VỤ BÊ BỐI KHIẾN GIẢI NOBEL VĂN HỌC BỊ HỦY
Đằng sau sự kiện này là một bê bối lớn đến khó tin. Một bê bối mà đã gây ra những vết sẹo không thể lành trong Học viện Thụy Điển, cơ quan đứng đằng sau giải thưởng này.
Ah, giải Nobel Văn Học, giải thưởng mà mỗi nhà văn, nhà thơ, và có khi cả những người viết bài trên Spiderum (như tôi chẳng hạn) cũng đều mơ ước được sở hữu. Nó không chỉ đơn thuần là một giải thưởng, mà còn là một dấu ấn vinh quang, một biểu tượng của tài năng và đóng góp xuất sắc cho nền văn hóa thế giới. Giải thưởng này đã giúp tôn vinh các nhà văn từ Toni Morrison đến Gabriel García Márquez, từ Ernest Hemingway đến Alice Munro.
Là một giải thưởng có ý nghĩa cao quý như vậy, ấy thế mà Giải Nobel Văn Học năm 2018 lại bị... hủy bỏ! Lần gần nhất mà giải thưởng cao quý này bị hủy là vào năm 1943, khi Đức Quốc Xã đang chiếm phần lớn châu Âu. Cả thế giới đều phải tự hỏi, điều gì đã xảy ra? Giải thưởng có lịch sử từ năm 1901 lại bị đình chỉ ở thời bình? Một ngôi sao sáng chói trong bầu trời văn học đột nhiên tắt ngúm, tựa cốc cà phê thơm ngon vừa pha xong đã bị hất văng ra khỏi tay.
Đằng sau sự kiện này là một bê bối lớn đến khó tin. Một bê bối mà đã gây ra những vết sẹo không thể lành trong Học viện Thụy Điển, cơ quan đứng đằng sau giải thưởng này.
Nếu bạn nghĩ rằng một bê bối tình dục là chuyện quá "mới mẻ" cho thế giới nghệ thuật thì bạn đã nhầm. Từ các minh tinh màn bạc đến nhạc sĩ rock n' roll, chẳng ai tránh khỏi những tai tiếng này, và giờ đến lượt Học viện Thụy Điển phải nếm trải. Đằng sau cánh cửa gỗ cổ của học viện này, những câu chuyện đáng sợ đã diễn ra, và chúng đã làm dấy lên những cơn sóng ghê rợn trong lòng công chúng, làm lung lay niềm tin vào giải Nobel Văn Học, một trong những giải thưởng được kính trọng nhất trên hành tinh.
Thông qua bài viết, hãy cùng đi sâu vào những chi tiết của vụ bê bối này và tìm hiểu vì sao nó đã gây ra một cú sốc đến nỗi một trong những giải thưởng văn học quan trọng nhất thế giới phải bị hủy bỏ. Và bạn cũng sẽ thấy, đây không chỉ là một câu chuyện về tội phạm và sự thất bại, mà còn là một câu chuyện về những khía cạnh tối tăm của con người, cũng như về sự cần thiết của tính minh bạch và công bằng trong mọi lĩnh vực của xã hội, kể cả nghệ thuật và văn học.
“Nhóm 18”
Học viện Thụy Điển, còn được gọi là “Svenska Akademien”, không chỉ là một tổ chức văn học mà còn là một trong những "cửa ngõ" để tiếp cận với vinh quang trong lĩnh vực văn học toàn cầu. Được thành lập năm 1786 bởi Vua Gustaf III của Thụy Điển, Học viện này có mục tiêu "làm sáng tỏ ngôn ngữ và văn học của Thụy Điển.” Theo thời gian phát triển, nó trở thành cơ quan đứng đằng sau việc trao giải Nobel văn học hàng năm. Các thành viên của Học viện, được gọi với một cái tên rất “hội nhóm siêu anh hùng”, là "The Eighteen" (Nhóm Mười Tám).
Nhóm Mười Tám này không chỉ là những người yêu văn chương, họ là những nhà phê bình, nhà văn, học giả và thậm chí cả các nhà soạn nhạc. Họ có một đặc quyền mà ai cũng mơ ước: làm chủ quyết định về việc ai sẽ được nhận giải Nobel văn học. Mỗi tuần, họ tụ tập lại trong một bữa tối lễ nghi đầy quyền quý tại nhà hàng của mình ở Stockholm, nơi họ tranh luận về các tác phẩm văn học trên khắp thế giới, và cuối cùng là đưa ra quyết định trao giải thưởng cao quý ấy mỗi năm một lần.
Uy tín của Học viện Thụy Điển không chỉ xuất phát từ quá trình lựa chọn giải thưởng cẩn trọng, mà còn từ việc họ làm rõ ràng: đó là việc tôn vinh các nghệ sĩ văn học xuất sắc nhất trên toàn thế giới. Từ các tác giả danh tiếng như Gabriel García Márquez, Toni Morrison, tới Kazuo Ishiguro, các nhà văn này đã được thay đổi cuộc đời qua giải thưởng danh giá này.
Tuy nhiên, bất kỳ tổ chức nào, dù có uy tín đến đâu, cũng đều có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn. Và trong trường hợp của Học viện Thụy Điển, điều này đã xảy ra ở một cấp độ không tưởng, đe dọa đến chính sự tồn tại và uy tín của mình.
Ngọn nguồn của mớ hỗn độn
Trước hết, chúng ta cần phải hiểu rõ về nhân vật này, Katarina Frostenson. Cô là một trong những nhà thơ và nhà viết kịch bản nổi tiếng của Thụy Điển. Cô đã xuất bản nhiều tập thơ và là tác giả của các vở kịch đã được biểu diễn rộng rãi.
Những tác phẩm của cô không chỉ được đánh giá cao ở Thụy Điển mà còn được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác và tạo ấn tượng mạnh mẽ trong cộng đồng văn học quốc tế, tiêu biểu là tác phẩm “I det klara” (1984); “Jonas” (1994); hay “Karkas” (2004) đã giúp cô đạt giải August, một trong những giải thưởng văn học uy tín nhất Thụy Điển. Quan trọng nhất trong tất cả chính là tập thơ “Staden” (1992). Chính tập thơ này đã giúp cô được bầu vào Học viện Thụy Điển, trở thành một phần của “hội 18”.
Tới năm 1996, trong quãng thời gian đỉnh cao nhất của Katarina Frostenson, cô kết hôn với Jean-Claude Arnault, một nhiếp ảnh gia và doanh nhân văn hóa người Pháp, khi đó đang định cư ở Thụy Điển. Cuộc hôn nhân này giúp Arnault trở thành một phần trong vòng quan hệ xã hội bao gồm toàn những cá nhân quyền lực trong học viện, từ đó mà mọi chuyện trở nên bung bét khi các hành động của gã này bị khui ra.
Thực ra không phải tới gần những năm 2018 thì Arnault mới bắt đầu có dấu hiệu thực hiện các hành vi sai trái. Vào cuối những năm 1990, Arnault có tiếng là một người đào hoa. “Tôi cũng đã nghe những tin đồn về Arnault, nhưng không hề có chuyện cưỡng bức; chỉ là anh ta hay sờ soạng và quan tâm đến phụ nữ trẻ,” Maria Schottenius, biên tập viên của tờ Expressen vào thời điểm đó chia sẻ, “Nhưng tôi không tin lắm vào các cáo buộc quấy rối, vì ít nhất rằng vợ anh ta, Katarina, vẫn luôn có mặt tại câu lạc bộ."
Lần đầu tiên, những tin đồn xung quanh Arnault được coi là một bê bối vào năm 1997. Expressen đã phát hành một bài viết tiết lộ về việc đối xử với phụ nữ. Tiêu đề rất dễ nhận diện: “Kinh hoàng tình dục trong giới tinh hoa văn hóa”. Bài viết này tiết lộ: “Một nhân vật văn hóa nổi tiếng đã bị nhiều thực tập sinh cáo buộc về quấy rối tình dục... Một trong những phụ nữ này... đã gửi một lá thư tuyệt vọng đến nhiều cơ sở văn hóa đã ủng hộ công việc của anh ta.” Dù vậy, bài viết của Expressen, và bê bối, đã lắng xuống một cách yên lặng. Anna-Karin Bylund, nghệ sĩ đã viết lá thư cho Expressen viết bài, phàn nàn rằng Arnault đã quấy rối cô, dù sau đó Arnault đã phủ nhận cáo buộc này.
Arnault chẳng thể bỏ nổi cái thói trăng hoa của mình. Danh tiếng của gã trở nên xấu đến mức trước một bữa tiệc văn học lớn vào năm 2006, một yêu cầu “dằn mặt” đặc biệt đã được gửi riêng từ hoàng cung đến Engdahl, một trong những người thuộc “hội 18”, rằng không bao giờ được để Công chúa Victoria ở một mình trong phòng cùng với Arnault.
Gabriella Håkansson, hiện tại là một tiểu thuyết gia nổi tiếng, mới chỉ mới bắt đầu sự nghiệp viết lách vào những năm 1990 và đã rất chú ý đến Arnault. "Anh ta thực sự nổi tiếng trong thế hệ tác giả của tôi.” Tới năm 2007, Arnault tiếp cận cô tại một buổi tiệc văn học. "Chúng tôi chỉ trao đổi vài câu nói trước khi anh ta bất ngờ chen tay của mình vào giữa hai chân tôi. Điều này xảy ra nhanh đến không tưởng. Tôi tặng cho gã một cái tát. Còn những người xung quanh cười cợt, như thể muốn nói 'Nhìn kìa, anh ta lại làm như vậy.'"
Mọi chuyện bắt đầu bung bét vào tháng 11 năm 2017, khi tờ Dagens Nyheter, một tờ báo lớn ở Thụy Điển, công bố bài viết về việc Jean-Claude Arnault bị cáo buộc tấn công tình dục, trong đó có bao gồm lời khai của 18 phụ nữ khác nhau. Ở thời điểm đó, cả thế giới đã bắt đầu chấn động bởi phong trào #MeToo, và ngọn lửa của phong trào ấy đã lan đến Thụy Điển, để rồi thiêu rụi Arnault trên dàn thiêu. Những cáo buộc này không chỉ đơn thuần là lời nói vô căn cứ. Mặc dù thông tin cụ thể về bằng chứng không được tiết lộ rộng rãi vì lý do quyền riêng tư và pháp lý, nhưng các cáo buộc này đã đủ nghiêm trọng để mở một cuộc điều tra hình sự, mặc kệ mọi sự phủ nhận đến từ Arnault. Sau cùng, Arnault chỉ bị kết án tấn công tình dục vào tháng 10 năm 2018 và bị tống giam 2 năm 6 tháng. Tuy nhiên, hệ quả gây ra bởi hành động này lớn hơn thế rất nhiều.
Ngôi đền cao quý của nền văn học thế giới bị lung lay
Điều khiến vấn đề trở thành một scandal toàn cầu là vì nó dường như tiết lộ một điều gì đó mục nát ngay tại trái tim của Học viện Thụy Điển: nhiều vụ tấn công được cho là đã xảy ra tại các căn hộ xa hoa thuộc sở hữu của học viện, tại Stockholm và Paris. Cuộc điều tra đã được thực hiện, và thông qua quá trình điều tra đầy đủ và kỹ lưỡng, một số cáo buộc đã được xác nhận. Tuy nhiên, đây không phải cáo buộc duy nhất mà Arnault phải hứng chịu.
Theo thông tin công khai, Arnault và Frostenson cũng đã hưởng lợi từ các khoản trợ cấp của học viện cho một câu lạc bộ nghệ thuật mà họ sở hữu và điều hành cùng nhau trong nhiều năm. Ngoài ra, Frostenson cũng bị cáo buộc đã rò rỉ tên các người đoạt giải văn học cho Arnault, và kết quả là có những cược lớn được đặt tại các sòng bạc ở Paris. Luật sư của Arnault, Björn Hurtig, nói với Expressen rằng khách hàng của ông "rất bối rối và đã từ bỏ ... Ông ta nói điều này hoàn toàn sai và ông ta không có tội với các cáo buộc."
Cái gọi là "Bằng chứng" trong trường hợp này chủ yếu là các thông tin tài chính và giao dịch, có thể bao gồm các biên lai, hóa đơn, và thậm chí là các dấu vết ngân hàng. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về các bằng chứng này không được công bố rộng rãi.
6 thành viên của Học viện đã quyết định tự rút lui khỏi tổ chức, trong khi 2 người khác bị ép buộc phải làm vậy. Số lượng này đã đạt đến mức khiến Học viện không thể đưa ra các quyết định quan trọng hay thực hiện việc bầu cử thành viên mới, vì quy định yêu cầu có ít nhất 12 thành viên để tiến hành các cuộc bầu cử. Điều này đã tạo ra một tình trạng bế tắc, khiến cho nhiều người cảm thấy lo lắng về tương lai của tổ chức.
Vậy, sau khi vụ bê bối được phát hiện, Học viện đã làm gì để đảm bảo rằng mọi việc không tiếp tục trôi vào hướng tiêu cực?
Động thái chữa cháy có đủ để giành lại uy tín?
Đầu tiên, Học viện đã thực hiện các biện pháp khẩn trương để đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong quá trình quản lý. Việc đầu tiên họ làm là mời các luật sư ngoài tiến hành điều tra độc lập. Học viện cũng đã chỉ định một Ủy ban Đạo đức với nhiệm vụ xem xét các quy tắc và nguyên tắc đạo đức mà mọi thành viên phải tuân theo.
Ngoài ra, Học viện cũng đã công khai xin lỗi và thừa nhận rằng có những sai sót nghiêm trọng trong quá trình quản lý. Họ đã cũng thực hiện nhiều thay đổi trong cách thức quản lý và giám sát việc sử dụng các quỹ, cũng như trong việc bảo vệ thông tin nội bộ của tổ chức.
Một trong những biện pháp đáng chú ý nhất mà Học viện đã áp dụng là việc tạm ngưng trao giải Nobel Văn học trong năm 2018. Dù vậy, hội đồng Giải thưởng Nobel của Thụy Điển đã xướng tên nhà văn Olga Tokarczuk, người Ba Lan là chủ nhân của giải thưởng Nobel Văn học 2018 vào năm tiếp theo, trong khi Peter Handke, người Áo là chủ nhân Nobel Văn học 2019.
Tuy nhiên, quyết định hủy bỏ giải Nobel Văn Học trong năm 2018 không chỉ là một tình huống "khủng hoảng" mà còn là một nút thắt lớn đối với tương lai của giải thưởng. Nó đã gây ra nhiều thảo luận và phản ứng trái chiều. Có người cho rằng, việc này đã làm mất đi sự cao quý và uy tín mà giải thưởng này từng có trong suốt hơn một thế kỷ. Một số khác lại cho rằng đây là cơ hội để "làm sạch" và tái cấu trúc, để giải thưởng có thể trở lại mạnh mẽ hơn.
Để phục hồi uy tín, có lẽ đến lúc giải Nobel cần phải xem xét lại quy trình chọn lựa, từ việc tuyển chọn các thành viên trong “hội 18”, cho đến việc thiết lập các tiêu chí rõ ràng hơn trong việc đánh giá và chọn lựa các tác phẩm. Một trong những điều quan trọng nhất là phải có sự minh bạch và kiểm tra đối chứng đúng đắn, để đảm bảo rằng mọi quyết định đều phản ánh sự công bằng và tính toàn diện, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố cá nhân hoặc chính trị.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất