31-12-2019
Cách đây hơn một tuần, đi qua hãng phim truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khuê - Hà Nội, người ta giật mình vì băng rôn đỏ chói dán kín khắp từ ngoài vào trong, to tướng, nổi bật mang nội dung yêu cầu Vivaso “GET OUT” (nguyên văn), trả lại Hãng phim cho nghệ sĩ. Trong đó có những băng rôn viết rất khẩn thiết “Chúng tôi cần làm việc”.
Vivaso là Công ty vận tải thủy Việt Nam, họ mới mua lại cổ phần của hãng phim này cách đây ba năm, trở thành nhà đầu tư chiến lược với 65% cổ phần.
Chưa bao giờ thấy nghệ sĩ Việt Nam đoàn kết đấu tranh đòi quyền lợi đến vậy. Không khí rừng rực quá khiến tôi tò mò đi tìm hiểu coi sao. Mà thôi chả cần nói thế cho hoa mỹ, tôi muốn biết quả thực các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam thật sự muốn làm việc đến mức nào, còn ai đã tước của họ cái "quyền chính đáng" ấy?

Mảnh đất vàng của những... quán nhậu!

Hầu như người trẻ nào ở Hà Nội cũng từng đến cái điểm số 4 Thụy Khuê này nhiều lần. Nhưng cũng chẳng phải đến để xin hay làm việc gì mà là để đi nhậu. (!)
Lần đầu tiên đi vào đây tôi cứ nhìn đi nhìn lại dụi mắt. Sao nó lạ quá thể? Đi qua cái cổng xây cũ nát bẩn thỉu ở đường Thụy Khuê mà bên trên vẫn treo tấm bảng Hãng phim truyện Việt Nam cũng nát cũ không kém, vào sâu bên trong, đi qua hàng dãy phòng làm việc khóa im ỉm, tối tăm, mục rệu, bỗng mở ra một không gian tuyệt vời. Một vuông đất rộng lớn hàng ngàn mét chạy dài sát hồ Tây, mát rười rượi. Ngay giữa trung tâm Hà Nội lại có mảnh đất tuyệt diệu thế này (cho việc ăn nhậu). Rất nhiều nhà hàng, quán nhậu tưng bừng rộn rã đối nghịch với cái đổ nát tiêu điều toàn diện ở mặt ngoài, tận dụng cảnh sắc bên hồ mỹ mãn. Tôi nhớ ngày ấy chúng tôi hay ăn ở quán Vọng Ba Lâu. Như tên gọi, nó có tòa gác rộng (lâu) nhô ra ngoài hồ để ngắm sóng (vọng ba).
Nói tóm lại, mảnh đất vàng của Hãng phim truyện Việt Nam danh giá ấy, từ hàng chục năm trước đây đã được chia năm xẻ bảy ra cho tư nhân thuê làm quán nhậu.
Rất nhiều lần vào đấy tôi chưa hề trông thấy một tí teo hoạt động nào như các hãng phim (mà lại là phim quốc gia), hay một cơ quan đang làm việc-phải có. Thậm chí, đến một bóng người cũng không thấy nốt.
Khung cảnh ấy nó như thế này:
Tuy nhiên, hãng vẫn còn tiền "làm phim"

Làm phim tiền "tấn", đem đi cất kho

Năm 2014, báo chí đưa tin bộ phim Sống cùng lịch sử ế thảm thương, ra rạp suốt hai tuần nhưng không bán nổi vài vé, cuối cùng phải hủy nhiều suất chiếu. Đây là một trong số dự án phim lịch sử có kinh phí lớn nhất của Việt Nam, lên đến 21 tỷ đồng, do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất, NSND Nguyễn Thanh Vân đạo diễn và nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn viết kịch bản.
Trước đó, vào năm 2010, báo chí đưa tin bộ phim truyền hình Thái sư Trần Thủ Độ (đạo diễn Đào Duy Phúc) sản xuất dịp Đại lễ Thăng Long - Hà Nội (2010) có kinh phí 57 tỷ đồng. Trung bình mỗi tập phim này ngốn 1,7 tỷ đồng, cao gấp gần 10 lần so với kinh phí trung bình của một phim truyền hình sản xuất trong nước. Nhưng do chậm tiến độ đến 3 năm nên cuối cùng đem phát không cho các đài truyền hình.
Phim Lý Công Uẩn-đường tới thành Thăng Long (đạo diễn Cận Đức Mậu) kinh phí trăm tỉ đồng, được đem qua Trung Quốc quay, tặng không cho Đài Truyền hình Việt Nam nhưng cũng không được chiếu vì trang phục, bối cảnh, cách làm phim bị "Trung Quốc hóa".
Phim Huyền sử thiên đô (đạo diễn Phạm Thanh Phong, Đặng Tất Bình) tốn hết 60 tỉ đồng, hoàn thành chậm, không kịp chào mừng 1.000 năm Thăng Long nên cũng cất kho.
Vẫn theo tác giả Phạm Lý, nhiều phim quốc doanh khác như phim Thầu Chín ở Xiêm (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) và Người trở về (đạo diễn Đặng Thái Huyền) được đầu tư hơn 10 tỷ đồng mỗi phim đều chiếu miễn phí. Trước đó, không ít phim từng được ra mắt rồi cũng đi thẳng vào kho như Rừng đen, Chơi vơi hay Vũ điệu đam mê.
Về bộ phim Sống cùng lịch sử, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân từng nói trên báo chí đại loại “ngay từ lúc làm phim đã không tự tin có khán giả”.
Còn theo tác giả Hạnh Phương của báo VietNamNet, ông Vân từng phân trần: "Sống cùng lịch sử nói là được rót 21 tỉ đồng nhưng trên thực tế chỉ còn khoảng 13-14 tỉ đồng vào phim, còn lại để chi phí những việc khác của hãng. Chủ yếu trả lương cho nhân viên, vận hành hãng phim".
Trước đó, Phó giám đốc Hãng phim, nhà quay phim Lý Thái Dũng nói thực ra hãng ông tính chi phí để làm bộ phim này phải là 30 tỷ đồng, nhưng chỉ được cấp có 21 tỷ nên  phải gói ghém, tính toán.
Vâng, “có” 21 tỷ thôi. Không biết những người duyệt chi tiền cho bộ phim này có "nhột" khi nghe thừa nhận của hai ông không, và cũng không biết trong bản dự án chi phí với Bộ Tài chính thì khoản 7 tỷ “để chi phí những việc khác của hãng” có nằm trong sổ sách kết toán hay không. Tiền trong túi Nhà nước nên các ông nói nghe cứ nhẹ như lông hồng.
Ông Dũng cũng từng biện bạch rằng không thể so sánh hiệu quả của hãng phim nhà nước với hãng phim tư nhân vì lý do cơ chế: hãng nhà nước không có tiền, vốn không ai cấp.
Ông Dũng than “Ba năm nay hãng không có một đồng của nhà nước đặt hàng và tài trợ. Hơn 100 con người sống lay lắt. Trong khi hãng tư nhân có khi chỉ cần có 3 người để vận hành bộ máy gọn gàng, không phải “nuôi” ai cả”.
Ủa vậy tại sao 3 năm sống lay lắt mà tại sao cả trăm con người kia không nghỉ đi, lại cứ cố ghì chặt vào cái phao nát mục đó? Chẳng phải để tìm cơ hội đào thêm vài bộ phim vài chục tỷ nữa hay sao?

Mấy chục năm "bú sữa" đến thành què quặt

Không vòng vo như hai ông nói trên, đạo diễn Đặng Nhật Minh nói thẳng “với phim đặt hàng thì Nhà nước cũng không quan tâm mấy đến hiệu quả kinh tế […] những dịp kỷ niệm lớn có phim chiếu sau đó cất kho cũng không sao, miễn hoàn thành nhiệm vụ chính trị là được”.
Hóa ra là như vậy.
Ngoài các vị đạo diễn nói trên, có ai trong Hãng phim truyện Việt Nam hiểu rõ chuyện này không? Tôi tin chắc họ vốn cũng có ăn có học, chắc phải hiểu rõ hơn ai hết. Vậy thì tại sao khi có người mua lại cái hãng phim đã thoi thóp nhiều năm, tìm cách dựng nó dậy thì hàng mấy chục nghệ sĩ lại phản ứng quyết liệt như vậy?

Không làm việc nhưng đòi có lương

Giữa tháng 1/2019, Vivaso thông báo cắt lương và bảo hiểm của 30 nghệ sĩ vì họ không làm việc và cũng không đến cơ quan chấm công theo quy định. Các nghệ sĩ viện lẽ họ làm công việc đặc thù, sáng tạo, nên không thể buộc đến chấm công như một anh cu li văn phòng được. Nhưng cũng chính họ cho biết trong thời gian này họ không làm việc gì của hãng.
Một cô nhân viên văn phòng cũng dễ dàng thấy rõ logic khi đã có hợp đồng (biên chế) toàn thời gian với nơi làm việc thì công ty yêu cầu anh lên văn phòng chấm công buộc anh phải lên. Công ty đã bỏ tiền mua trọn 8 tiếng làm việc của người lao động nên họ có toàn quyền yêu cầu anh trong thời gian đó. Tiền bảo hiểm cũng là để bảo hiểm cho thời gian làm việc, chứ không ai bảo hiểm cho việc ăn không ngồi "nhà". Cái lý lẽ là nghệ sĩ cho nên không cần đến cơ quan (nhưng cũng không làm việc của cơ quan) mà vẫn buộc chủ đầu tư trả lương và bảo hiểm đầy đủ đúng là cái thứ lý lẽ khôn vặt, vừa bẩn tính vừa ăn người.
Bao nhiêu năm chầy bửa, ở không ăn sẵn, cậy cái danh nghệ sĩ quốc gia để làm những thứ mang mác văn hóa tiêu tiền tấn nhưng vô dụng. Bị đe dọa đuổi khỏi "ổ" thì lăn ra kêu khóc, lại vật vã lôi cái mác nghệ sĩ cao sang để cố bám tiếp bầu sữa nuôi không mấy chục năm nay?
Thật đúng là báo hại. Xấu hổ thay cho cái danh nghệ sĩ, thực ra thì tầm thường, tham lam hết cỡ nhưng lại cứ chảnh vẻ làm sang.
Cách đây vài năm, nghệ sĩ điện ảnh Nguyễn Chánh Tín phá sản hãng phim riêng vì làm phim Dòng máu anh hùng hết 1,5 triệu USD nhưng chỉ bán vé được 7 tỷ. Nhiều bộ phim cả dòng nghệ thuật lẫn thương mại do tư nhân đầu tư khác như Thiên mệnh anh hùng, Bẫy rồng, Bụi đời Chợ Lớn, Quyên, Fan cuồng… khi thất bại thì nhà đầu tư nghiến răng gánh chịu. Họ đủ hiểu biết và sòng phẳng để không lợi dụng làm trò van vỉ xã hội thương hại như mấy chục “Nghệ sĩ nhân dân” “Nghệ sĩ ưu tú” quốc doanh của Hãng phim truyện quốc gia kể trên.
Ông Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng vừa “reo” lên “Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta” khi năn nỉ được Nhà nước đồng ý tiếp tục cấp kinh phí, lên đến 85 tỷ/năm. Nếu không được “nuôi” nữa, ông dọa: "4 vạn văn chiến sĩ cả nước sẽ lo đi kiếm ăn chứ chẳng còn thời giờ đâu trở thành chiến sĩ giữ vững mặt trận văn hóa tư tưởng của đất nước".
Hóa ra mục đích của đám nghệ sĩ này (xin lỗi các anh chị em nghệ sĩ chân chính), chỉ là để ôm thật chặt miếng cơm được ban phát.
Trên đường phố Sài Gòn, thỉnh thoảng người ta gặp một em bé bán vé số từ chối tiền khách cho vì con bán vé số chứ không ăn xin. Ông Thỉnh và những nghệ sĩ nói trong bài nên đến tìm các em bé ấy mà quỳ xuống học một bài về nhân cách.
Tác giả: Tre
*Bài viết đã được hiệu đính và sửa lỗi bởi người đăng, những quan điểm trong bài viết trên do được đăng trên trang nhà của người đăng nên có thể cũng là quan điểm của chính người đăng bài.*