Bildergebnis für feminism for men


Phong trào nữ quyền không còn là một khái niệm lạ lẫm với đa số chúng ta. Tuy nhiên, bất chấp độ phủ sóng thường xuyên trên các phương tiện truyền thông, nữ quyền vẫn không được hiểu theo nghĩa trọn vẹn và hoàn chỉnh. Âu cũng là nguyên tắc chung khi lên tivi, spotlight là thứ duy nhất được săn đón, mọi thông tin không đủ dẻo quẹo thì đành chìm vào lớp phông nền. Mà một nửa sự thật thì hiếm khi là sự thật. Chính những nhận thức chập chững nửa vời khiến người ta tự tin hơn khi đứng lên chỉ trích về nó, mỉa mai hằn học nó. Nữ quyền ư? Muốn chống lại một nửa của thế giới? Muốn lấn át luôn đàn ông? Đàn ông cũng khổ chứ bộ, sao chỉ nghĩ cho phụ nữ?
Nữ quyền có bao giờ là phong trào đi ngược lại nam quyền hay không?
Phong trào nữ quyền đấu tranh cho quyền lợi của người phụ nữ được bình đẳng trước đàn ông và rũ bỏ những định kiến cũng như bổn phận mà xã hội bảo thủ bắt con người gồng ghánh chỉ dựa trên những đặc điểm tự nhiên như màu da, dân tộc, giới tính. Điều đó có thể gói gọn lại rằng: Phong trào nữ quyền trên hết đề cao và tôn vinh sự bình đẳng giữa người với người. Đó là một phong trào nhân quyền. Đàn ông cũng cần tới nó như phụ nữ vậy. Bởi lẽ mỗi ngày mỗi giờ, mỗi cá nhân – dù ít hay nhiều - đều đang sống dưới áp lực vô hình nhưng khủng khiếp từ những quy tắc bất thành văn của xã hội. Tại sao chúng ta phải chống lại hệ quy chiếu đó? Có cần thiết hay không, vẫn sống ổn đấy thôi?
Cá nhân góp mình tạo nên sắc màu xã hội và ngược lại, xã hội cũng không kém cạnh trong việc tham gia nhào nặn nên con người theo công thức của nó. Bên gieo đa dạng bên gieo quy tắc. Sự tương tác này là không tránh khỏi. Giống như đang trong thế kéo co, hai bên dùng dằng kéo qua đẩy lại nhau, phe nào quá mạnh thì phe kia ngã, thế cân bằng cũng biến mất. Giữa cá nhân và xã hội song song tồn tại khi hai bên biết giới hạn của nhau: đó là tôn trọng. Con người tôn trọng xã hội khi tôn trọng những quy tắc cần để sống chung và duy trì xã hội. Ngược lại, mỗi cá nhân cần được tôn trọng về tính riêng biệt, đa dạng, không bị phân biệt đối xử bởi các yếu tố định mệnh – những thứ sinh ra đã thế, không thể điều khiển, không thể vãn hồi. Hơn thế nữa, tập thể khỏe mạnh khi cá nhân khỏe mạnh. Chừng nào định kiến xã hội vẫn được chấp nhận như một nét văn hóa thì cá nhân trong đó vẫn mãi vật lộn với bản thể của mình và tự nghi ngờ chính mình. Đối với những đất nước đề cao chủ nghĩa tập thể, điều này thật khó hiểu, bởi lẽ ở đó ta được dạy phải hạ thấp cái tôi, nhu cầu cá nhân xuống. Nhưng cứ thử tự hỏi bản thân rằng, Đã bao giờ giới tính ngăn bạn bộc lộ mình như mình là chưa? Hay vốn dĩ bạn luôn luôn phải sống dưới vòng kim cô đó đến mức chẳng thể phân biệt nổi nữa rồi?
Nữ quyền chính là làm điều mình yêu mà không sợ bị gọi là “lạc tính”.
Trước hết, khái niệm giới tính cần nên hiểu theo 2 nghĩa khác nhau mà bản thân tôi vẫn chưa tìm được từ tiếng việt nào thật chuẩn xác để gọi tên phân biệt rõ. Sex chỉ giới tính được quyết định bởi sự khác biệt về mặt sinh học giữa nam và nữ (bộ phận sinh dục, gen di truyền). Gender mặt khác liên quan tới vai trò văn hóa và xã hội của mỗi giới tính trong một cấu trúc xã hội cụ thể. Ví dụ như “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” chính là quan niệm về tính (gender) chứ không phải là bản năng giới tính (sex). Tổ chức WHO đã định nghĩa 

“Gender refers to the socially constructed characteristics of women and men, such as norms, roles, and relationships of and between groups of women and men. It varies from society to society and can be changed.” (Gender đề cập tới những đặc điểm tính cách của phụ nữ và đàn ông do xã hội dựng nên, như chuẩn mực, vai trò, và các mối quan hệ trong và giữa những nhóm giới tính với nhau. Nó tùy thuộc vào từng xã hội và có thể thay đổi). 

Gender vì vậy không phải là một giá trị vĩnh cửu, một “bản năng giới” như ta vẫn hay nhầm lẫn. Và bài viết này tập trung đề cập tới giới tính dưới góc độ của gender vốn bị ngụy biện là sex.
Bildergebnis für feminism quotes


Việc này giành cho giới tính này, việc kia giành cho giới tính kia, màu này cho nam màu này cho nữ, thế nào là nam tính thế nào là nữ tính…Bỗng chốc, cuộc đời giống như một cuốn sách được viết sẵn. Ngay khi người ta vạch ra nhìn thấy bộ phận sinh dục của mình, chúng ta là ai, được đối xử ra sao và nên hành xử thế nào đã tỏ một nửa. Thật buồn cười! Người ta chia việc bằng giới tính. Điều đó ăn sâu đến nỗi không mấy ai vặn hỏi tại sao. Theo nhiều nghiên cứu ở trường học, bất chấp học sinh nữ có cùng kết quả điểm số môn toán như học sinh nam thì tỷ lệ được giáo viên định hướng vào các ngành nghề kỹ thuật hay khoa học tự nhiên đều thấp hơn. Trường học là lãnh địa của nữ giới, nơi sự ngoan ngoãn, chăm chỉ vốn là “tính nữ” được nuôi dạy từ khi lọt lòng có dịp phát huy và đóng vai trò quan trọng. Nhưng ngược lại trong sự nghiệp, mặc dù tỷ lệ nữ có bằng cấp cao hơn đàn ông nhưng lương nhận được tương ứng lại thấp hơn. Gender pay gap vẫn luôn là một vấn nạn toàn cầu. Theo dữ liệu của LFS (Vietnam’s Labour Force Surveys) vào giữa năm 2011 và 2014, trung bình mỗi năm phụ nữ kiếm ít tiền hơn đàn ông chừng 3.000.000 đồng, bất chấp trình độ giáo dục cao hơn. Trong hầu hết ngành nghề, từ truyền thông tới kinh doanh, tới khoa học, phụ nữ đều ít khi có cơ hội cạnh tranh vị trí lãnh đạo. Bởi tính lãnh đạo gắn liền với cứng rắn, lý trí. Còn phụ nữ thì cảm xúc và mềm mại.
Bildergebnis für feminism about women's pay

Đáng sợ hơn định kiến chính là định kiến trong vỏ bọc của bản năng. Vô hình chung, chống lại hệ quy chiếu đó là đi ngược lại bản năng tự nhiên. Bản năng của phụ nữ là làm mẹ vì chúng tôi có thể mang thai và đẻ con, là làm vợ vì từ thuở nông nghiệp ra đời chúng tôi ở nhà, là biết vuốt ve cái tôi của người chồng vì bản năng của đàn ông là giàu lòng tự trọng. Bản năng đàn ông là bản năng chiếm hữu (thế nên nếu như vì ghen tuông mà buông lời mạt sát đánh đập cũng chỉ vì bản năng) là khám phá (nên ham của lạ, tòm tem ngoại tình là bản năng) là nhu cầu tình dục cao. Nếu bạn tìm kiếm trên google về bản năng đàn ông sẽ nhận được hàng nghìn kết quả với những bài báo thậm chí nhân danh khoa học, nhân xưng nhà tâm lý. Và đó cũng chính là màn “treo đầu dê bán thịt chó” kinh điển khi nhắc với gender: Người ta giả danh tri thức. Những nghiên cứu nửa vời, chưa qua xác minh và thử lại, những bài khảo sát đầy rẫy các hiệu ứng phụ nhưng được báo chí săn đón, húp trọn. Những cuốn sách hời hợt đủ lỗi lập luận nhưng có cái nhìn quen thuộc, cũ kỹ như Đàn ông sao hỏa, đàn bà sao kim hay Tại sao đàn ông không biết lắng nghe và phụ nữ không biết đọc bản đồ - một nhan đề dài lê thê sặc mùi phân biệt giới tính và lá cải – được săn đón nồng nhiệt. Người ta đọc nó và reo vang lên Công nhận đúng, tôi cũng thấy thế. Còn câu hỏi Tại sao lại thế thì mãi mãi vẫn bị chìm sâu dưới 5 vạn 700 lập luận vô căn cứ, màu mè mà thôi.
Bildergebnis für feminism about motherhood

Một cổ hai tròng chính là khi người phụ nữ hiện đại bất chấp có thành công trong công việc bao nhiêu cũng không được lơ là bếp núc nhà cửa con cái. Cân bằng sự nghiệp và gia đình mãi mãi chỉ là câu hỏi giành riêng cho chị em mình mà thôi. Phụ nữ sinh ra đã có bản năng làm mẹ, là một nhận định sai lầm. Thứ được gọi là bản năng làm mẹ đơn giản là thứ do xã hội lập trình sẵn và gán vào. Trong hơn 700 báo cáo khoa học về chủ đề làm mẹ được tóm tắt trong ba tập sách “Encyclopedia of Motherhood” (Bách khoa toàn thư về làm mẹ) không một bài nào khẳng định hay nhắc tới bản năng làm mẹ. Trong một dự án nghiên cứu công phu về bản năng này, giáo sư Maria Vicedo-Castello cũng đã tuyên bố: 

“Không có một bằng chứng khoa học nào cho thấy tồn tại một bản năng làm mẹ khơi dậy ở phụ nữ mong muốn có con, khiến phụ nữ đa cảm hơn, cho họ có nhiều khả năng chăm sóc con hơn hay nuôi dạy con tốt hơn đàn ông cả”. 

Bản năng làm mẹ đơn giản là một câu nói dối hàng trăm năm của xã hội để gông cùm lại mọi mong muốn được sống cho mình hay ít nhất được quyền yêu cầu sự chia sẻ từ những người đàn ông trong gia đình. “Bếp núc, con cái là chuyện đàn bà”. Có bao giờ chúng ta nghĩ ngược lại, vậy thì người đàn ông theo logic đó cũng phải có bản năng làm bố chứ? Nhưng không, bản năng mà xã hội ghi danh cho đàn ông là trụ cột gia đình, là sự nghiệp vẻ vang huy hoàng, là tính gia trưởng hiển nhiên.    
Bildergebnis für feminism quotes

                            Vai trò con quay bị quất cho quay, quay tròn một chỗ
                        Tại sao con sâu cứ phải thành con bướm, mây phải thành mưa?
                                            Tôi cải trang thường xuyên tâm hồn tôi                                                                     (Tô Thùy Yên)
Tôi thế nên cũng thấy thương đàn ông. Kẻ sinh ra là con người nhưng điều đầu tiên học lại là kìm nén cảm xúc. “Đàn ông phải mạnh mẽ không khóc”. Là đàn ông dù mang nhiều đặc quyền nhưng cùng với đó là những ghánh nặng tinh thần khủng khiếp. Họ buộc phải quay lưng lại với cảm xúc của chính mình, buộc cứng rắn và phải chứng minh với thế giới sức mạnh, bản lĩnh, quyền lực. Câu chuyện bát nước mắm hâm nóng lại chắc ai cũng từng nghe qua. Nó buồn cười nhưng cũng rất đau đớn. Từ bao giờ, thể diện người đàn ông được trưng ra qua cách nạt nộ, oai nguy bệ vệ với vợ, thể diện đàn ông lại đi liền với thể diện của vợ và người vợ có bổn phận phải giữ gìn nó. Chắc có từ lúc “ngày xửa ngày xưa” là lúc truyện cổ tích bắt đầu. Một người đàn ông muốn ở nhà làm nội trợ, muốn thay vợ chăm con, muốn vào bếp nấu ăn, muốn lui về sau đối với nhiều người vẫn không phải là đàn ông đích thực. Chắc hẳn có oan ức, có ép buộc. Người ta phủ nhận việc tồn tại những mong muốn đó trong người đàn ông. Nếu với phụ nữ cần biết chiều chồng chăm lo bếp núc, thì người đàn ông cần phải đảm bảo đời sống vật chất đủ đầy. Áp lực về sự nghiệp tiền bạc cùng những mộng tưởng của các cô gái hy vọng được chồng nuôi trọn biến người đàn ông trở thành món hàng, một vé đổi đời “Phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng”, “Kiếm cái đứa nó lo được cho mình ấy”. Nếu câu hỏi “Sao chưa có con” ám ảnh người phụ nữ thì với đàn ông đó hẳn là “Có nuôi được vợ không đấy”. Hôn nhân trở thành một tấm hợp đồng mua bán đổi chác đã được in thành mẫu. Những khóa học dạy sự “nam tính” bỗng được những ông bố bà mẹ Trung Quốc đổ xô đi đăng ký cho con mình, để hy vọng nhờ đó con trai họ không còn “nhỏ nhẹ, mỏng manh” như ban đầu, thậm chí chữa cả lệch lạc giới tính. Với họ, nhỏ nhẹ, mỏng manh, đa cảm, nhút nhát là dấu hiệu của tính nữ, chính là “lạc tính”. Bởi những tư tưởng đó, đàn ông bạo lực đâu có gì sai?
Bildergebnis für feminism quotes about body

Văn hóa cưỡng hiếp từ đó được dung dưỡng ra đời. Chúng ta thực hành đổ lỗi cho nạn nhân hàng ngày mà không ý thức được. Quấy rối tình dục được bình thường hóa thông qua những cách cư xử phản ứng đời thường. Ngoại hình của phụ nữ được vô tư bàn tán, đùa cợt. Chúng ta đặt ra tiêu chuẩn về ngoại hình của một người làm nghề mại dâm và áp dụng nó lên tất cả các cô gái. Họ ăn mặc như thế nào, cơ thể ra làm sao, đi đâu, làm gì đều có thể trở thành nguyên nhân của quấy rối tình dục. Váy ngắn thế cơ mà, nên con trai nó ghẹo là phải rồi. Đến chừng nào chúng ta vẫn còn quy tội cho nạn nhân, vẫn còn bình phẩm ngoại hình và vẫn xem đó chỉ là trò đùa vui vô hại thì đến lúc đó nữ quyền vẫn cần phải tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ. Đến ngày nay nhiều người vẫn chỉ xác định việc quấy rối tình dục khi và chỉ khi có sự xuất hiện của bạo lực. Luật pháp dường như còn vẫn loay hoay với định nghĩa như thế nào là quấy rối tình dục, trong khi người phụ nữ hàng ngày vẫn phải tiếp tục chịu đựng nó qua lời nói, cử chỉ, ánh mắt mà không được quyền phản ứng lại một cách gay gắt và nghiêm túc. Đau đớn và tủi nhục là từ mà những nạn nhân của quấy rối tình dục thường xuyên chia sẻ. Đau đớn với thứ mình phải trải qua, nhưng tại sao lại tủi nhục?
Bildergebnis für feminism quotes about body

Đã đến lúc chúng ta nhận thức rõ đâu là giới hạn của sự hài hước. Cơ thể mỗi người là tài sản riêng của cá nhân đó, không ai có quyền áp đặt tiêu chuẩn xấu đẹp lên bất cứ ai. Miễn rằng tôi cảm thấy cơ thể tôi khỏe mạnh và tôi thoải mái, thì lý do nào để tôi phải tiếp tục chịu đựng những dèm pha, lăng mạ dưới danh xưng góp ý của người xung quanh. Lý do nào khi phụ nữ luôn phải đẹp, phải cười? Bởi vì phụ nữ là thế. Bởi vì chẳng có lý lẽ nào ngoài sự bảo thủ và xem thường ở đây cả. Phụ nữ chỉ nên là một người mà khi ở cạnh, đàn ông thấy vui mắt, được vuốt ve âu yếm, thấy dễ chịu mà thôi. Đối với tôi, phụ nữ cũng không phải là một bông hoa hồng, không phải là để nâng niu. Mà miễn là con người, ai cũng cần được nâng niu tôn trọng, ai cũng cần được đối xử công bằng không cần biết bộ phận sinh dục của họ là gì.
Nữ quyền là một phong trào rộng lớn và chạm được tới rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Trên đây chỉ là những gói gọn về những chủ đề lớn mà nữ quyền từ trước đến nay vẫn ngày ngày đấu tranh. Nữ quyền cũng chính là nam quyền, và trên hết là nhân quyền. Chúng ta cất lên lời bộc bạch của mình không vì một nhóm lợi ích nào mà vì tất thảy. Bản chất nó là hành trình để gắn kết hai giới với nhau, thế nên các anh trai à, hãy mạnh dạn tuyên bố với thế giới rằng Tôi là nhà nữ quyền, tôi ủng hộ quyền bình đẳng giữa nam và nữ, giữa con người với con người. Tôi ủng hộ quyền được sống lành mạnh, tự do và tự chủ.
Bildergebnis für feminism for men

Ngoài ra, cận kề ngày Quốc tế phụ nữ, cũng đã là năm 2020 rồi, đừng biến một dịp lễ để tự hào thành nơi vòi quà của các chị và là dịp để các anh ca bài ca về hy sinh, giỏi việc nước đảm việc nhà cho xong chuyện rồi thôi.