"Steve Jobs" phiên bản nữ hay tội phạm lừa đảo?
Giá trị của Theranos cũng từ 9 tỷ USD xuống 800 triệu. Để rồi tới năm 2018 thì Theranos giải thể, Holmes bị buộc tội và truy tố về tội lừa đảo kinh doanh, gian lận liên bang. Tới năm 2021, Holmes lãnh án 11 năm 3 tháng tù giam và phạt 400 triệu USD.
Năm 2004, cô gái trẻ Elizabeth Holmes, 19 tuổi, quyết tâm rời bỏ cuộc sống học đường tại trường đại học Stanford để theo đuổi ước mơ thành lập Theranos, một công ty công nghệ y học với sứ mệnh thay đổi hoàn toàn cách mọi người khám bệnh, rẻ hơn, và hiệu quả hơn. Gần một thập kỷ sau, Elizabeth Holmes đã hoàn thành ước mơ của mình. Theranos ra mắt công chúng. Tạp chí Fortune định giá Theranos hơn 9 tỷ USD, huy động được hơn 400 triệu đô từ doanh số bán cổ phần. Elizabeth thì được Forbes vinh danh là một trong những phụ nữ giàu nhất nước Mỹ với khối tài sản lên tới 4.5 tỷ USD cùng 50% số cổ phần của Theranos.
Nhưng chỉ 2 năm sau, tài sản ròng của Holmes trở về con số 0 tròn trĩnh. Giá trị của Theranos cũng từ 9 tỷ USD xuống 800 triệu. Để rồi tới năm 2018 thì Theranos giải thể, Holmes cùng người tình Balwani bị buộc tội và truy tố về tội lừa đảo kinh doanh, gian lận liên bang. Tới năm 2021, Holmes lãnh án 11 năm 3 tháng tù giam và phạt 400 triệu USD.
Vậy Elizabeth Holmes là ai? Liệu cô nàng này chỉ là một kẻ lừa đảo, hay thực sự có tiềm năng để trở thành một Steve Jobs thứ 2? Và chặng đường thăng thiên rồi cắm đầu thẳng xuống lòng đất của Theranos là như thế nào?
Elizabeth Holmes là ai? Từ đâu ra?
Elizabeth Holmes sinh năm 1984 tại Washington D.C. Cha cô, ông Christian Rasmus Holmes IV, đã từng là phó chủ tịch của Enron, một công ty năng lượng, nhưng đã phá sản sau một vụ bê bối gian lận kế toán. Sau này, ông giữ vị trí điều hành trong các cơ quan chính phủ. Còn mẹ cô từng là nhân viên uỷ ban của quốc hội. Theo như Joseph Fuisz, một người bạn của gia đình, chia sẻ rằng “Tôi nghĩ cha mẹ Elizabeth luôn hoài niệm về những tháng ngày xưa cũ, bởi gia tộc của họ đã từng là một trong những người giàu nhất nước Mỹ khi đó. Và họ đã truyền tải mong muốn này cho con gái mình.”
Sau này, Elizabeth Holmes nhập học vào trường Thánh John tại Houston. Ngay từ khi còn là học sinh, cô gái trẻ có niềm đam mê tương đối lớn về công nghệ lập trình máy tính. Theo như cô gái đã từng chia sẻ, một trong những công việc kinh doanh đầu tiên của cô là bán các C++ compilers cho các trường đại học Trung Quốc. Tới năm 2002 thì Elizabeth bắt đầu theo học ngành kĩ thuật hoá học tại Stanford. Cô gái nhanh chóng chứng minh được thực lực của mình dưới vai trò là một nghiên cứu sư thực tập và trợ lý phòng thí nghiệm.
Chỉ sau 1 năm, Holmes đã làm việc trong phòng thí nghiệm tại viện Genome Singapore. Công việc chính của cô là xét nghiệm Virus gây hội chứng hô hấp cấp tính SARS-CoV-1. Cũng trong thời gian này, cô nộp đơn xin cấp bằng sáng chế đầu tiên của mình, một miếng dán để mang theo thuốc.
Trong năm 2003, Holmes báo rằng mình đã bị hãm hiếp ở trong chính đại học Stanford, có lẽ đó cũng là một trong những lý do dẫn tới quyết định bỏ học của cô ngay trong năm tiếp theo, sử dụng hết số tiền học phí của mình để làm nguồn tài trợ cho một công ty công nghệ chăm sóc sức khỏe. Còn bản thân cô đã có một dự định mới, dự định sẽ đưa cô gái lên đỉnh của thế giới, và cũng chính nó đá cô xuống vực thẳm.
Công nghệ tân tiến như trong phim, tất nhiên là nó Scam
Ở tuổi 19, Elizabeth Holmes bỏ học để sáng lập công ty khởi nghiệp Theranos. Ngay cái tên đã phản ánh rõ mục tiêu của công ty. “Therapy” - liệu pháp, và “Diagnosis” - chẩn đoán. Để gây quỹ, Elizabeth Holmes đã huy động được hơn 6 triệu USD từ các mối quan hệ thân thiết với hai nhà đầu tư ban đầu, Tim Draper và Victor Palmieri. Cứ liên tục theo đà kêu gọi đầu tư, chỉ tới năm 2010, định giá của Theranos đã đạt tới con số 1 tỷ USD. Có rất nhiều các nhân vật có tiếng tăm rót vốn cho dự án này. Trong đó có thể kể đến như anh em nhà Walton - gia tộc thừa kế chuỗi cửa hàng bán lẻ Walmart, gia đình Bộ trưởng bộ giáo dục Mỹ Betsy DeVos, tỷ phú truyền thông Rupert Murdoch, … Ấy là nó còn chưa cả được ra mắt công chúng.
Tháng 9 năm 2013, sau gần 1 thập kỷ liên tục đầu tư và nghiên cứu, Theranos có màn debut cực cháy với sự hợp tác cùng Walgreens, chuỗi cửa hàng dược phẩm lớn thứ 2 tại Mỹ chỉ sau CVS Health. Để có được thoả thuận này, chúng ta phải kể tới một nhân vật khác cũng đóng vai trò chủ chốt không kém cạnh gì Elizabeth Holmes trong Theranos. Ông Sunny Balwani. Ông này quen Elizabeth từ năm 2002, có sẵn nền tảng kinh doanh và kỹ sư phần mềm từ trước. Có sự giúp đỡ của Balwani, Elizabeth mới có thể đạt được mối quan hệ đối tác với Walgreens.
Thoả thuận này giúp các thử nghiệm công nghệ của Theranos được thương mại hoá. Các trung tâm sức khoẻ Theranos bắt đầu được thành lập và có mặt trong mọi cửa hàng Palto Alto, giúp cho người tiêu dùng có thể tiếp cận được những công nghệ chăm sóc sức khoẻ tân tiến nhất.
Vậy những “công nghệ” mà Theranos đang cố bán ở đây là gì? Tôi sẽ lấy ví dụ ở một trong những bộ phim tệ hại nhất năm vừa rồi mà tôi được xem, “The Invitation”. Trong bộ phim, nhân vật chính là một người không còn gia đình hay họ hàng thân thích. Cô tìm tới một loại công nghệ mà chỉ cần chích một tí máu trên đầu ngón tay, thiết bị tự động phân tích mẫu máu và gửi lại về cho công ty để tìm những người họ hàng có trùng ADN bị thất lạc. Thiết bị “Edison” của Theranos cũng tương tự. Nhưng thay vì tìm người thân, thiết bị này phân tích mẫu máu để phát hiện được cả bệnh ung thư hay tiểu đường trong khoảng thời gian rất ngắn, với chi phí rẻ hơn nhiều so với xét nghiệm truyền thống. Theo như Holmes quảng cáo, đây là một sản phẩm “all-in-one”.
Chưa kể, “Edison” chỉ là một trong số rất nhiều các “sản phẩm” mà Theranos sản xuất. Năm 2011, họ cho ra đời mẫu thiết bị nhỏ gọn tên là “Minilab”, cũng phục vụ mục đích xét nghiệm máu.
Đây rõ ràng là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực điều trị y tế. Đấy là nếu như nó hoạt động. Nhưng vầy là cũng đủ để Theranos cùng Holmes một bước thăng thiên. Tháng 2/2014, quỹ đầu tư Partner Funds mua lại 5.6 triệu cổ phiếu của Theranos với giá 17$, khiến giá trị của công ty này đạt mốc 9 tỷ $, khối tài sản của Elizabeth được đẩy lên tới 4.5 tỷ $ do cô sở hữu 50% cổ phần của công ty. Theranos và Holmes nghiễm nhiên có được sự chú ý của truyền thông, nhất là khi cô này xuất hiện trên bìa tạp chí Fortune số tháng 6/2014. Thậm chí, cô còn ngồi chung mâm với tỷ phú Jack Ma và cựu tổng thống Bill Clinton.
Với những công nghệ quá đỗi ảo ma Canada như vậy, người ta nghi ngờ về tính xác thực của chúng là điều đương nhiên. Nhưng những nghi vấn này đã bị che lấp bởi thái độ và cách điều hành công ty cũng ảo ma không kém của Elizabeth Holmes.
Tháng 11/2006, giám đốc tài chính Theranos Henry Mosley bỗng dưng thành kẻ thất nghiệp bởi hoài nghi về tính khả thi của những công nghệ do chính công ty mình đang phát triển, kèm theo đó là những nghi vấn về độ trung thực của công ty. Tới tháng 7/2007, Theranos cho biết sẽ kiện 3 cựu nhân viên vì lấy trộm tài sản trí tuệ của họ. Nhiều lời đồn cho thấy Holmes còn thường xuyên kiểm tra máy tính của nhân viên để đảm bảo bí mật kinh doanh. Giám đốc y tế của hãng Safeway tới năm 2012 cũng tỏ ra quan ngại về những sai sót có liên quan tới kết qua xét nghiệm của Theranos. Dù vậy, họ vẫn ký hợp đồng thoả thuận hợp tác có giá trị lên tới 350 triệu USD.
Trung tá David Shoemaker cũng nêu ra những lo ngại về chiến lược liên quan tới quy định của Theranos tới cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) sau khi Holmes tiếp cận và nói về khai thác thiết bị trong quân đội. Trung tâm chăm sóc dịch vụ và hỗ trợ y tế (CMS) sau đó đã có một cuộc thanh tra bất ngờ đối với Theranos, trong đó Balwani mới nói rằng thiết bị vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển. Sau khi có một cuộc tranh cãi lớn với cựu bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis, David Shoemaker mới đồng ý thử nghiệm giới hạn sản phẩm trong quân đội. Và đoán xem, James Mattis cũng có một chân trong hội đồng quản trị của Theranos.
Quá đà hơn là trường hợp của Ian Gibbons, nhà khoa học chính của Theranos. Ông bắt dầu không thoải mái với nhiều vấn đề công nghệ, nói thẳng thừng ra là tính khả dĩ của nó. Sau rồi, Holmes đích thân thu xếp một cuộc họp với Gibbons vào tháng 5/2013. Một đêm trước cuộc họp, Gibbons đã tự sát bất thành, nhưng vẫn qua đời 1 tuần sau đó. Lý giải của cái chết này không được đưa ra rõ ràng, nên sự can thiệp của Theranos là một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra.
Elizabeth Holmes cũng không tiết lộ về công nghệ với bất cứ ai “vì lý do bảo mật”, kể cả với các cổ đông của công ty. Còn Theranos thì vẫn được ca ngợi là “Apple của ngành y tế”, Elizabeth Holmes thì được gọi là “Steve Jobs mới”, “Steve Jobs phiên bản nữ”, cũng một phần bởi cô là CEO của một công ty công nghệ hàng đầu, thường xuyên mặc áo đen cổ cao. Nhưng 10 tỷ đô cũng chẳng thể che lấp trời xanh, FDA đã bắt đầu điều tra các công nghệ của Theranos vào tháng 8/2015. Và đoán xem họ đã tìm được gì?
Pha lừa đảo tinh vi bậc nhất thế giới
Các nhà quản lý thuộc FDA đã phát hiện công nghệ thử nghiệm máu này rất thiếu chính xác và nhiều sai sót. Tới tháng 10 cùng năm, phóng viên của tờ Wall Street Journal, John Carreyrou tài liệu điều tra của mình đối với Theranos. Trong báo cáo của mình chỉ ra Theranos chỉ sử dụng công nghệ độc quyền cho một lượng nhỏ trong số 240 xét nghiệm mà họ thực hiện. Phần lớn các xét nghiệm được thực hiện bằng phương pháp truyền thống là lấy máu từ cánh tay, chứ không phải “chỉ chích lấy vài giọt” như họ vẫn đang quảng cáo. Các xét nghiệm mà công ty đưa ra đều được lấy từ những máy xét nghiệm máu truyền thống mà các bệnh viện đều sử dụng. Phản hồi lại, Theranos gọi báo cáo của Wall Street Journal là “sai thực tế và phản khoa học”. Nhưng đó chỉ là cú đẩy đầu tiên khiến chuỗi Domino của Theranos bắt đầu sụp đổ.
Một ngày sau khi báo cáo được công bố, Theranos buộc phải dừng sử dụng các ống lấy máu dưới áp lực của FDA. Nhưng Holmes vẫn đứng rất vững và khẳng định tại hội thảo của tờ báo phố Wall, “chúng tôi biết mình đang làm gì và chúng tôi tự hào về nó”. Giữa bão chỉ trích, Theranos quyết định điều chỉnh nhân sự thuộc ban giám đốc, thành lập một ban y tế riêng biệt. Nhưng có vẻ như hiệu quả không cao lắm. Theo sau đó, Safeway, một trong những công ty lớn mà Theranos đang cố thiết lập mối quan hệ hợp tác, bắt đầu ngửi thấy mùi không ổn, rồi họ cố tìm cách sủi khỏi Theranos càng nhanh càng tốt, trước cả khi hợp tác được ký kết.
Tới năm 2016, các nhà chức trách liên bang bắt đầu nêu vấn đề với phòng thí nghiệm California của Theranos. Trung tâm dịch vụ chăm sóc y tế CMS cũng đã gửi thư cho công ty này về việc không tuân thủ tiêu chuẩn liên bang, khiến cho nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy hiểm. Trước sự việc này, đối tác Walgreens công bố không gửi xét nghiệm nào cho Theranos nữa, tạm dừng dịch vụ Theranos tại Palo Alto vô thời hạn. Theo sau đó, Theranos đã phải huỷ bỏ kết quả xét nghiệm trong vòng 2 năm từ các thiết bị xét nghiệm độc quyền, phải hiệu chỉnh hàng chục ngàn báo cáo xét nghiệm máu.
Đây là lúc mà tài sản ròng của Holmes rơi thẳng xuống lòng đất trở về 0 đồng. Đối tác lớn nhất của Theranos là Walgreens cũng đã sủi khỏi mối quan hệ làm ăn, đóng cửa toàn bộ 40 trung tâm Theranos trên toàn Hoa Kỳ. CMS tước giấy phép điều hành phòng thí nghiệm California và cấm Holmes điều hành phòng thiết bị trong vòng 2 năm. Cực chẳng đã, thiết bị “MiniLab” vẫn được Theranos giới thiệu, như một cách để Elizabeth Holmes cố gắng lách lệnh cấm của CMS, nhưng không có tác dụng.
Các nhà đầu tư kiện Theranos tới tấp, khiến công ty phải thu hẹp quy mô. Quỹ đầu tư Partner Fund Management đòi 96.1 triệu Đô cùng số tiền quỹ đã bỏ vào Theranos hồi tháng 2/2014. Walgreens thì kiện vi phạm hợp đồng, đòi lại 140 triệu đô. Ông trùm truyền thông Rupert Murdoch thì bán tống bán tháo toàn bộ cổ phiếu Theranos với giá 1 USD dù trước đó ông đã phải chi tận 125 triệu đô để có được nó. Để lý giải cho hành động này, cái giá 1$ giúp ông trùm truyền thông kê khai khoản đầu tư của mình vào Theranos như một khoản lỗ, tiết kiệm hàng trăm triệu đô tiền thuế để đổ vào các khoản đầu tư khác. Trong bão khủng hoảng như vậy, Theranos buộc phải sa thải 155 nhân viên, tương đương với 41% số lượng nhân sự họ có. Kể cả vậy, The Wall Street Journal đưa tin rằng Theranos tiếp tục không qua được bài kiểm tra phòng thí nghiệm thứ hai của các nhà chức trách, dẫn đến đóng cửa phòng xét nghiệm máu cuối cùng của họ.
Đà sụp đổ của Theranos là cơ hội cho giới truyền thông nhốn nháo. Trong đó, nhà báo John Carreyrou, người đầu tiên công khai câu chuyện của Theranos cho The Wall Street Journal, làm hẳn một Podcast teen là “Bad Blood” để cho đại chúng thấy được một cái nhìn sâu hơn về những gì đang xảy ra. Anh giành được giải thưởng báo chí thường niên George Polk Award lần thứ 67 cho bài điều tra về Theranos. Tới năm 2018, cũng chính anh cho xuất bản cuốn sách “Bad Blood: Secrets and lies in a Silicon Valley Startup”. Điều tra của John Carreyrou thu hút một lượng lớn người quan tâm, trong đó có cả đạo diễn Adam McKay, người đứng sau bộ phim “The Big Short”. Ông đã quyết định thực hiện một bộ phim cùng tên, có sự tham gia của nữ minh tinh nổi tiếng Jennifer Lawrence trong vai chính. Bên cạnh đó, còn Alex Gibney, nhà làm phim tài liệu nổi tiếng với những tác phẩm như “Dirty Money”, “The Armstrong Lie”, anh này thậm chí còn thực hiện một bộ phim tài liệu về sự bê bối và sụp đổ của Enron, công ty mà bố của Elizabeth làm phó chủ tịch, nay lại có cơ hội làm thêm một bộ phim tài liệu nữa về đời con cùng Theranos, có tên “The Inventor”. Bộ phim hiện đã có trên Disney+ với điểm Rotten Tomatoes lên tới 79%.
Tới tháng 6/2018, Holmes và Balwani đều bị truy tố về tội danh gian lận hình sự, cao buộc tham gia và một kế hoạch lừa đảo các nhà đầu tư, bác sĩ và cả bệnh nhân lên tới hàng triệu đô. Mỗi người phải đối mặt với bản án lên tới 20 năm tù giam, đương nhiên là chẳng ai nhận tội cả. Tới 2 tháng sau, vào tháng 8/2018, Theranos giải thể sau khi 80 người mua tiềm năng còn lại đều không còn hứng thú với cái tên này nữa.
Trả giá ra sao?
Sau khi bị buộc tội, Elizabeth Holmes luôn tìm mọi biện pháp để bào chữa và trốn tránh cho bản thân. Có lúc thì là một tờ giấy xét nghiệm chứng “bệnh tâm thần”, có lúc thì tố cáo Balwani đã lạm dụng cô hơn một thập kỷ. Ban đầu, phiên tòa xét xử Holmes đã dự kiến được diễn ra từ tháng 7/2020, nhưng sau đó liên tục bị trì hoãn bởi nhiều lý do khác nhau. Ban đầu là đại dịch Covid, sau đó là Holmes mang thai. Dù rất nhiều người cho rằng việc mang thai ấy là do cô ả cố ý thực hiện để trốn tránh trách nhiệm. Theo hồ sơ tòa án, Holmes đang mang thai đứa con thứ 2, cả 2 lần mang thai đều trong quá trình tố tụng. Lần đầu tiên là vào tháng 3/2021, còn lần thứ 2 là vào tháng 11/2022.
Thậm chí, cô ả còn cố tình bí mật kết hôn với Billy Evans, một công tử ngậm thìa vàng, có gia đình giàu nứt đố đổ vách. Rõ ràng là Elizabeth Holmes đang cố gắng trói anh này lại để anh ta trả nợ cho cô ả. Và gia đình của Billy cũng nhìn rõ điều đó. “Con đang làm cái đ*o gì vậy? Con bị tẩy não à?”, đây là phản ứng của gia đình sau khi Billy nói về việc kết hôn với Elizabeth Holmes, theo như một người tin của tờ The New York Post. “Rất nhiều người đã phản đối, cũng có rất nhiều người đã ngồi lại và khiến Billy thay đổi quyết định. Nhưng anh chàng không nghe. Anh ta cứ như một con bò tót đang đâm đầu một cách điên cuồng vào một cái redflag vậy.”
Từng đó nỗ lực vẫn là chẳng đủ để Elizabeth tránh khỏi những gì chắc chắn sẽ phải xảy ra. Phiên tòa đã được diễn ra vào ngày 31/08/2021, Elizabeth Holmes cuối cùng cũng đã phải đối mặt với chính phủ tại phiên tòa hình sự ở San Jose. Luật sư biện hộ cho Holmes cho rằng “Thực tế những gì đã xảy ra tại Theranos phức tạp hơn nhiều so với những điều Elizabeth Holmes đã từng tuyên bố. Theranos thất bại không phải vì nó là một trò lừa đảo, mà vì Holmes là một CEO trẻ tuổi đã “đánh giá thấp” những trở ngại kinh doanh một cách quá đỗi ngây thơ”. Dù vậy, Holmes vẫn không thoát được bản án đang chờ mình trước mắt với những bằng chứng không thể nào thuyết phục hơn.
18/11/2022, thẩm phán Edward Davila tuyên bố bản án 11 năm 3 tháng tù đối với Elizabeth Holmes, cộng thêm 3 năm giám sát sau khi được thả, phạt thêm 400 triệu USD. Những lời cuối cùng của Elizabeth Holmes nói trong phiên tòa, “Tôi yêu Theranos. Đó là ước mơ cả đời tôi. Đội ngũ là cả thế giới đối với tôi. Tôi rất suy sụp về những thất bại của bản thân, tôi đã cống hiến tất cả những gì mình có để gây dựng và cứu lấy công ty của chúng ta. Tôi cũng xin lỗi các nhân viên, các nhà đầu tư của Theranos, và các bệnh nhân của Theranos. Tôi hối tiếc từ tận đáy lòng”.
Để kết thúc bài viết, tôi xin được trích dẫn báo Reuters:
“Đây là một vụ lừa đảo mà trong đó, một thương vụ đã được tiến hành với nhiều kỳ vọng lớn lao. Nhưng nó đã bị phá vỡ bởi những sự xuyên tạc, ngạo mạn và dối trá”.
Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất