Mấy ngày gần đây, bạn N. nào đấy bỗng dưng nổi tiếng nhanh hơn bất kỳ ai. Đúng là bạn ấy sai, nhưng cái tôi thấy nghiêm trọng hơn cả -không phải là hậu quả bạn ấy gây ra- mà là số đông đang ích kỷ, sân hận và hỗn loạn.
Cá nhân tôi đã ngừng theo dõi đa số các trang, hội nhóm, forum có mục đích bóc phốt, rao tin sốt dẻo hay chỉ đơn giản là sân si cách đây tầm nửa năm. Thế nhưng, trong mọi ngóc ngách, kể cả hầu hết những kênh tôi chọn lọc để theo dõi đều cung cấp thông tin một cách trung tính hoặc ít nhất là không liên quan gì đến N. đều xuất hiện những thành phần không ngừng chửi rủa hay đá đểu bạn này không thương tiếc. Thật không dám tưởng tượng những nguồn tôi đã rời đi sẽ thị phi đến mức nào. Kể cả những trang hay các kênh thông tin chính thống cũng khuyên người dân bình tĩnh nhưng những gì tôi thấy chỉ là điều ngược lại.
Một ảnh repost tôi đọc được
Hoàn toàn nhận thức được sự nguy hiểm của Ncov, tôi hiểu vì sao đám đông lại phản ứng như vậy. Đa số những người tôi thấy chửi rủa đều vin vào những thứ như: "Còn mấy ngày nữa là Việt Nam được xem là vượt qua đại dịch, mà có..."; "Nhờ ơn cml nào đấy mà bao nhiêu cố gắng đổ sông đổ bể"; " Thứ ích kỷ chỉ nghĩ cho bản thân";... Thậm chí, tấm ảnh bác Đam chống tay che mặt trong quá khứ cũng bị lôi lên ngay sau cuộc họp khẩn để mọi chuyện trở nên ly kỳ và có vẻ nghiêm trọng hơn. 
Cho tới khi gần như ai cũng xầm xì về ca số 17, nguyên một khu phố ở Hà Nội bị cách ly, truy tìm những người đã ở nơi N. từng đi qua, và đi đâu cũng thấy N. bị chửi rủa... thì tôi mới bắt đầu tìm đọc và phát hiện đáng sợ hơn Ncov không phải là tỉ lệ tử vong (~3.3%) mà là tư duy của rất nhiều người Việt.

Lỗ hổng tư duy

1. Chuyện khẩu trang và đám đông.

Ngay từ thời điểm xuất hiện dịch, người người nhà nhà đua nhau mua khẩu trang, tạo nên một cơn sốt và khan hiếm khẩu trang y tế và nước rửa tay. Thế nhưng điều tôi nhận ra sau đó là nhiều người chỉ mua sự an toàn về mặt tâm lý, nghĩa là họ chỉ mua để cảm thấy an toàn, không phải vì tinh thần phòng chống dịch. Trừ một số ít có ý thức, thì việc đeo khẩu trang là chỉ là để có cảm giác "tránh lây nhiễm tuyệt đối", tức chỉ cần có khẩu trang thì sẽ không bị nhiễm. Bằng chứng là chuyện tránh tụ tập, tới nơi đông người chỉ bớt đi chút ít chứ không được quán triệt rộng rãi.
Nếu bạn để ý, ở Việt Nam, chỉ có ngành du lịch, nhà hàng- khách sạn bị ảnh hưởng nặng nề đến nỗi phải đóng cửa thì F&B hay những nơi ăn chơi mua sắm vẫn sống tốt, dù có thể là không bằng lúc trước. Trong khi số ca nhiễm chưa tăng lên và dừng lại ở con số 16 thì tôi thấy những quán cafe, trà sữa, ăn vặt, rạp phim hay trung tâm mua sắm... hiếm khi không không có người hay thậm chí và vẫn đông đúc như khi chưa có dịch. 
Quay lại chuyện của N., đám đông truy tìm những nơi N. từng đi qua như những thám tử thực thụ, dù kết quả chả biết đúng sai, rằng là N. tới tham dự sự kiện khai trương của Uniqlo, tới quán bar nào đấy,... và rồi dư luận càng trỉ trích mạnh mẽ hơn nữa dựa trên những điều vô thưởng vô phạt đấy. 

Này các bạn, đang mùa dịch, các bạn đến nơi đông người và vô tình có một người bị nhiễm bệnh cũng ở đó thì lỗi là của ai?

Đây là cái nghịch cảnh tôi thấy buồn cười nhất trong tư duy của của người Việt nói riêng, khi mà ai cũng nghĩ mình đặc biệt và khi xảy ra chuyện thì mọi lỗi lầm thuộc về nạn nhân. N. sau cùng cũng chỉ là nạn nhân của cái tư duy này, chứ không phải là của Ncov.

