Học tập suốt đời
Học tập suốt đời Nhớ lại những năm tháng ôn thi đại học của mình tôi thường nhìn thấy hình ảnh một cậu thanh niên thức dậy...
Học tập suốt đời
Nhớ lại những năm tháng ôn thi đại học của mình tôi thường nhìn thấy hình ảnh một cậu thanh niên thức dậy lúc 4h sáng, uể oải, ngáp ngắn ngáp dài. Câu thần chú để thúc đẩy tôi tỉnh dậy ôn luyện cho kì thì sắp tới đó chính là “Cố lên, nốt lần này thôi, đỗ đại học rồi sẽ không còn phải vất vả thế này nữa”. Câu nói tuy ngắn gọn nhưng mở ra trước mắt một viễn cảnh tươi đẹp to lớn về những ngày tháng an nhàn trên giảng đường đại học. Thế rồi cho đến khi vào trường Luật, mọi giấc mơ ngày trước đều tan vỡ. Sau khi trở thành sinh viên, tôi thường xuyên quay trở về quê giúp đỡ các em mình ôn thi đại học. Bỗng chốc những câu thần chú mà ngày xưa tôi tưởng chỉ mình mình biết này văng vẳng bên tai. Bố mẹ các em cũng nói những điều tương tự với chúng và tôi nhớ lại đó cũng chính là điều mà bố mẹ tôi đã liên tục nhắc nhớ. Mục tiêu của các bậc phụ huynh rất đơn giản, chỉ cần con vào được trường đại học danh tiếng còn lại thì bố mẹ không quan tâm. Đây là một trong những bất cập của hệ thống giáo dục Việt Nam, nếu chúng ta không nhìn nhận và thay đổi thì có lẽ đây sẽ là một trong những nguyên nhân kéo lùi sự tiến bộ của cả dân tộc: Tư duy học tập ngắn hạn.
Học tập ngắn hạn được hiểu là việc con người ta hoàn thành các chương trình giáo dục chỉ để đạt được mục đích của bản thân như: Kiếm tiền, có công việc nhẹ nhàng mà lương vẫn cao, có chức vụ và quyền lực, có danh tiếng và học hàm học vị. Trong tư duy này, quá trình học tập và tiếp thu kiến thức sẽ kết thúc ngay sau khi người ta đạt được mục đích. Bởi lẽ, sau một thời gian dài cố gắng phấn đấu, có khi là bất chấp tất cả để đạt được mục đích, con người ta thường có xu hướng dừng lại để tự thưởng cho mình “một chút”. Tư duy học tập ngắn hạn này sẽ khiến con người ta có thái độ tự mãn với những gì mình đang có, đôi khi là bảo thủ, khép kín, không chịu đón nhận những luồng tư tưởng quan điểm mới.
Học tập dài hạn hay học tập suốt đời được hiểu đơn giản là việc con người ta vẫn tiếp tục việc học ngay cả khi đã đạt được những thành tựu, mục tiêu trong cuộc sống. [1] Việc này đơn giản là mỗi cá nhân hiểu ra rằng những gì chúng ta đang biết là rất nhỏ bé như hạt cát trong sa mạc. Vì vậy nên việc học sẽ không dừng lại ngay cả khi chúng ta đã rời ghế nhà trường, đã có những chức vụ hay nắm giữ cho mình những trọng trách quan trọng của đất nước. Với tư duy này, con người ta sẽ trở nên khiếm tốn, bao dung, cởi mở đón nhận những quan điểm mới và không nổi cáu với những câu hỏi vì sao đến từ người khác. Chúng ta ai cũng cần học tập mỗi ngày bởi vì thế giới hiện tại biến đổi từng ngày và người không cập nhật tức là đang lạc hậu với thế giới.
Quay trở về kì thi Đại học mà tôi vừa nhắc đến ở trên, kì thi đại học của Việt Nam bắt nguồn từ truyền thống kì thi cao khảo (Gaokao) của Trung Quốc – một trong những kì thi khắc nghiệt nhất thế giới.[2] Trong kì thi này, sĩ tử cả nước sẽ được tuyển chọn bởi những bài thi vô cùng khắt khe để ra “giúp nước giúp vua”. Kì thi này của Trung Quốc được tổ chức nghiêm ngặt tới nỗi, thí sinh không có cơ hội để gian lận. Mỗi thí sinh trước khi vào phòng thi đều được kiểm tra kĩ các vật dung mang vào, địa điểm phòng thi bị phá sóng điện từ, camera giám sát mọi hành động của thì sinh trong phòng thi. Hiện tại mô hình thi cử và giáo dục của chúng ta đang có một số vấn đề sau:
Thứ nhất, mô hình thi cử hiện tại đặt nặng vào việc kiểm tra chặt chẽ chất lượng đầu vào mà không chú trọng đến chất lượng đầu ra sẽ hướng con người ta đến tư duy học tập ngắn hạn. Chỉ cần đỗ đại học mà kiểu gì cũng có thể ra được trường sẽ dẫn đến việc sinh viên chủ quan, mất đi tinh thần học tập sau một kì thi dài vất vả. Ví dụ điển hình mà tôi trải nghiệm được là chuẩn đầu ra tiếng anh cho các bạn sinh viên của trường mình. Sau 3 năm học khối C vất vả để đỗ đại học, sau khi lên đại học các bạn thường ít tập trung vào việc học thêm tiếng anh. Chỉ mãi đến cuối kì 1 năm 4 thì đa phần mới bắt đầu rục rịch ôn luyện kĩ càng để thi chứng chỉ. Cá nhân tôi trải nghiệm thấy rằng phần đa các bạn đều đặt mục tiêu là đủ để ra trường chứ không phải đủ để giao tiếp, đủ để làm việc, đủ để tiếp cận tri thức bằng ngôn ngữ mới. Trong khi các quốc gia trên thế giới hiện này đều hướng tới việc tự chủ đại học, mở rộng đầu vào và siết chặt đầu ra thì chúng ta vẫn chưa thực sự để ý đến điểm này. Đại học Bách Khoa HN là một trường nổi tiếng với số lượng sinh viên tạch môn, nợ chuẩn đầu ra và bị đuổi học, tuy nhiên những con số này vẫn chưa thấm vào đâu so với số lượng sinh viên vật vờ thực tế vẫn tồn tại với mực điểm đủ ra trường. [3]
Thứ hai, việc chia ban tự nhiên và xã hội cho học sinh từ sớm sẽ thúc đẩy các học sinh chuyên môn hóa quá sớm. Mục tiêu của giáo dục phổ thông chỉ nên dừng lại ở việc giúp học sinh có thể nhận thức rõ hơn về thế giới và hình thành phương pháp học tập, tư duy giải quyết các vấn đề cơ bản trong cuộc sống. Việc chuyên môn hóa nên là để dành cho các trường Đại học. Bất cứ học sinh nào có năng khiếu về lịch sử, địa lý, vẫn có thể thử sức và lĩnh vực thiên văn học hay khoa học vũ trụ. Thay vì phân chia ban tự nhiên và xã hội với giả định chắc nịch rằng sẽ là hiệu quả nếu học sinh có năng khiếu về toán học và vật lý học ngành khoa học vũ trụ, hãy để thị trường quyết định việc đó. Nếu có quá nhiều học sinh học ngành học trái với năng khiếu của mình để rồi thất nghiệp thì việc nhà nước cần làm là đảm bảo thông tin minh bạch, những tín hiệu tiêu cực trên sẽ giúp thị trường tự điều chỉnh về mức cân bằng hơn.
Thứ ba, việc chuyên môn hóa quá sớm sẽ dẫn đến tình trạng học sinh xác định “môn chính” và “môn phụ”. Điều này gián tiếp gây ra sự bất bình đẳng giữa các giáo viên. Như tôi đã nói ở trên, giáo dục phổ thông không nên chú trọng vào chuyên môn hóa quá sớm. Câu chuyên về những giáo viên khó khăn với đồng lương không đủ sống đa phần rơi vào các giáo viên môn phụ vì một lí do đơn giản là họ không thể dạy thêm. Chuyên môn hóa tạo ra nhu cầu và khi có cầu ắt sẽ sản sinh ra nguồn cung. Các giáo viên thay vì tập trung tâm huyết của mình vào giờ giảng chính ở trên lớp thì lại tập trung tâm huyết vào giờ giảng trên lớp dạy thêm. Hệ quả là, bạn nào mà không đi học thêm thì điểm sẽ thấp hơn các bạn đi học, kết quả học tập sa sút là một trong những nguyên nhân khiến nhiều phụ huynh ép con đi học cho “bằng bạn bằng bè”.
Cuối cùng, mô hình thi cử và giáo dục này không thúc đẩy tính sáng tạo trong cá nhân các học sinh. Mỗi em đơn giản chỉ là một khán giả nhỏ trong vở Opera tại nhà hát lớn. Khi có một khán giả đứng lên vỗ tay thật to, người thứ hai, người thứ ba làm theo người thứ nhất. Cuối cùng tất cả đều đứng lên vỗ tay mặc dù ban đầu không hề có động cơ đó. [4] Ví dụ trên chính là sự liên tưởng rõ nhất đến căn bệnh thành tích trong giáo dục. Các phụ huynh, nhà trường khi thấy một trường có thành tích cao nhờ ôn luyện và chuyên môn hóa từ rất sớm sẽ học tập mô hình ôn luyện đó. Cuối cùng mô hình này biến tất cả các trường đều áp dụng cùng một chiến thuật, chuyên môn hóa thật sớm để khi đi thi được điểm thật cao. Các em chỉ việc học môn chính thôi còn môn phụ cứ để thầy cô lo. Và thế là có những em học sinh ra khỏi trường phổ thông mà vẫn không “phân biệt” được Quang Trung với Nguyễn Huệ. Nếu như ở các quốc gia khác khái niệm người thầy giỏi của họ là người có thể truyền cảm hứng học tập cho người học thì ở ta thầy giỏi là người giúp học sinh thi điểm cao mà cụ thể hơn là thầy luyện đề giỏi, càng trúng đề càng giỏi.[5]
Một trong những giải pháp với vấn đề trên tôi cho rằng là việc xây dựng lại triết lý giáo dục và mô hình giáo dục. Triết lý giáo dục mới mà chúng ta hướng đến rất đơn giản: Học thật – thi thật – bổ nhiệm thật – tự chủ thật – tự do học thuật thật. Chúng ta lâu nay chưa minh định các khái niệm, nhầm lẫn giữa bằng cấp và năng lực, giữa uy tín với học hàm, giữa tự chủ với bao cấp, giữa tự do với kiểm duyệt xuất bản. Chúng ta đã có đủ nguồn lực, đủ cơ hội, đủ chủ trương, chính sách để làm, giờ là lúc biến những văn bản thành hành động và tạo ra kết quả.
Học tập suốt đời không chỉ là khẩu hiệu, nó đơn giản là một trò chơi vô hạn với vô hạn các biến số cần phải giải quyết. Ở đó con người ta cảm thấy hứng thú trên mỗi hành trình đầy khó khăn của việc tiếp thu tri thức. Nếu việc học chỉ hướng tới mục tiêu kiếm được việc nhẹ lương cao thì gian khổ sẽ dành phần ai?
----------------------------------------------------------
[1] In infinite games, like business or politics or life itself, the players come and go, the rules are changeable and there is no defined end point. There are no winners or losers in an infinite game. There is no such thing as “winning business” or “winning life,” for example, there is only ahead and behind.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất