Cái tên, thoạt nghĩ, có lẽ là điều cá nhân nhất của một con người. Mang tên tức là mang cho mình một danh tính. Danh tính bản thân nó vốn có từ danh đã là tên rồi. Trong bất kỳ loại giấy tờ gì, cái tên cũng đi đầu tiên. Cái tên là một loại dấu hiệu. Khi nói đến tên bác Võ Nguyên Giáp, tự chúng ta đã hình thành ra một bác Võ Nguyên Giáp nhất định, đi kèm cả cuộc đời vẻ vang của bác. Khi nói đến Trần Dần, chúng ta cũng có thể tự tưởng tượng ra một nhà thơ tuyệt hay hoặc một ông già cầm súng. Kiểu vậy.
Dù sao thì, cái tên. Cái hay đầu tiên của cái tên là có vẻ như nó cho thấy một sự nhất quán. Hôm qua tôi là A, hôm nay tôi vẫn là A, mười năm sau tôi vẫn là A. Tính chất “của A” là tính chất định danh từ đầu tới cuối cuộc đời. Dường như, khi nào còn tên là A thì tôi vẫn còn tính chất đó. Với những người khác cũng vậy. Cái tên chính là bằng chứng đơn giản nhất cho sự tồn tại của một con người tuyến tính, liền mạch. Cái họ thì còn nặng nề hơn, nó chứng tỏ bạn được sinh ra trong cùng một dòng máu, một huyết thống, một mạng lưới nào đó. Cả tên và họ, chứng tỏ bạn vừa là một cá thể riêng biệt, vừa nằm trong một hệ thống đã có sẵn.
Cái hay thứ hai của cái tên dường như đạp đổ toàn bộ điều đó. Cái hay này nằm ở chỗ, chẳng ai tự đặt tên cho chính mình. Bạn biết bạn là ai không phải vì bạn luôn là người đó, sinh ra đã là người đó, mà bạn trở thành người đó. Bạn được bố mẹ bạn gọi tên thì bạn mới biết, à hoá ra mình tên là A chứ không phải là B. Tính chất của bạn, bắt đầu từ cái tên, đã được xây dựng liên tục bởi những người đi trước. Bạn sinh ra trong xã hội và phản ánh toàn bộ xã hội, chứ bạn không có cái gì “của riêng bạn” cả. Đến cả cái tên của bạn cũng không tự nó là của bạn. Dùng từ của Người Kể Chuyện, bạn “sinh ra trong thế giới của kẻ khác”.
Kỳ thuỷ, trong những thời kỳ hồng hoang, con người không có tên. Thậm chí, con người này đi qua con người khác còn không biết kẻ đối diện kia là con người. Định nghĩa con người còn chưa tồn tại (xem cuốn “Kẻ Săn Sao” của Roberto Calasso, tôi chưa xem). Đến thời Trung cổ, hình như nông dân cũng chỉ có tên riêng chứ không đi kèm họ. Cái tên trong thời đại này cũng chỉ nhằm chứng tỏ một sự tiện dụng cho việc phân biệt người A với người B thôi.
Đến sau này, những họ gắn liền với những công việc trong lãnh thổ của họ mới ra đời. Người nào chuyên về cây cối thì họ Bu.sh, người nào làm bánh có thể có họ Baker, người nào từng làm hiệp sĩ dễ mang họ Knight, hoặc rộng hơn, người nào đến từ vùng York thì mang họ York, đến từ rừng thì mang họ Atwo.od….vân vân… Fun fact: Có nhiều người ở các nước Anh Mỹ có họ Smith vì Smith nghĩa là thợ rèn. Ngày xưa, khi trai tráng ra trận, chỉ có thợ rèn ở lại để rèn cuốc xẻng phục vụ đồng ruộng. Các tay “Smith” này vì thế mà khó chết hơn cũng như dễ “tạo giống” hơn vì còn mỗi mình hắn ở lại với cả làng toàn phụ nữ.
Cái tên, vì thế là một sản phẩm hoàn toàn xã hội. Thứ chúng ta tưởng là cá nhân nhất, thứ được coi là danh tính đầu tiên, lại không hoàn toàn của chúng ta.
Sẽ có hai phản đối. Phản đối đầu tiên cho rằng, tôi có thể tự đặt tên riêng cho mình khi tôi đủ tuổi. Hoặc giả, nếu tôi sinh ra trong một khu rừng và nuôi bởi bầy khỉ và không có tên thì sao? Trong trường hợp thứ hai, người ta sẽ gọi bạn là Tarzan, và đương nhiên đây vẫn là người khác định danh hộ bạn. Trong trường hợp thứ nhất, ngay cả khi bạn đổ~i tên (hic phải viết thế này không facebook phạt), bạn cũng hoàn toàn dựa vào các mối quan hệ xã hội. Bạn không thể tự tạo ra một cái tên không liên đới gì tới trải nghiệm chung của bạn đối với xã hội cả. Bạn phải hiểu về hoàn cảnh xã hội, hiểu về mong muốn của mình để tự đặt tên cho mình.
Thực ra trường hợp này không hề hiếm. Khi các nô lệ da đen được tự do tại Mỹ, họ được phép tự chọn tên và họ cho mình. Nhiều trường hợp, họ chọn luôn họ của chủ nô, vì đấy là cái tên duy nhất họ từng nghe tới. Rất nhiều trường hợp khác, họ chọn cho mình cái họ của vĩ nhân trong lịch sử, đặc biệt là Washington, cái họ được mệnh danh là “họ của người da đen”. Có lẽ, tên riêng thì thoải mái hơn một chút. Tương tự, việc những người họ Trần đổi sang họ Nguyễn, họ Lê ở Việt Nam do biến động lịch sử đã quá quen thuộc.
Vẫn có người phản đối. Nếu tôi là một người có lịch sử, có họ đàng hoàng và không vì lý do gì muốn đổ~i tên thôi thì sao? Và cái tên của tôi cũng không liên đới gì tới xã hội tôi sống? Nếu cái tên tôi chọn cho tôi hoàn toàn ngẫu nhiên? Ví dụ, sẽ làm sao nếu tôi đổ~i thành Đinh Khẹc Khẹc, Đinh Meo Meo, hay Kutonhuphich @J@!F? Tôi sẽ trả lời: Ngay cả khi đặt những cái tên bất bình thường như thế, chúng ta đã phải tạo ra một tiền giả định rằng có một cái gì đó bình thường (có lẽ là cái tên cũ chăng?) mà chúng ta muốn thay đổi. Ngay cả khi chúng ta đặt một cái tên tượng thanh, chúng ta cũng phải tái hiện được âm thanh hay con chữ đó ở bên ngoài thông qua quá trình tri nghiệm. Danh tính của chúng ta không bao giờ thoát khỏi xã hội mà luôn là một phần của nó.
Nhưng đó không phải là kết thúc. Cũng giống như bạn, cuộc sống, và đi kèm với đó, cái tên của mọi người sẽ được một phần kiến tạo bởi bạn. Ricoeur gọi đây là tính liên chủ quan (intersubjectivity). Chúng ta phụ thuộc lẫn nhau, và phụ thuộc vào hành động của chính mình. Kiểu như, dù tôi vẫn biết anh là anh A đó, nhưng tính cách của anh sẽ không chỉ được “lập trình” một cách cố định bởi tôi mà còn ảnh hưởng bởi chính cách hành động của anh. Anh A trước đây có thể là một người hào sảng, nhưng giờ đây anh A là người keo kiệt. Người quen anh A trước đây sẽ liên hệ với anh như một người hào sảng, người sau này sẽ nghĩ anh chỉ là kẻ keo kiệt. Người biết cả hai sẽ cảm thán “ôi vẫn là anh A đấy nhưng đã khác xưa nhiều quá!”. Danh tính của anh A vì thế được tái tạo trong mắt của người khác, nhưng tiên quyết là phải thông qua hành động của anh A. Theo tính liên chủ quan này, chúng ta liên tục tạo nghĩa cho cái tên của mình, cho chính mình và từ đó cũng liên tục tạo nghĩa cho xã hội, cho tên tuổi của người khác.