Vậy là đã gần ba tháng em trai mình được nghỉ học bao gồm cả kì nghỉ Tết Nguyên Đán và nghỉ vì dịch COVID 19. Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, việc bao giờ em mình có thể chính thức quay lại trường vẫn là một dấu hỏi lớn. Trong suốt 12 năm đi học của mình chuyện như thế này chưa từng có tiền lệ. Năm ấy khi dịch SARS bùng nổ, mình vẫn nhớ như in hình ảnh các thầy cô giám thị ngày nào cũng đi giám sát việc đeo khẩu trang của toàn bộ học sinh các lớp. Nhưng lúc ấy mình còn quá nhỏ để nhận thức được những nguy hiểm, áp lực khủng khiếp mà dịch bệnh mang lại, mình chỉ đơn thuần là làm theo các yêu cầu của nhà trường mà thôi. Rồi dịch SARS cũng qua đi một cách chóng vánh trong kí ức của mình, không hề để lại một dấu ấn gì đặc biệt. Nhưng bây giờ, khi đã là một người trưởng thành, chứng kiến toàn bộ diễn biến, những ảnh hưởng của nó lên mọi mặt cuộc sống, mình dần hình thành nên những quan điểm, nhận thức riêng về vấn đề này. Bằng việc quan sát một cậu em trai kém mình mười tuổi và những đứa trẻ xung quanh mình, mình bỗng nhận ra một số điểm tích cực mà việc "thất học tạm thời" đã mang lại cho những đứa trẻ. 

1. Cười nhiều hơn

Tất nhiên rồi, vì không phải làm bài tập, không phải dậy sớm đi học, không phải làm kiểm tra, không phải lo lắng sẽ bị gọi lên trả bài, không phải tìm cách giấu hết các bài kiểm tra điểm kém đi để bố mẹ không la. Nhưng mình nghĩ đó chỉ là một phần rất nhỏ trong câu chuyện mà thôi, điều quan trọng là chúng đã tham gia vào nhiều hoạt động khác bên ngoài sách vở hơn. 

Nơi mình ở hầu hết các gia đình bố mẹ đều là công nhân của các nhà máy, công ty, xí nghiệp. Đa phần họ sống trong các dãy trọ dành cho công nhân và các đứa trẻ thường là tự ở nhà chăm sóc lẫn nhau với sự giám sát của người quen khi họ không đi làm. Lúc đầu mình nghĩ rằng với kiểu giáo dục có mang một chút hơi hướng "bỏ mặc" ấy sẽ có thể dẫn đến các nguy hiểm khó lường mà không nói thì mình nghĩ các bạn hoàn toàn có thể liệt kê ra được một số ví dụ điển hình. Nhưng mọi chuyện diễn biến tích cực ngoài sự mong đợi của mình.

 Khi những đứa trẻ trong khu vực tập hợp lại, dù muốn hay không muốn thì tất cả những người lớn xung quanh đều khó mà rời mắt được. Mình nghĩ rằng có được kết quả như vậy một phần đến từ sự gắn kết của cộng đồng trong một phạm vi nhỏ. Bản thân mình là một người không hay xã giao hoặc tham gia nhiều vào các hoạt động tập thể nhưng mình hoàn toàn có thể nhớ mặt của tất cả các đứa trẻ sống cùng với mình trên một con đường. Những ngôi nhà ở đây đa phần là xây dựng theo hướng mở, tức là một là họ kinh doanh hoặc hai là không kinh doanh nhưng ít khi nào đóng cửa chính, như vậy thường là sẽ có ít nhất một người ở nhà. Và với việc mở cửa vào ban ngày, họ giao lưu khá nhiều với những người xung quanh. Tuy mình thừa nhận là có một số bất tiện khi sống trong môi trường như vậy nhưng đổi lại những đứa trẻ ở đây thường nhận được sự quan tâm rất nhiều từ mọi người. Mặc dù chúng cũng được tiếp cận với các thiệt bị công nghệ như điện thoại, máy tính bảng,...nhưng dường như những thứ này không đủ hấp dẫn bằng việc chơi các trò chơi cùng với những đứa trẻ khác. Tiếng cười, tiếng la hét, tiếng hò reo ngày nào cũng rộn lên cả một con đường. 

Khi chúng cười nhiều hơn, vui vẻ hơn, mình nhìn đứa nào cũng thấy thông minh lanh lợi, tràn đầy năng lượng. Cũng là những đứa trẻ ấy, ngày nào trước đây chúng cũng rời nhà từ sáng sớm để đến trường, rồi đi học về vào chiều muộn, sau đó mải miết đến các lớp học thêm hoặc mải miết làm bài tập tới tận giờ đi ngủ. Chúng giải trí chóng vánh bằng các chương trình trên TV, điện thoại rồi kết thúc một ngày, sau đó lại lặp lại chu trình ấy vào sáng hôm sau. 

Thời gian nghỉ dịch này không giống với nghỉ hè. Vì dưới áp lực thi cử, học tập, đa phần những đứa trẻ ấy sẽ tham gia các lớp học hè ở trường, hoặc đến nhà thầy, cô học thêm để củng cố kiến thức, làm quen với chương trình mới. Thời gian mấy tháng hè ấy cũng sẽ được tận dụng để tối ưu hóa điểm số cho các lần thi cử sắp đến. Nhưng nghỉ vì dịch, mọi hoạt động giáo dục đều bắt buộc dừng lại, đây mới chính là sự nghỉ ngơi đúng nghĩa. 

2. Học tập tốt hơn, khả năng tư duy nhạy bén hơn

Nghe có vẻ hơi sai phải không, giảm thời gian học, chơi nhiều hơn mà lại học tốt hơn? Một số người có thể ngạc nhiên về điều này nhưng nếu bạn đã từng đọc qua các tài liệu nghiên cứu, hay các quyển sách viết về não bộ, tâm lí, chắc hẳn bạn sẽ không còn thấy lạ lẫm với điều này nữa. Bản thân hoạt động chơi đùa không làm bạn tự nhiên học tốt hơn, mà thông qua chơi đùa, một số yếu tố được sản sinh kích thích não bộ của bạn làm việc và học tập tốt hơn.

Thứ nhất, đó chính là sự vận động. Lịch sử tiến hóa của loài người mặc dù vẫn còn rất nhiều tranh cãi nhưng có một điều chắc chắn rằng chúng ta đã di chuyển rất rất nhiều trong suốt quá trình ấy. Chúng ta di chuyển để tìm nơi ở mới, nguồn thức ăn mới, chúng ta không hề ở yên một chỗ mà để mặc cho bộ não phát triển tùy ý. Thông qua quá trình di chuyển, thay đổi môi trường, liên tục gặp các thử thách về thiên tai, thú dữ, các nhu cầu ngày càng cao và phức tạp của cuộc sống, bộ não của chúng ta cũng buộc phải phát triển và tiến hóa để thích nghi với hoàn cảnh. Khi chơi đùa (về thể chất), những đứa trẻ mở rộng sự khám phá của bản thân, liên tục làm mới không gian xung quanh, bởi vì nếu muốn chơi đùa, trước hết chúng phải tìm được cái gì đó để chơi, hoạt động tìm kiếm được kích hoạt. Rồi làm sao để đồ chơi ấy đủ thú vị để tạo ra niềm vui lại là cả một hành trình khác. Đây là một quá trình mà trẻ em hoàn toàn ở thế chủ động, và theo Tiến sĩ Antronnette Yancey - một cựu người mẫu, một cầu thủ bóng rổ xuất sắc, một thi sĩ có tên tuổi và là một nhà nghiên cứu y học, phát biểu trong cuốn "Luật trí não" của John Medina: "Trẻ em dường như ít bị vướng mắc về cách cư xử ở lớp học khi chúng chủ động. Chúng cảm nhận mình tốt hơn, có lòng tự trọng cao hơn, ít bị suy nhược và ít lo âu hơn." Nói thêm một chút, mình đặc biệt khuyến khích việc chơi đùa về thể chất bởi vì chúng ta hoàn toàn có thể kết hợp nó chung với việc rèn luyện thể chất, hướng tới một cơ thể phát triển khỏe mạnh. Tiến sĩ Yancey cũng phát biểu rằng những đứa trẻ có thể chất khỏe mạnh thường nhận biết về mặt thị giác nhanh hơn những đứa trẻ ốm yếu, ít vận động, và khả năng tập trung của chúng cũng tốt hơn. 

Thứ hai, việc chơi đùa giúp cải thiện tâm trạng của những đứa trẻ rất nhanh. Nếu trải nghiệm chơi đùa đó diễn ra vui vẻ, chúng sẽ duy trì được trạng thái tích cực của bộ não suốt cả ngày dài. Và mình tin rằng, khi tậm trạng thoải mái dễ chịu, việc tiếp thu kiến thức sẽ trở nên nhẹ nhàng với bạn hơn. Không nói thì chắc bạn cũng biết sự căng thẳng ảnh hưởng lớn thế nào đến khả năng học tập của một người. Căng thẳng khiến bạn bất ổn về mặt cảm xúc, dễ giận dữ với bản thân và người khác, mình đã từng thấy rất nhiều những đứa trẻ học tập giống như đang trải qua một trải nghiệm đau khổ nào đó, mà thực sự, ý nghĩa của việc học tập không phải là như vậy. Bản thân mình lúc nhỏ cũng đã từng như thế, mình không phải là một người học giỏi trong lớp, mình rất chật vật để có thể theo kịp các bạn, áp lực trường giỏi lớp chọn khiến lúc nào mình cũng ở trong tâm trạng lo âu và căng thẳng. Mình tự hỏi, đây chính là ý nghĩa của việc học sao? Là con người ta lúc nào cũng không hạnh phúc? Lớn lên dần, nhất là khi lên đại học, học tập theo phương pháp chủ động và tự tìm tòi, mình bỗng đem lòng yêu việc học, mình cảm thấy được học tập đúng là một điều gì diệu. Mình được tiếp cận với kho tàng thông tin khổng lồ, thoải mái vẫy vùng trong biển tri thức ấy, thoải mái khám phá những chân trời mới. Càng lúc càng hình thành nên những hiểu biết của riêng mình. Nếu như ngày thường em trai mình cũng giống như những đứa trẻ khác, chán học, không thích làm bài tập về nhà, thì bây giờ nó đã chủ động lên lịch học tập cho bản thân, mỗi ngày một môn. Thời gian học là tùy thích, phương tiện học tập cũng là tự do chọn. Thật ra, mặc dù có khi giận dữ với thái độ học tập đôi lúc không nghiêm túc của em trai, nhưng mình cũng hiểu rằng cả ngày dài ở trên trường nó đã phải học rất nhiều rồi, về đến nhà lại phải tiếp tục làm thêm bài tập đến tận giờ đi ngủ, thấy nó cũng rất cố gắng rồi, mình cũng không nỡ ép buộc. Nên mình chỉ mong rằng không đứa trẻ nào phải trải qua trải nghiệm đau khổ trong học tập giống như mình, mà nhận ra rằng học tập chính là một điều đẹp đẽ nhất mà ai trong chúng ta cũng làm được.

3. Tăng sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình

Việc trẻ em không đến trường thời gian đầu đã tạo ra không ít rắc rối cho các bậc phụ huynh, đặc biệt là khi cả hai vợ chồng đều phải làm việc toàn thời gian và không có ai để trông con. Điều này bắt buộc một trong hai người phải tạm thời xin nghỉ phép hoặc làm việc online để có thể chăm sóc cho gia đình. Mặc dù rất chật vật do không quen ở nhà làm các công việc không tên và vừa phải hoàn thành các hạng mục khi phải làm việc qua mạng nhưng thời gian tiếp xúc giữa cha mẹ và con cái bỗng nhiên được tăng lên rất nhiều. 

Chúng ta vẫn thường nghe rằng do công việc bận rộn nên các bậc phụ huynh thường không thể dành nhiều thời gian cho con cái, nếu trong quá trình phát triển của một đứa trẻ cho dù có đủ đầy về mặt vật chất nhưng thiếu đi sự gắn kết của gia đình thì cũng ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của chúng sau này. Bằng việc nói chuyện và giao tiếp nhiều hơn với nhau, mặc dù không tránh khỏi các cuộc cãi vã và la mắng, nhưng mình tin rằng đó cũng chính là một phần trong quá trình hiểu nhau hơn. Đó là quá trình không ngừng xảy ra mâu thuẫn và cùng nhau giải quyết mâu thuẫn. Thông qua những mâu thuẫn và cãi vã ấy, chúng ta vỡ ra nhiều điều và cùng hướng tới một giải pháp tích cực hơn. Nhiều khi chúng ta đều rất yêu thương nhau, những vì cách biểu đạt của mỗi người khác nhau dẫn đến việc hiểu nhầm hoặc không truyền đạt được tình cảm cho nhau, chỉ bằng cách ngồi lại, ở gần nhau hơn, chấp nhận đối mặt, mình tin rằng không vấn đề nào, không khó khăn nào mà không vượt qua được. 

Lời kết: Đây hoàn toàn là ý kiến chủ quan của mình, dựa trên hoàn cảnh sống, kinh nghiệm cá nhân và những gì mình thu hoạch được trong sách vở. Mình đã rất lo lắng khi viết mục 1 vì mình biết tình hình dịch đang có vẻ phức tạp hơn nhiều và việc để các đứa trẻ chơi đùa tụ tập với nhau là điều không nên. Nếu tình hình nghiêm trọng hơn, chắc chắn phải tìm các giải pháp khác ở trong nhà nhưng vẫn đảm bảo được các yếu tố cần thiết.

Cảm ơn vì đã dành thời gian để đọc bài viết của mình. Chúc các bạn đủ tỉnh táo, bình tĩnh và đặc biệt là chăm sóc bản thân thật tốt để vượt qua cuộc chiến này.
Image result for little prince

Nguồn trên ảnh