Word F*c* - Eps.1+1
Yo ! Mèo Hắc đã trở lại với phần tiếp theo của sê-ri về từ vựng đây. Enjoy nhé các bác. Link HD phần trước: Word F*c* - Eps. 1...
Yo ! Mèo Hắc đã trở lại với phần tiếp theo của sê-ri về từ vựng đây. Enjoy nhé các bác.
Link HD phần trước:
---
Deadline (n) - /'de-lay/ : evil thing that makes you run your ass off.
Từ này được cho là xuất hiện lần đầu tiên vào thời kỳ nội chiến Mỹ. Trong giai đoạn chiến sự leo thang, rất nhiều tù binh thuộc phe Liên bang miền Bắc (Union) đã bị giam giữ tại Andersonville. Các khu lán trại tù được vây quanh bởi một hàng rào gỗ cao khoản 5m phía ngoài. Thế nhưng, "ranh giới" thực sự lại nằm cách đó một khoản chỉ mươi bước chân. Bất cứ kẻ nào dám bén mảng đến gần hàng rào trong phạm vi 3m đều sẽ bị lính canh cho xơi đạn đến no thì thôi.
Nét nghĩa "lằn ranh của sự sống và cái chết" vẫn được giữ nguyên qua thời gian, ở một mức độ nào đó. Ngoại trừ việc nó đã mọc chân và biết dí chúng ta chạy sml.
---
Blue-blood là từ dùng để chỉ một người có xuất thân hoàng gia hoặc giới quý-xờ-tộc, và ngày nay thì được dùng để chỉ bọn rich kid. Vốn quen cảnh sống trong nhung lụa, các cậu ấm cô chén thường có nước da trắng nhợt tai tái, để lộ những đường gân và mạch máu xanh lè bên dưới. Ấy thế mà, những kẻ ngồi mát ăn bát vàng lại cao ngạo tự cho đấy là một dấu hiệu riêng để phân biệt mình với bọn dân đen mới tức cơ chứ.
---
(Dành tặng những bạn thích ăn bơ)
Avocado vốn có nguồn gốc từ tiếng Tây Ban Nha - aguacate, mà bản thân từ này, lại được các phượt thủ người Y Pha Nho lấy từ từ ahuacatl trong tiếng Nahuatl (một ngôn ngữ thuộc nhánh Nahua của hệ ngôn ngữ Ute-Aztec, hiện vẫn còn được sử dụng ở khu vực miền Trung Mexico). Và, ahuacatl trong tiếng Nahuatl thì lại có nghĩa là tinh hoàn. Queo quèo, hãy cứ nhìn 2 quả bơ treo lủng lẳng trên cành cây một cách thiếu tế nhị mà coi...
Ngoài ra thì chili, chocolate và tomato cũng là những từ có nguồn gốc từ ngôn ngữ Nahualt. Chẹp, ai mà biết được chúng mang ý nghĩa tượng hình của cái quỷ gì chứ, con người vốn rất giỏi liên tưởng mà.
---
1 ly cappuccino thơm ngon đúng điệu sẽ có màu nâu sậm của vỏ sồi, hoặc màu cháo lòng giống với tông màu chiếc áo thụng có mũ trùm của các thầy tu dòng Capuchin (một trong ba nhánh của Dòng tu Fraciscan) ở Ý.
Cái tên cappuccino chính là lấy từ cappuccio, mà trong tiếng Ý có nghĩa là áo trùm đầu (hood).
---
Disaster (tai họa, bi kịch), tương tự như désastre trong tiếng Pháp hay disastro trong tiếng Ý, đều có chung nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp.
Tiền tố dis - vốn mang nét nghĩa tiêu cực, kết hợp với aster - ngôi sao, có thể được hiểu là một vì sao xấu. Người Hy Lạp cổ đại rất cuồng môn thiên văn học và chiêm tinh học. Họ tin rằng các hiện tượng thiên văn đều sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Và vì thế, một vì sao xấu sẽ là nguyên nhân lý giải cho những tai ương và thảm họa thiên nhiên, vốn là điều mà con người không thể kiểm soát được.
---
Mặc dù quần jeans là một nét nổi bật trong văn hóa Mỹ, nhưng tên gọi của nó lại có nguồn gốc từ phương tây. Start-up của Levi Strauss ra đời vào khoản những năm 50 của thế kỷ 19, giữa cơn sốt vàng ở San Francisco, California. Từ nhu cầu về một loại quần áo bền bỉ phù hợp với công việc đào bới, Strauss đã nảy ra ý tưởng dùng vải canvas để may những chiếc quần dài. Nhưng vải canvas quá thô và nặng, nên sau đó Strauss đã thay thế chúng bằng một loại vải chéo có độ bền tương tự nhưng nhẹ hơn hẳn, được sản xuất rất nhiều tại thành phố Genoa của Ý và tại Nimes, Pháp.
Phiên âm tiếng Pháp của Genoa là Gênes, và cuối cùng đã được Anh hóa trở thành Jeans. Denim, cũng chính là từ de Nimes (from Nimes) mà ra.
Lạm bàn một tí, denim và jeans là 2 loại vải hoàn toàn khác nhau. Chất vải denim, dù có phần thô hơn, nhưng lại bền hơn và có chất lượng tốt hơn loại vải từ Genoa. Và thực ra thì, người Ý đã mặc quần áo từ vải Jeans từ tận đầu thế kỷ 17. Chỉ khác là chúng không có những chiếc đinh tán mà Jacob Devis đã thêm vào sau này để đảm bảo độ bền ở những đường may.
---
Salary (tiền lương, lúa, HP) có nguồn gốc từ tiếng Latin - salarium, nghĩa là trả công bằng... muối.
Vào thời kỳ đầu của Đế Chế La Mã, muối là một mặt hàng cự kỳ quan trọng và có giá trị, đến mức được gọi là vàng trắng (không phải bạch kim đâu đấy nhé).
Thời đó, muối được dùng trong y học để sát trùng vết thương, dùng trong chế biến và bảo quản thực phẩm. Muối có giá trị đến mức mà người Hy Lạp và Ai Cập cổ đại đã dùng chúng như một loại tiền tệ để thanh toán và trao đổi. Thế nên, nếu như người ta trả cho nhân công hoặc binh lính vài nghìn mol NaCl vào cuối tháng thì cũng là điều hoàn toàn bình thường như cân muối hộp thịt.
---
Etiquette (phép tắc, lễ nghi) là một từ có nguồn gốc từ tiếng Pháp - étiquette, có nghĩa là nhãn, hoặc tấm thẻ (label, card).
Dưới thời cai trị của Louis XIV vĩ đại - Vị Vua Mặt Trời, nước Pháp đứng đầu Châu Âu và thế giới về văn chương, nghệ thuật, quân sự và chính trị. Phú quý sanh lễ nghĩa, những triều thần của vua Lưu Ý thậm chí phải cần đến những mẫu giấy ghi chú để có thể nhớ được hàng tá những thứ lễ nghĩa cung đình khi vào thiết triều. Nào là vị trí đứng ở đâu, cúi chào thế nào, phục trang ra sao, và ti tỉ thứ rắc rối khác nữa.
---
Lại một từ nữa đến từ nước Pháp, sabotage (phá hoại) có nguồn gốc từ từ sabot, là một loại... guốc gỗ, thường được mang bởi những người nông phu.
Khi cuộc cách mạng Công nghiệp quét qua Châu Âu, những người lao động chân tay vốn đã chịu sự đối xử tệ bạc, nay lại phải đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi những cỗ máy đen sì sì. Phong trào đấu tranh của giới công nhân đã diễn ra thực sự rất "sôi nổi", với tiếng những đoàn người hò hét trong nhịp guốc gỗ nệnn rầm rập như trống trận. Và rồi thì là, như ai cũng biết; từ việc bãi công trong ôn hòa, những kẻ đi guốc gỗ đã nổi điên và đập phá tan tành nhà xưởng và máy móc của bọn tư sản máu lạnh.
Thậm chí người ta còn cho rằng, những kẻ nóng máu đã dùng guốc gỗ để ném, để nhét vào những cái bánh răng đang nghiến kèn kẹt. Những cỗ máy đành phải im hơi. Nhưng tất nhiên, đây chỉ là một câu chuyện mang tính truyền miệng mà những nhà Từ nguyên học chính thống không bao giờ thừa nhận...
WTF
/wtf
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất