Caption Tsubasa là bộ phim đã trở thành động lực cho hàng trăm trẻ em Nhật tham gia chơi bóng đá

Hôm nay ngồi xem một trận đá banh của một giải bóng đá của nước mình, mới chợt nghĩ, có lần nghe kể chuyện người Nhật làm nhiều anime hay về bóng đá để khuyến khích đám trẻ chơi môn này. Câu chuyện tưởng là đùa, vậy mà sau tầm hai chục năm, từ một quốc gia bóng chày, đã có thêm cả một lứa các đội bóng đá có vị thế trên tầm quốc tế.

Câu chuyện tương tự có lẽ cũng diễn ra ở những lĩnh vực khác. Ngoài bóng đá, đó còn là âm nhạc, học tập, bóng rổ, bơi lội... Một cách hơi chủ quan mà xem xét người Nhật ở hiện tại: họ có những ngôi sao trong tất cả các lĩnh vực kể trên, dù đó là những lĩnh vực khác xa với truyền thống, với những trà đạo, samurai, geisha v.v vốn đã danh tiếng. Xét trên một góc nhìn khác. Những bộ môn văn hoá nghệ thuật của Nhật Bản, cùng với những hình ảnh gắn liền với người Nhật như bộ kimono, nhà gỗ, bonsai... cũng thông qua anime và manga mà được biết đến rộng rãi. Ngẫm lại, sức ảnh hưởng của các anime/manga lại lớn đến thế. 

La Corda D'oro Primo Passo - loại phim "harem" với cốt truyện rất bánh bèo những vẫn hàm chứa thông điệp về sự kiên trì, nỗ lực, tình yêu âm nhạc; đồng thời truyền cảm hứng về thể loại nhạc cổ điển. 

Shouwa Genroku Rakugo Shinjuu truyền cảm hứng về Rakugo, một thể loại hài cổ truyền của Nhật. Đậm màu sắc Nhật luôn nhé.


Tìm về lịch sử, thấy rõ anime không thuộc hạng văn hoá truyền thống/cổ truyền của người Nhật; còn manga thì xuất phát điểm cũng khá bình thường. Lại nói từ thế chiến thứ hai, văn hoá và nghệ thuật Nhật chịu thiệt hại không ít. Bước ra khỏi đại nạn này, người Nhật có cơ hội lựa chọn những viên gạch mới cho nền móng văn nghệ đất nước. Và khi công nghệ làm hoạt hình được đem đến đây, người Nhật đã đối xử với anime & manga như một báu vật. Manga và anime thoát ra khỏi cố hương, vươn ra bốn biển, trở thành những thể loại văn nghệ độc lập. Không còn là truyện tranh và phim hoạt hình.

Quả thật, sức lan toả của manga/anime thật ghê gớm. Người mê thích loại hình văn hoá có ở khắp thế giới. Các lễ hội cosplay ở đâu cũng tấp nập người. Mỗi một bộ phim, bộ truyện hay được đón nhận, mang theo những thông điệp đầy sức mạnh. Sức lan toả của những thông điệp ấy thật đáng gờm. Cùng với sức lan toả đó là hơi thở của nền văn hoá mới phục hưng của Nhật. Trên quốc tế đã là vậy, nghĩ đến tác động trong nước, dường như trong sự phục hồi của nền văn hoá này có thấp thoáng vai trò của manga/anime.

Hoà bình, khi nước Nhật từ một kẻ bại trận đã vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế và văn hoá, chúng ta nhìn người và nhìn lại mình - một thiên kỷ của truyền thống. Và giờ đây, trên kênh anime là những câu chuyện về gia đình, bạn bè. Giống như câu chuyện trên cover, kể về một gia đình không mất người mẹ, những vẫn đầy hạnh phúc. Đó là những câu chuyện ấm áp tình yêu thương, mang những thông điệp đầy tính nhân văn.

Nguyễn Đình Thi từng viết: Văn nghệ không chỉ phản ánh thực tại khách quan mà còn là nhận thức mới mẻ, là tư tưởng, tình cảm của cá nhân nghệ sĩ.* Nôm na mà nói, văn nghệ không chỉ là tấm gương phản ánh xã hội, mà còn góp phần định hình xã hội. Văn nghệ nước Nhật đã khẳng định được sức mạnh của nó. Nghĩ tới đây thì nhìn lại. Văn nghệ nước nhà đang làm gì?

27.12.2016

--------

*Ý từ bài “Tiếng nói của văn nghệ”. Không trích được vì khi gõ “Tiếng nói của văn nghệ” lên Google chỉ toàn thấy tài liệu bài giải, bài soạn; không thấy chỗ nào đăng văn bản hay thậm chí là một bài nghiên cứu/bình luận. Điểm này cũng đáng làm cho người ta phải nghĩ. Google bài giải giờ cũng không phải chuyện gì lạ lẫm trong học đường. Còn đàm đạo về môn học mới là lạ.