2. Tư tưởng thượng đẳng

Hãy khoan nói về người Nhật hay người Hàn trong những ngày dịch vừa qua. Đất nước ta đi lên từ nghèo khó sau chiến tranh, nên ít nhiều tư tưởng ham của rẻ vẫn còn tồn tại trong tâm trí mỗi người. 
Hãy tưởng tượng xem, bạn có người chị ruột hay bố mẹ ở nước ngoài, đang mùa dịch nên mọi thứ từ chi phí máy bay hay khách sạn đều rất rẻ (nhấn mạnh là rất rẻ so với dịp khác) và tại thời điểm đó nước này chưa có dấu hiệu bùng dịch, thì bạn có muốn liều lĩnh sang thăm người thân không? 
Nếu không quá kỹ tính hay sợ sệt, tôi nghĩ, với thu nhập trung bình của người Việt, là tôi thì khả năng cao tôi sẽ đi. Nên nhớ, thời điểm đó Ý vẫn chưa bùng dịch. Hiển nhiên, ai cũng sẽ chuẩn bị khẩu trang, nước rửa tay và vô vàn những chú ý khác. Tôi tin N. cũng như vậy. 
Nhưng dù chuẩn bị thế nào, bạn cũng không thể kiểm soát hết tất cả các biến để mọi thứ như ý bạn cả. Kể cả bạn có ở nhà đóng cửa không tiếp khách, vẫn có khả năng anh ship đồ ăn hay bề mặt thực phẩm bạn đặt mua đã phơi nhiễm Ncov. Thế nên mọi người đều có khả năng bị lây nhiễm, không có ai tránh hoàn toàn được cả. N. cũng là 1 trong khoảng 100.000 người vô tình mắc bệnh, chứ không phải là tội đồ của đất nước.
Biểu hiện của Ncov trong thời kỳ ủ bệnh ban đầu khá mờ nhạt, đến cả mấy cổng hải quan ở sân bay còn chưa phát hiện được và kết quả xét nghiệm của N lúc đầu còn là âm tính, thì làm sao N. biết được bản thân đã nhiễm bệnh? Nếu N. biết, thì bạn nghĩ N. có mạo hiểm mạng sống để tới những nơi mà các "siêu thám tử từ đất nước Facebook" điều tra không?
Do đó, việc chỉ nhìn vào hệ quả là nhiều người có khả năng mắc bệnh, cả một khu phố bị cách ly,... mà phán xét N. thì đúng là chỉ có đám thượng đẳng ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mới làm, dù khả năng cao nếu là họ thì có lẽ họ cũng đã làm. NHƯNG, N. không phải là người duy nhất ra nước ngoài rồi trở về, N. chỉ là người đầu tiên bị lây nhiễm khi làm như vậy mà tất cả những lời lẽ miệt thị nặng nề nhất đã hướng đến N., thì đám người còn lại quả là may mắn khi không là nạn nhân của cả Ncov và lũ người thượng đẳng này.

3. Lợi ích nặng hơn lòng khoan dung

Thật ra, Ncov đáng sợ không phải vì tỉ lệ gây tử vong, nếu so với bệnh tim, ung thư hay đột quỵ mà là khả năng lây nhiễm của nó. Việc xuất hiện thêm một loại virus mới làm người ta lo sợ hơn là hiểu khả năng nó gây ra (ở đây là khả năng tử vong 3.3% nhưng tốc độ truyền nhiễm cao). Thế nhưng có vẻ truyền thông bẩn đặc biệt là mạng xã hội hay tin rác, đã tiêm nhiễm vào đầu nhiều người suy nghĩ: "mắc bệnh = chết" hoặc tương tự vậy. Do đó, theo cách bản năng nhất, họ sẽ bỏ sự khoan dung hay nhân tính của mình để bảo vệ khả năng sống còn, dù thực tế không nghiêm trọng bằng trí tưởng tượng của họ.
Đầu cơ, tích trữ là bằng chứng rõ ràng nhất của sự ích kỷ, coi trọng lợi ích hơn việc sống còn lâu dài. Trớ trêu là, việc sở hữu một lượng hàng hoá lớn chỉ có thể duy trì sự sống được trong một khoảng thời gian nhất định, không phải vĩnh viễn vì không thể tự duy trì. Một khi khủng hoảng xảy ra thì mọi khả năng cung ứng sẽ suy giảm nghiêm trọng, đến lúc đó thì tất cả hi vọng chỉ còn là câu "ước gì..."
Cách duy nhất để tránh được viễn cảnh ấy chỉ có lòng khoan dung. Nó cho phép người ta chấp nhận sai lầm và sửa chữa, không phải đố kỵ và đổ lỗi để rồi chẳng có gì được giải quyết cả. Mọi việc diễn ra đều có lý do của nó, nhiều người chỉ xét nét quá khứ, than phiền thực tại mà chẳng có mấy động thái để sửa làm mọi thứ tốt hơn trong tương lại. Nếu không chung tay, viễn cảnh "toang" mà bọn họ đã tưởng tượng ra đến chỉ là chuyện sớm muộn.

Lợi ích lớn nhất là lợi ích tập thể, không phải lợi ích tập trung.

Một lần nữa, việc đổ lỗi cho N., thay vì tìm cách giải quyết, đã thể hiện bản chất ích kỷ, trọng lợi ích, hơn là tinh thần "lá lành đùm lá rách" hay bất kỳ cái motto nào mà người Việt từng tự hào về phẩm chất tốt đẹp của mình.
Thế nên, trừ khi chúng ta khoan dung hơn với người khác, nghĩ đến lợi ích lâu dài và vì tập thể, cũng như chính mình, thì chúng ta chỉ là những con thú sống theo bản năng.


Thứ đại dịch này mang tới không phải là khủng hoảng, mà là một bài học để con người cảnh tỉnh về mọi thứ.