Xem The Matrix Resurrections
Thi thoảng giữa những giấc mơ, khi một lượng ý thức vừa đủ trở lại trong tâm trí giúp tôi hiểu rằng những gì vừa diễn ra chỉ là mơ,...
Thi thoảng giữa những giấc mơ, khi một lượng ý thức vừa đủ trở lại trong tâm trí giúp tôi hiểu rằng những gì vừa diễn ra chỉ là mơ, ngay lập tức theo sau nó là một cảm giác nước đôi: một mặt tôi thở phào nhẹ nhõm khi biết rằng toàn bộ những diễn biến điên rồ, những cái chết và sự vô luân vừa qua chỉ là mơ, mặt khác tôi lại thoáng buồn vì nhận ra rằng chưa bao giờ trong lúc tỉnh, nhất là khi cố gắng gượng ép ra một tình tiết hư cấu cho một câu chuyện nào đó, tôi có được sự sáng tạo khủng khiếp như trong những giấc mơ của mình.
Sự suy yếu của năng lực hư cấu kể từ khi bắt đầu một công việc văn phòng từ 8 đến 5 giờ chiều làm tôi nhận ra có thể sếp tôi cũng là một Agent Smith đang đảm bảo tôi gắn chặt vào cái thực tại của bàn ghế và deadline, và là một người ổn định, hòa nhập trong một xã hội ổn định. Rất tiếc là tôi không đủ vô thức (hoặc ý thức?) như những người tâm thần phân liệt để dám thử nhảy từ trên sân thượng xuống và tin rằng mình có thể bay như chim như Riggan Thomson trong Birdman, hay được “trở về thực tại” như Mal trong Inception. “Người ta vẫn xem thực tại là đứa em họ tội nghiệp của giấc mơ, nhưng giấc mơ mà chúng ta khao khát tận hưởng lại là những tập hợp con của thực tại” (Nolan, 2015). Biết đâu chính những người lao động công sở Nhật, sau khi cơ thể họ chỉ còn là một đống bầy nhầy trên mặt đường, đã thực sự thoát khỏi ma trận?
Nhưng đôi khi theo đuổi một cách cuồng tín giấc mơ lại tạo ra sự khấm khá hơn ở thực tại cho một số người. J. K. Rowling đã kết luận chung quyết qua lời của Dumbledore: “Hiển nhiên tất cả đều chỉ diễn ra trong đầu con, Harry à, nhưng tại sao nó lại không có thẩm quyền được là một thực tại cơ chứ”? Và người ta đã bỏ hàng chục triệu đô để hiện thực hóa các tác phẩm của Tolkien, của George R. R. Martin, cũng theo đó mang về nguồn thu đáng kể.
Nhưng ở Rowling, Tolkien hay Martin dường như đều có sự nghiêm túc quá mức trong việc tạo ra các thế giới. Có lẽ vì thế mà tác phẩm của họ lại có giá trị với quần chúng chăng? Chẳng ai lại đi mất thời giờ đọc nhật ký của một thằng phê nấm, về việc nó thấy một người phụ nữ tám vú đang làm tình với mặt trời, bị thiêu đốt và đẻ ra nước Nhật.
Ơn giời, có người đã dịch tiểu luận của Béguin ra tiếng Việt. Thi thoảng trong lúc xem The Matrix Resurrections, những dòng này cứ lởn vởn trong đầu mình:
Những giấc mơ ban đêm, rồi lại những giấc mơ còn bí hiểm hơn nữa kè kè bên tôi trong suốt ngày, gần bề mặt đến nỗi chỉ cần một va chạm nhỏ nhất là chúng liền hiện ra, ở đó có một sự tồn tại mà thêm những dấu hiệu khác nữa thể hiện sự hiện diện thường trực và giàu tiềm năng. Những gì tôi chểnh mảng và rơi tõm lại vào sự quên rồi một ngày nào đó, đầy ngẫu hứng, sẽ lại chui ra, nhưng đã được chuyển hóa, được phú cho cả một dạng chất nào đó mà tôi sẽ không biết, giống như hạt mầm vùi trong đất vươn lên, hoa hoặc cây. Chỉ cần có một cảm giác, chẳng hạn một màu nào đó, đập khẽ, ở bên trong tôi, vào một ô cửa sổ tròn bí mật, là tức thì ô kính mở ra, tạo lối thông cho một sự tăng vọt đột ngột của cảm xúc hoặc của sự chắc chắn.
Nhân tiện, cánh bướm tự thân nó không có màu xanh - đúng rồi đó, cái cánh bướm trên bìa cuốn Lolita mà Nhã Nam xuất bản - nó không có màu xanh. Đó là sự tạo màu cấu trúc (structural coloration), do các vảy cực nhỏ trên cánh bướm được sắp xếp theo một cấu trúc đặc biệt chia tách và phản chiếu ánh sáng mặt trời làm ta có cảm giác nó có màu xanh. Tóm lại màu xanh của cánh bướm là một thứ trông có vẻ thật nhưng lại không phải thật.
Và trong The Matrix Resurrections, không chỉ có mỗi viên thuốc là màu xanh.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất