh đất màu mỡ để các nhà hoạt động đấu tranh vì xã hội dày công khai thác. Từ những bạn học sinh cấp 3 cần làm đẹp CV cho đến những KOL hoạt động nữ quyền, không khó để chúng ta bắt gặp khi dạo chơi trên mạng. Nhưng vì sự chồng chéo giữa các khái niệm xếp tầng lên nhau đã nảy sinh nhiều quan điểm khác nhau. Mục đích của bài viết này để phản biện quan điểm phổ biến “Giới là một phổ” chúng ta thường hay bắt gặp. Vì vẫn chưa có nhiều nghiên cứu khoa học về đề tài này, nên đây chỉ là một góc nhìn của bản thân, rất mong sẽ nhận được những góc nhìn khác.
Đầu tiên mình sẽ sơ lược một chút về hai khái niệm chính yếu nhất: giới tính (sex) và giới (gender). Có 3 loại giới tính chủ yếu: nam, nữ và liên giới tính (chiếm khoảng 1% dân số thế giới). Sự phân chia này dựa trên những đặc điểm sinh học như bộ phận sinh dục, hormone… Còn giới chỉ sự khác nhau về mặt hành vi, phẩm chất và thường được chia thành: nam tính, nữ tính và trung lập. Sự khác biệt này khiến nhiều người công nhận rằng trong khi có sự khác nhau giữa các giới khi lội ngược về nguồn gốc sinh học, còn những thứ khác chỉ là do kiến tạo từ xã hội, môi trường, giáo dục. Điều này có nghĩa là, giới tính là một thứ gì đó thuộc về tự nhiên, còn mọi thứ về giới do sự áp đặt từ xã hội. Đây chính là nền tảng cho sự đấu tranh của các nhà nữ quyền cấp tiến. 
Chúng ta đã tiến hóa qua hàng triệu năm để vươn lên trở thành loài động vật bậc cao nhất trong toàn bộ sinh giới. Trong khi môi trường xung quanh đã và đang có sự thay đổi chóng mặt ở vài trăm năm gần đây thì bộ não bé nhỏ vẫn không có nhiều khác biệt lắm so với khi chúng ta còn là bầy người ăn lông ở lỗ. Việc suy nghĩ phức tạp sẽ khiến ta tiêu hao nhiều năng lượng, đặc biệt trong thời buổi phải vất vả kiếm ăn vài trăm ngàn năm về trước thì điều này có thể làm ta kiệt sức mà chết. Vì thế bộ não đã “hình thành” riêng cho nó những cơ chế, những lối đi tắt trong tâm trí để giúp ta sinh tồn đến ngày nay. Một trong số đó là lối tư duy nhị nguyên khi chia vạn vật trên thế giới này về hai cực: đúng-sai, trắng-đen, ngày-đêm, tốt-xấu.... Đây là kiểu suy nghĩ mà theo tôi là khá lười biếng và chia mọi vấn đề phức tạp thành đơn giản quá mức. 
Hệ lụy của kiểu tư duy này vẫn còn dai dẳng đến ngày nay khi nhiều người phân chia giới về hai cực, thậm chí còn là trật tự trên dưới: đàn ông thì hơn đàn bà,nam tính cao hơn nữ tính, tính nam thì trên tính nữ...Điều này cũng dẫn đến quan điểm rằng: đàn ông thì phải mạnh mẽ, hiếu chiến, cạnh tranh còn phụ nữ thì phải nhu nhược, yếu đuối, bị động. Vì thế, cuộc đời của một người đã được định sẵn ngay từ khi họ sinh ra: thống trị nếu bộ phận sinh dục lồi ra, bị trị nếu bộ phận sinh dục lõm vào. 
Vì thế quan điểm của các nhà nữ quyền cấp tiến rằng: chúng ta nên ngừng việc áp bé trai phải thích hộp màu xanh, bé gái phải thích hộp màu hồng và rồi đóng chặt chúng trong đó.
Thế nhưng điều này gây đến sự không thoải mái cho những người tự nhìn nhận giới tính của mình là một thứ gì đó thuộc về phần nội tại bên trong, về bẩm sinh hơn là kiến tạo xã hội. Đây là quan điểm của những nhà đấu tranh mà tôi gọi là nhà nữ quyền đa dạng giới ( queer feminists). Với họ vấn đề xuất phát từ quan điểm phổ biến rằng trên đời chỉ có 2 giới tính là nam và nữ mà thôi. 
Họ cho rằng chúng ta có nhiều căn tính để trở thành hơn là chỉ có mỗi “đàn ông” hoặc “phụ nữ”. Nhiều người theo quan điểm này tự định nghĩa bản thân mình là người “non-binary” hay “queergender” hay “polygender”... một danh sách rất dài nữa. Vì thế giới bây giờ đây không chỉ đơn thuần một là nam hai là nữ nữa, mà nó trở thành một phổ mà hai cực chính là nam hoặc nữ. Việc cần làm là xé hẳn hai cái hộp đi và thừa nhận rằng có nhiều hộp màu sắc hơn thế. 
Điều này nghe thì có vẻ hay, có vẻ tuyệt vời trong thế giới muôn hình vạn trạng, nhưng hãy thử cùng nhau đào sâu hơn xem sao nhé.
Pride Filter by <a href="https://www.behance.net/bryndondiaz?tracking_source=search_projects_recommended%7Clgbt">Bryndon Díaz</a>
Pride Filter by Bryndon Díaz
Bây giờ chúng ta hãy thử xem xét một cái phổ khác nhé: chiều cao. Sẽ có một số người trên thế giới được xếp vào một trong hai cực là “cao” hoặc “thấp”. Còn rất nhiều người chúng ta sẽ cao hơn một vài người, nhưng lại thấp hơn một vài người khác. Như thế khi nói một ai đó cao, có nghĩa là họ cao hơn người có chiều cao trung bình và ngược lại. Chính vì điều đó nên đa số ai cũng chỉ là tương đối và tôi gọi họ là “chiều cao phi nhị nguyên”( non-binary height).
Nếu giới cũng được hiểu như một phổ giống chiều cao, vậy thì bản dạng giới giờ đây không còn là một thứ gì đó là của mình nữa, mà nó chỉ được xác định khi ta ở trong một nhóm nào đó. Vì khi ta chỉ cao khi ta so với những người thấp hơn, nghĩa là phải đặt sự tham chiếu của người khác lên chính mình để rồi xem mình nằm ở mức nào. Nếu như tôi xem mình là một thằng con trai, một bạn nam khác hướng về phía cực nam nhiều hơn tôi thì chắc hẳn là bạn đó có “ tính nam” hơn tôi.
Nếu như chỉ có một vài người nằm ở hai cực “cao” và “thấp” thì đa số sẽ nằm đâu đó ở giữa. Quay trở lại phổ về giới, nếu cũng nghĩ tương tự thì chẳng phải chỉ có một vài người là nam, một vài người nữ, còn đa phần chúng ta rơi vào mức “non-binary” đúng không? Vậy lúc này non-binary mới là một tiêu chuẩn thông thường chứ, sao lại nam và nữ là điều bình thường được. Vì làm gì có ai là thuần nam tính hay nữ tính, đồng ý là sẽ có người này hướng về cực này hơn so cực kia, phần còn lại thì trôi lềnh bềnh đâu đó ở mức giữa. 
Trong thực tế chúng ta ai cũng là non-binary cả. Chúng ta sẽ phù hợp với một số chuẩn mực, e dè chấp nhận một số điều và thẳng thừng từ chối với một số khác. Ví dụ như một bạn đồng tính nam có thể thích chơi đá bóng như bao bạn con trai, nhưng cảm thấy không thoải mái khi phải tham gia bữa tiệc ngày “đàn ông” trong khi liên tục bị các bạn nữ kéo gọi về bên phía họ. Và dĩ nhiên bạn có thể từ chối mặc váy. Đây là điều mà chúng ta thường xuyên gặp trong xã hội hiện nay. Gọi ai đó là non-binary cũng chỉ là một dạng binary trá hình. 
Chúng ta nên hiểu rằng giới không phải là một phổ. Nó không phải là một phổ vì nó không phải là bản chất hay thuộc tính bẩm sinh, nội tại. Đúng là giữa cơ thể nam và cơ thể nữ sẽ có sự khác biệt, nhưng khi nhìn rộng ra hơn nữa, tất cả mọi cơ thể đều có sự khác biệt mà. Vì thế trong cách vận hành của xã hội hiện nay, một số người sẽ cảm thấy dễ dàng khi hòa nhập vào quy chuẩn giới, nhưng một số khác sẽ cảm thấy nó thật áp bức và hạn chế sự tự do cá nhân. 
Vì thế, giải pháp không phải là thay đổi bằng cách nhấn mạnh vào sự phức tạp trong tính cách của con người. Giải pháp là xóa bỏ hoàn toàn giới. Chúng ta không cần nó. Chúng ta sẽ tốt hơn nếu không có nó. Giới như một hệ thống phân cấp có hai vị trí hoạt động để tự nhiên hóa và duy trì sự phụ thuộc của phụ nữ đối với nam giới, đồng thời hạn chế sự phát triển của các cá nhân ở cả hai giới. Việc coi giới như một phổ bản dạng không cải thiện được tình hình hiện nay.
Quá trình từ khi bạn sinh ra đến khi chết đi phải là toàn bộ trải nghiệm tri giác của bạn với thế giới, đừng vì bộ phận sinh dục mà chức năng duy nhất của nó là thực hiện sinh sản mà làm trở ngại quá trình tương tác với sự sống xung quanh của bản thân. 
Bạn không cần tự giới hạn bản thân, chúng ta có thể tự do ăn mặc như thế nào, cư xử thế nào, làm việc như thế nào, yêu người mình thích. Bạn không cần phải thể hiện rằng mình là người nữ tính nên vì thế mình được quyền yêu thích mỹ phẩm, nấu ăn và làm đồ thủ công. Bạn không cần phải tự định nghĩa mình là đa dạng giới hay giới đa dạng. Giải pháp cho một hệ thống áp bức dồn mọi người vào các hộp màu hồng và xanh lam không phải là tạo ra ngày càng nhiều các hộp có nhiều màu. Giải pháp là xé bỏ hoàn toàn các hộp, cùng nhau. 
P/s: Bài viết này chủ yếu được tham khảo và lược dịch dựa trên essay: "Gender is not a spectrum" của tác giả Rebecca Reilly-Cooper trên aeon.co. Các bạn có thể đọc thêm đầy đủ hơn tại đây: