Vào năm 1986, một đầu truyện kỳ lạ đã ra đời. Nó không như những đầu truyện cùng thời khác, với những gam màu sặc sỡ và đề cao tính hành động. Nó thật đen tối, thật thực tế và tràn đầy những tầng lớp ý nghĩa ẩn dụ. Alan Moore, người nghĩ ra ý tưởng cho bộ truyện đã mượn hình tượng những siêu anh hùng của Charlton Comic để viết lên nó. Chính bản thân cụ cùng họa sĩ Dave Gibbons đã phải làm việc cật lực suốt gần 2 năm để hoàn thành bộ truyện. Thậm chí, Dave Gibbon còn phải nhờ vợ và con trai mình vẽ ô truyện. Vất vả cho ra trái ngọt, cuối cùng, bộ truyện đã trở thành một đầu truyện xuất sắc, một tiếng vang lớn kinh khủng vào thời điểm đó, thậm chí Tạp Chí Time còn bình chọn nó vào một trong 100 tác phẩm ăn khách nhất mọi thời đại.                                                                                               
Watchmen, kẻ tiên phong và mở đầu cho thời đại Dark Ages Of Comic Books, đã ra đời như vậy.

Watchmen là một tấm gương, là một vở bi hài kịch đầy châm biếm phản ánh những mối lo âu đương thời về tình cảnh xã hội Mỹ cuối những năm 80s khi những quả tên lửa đầu đạn hạt nhân như đang chực chờ được nổ ra và nuốt chửng cả thế giới trong làn phóng xạ chết người. Thế nhưng, Alan Moore không chỉ đơn giản tạo ra một bức tranh đầy châm biếm về xã hội Mỹ, về những thứ tạo nên một con người, về Giấc Mơ Mỹ-American's Dream. Ông còn bồi đắp thêm vào trong đó chủ nghĩa anh hùng của thời đại Bạc, về những người anh hùng mang trong mình sức mạnh của những con người bình thường nhưng lại trở thành người hùng, để rồi từ đó tạo dựng nên những câu hỏi, những tầng lớp ẩn dụ chiều sâu đầy ý nghĩa và sâu sắc.

Đọc thêm:

NHÂN VẬT TRONG WATCHMEN:
từ trái qua phải: "Silk Spectre" Laurie Juspeczyk, Doctor Manhattan, Nite Owl Dan Dreiberg, The Comedian Edward Blake, Ozymandias Adrian Veidt, Rorschach
Watchmen có tổng cộng 6 nhân vật. Mỗi nhân vật đều là sự tách biệt của cá thể đối với chính xã hội đã tạo ra họ. Alan Moore đã rất tài năng khi diễn tả sự tách biệt ấy. Nếu như Superman trong những ngày đầu làm việc đau đớn và buồn bã khi thấy xã hội nghi kỵ sợ hãi và phản đối mình, nếu như Silver Sufter tựa một thiên thần cô độc trong những giờ phút chu du vũ trụ, thì với những Nite Owl, Dr Manhattan, Rorschach, thì lại khác. Chủ nghĩa anh hùng thời đạc Bạc đã sụp đổ trong Watchmen, kẻ quyền năng nhất lại rời bỏ nhân loại, kẻ có niềm hy vọng tươi sáng nhất lại từ bỏ, kẻ có trí thông minh nhất lại dần mất đi nhân tính, và kẻ có lòng tốt cuối cùng lại phát điên, phát điên một cách đáng sợ, phát điên khi nhìn vào những mặt bẩn thỉu nhất của nhân loại.
Hãy cùng tìm hiểu về kẻ đã chết ngay trong đầu tác phẩm và kẻ đã khởi đầu cuộc điều tra của nhân vật chính Roschard-Comedian                                                I.CHỦ NGHĨA HƯ VÔ VÀ SỰ PHI NHÂN TÍNH CỦA COMENDIAN:

Comedian được Alan Moore cho... chết ngay ở đầu truyện. Thế nhưng, chúng ta lại có một tập truyện riêng cho ông ấy ngay ở tập thứ 2. Comedian đã được giới thiệu qua từng hồi tưởng của từng nhân vật. Comedian hiện ra như một tên khốn, một tên cặn bã, một tên hãm hiếp phụ nữ và một kẻ vô nhân tính. Thế nhưng ở cuối truyện, ta lại thấy một điều hoàn toàn ngược lại. Ông ta khóc lóc, ông hối hận và đau đớn trước một tên cựu ác nhân.
Vậy, điều gì đã xảy ra?
Comedian ban đầu, cũng vốn chỉ là một thiếu niên tên Edward Blake, một thiếu niên thuộc thành phần bất hảo, nói trắng là là cặn bã trong xã hội. Rồi một ngày nọ, cậu thiếu niên ấy gia nhập thế giới siêu anh hùng , không, chính xác là cái mốt, cái mốt siêu anh hùng của thập niên 40. Comedian chính là sản phẩm của xã hội Mỹ, ông là cặn bã, là đại diện cho tầng lớp nghèo khổ. Phải, ông nghèo, ông là cặn bã ,ông chịu đau thương,mất mát nhưng cuối cùng, ông lại trở nên cay đắng, ác độc cũng như Chí Phèo trong Nam Cao. Cũng thật mỉa mai thay, khi một tên cặn bã như Blake nhờ cái mác siêu anh hùng mà trở thành một đặc vụ, một chiến binh, một người cầm súng cho nước Mỹ, hay chính xác là cho quyền lợi của những người giàu.

Đọc thêm:

Edward Blake, suy cho cùng, vẫn là một người đại diện cho Giấc Mơ Mỹ, từ một tên cặn bã mà sang thẳng làm một người giàu có, có ảnh hưởng trong giới chính trị gia, nhưng Giấc Mơ Mỹ ấy đến với ông một cách thật đắng ngắt và tàn bạo. Blake trải qua mọi thứ, ông nhìn thẳng vào trong Giấc Mơ Mỹ, ông chứng kiến sự tàn bạo của xã hội Mỹ. Nhưng không như Roschard với khát khao thay đổi mọi thứ, không như Nite Owl với những khát khao làm nên những chiến tích anh hùng, Blake lại chỉ cười. Ông coi cả xã hội là một trò đùa, là thứ dở hơi, là một vở hài kịch thống thiết mà cũng đầy bi kịch. Ông không hề muốn thay đổi xã hội Mỹ, vì ông đã nhìn thấy quá đủ, quá nhiều sự tàn bạo và bất công trong đó rồi, ông không còn có hy vọng để thay đổi nó nữa. Thay vào đó, ông chỉ làm những gì mình mang lại cho ông niềm vui, làm những nhiệm vụ của chính phủ Mỹ, ông chiến đấu, mặc kệ ông chiến đấu vì ai, hay cho ai, mà ông chỉ đơn giản là chiến đấu , chỉ đơn giản làm đúng phận sự của mình, với đúng nghĩa vụ mà thế giới giao cho ông, làm một hài kịch gia, một kẻ mang lại tiếng cười cho nhân loại. Blake đại diện cho chủ nghĩa hư vô, ông đại diện cho giai cấp chính trị của nước Mỹ, những người đã nhìn thấy quá đủ sự tàn bạo trong xã hội loài người. 
Blake đã có 4 cảnh hồi tưởng rất ý nghĩa trong Watchmen.


Ở cảnh đầu tiên, chỉ là một lát cắt trong cuộc đời của Edward Blake. Ông gợi ra trước mắt người đọc sự cặn bã, tởm lợm. Ngay từ khi cảnh này xuất hiện, độc giả đã có một suy nghĩ tuy mơ hồ, không chắc chắn nhưng vẫn tạo được ấn tượng được với họ: The Comedian là một tên súc vật hãm hiếp phụ nữ.

Khi Adrian Veidt hồi tưởng về người đồng đội xưa, chúng ta đã chứng kiến sự Blake đã va chạm với chủ nghĩa siêu anh hùng. Blake nhìn đời rất thực tế, ông không có những khao khát,mà chỉ đơn thuần làm những gì mà chính phủ giao cho ông. Ông cười và khinh bỉ cái ý tưởng lập một team anh hùng mà Captain Metropolis gợi cho mọi người, vì với ông, khi tham gia vào The Minutemen từ 20 năm trước, ông đã chứng kiến sự thối nát , hám fame của nhóm này rồi đã chứng kiến từ những tham vọng làm nên siêu anh hùng của nước Mỹ, thì họ lại dần dần trở thành những kẻ thối nát, bệnh hoạn ,ngu ngốc, ham muốn sự nổi tiếng. Chủ nghĩa anh hùng của Comedian, không còn là đám siêu anh hùng đi cứu thế giới nữa , nó đã chết từ lâu rồi. Thử hỏi có siêu anh hùng nào trong đây thực sự cứu thế giới khỏi thảm họa hạt nhân?

Ở trang truyện tiếp theo, khi Blake đang nói chuyện với Dr Manhattan, ông không hề quan tâm đến thế thời hiện tại mà chỉ nhậu nhẹt, làm điếu thuốc. Ông nhìn Nixon đáp xuống rồi cười đểu "Lão kìa. Máy bay thông tấn đầu tiên từ khi ngừng bắn. Năm sau thể nào cũng được bầu". Rồi khi thấy người tình có bầu, ông chối bỏ hẳn, và thậm chí còn làm một hành động cực kỳ tàn bạo và cay nghiệt: Rút súng bắn chết. Nhưng khi thấy Dr Manhattan nói "Blake, anh bắn một phụ nữ đang mang thai" thì ông chỉ quay đầu lại đầy khinh bỉ "Ông đứng nhìn. Sao ông không biến khẩu súng thành hơi nước, viên đạn thành thủy ngân, cái chai thành tuyết? Sao ông không dịch chuyển tức thời cả bọn đến Úc... Ông không động đậy cả một ngón tay. Ông không đoái hoài gì đến con người cả. Tôi đã để ý dến ông. Ông mặc kệ Janey Slater ngay cả khi hai người vẫn còn là một đôi. Rồi sẽ có lúc ông hết hứng thú với đứa con gái của Sally Jupiter ( Silk Spectre, người tình của Dr Manhattan ). Ông đang mất dần nhân tính đấy tiến sĩ. Ông không còn là chỗ dựa tin cậy nữa rồi. Chúa cứu chúng con."
Blake đã nhìn xuyên qua cả xã hội Mỹ, xuyên qua những người lính, những vị tổng thống, xuyên qua cả những siêu anh hùng toàn năng và thấy sự bệnh hoạn và thối nát nơi họ. Một lần nữa, Alan Moore lại nhấn mạnh chủ nghĩa hư vô nơi Blake, về sự mặc kệ thế thời và sự vô nhân tính nơi ông, một sự tuyệt vọng không đáy.
Dr Manhattan, thực chất giống Comedian ở nhiều điểm hơn chúng ta nghĩ. Cả hai đều chứng kiến sự tàn bạo và khốc liệt của xã hội Mỹ và chịu sự ruồng bỏ từ chính xã hội họ từng bảo vệ, đều sống trong sự cô độc,  đều mất dần nhân tính qua thời gian và đều không quan tâm đến tình cảnh hiện tại. Blake nhìn đời, nhưng không cố gắng giải quyết nó mà lại chỉ cười, chỉ tìm ra những điểm hài hước trong đó để rồi tiếp tục cười trong vô vọng và bất lực.

Trong những trang truyện với những dòng hồi tưởng của Nite Owl, Comedian không ngần ngại đánh đập ,tấn công người dân. Sứ mệnh của Comedian đã thay đổi, ông không còn là thằng nhóc chiến đấu vì hám fame hay "bảo vệ loài người khỏi kẻ xấu", mà nay, ông đã trở thành một kẻ hiểu rõ bản chất xã hội nước Mỹ,  một kẻ chiến đấu để bảo vệ loài người khỏi chính họ. Sự tàn khốc của xã hội một lần nữa được thể hiện qua cái nhìn của Comedian "Nó ( Giấc Mơ Mỹ ) đã trở thành hiện thực. Chú em đang chứng kiến đấy. Đi thôi, đi dạy cho lũ hề kia một trận". Câu nói trên đã thể hiện rất rõ về sự hiểu biết của Blake về xã hội Mỹ, loài người sợ hãi trước những gì họ không kiểm soát được, nhưng khi cần lại yêu cầu người hùng tới cứu họ. Blake khinh miệt sự ngu dốt ấy của nhân loại, ông căm ghét nó và hiểu rõ bản chất của nó. Ông không cố gắng để giải quyết vấn đề, mà chỉ đơn giản là cười. 

Qua sự hồi tưởng của một cựu ác nhân tên Moloch, chúng ta đã có một cú lật lại ngoạn mục. Comedian luôn luôn có một niềm tin mãnh liệt về cái nhìn của bản thân, ông không quan tâm đến xã hội Mỹ nhưng lại nhìn thấy rõ bản chất thối nát của nó. Tuy nhiên, khi nhìn thấy kế hoạch của Ozymandias, ông lại bật khóc, ông cố gắng chối bỏ nó, ông đau đớn, ông chửi rủa. Nhân tính đã dần hiện lên trong ông. Sau tất cả, Comedian vẫn là một con người, một con người có nhân tính, có tình yêu và lòng thương cảm đối với những người vô tội, có sự hối hận và ăn năn với những người mà ông ấy từng làm hại. 
Cuộc đời thật mỉa mai. Comedian cứ nghĩ mình là một hài kịch gia, một kẻ nhìn thấy bản chất xã hội Mỹ nhưng cuối cùng, ông vẫn là một con người, một người có sự hối cải, có tình yêu. Một cuộc đời thật trớ trêu của một con người cứ nghĩ mình một kẻ hiểu đời, một kẻ rõ đời, trải đời,  nhưng cuối cùng lại là một vở hài kịch châm biếm. Cái chết của ông cũng thật cay đắng. Chết không nơi nương tựa, chết trong cô độc, bạn bè, người thân và gia đình gần như không có , thậm chí người duy nhất đến tặng hoa cho ông và dành tặng cho ông một ít khóc thương chỉ là tên cựu ác nhân Moloch.
II.RORSCHACH-SỰ ĐIÊN LOẠN KHI NHÌN VÀO XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI VÀ KHAO KHÁT CÔNG LÝ TUYỆT ĐỐI:

                                                                                                                         

Rorschach là nhân vật mang vai trò người dẫn truyện trong cả tác phẩm. Rorschach, tên thật là Walter Kovac. Trong tập truyện đầu tiên, anh đã thể hiện sự khinh miệt tuyệt đối dành cho cái xã hội đang sụp đổ bởi chủ nghĩa vật chất và sự thoái hóa về tư tưởng đạo đức . "Sáng phát hiện xác chó trong hẻm. Xe cán qua bụng. Thành phố này sợ tôi. Tôi biết bộ mặt thật của nó. Phố xá biến thành cống rãnh còn cái rãnh thì ngập ngụa máu. Chỉ cần nước tràn lên cái là lũ sâu mọt sẽ chết chìm. Cặn bã sắc dục và sát sinh sẽ dềnh lên ngập mặt bọn đĩ điếm và chính khách. Chúng sẽ ngước lên và hét lấy; "Cứu chúng tôi.." Còn tôi sẽ nhìn xuống và khẽ nói: Không". Rorschach và Comedian đều có kiểu góc nhìn giống nhau. Cả hai đều nhìn thấy sự thối nát tận cùng của xã hội loài người nhưng một người thì không làm gì mà chỉ "tìm ra những điểm hài hước trong nó" còn một người thì cố gắng thay đổi tất cả. Nỗ lực ấy của Rorschach bắt nguồn từ nguồn gốc đắng cay của anh.
Trong số thứ 6 của Watchmen, chúng ta đã được chứng kiến nguồn gốc của nhân vật Rorschach. Rorschach, tên thật là Walter Kovac vốn là một người thuộc tầng lớp lao động nghèo khó của nước Mỹ. Ban đầu, anh là con trai của một gái điếm, người cha mà anh mơ ước cũng chưa bao giờ tồn tại hay gặp nhau mà chỉ đơn giản tưởng tượng ra "chính trực như Tổng Thống Truman", anh sống thuở nhỏ trong sự bạo hành của người mẹ và sự chế giễu, phân biệt của những đứa trẻ cùng trang lứa. Sau một cuộc đẩu đả với đám bạn cùng trang lứa, anh được đưa vào trại cải tạo, Rorschach dần dần lớn lên và trở thành một người thợ dệt. Đặc biệt ở trường lớp, anh tỏ ra là một đứa trẻ sáng dạ và luôn có một niềm khát khao mãnh liệt vào công lý đến mức cực đoan, qua câu nói "Tốt' khi nghe thấy người mẹ gái điếm của chính mình chết. 

Năm 1964, Rorschach đã nhìn thấy sự thối nát và tàn bạo của xã hội Mỹ: 38 người thấy một người phụ nữ bị hãm hiếp mà không gọi cho cảnh sát. Rorschach dần dần tin tưởng về sự bệnh hoạn và suy thoái đạo đức của con người, dần dần hiểu rõ bản chất của xã hội khi nhìn thấy sự tởm lợm của nó. Rorschach trở thành siêu anh hùng không phải vì khao khát vinh quang như Nite Owl I, không phải vì kế thừa sự nghiệp vĩ đại của một người anh hùng nào đó mà là vì một khao khát muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp, với tôi, ý niệm ấy của anh cũng giống như khao khát về sự công bằng và bình đẳng của tầng lớp lao động trong xã hội Mỹ. Tuy nhiên, nghiệt ngã thay, Rorschach dần dần trở thành một kẻ điên khi nhìn thấy những mặt tối nhất của xã hội Mỹ khi làm siêu anh hùng. Một ý niệm giản đơn của anh đã dần trở thành một ý chí sắt đá.    
Ý chí sắt đá ấy của Rorschach bắt nguồn từ một sự kiện được Comedian nói với đầy sự tởm lợm "Hắn bị thế từ 3 năm trước. Bọn siêu anh hùng điên hết rồi. Doctor Manhattan, Byron Lewis, điên hết cả!" 











Cơn bệnh hoạn của con người. Rorschach nhìn thấy nó. Và thay vì cười cợt, thì anh lại phát điên chính bởi khao khát xây dựng một xã hội công bằng của anh. Rorschach đã phát điên, đã phát rồ, đã tháo đi mất lớp mặt nạ Walter Kovac với ước nguyện giúp đỡ mọi người sang một Rorschach với tham vọng to lớn thanh tẩy thế giới loài người khỏi lũ tội phạm, khỏi bọn giết người, cặn bã mà anh khinh miệt đến tận xương tủy. Rorschach từ đây đã nhìn đời bằng màu trắng và màu đen, giữa sự rạch ròi của cái xấu và cái tốt, tuyệt đối không có chỗ dung thân của màu xám, của sự nhu nhược và hèn nhát. Và cũng chính bởi cách nhìn đời, cách đánh giá về xã hội như vậy mà sau này anh đã phải đón nhận một cái chết vô cùng thảm khốc.
Ở phân cảnh cuối của bộ truyện, cuối cùng Rorschachs cũng hiện lên tính người của mình. Anh khóc thương cho hành triệu sinh mạnh mà Ozymandias đã lấy đi. Anh muốn trừng trị Ozymandias với công lý tuyệt đối của bản thân mình. Nhưng khi nhận ra Dr Manhattan đang đứng ngay trước mình, Rorschach đã hiểu ra, điều mà Ozymandias làm chính là cần thiết cho toàn thế giới, và như vậy, anh phải chết. Một cái chết thật đau đớn, nghiệt ngã của một con người khao khát sự công bằng.

Nếu ta để ý ở đầu truyện, Rorschach đã dành sự căm ghét tận cùng đến cho xã hội Mỹ. Cuối cùng, anh lại là người khóc thương cho chính xã hội Mỹ. Nhân tính và tình yêu của con người một lần nữa hiện lên trong anh, ngay trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất.
DAN DREIBERG-NITE OWL VÀ LAURIE JUSPECZYK-SILK SPECTRE.


Nếu coi Rorschach là người đại diện cho chủ nghĩa hành động và những con người nghèo khó thì với tôi, Dan Dreiberg và Laurie Juspeczyk lại là những con người đại diện cho tầng lớp trung lưu, những con người bình thường với ước nguyện siêu anh hùng bị kìm kẹp bởi luật lệ xã hội Mỹ. 
Dan Dreiberg vốn là một con người rất đỗi bình thường trong xã hội, một công dân gương mẫu và một người có cuộc sống khá giả. Cách anh đến với thế giới siêu anh hùng cũng rất đỗi hiển nhiên. Anh muốn được mạo hiểm, được tận hưởng vị ngọt của việc giúp đỡ người khác, được nếm trải cuộc đời của một siêu anh hùng "như anh ngày xưa vẫn có những thú vui nguy hiểm", kế thừa sự nghiệp của người hùng mang tên Nite Owl mà anh hằng ngưỡng mộ. Anh không giúp đỡ Rorschach trong vụ điều tra về cái chết của Comedian và sẵn sàng từ bỏ sự nghiệp anh hùng khi bị pháp luật ngăn cấm. Qua đó, ta thấy Dan là kiểu người lười hành động và chỉ hành động khi nó thực sự liên quan đến tính mạng của bản thân và những người xung quanh như Hollis Mason và Rorschach, thậm chí có phần nhu nhược cho đến khi anh thực sự hiểu rõ về tầm quan trọng của việc mà Rorschach đang làm.
Laurie Juspeczyk lại khác với Dan ở sự mạnh mẽ, cá tính. Cách cô đến với thế giới siêu anh hùng cũng tương đối hiển nhiên. Cô làm siêu anh hùng chỉ để kế thừa sự nghiệp của mẹ mình, thậm chí có lúc cô còn không biết vì sao mình lại làm siêu anh hùng. Laurie đại diện cho giới trẻ Mỹ cố gắng thoát khỏi sự kìm kẹp của xã hội, những con người sống bâng quơ, không rõ ràng, rồi dần dần sa đà vào những thú vui tức thời mà quên đi những giá trị quan trọng của bản thân. 
Lý do khiến cho tôi thích hai nhân vật này nằm ở sự gần gũi với đời thường của họ trong một thế giới điên loạn. Họ làm siêu anh hùng đơn giản là vì sở thích, không phải vì một trách nhiệm to lớn như Rorschach, Ozymandias hay một nghĩa vụ cao cả mà tổ quốc giao cho như Dr Manhattan và Comedian. Ở họ, có tình yêu, có trí tuệ, có hiện lên cái tính người, một tính người thật chân thật, gần gũi. Cuối cùng, cả Dan với Laurie cũng kết thúc sự nghiệp anh hùng của họ không chút chần chừ, họ đến với nhau và lập một gia đình hạnh phúc. Với tôi, hình ảnh Dan và Laurie đến với nhau tựa như một chút hy vọng , một chút bình yên trong một thế giới bạo lực và lụi tàn của Watchmen.
Nếu bàn về lý tưởng của họ thì họ cũng rất khác. Trong suốt tác phẩm Watchmen, khác với những Rorschach, Dr Manhattan thì đây lại là hai nhân vật không có bất cứ đánh giá, phán xét hay sự thấu hiểu gì đối với xã hội vốn dĩ đã chối bỏ họ, cũng không có một lý tưởng, tham vọng to lớn nào cả. Nguyên tắc hoạt động siêu anh hùng của họ cũng rất khác. Dr Manhattan, Comedian và Ozymandias coi thường mọi sinh mạng , Rorschach thì dành sự khinh bỉ tuyệt đối cho lũ tội phạm nhưng cả Nite Owl và Silk Spectre lại trân trọng mọi sinh mạng mà họ bảo vệ.

Phù! Đến đây là hết phần một của bài viết. Đây là cảm nhận của tôi sau khi đọc Watchmen. Nếu như các bác thấy sai sót gì thì rất mong các bác đóng góp.
PEACE!
Nguồn: Vietcomic. Rất cảm ơn các dịch giả. Bài viết không có tính chất đạo văn mà chủ yếu phân tích tác phẩm một cách trọn vẹn nhất đến cho những ai quan tâm. Bài viết cũng có tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau.