Nghệ thuật trong Watchmen
Xin chào các bác. Sau 2 bài về Watchmen, tôi sẽ bàn về yếu tố nghệ thuật mà tôi cảm nhận được trong đầu truyện này. I./Phong...
Xin chào các bác. Sau 2 bài về Watchmen, tôi sẽ bàn về yếu tố nghệ thuật mà tôi cảm nhận được trong đầu truyện này.
I./Phong cách bố cục và kể chuyện trong Watchmen---"Một bộ tiểu thuyết bằng tranh."
1./Ô truyện trong Watchmen
Watchmen là một bộ truyện với bố cục khung hình rất đặc biệt, đề cao tính đơn giản mà độc đáo. Không như những bộ truyện cùng thời với các ô truyện mang tính dàn trải cao, giúp ta phô diễn những hành động và việc làm của các nhân vật như Secret War hay The Avengers, mỗi trang truyện Watchmen được chia thành 9 phần bằng nhau với bố cục cắt 3x3 rất đối xứng và liền mạch. Phong cách sử dụng bố cục ô truyện của Watchmen vừa nhấn mạnh chuyển động tĩnh của từng nhân vật vừa tạo cho ta cảm giác thực tế, rằng đây giống như những bức ảnh chiều dọc được chụp một cách cẩn thận rồi được xếp lại với nhau. Không chỉ vậy, phong cách sử dụng ô truyện của Watchmen còn làm ta liên tưởng thế giới trong Watchmen tựa như một nhà tù, mỗi ô truyện đều nằm giữa những chấn song vô hình và các nhân vật trong cả tác phẩm đều bị giam lỏng trong thế giới tràn đầy định kiến của loài người và bị ảnh hưởng nặng nề bởi chủ nghĩa tư bản. Nó còn tạo cho độc giả cảm giác hơi bó buộc, gò bó, một sự rằng buộc vô định khi thưởng thức tác phẩm, từ đó nâng cao sự tập trung vào từng ô truyện và thấu hiểu một cách sâu sắc những tầng lớp giàu ý nghĩa của tác phẩm qua những hành động, hình ảnh của từng nhân vật mà. Cách phân chia bố cục này giúp cho phù thủy comic Alan Moore có sự kiểm soát chặt chẽ đối với câu chuyện mà độc giả đang theo dõi, từ đó thể hiện câu chuyện ấy một cách đầy đủ, trọn vẹn và hoàn hảo nhất.
Đọc thêm:
Chính bởi nghệ thuật dàn cảnh và các phương pháp sử dụng hình ảnh đặc sắc trong Watchmen, một nghệ thuật và phương pháp đề cao và nhấn mạnh những giá trị riêng biệt của truyện tranh Hoa Kỳ-"Comic" mới khiến cho đầu truyện kinh điển này từng bị khẳng định là "Unfilmable"-"Không thể chuyển thể thành phim được. Có thể nói, Watchmen là một bộ tiểu thuyết đồ họa đặc sắc mang đậm màu sắc và cái chất riêng của làng truyện tranh nước Mỹ-comic. Đây là một tác phẩm nhấn mạnh những khía cạnh riêng biệt của truyện tranh, nó đề cao giá trị truyện tranh đến một mức tuyệt đối. Một điểm hay nữa trong Watchmen đó chính là nó được thiết kế hết sức tài tình để mỗi chúng ta có thể đọc lại đến 4 đến 5 lần trong tác phẩm, chúng ta có thể cầm tập truyện lên, đọc đi đọc lại nó mấy lần cũng không chán, và đôi khi xoay chiều lại, chúng ta cũng có thể thấy được những hình ảnh, ý nghĩa khác nhau. Điều này đã làm nên một phong cách vận dụng hình ảnh và một phong cách kể chuyện rất riêng, rất hấp dẫn, rất đặc sắc của Watchmen.
2./Sự liên kết, chuyển đổi và đối xứng xuyên suốt cả tác phẩm.
Sự liên kết-đối xứng trong Watchmen cũng được dựng nên cực kỳ đặc sắc. Nếu các bác để ý mỗi lần đọc Watchmen, ô truyện sẽ đi lên từ hình ảnh mở đầu sang một hình ảnh kế tiếp có liên tưởng chặt chẽ với hình ảnh ấy. Để dễ hình dung thì xin mời các bác xem hình ảnh dưới đây:
Có thể thấy Watchmen vận dụng cực tốt sự miêu tả thực tế, kỹ lưỡng trong từng ô truyện. Tựa như một chiếc máy quay phi điện ảnh, nét vẽ nhẹ nhàng mà tài hoa của họa sĩ Dave Gibbon khéo léo đi sâu vào hình ảnh của một sự vật-hiện tượng nào đó rồi đột ngột chuyển sang một hình ảnh nào khác với một sự tương đồng, giống nhau nhất định, rồi lại, trong một số trường hợp từ hình ảnh ấy nhanh chóng dàn ra toàn cảnh sự vật hay một bối cảnh nào đó trong truyện một cách uyển chuyển và nhịp nhàng. Một cách khác (cũng được dùng trong Multiversity #4: Pax Americana) chính là cận cảnh một hình ảnh nào đó rồi đặc tả chiếu sâu vào chính hình ảnh đó, rồi từ từ dãn ra, lùi xa ra và chuyển sang một hình ảnh khác với màu sắc tương đồng. Phong cách vận dụng này không chỉ tạo sự liên kết đầy đủ và chặt chẽ cho cả tác phẩm mà còn dễ dàng khiến độc giả nhận ra sự khác biệt giữa hai hình ảnh tương đồng ấy, từ đó tạo ra tiền đề cho sự biến đổi và hành trình tâm lý của nhân vật cùng với đó là diễn tả bối cảnh của xã hội Mỹ thời bấy giờ. Phong cách này còn khuyến khích độc giả thưởng thức và đọc tác phẩm một cách hết sức kỹ lưỡng. Sự thiết kế khiến cho độc giả nhiều lần còn được thể hiện ở việc Gibbons luôn cài cắm những chi tiết ẩn và bắt mắt vào, từ những hình tròn, những chiếc đồng hồ, những bộ sách,... giúp làm cho thế giới trong Watchmen đầy đặn và tuyệt vời hơn trong lòng người đọc. Thậm chí, đến cả tác giả Alan Moore còn phải đọc đến 6-7 lần mới nhìn thấy những chiếc đồng hồ được ẩn giấu kỹ lưỡng xuyên suốt tác phẩm.
Dưới đây là một số những trang truyện với sự tả thực trong Watchmen mà tôi vừa nêu trên. Xin được phép phân tích chúng.
Để nói về sự đỉnh cao khi vận dụng sự chuyển đổi, liên kết và đối xứng phải nói đến một trong những tập truyện mà cá nhân người viết thích nhất trong cả tác phẩm: Watchmen #5. Trong cả tập truyện dài 28 trang này, bộ đôi tác giả đã thể hiện sự kiểm soát tuyệt đối đến với tác phẩm của mình khi dàn trải sự đối xứng một cách hoàn hảo giữa những hình ảnh của bộ truyện trong các trang đối xứng nhau như trang #1 với trang #28, trang #2 với trang #27, ... đến hai trang giữa #14 và #15.
Đây chính là hai trang truyện thể hiện rõ sự đối xứng trong bố cục. Trong cả hai trang truyện này, chúng đều có những ô truyện mở đầu là những cảnh dàn trải với những ô mở đầu là sự hợp nhất của ba ô thông thường. Ở ô mở đầu của trang #4, là cảnh quay gương mặt của cựu ác nhân Moloch và gương mặt của Rorchach đằng sau lưng. Ở ô mở đầu tiếp theo của trang #25, là cảnh lực lượng đông đảo cảnh sát thành phố New York dàn trận bao vây Rorschach tại tư dinh của nhà Moloch.
Về nhân vật, chúng ta thấy cả hai cảnh này đều có chung một nhân vật là Rorschach nhưng với hai tình thế đối lập nhau. Ở trang #4, chúng ta thấy một Rorschach với bộ đồ lịch lãm, bảnh bao ung dung bước vào nhà Moloch, đe dọa, kiểm soát và kiểm tra nhà hắn, một tên cựu ác nhân. Thế nhưng Ở trang #25, chúng ta thấy chính anh, trông thật nhỏ bé và thảm hại, nằm giữa sự vây bắt của những cảnh sát.
Về đối tượng, hay chủ thể tương tác với Rorschach cũng rất khác biệt. Ở ô mở đầu trang #4, chúng ta thấy anh tương tác với một cựu ác nhân già yếu, một cựu ác nhân chấp nhận số phận nghiệt ngã của số phận khi bị ung thư. Cái hay của Alan Moore là trong trang truyện này, ông đã cho chúng ta thấy gương mặt buông xuôi của hắn khi chấp nhận bị ung thư, vừa làm nổi bật sự tuyệt vọng nơi hắn cũng vừa nhấn mạnh "sức mạnh" vô địch của Rorschach trước những ác nhân, nhưng thật mỉa mai khi chúng lại không đáng làm ác nhân đối với một người khỏe mạnh như anh. Chúng ta thấy anh hoàn toàn nắm thế chủ động ở trong trang này. Nhưng ở trang #25, chúng ta thấy một tình thế hoàn toàn đối lập. Rorschach dường như không còn cao lớn, mạnh mẽ và "hoàn hảo" như trước nữa, mà thay vào đó, trông anh nhỏ bé đến kỳ lạ. Đối tượng mà anh tương tác là một nhóm cảnh sát với những đồ đạc, trang bị đầy đủ đến tận răng và được đào tạo cẩn thận đang chuẩn bị tấn công anh. Và lần này, anh ở thế bị động. Hiển nhiên, việc tạo dựng hình ảnh nhân vật như thế này tạo cho độc giả về một sự sụp đổ hình tượng, từ một siêu anh hùng đường phố Rorschach kiên quyết, mạnh mẽ với bộ suit bảnh bao đến một Walter Kovacs nhỏ thó, bị đánh đập một cách thảm hại, không thương tiếc như một con chó dại bởi cảnh sát cơ động. Sự đối lập giữa một hình tượng được thể hiện một cách không quá tôn sùng nhưng vẫn in đậm trong suy nghĩ độc giả về một siêu anh hùng mạnh mẽ và một kẻ nghèo khó, nhỏ thó ( chỉ cao 1m65 ) đến mức phải đi cái giày độn thực sự tạo một ấn tượng mạnh mẽ và khiến cho với người viết, đây là một trong những tập truyện hay nhất trong cả tác phẩm. Và khi những trang cuối của bộ truyện kết thúc với câu nói "Mọi thứ đều cân bằng", chúng ta không thể nào không quên được đôi chân của Rorschach, một bàn chân đeo đôi giày độn đen bóng đẹp đẽ, thật lịch thiệp, cao quý còn bàn chân còn lại thì mất đi vẻ ngoài giả tạo đó, để lộ ra cái tất rách, cái nghèo khó, thảm hại muốn che giấu. Điều đó đã lộ ra bản chất của anh , và Alan Moore thực sự đã phá hủy toàn bộ hình tượng, à không, ''suy nghĩ, niềm tin '' của độc giả về một hình mẫu anh hùng bất khuất bá đạo không thể bị đánh bại Rorschach trong tập truyện này.
Tất nhiên, không chỉ như vậy, sự đối xứng trong Watchmen #5 còn được thể hiện qua hai trang giữa của cả tác phẩm.
Một trong những sự đối xứng nữa khiến tôi cũng rất thích đó chính là những trang mở đầu trong tập 8 của Watchmen-một tập truyện với một nhân vật tuy là phụ nhưng rất hay và đáng nhớ là Hollis Mason-Nite Owl đời đầu
Trong trang truyện này, mở đầu với hình ảnh bức tượng của nhân vật Nite Owl đời đầu, một bức tượng đồng đơn giản. Đó chính là một huy chương, một bức tượng đầy danh giá, một giải thưởng đầy vinh quang cho cuộc đời chiến đấu chống lại tội phạm của nhân vật Nite Owl đời đầu-Hollis Mason. Đối lập với nó là lọ nước hoa sang chảnh của nhân vật Silk Spectre đệ nhất-Sally Jupiter. Tác phẩm chuyển đổi một cách liền kề giữa những ô truyện về Nite Owl và Silk Spectre, những cựu siêu anh hùng đã hoạt động từ năm 1940. Cả hai hình ảnh này đều thể hiện với những tông màu khác biệt: Hollis Mason với màu sắc vàng-cam đồng , nâu đậm với Sally Jupiter với màu sắc vàng nhạt, tím hường đầy khả ái. Việc vận dụng những ô truyện này được sắp xếp cạnh nhau đã thể hiện rất rõ cuộc đời của hai người hùng của tác phẩm.
Cuộc đời của họ, những gì họ để lại thật khác biệt. Với Hollis Mason, ông sống một cuộc đời giản dị, ấm cúng có phần nghèo đói, cô độc chỉ có chú chó già và một người hùng kế nhiệm Dan Dreiberg thỉnh thoảng đến thăm. Với Sally Spectre, bà dần dần chết mòn trong căn nhà nghỉ dưỡng giàu có ở California đến mức bị Rorschach gọi là "mụ già phì nộn chết dần", chỉ có một người con gái đến thăm, thậm chí bà còn vui mừng, hạnh phúc khi có một kẻ gửi một bộ truyện hentai tục tĩa đến lố bịch.
Cả hai siêu anh hùng trên đều có sự khác nhau về điều kiện sống, nhưng cũng giống nhau về những gì mà xã hội đối xử với bọn họ. Giữa một cuộc đời nghèo đói và một cuộc đời giàu có, cả hai con người đã đấu tranh, cống hiến cho xã hội Mỹ, cả hai con người đều sống trong cái mốt siêu anh hùng của những năm 40s giờ đều đang sống trong sự cô độc, bị khinh thường một cách đau đớn bởi chính xã hội từng được họ bảo vệ, bởi chính xã hội từng thần tượng họ như những người anh hùng đích thực của giấc mơ Mỹ. Một điều tinh tế trong những ô truyện về vị cựu anh hùng Hollis Mason đó chính là nó có màu kim loại, màu của chiếc tượng nhỏ bằng đồng mà ông từng được thưởng và màu cam-vàng, một màu rất gần với màu đỏ sắc của những giọt máu ( như gương mặt của The Comedian khi đang nói chuyện với The Moloch ). Điều này vô hình chung giúp ta dự đoán trước cho kết cục máu me, tựa như một vở bi hài kịch của nhân vật này của cuối tập truyện.
3./Cốt Truyện Của Watchmen Và Yếu Tố Kể Chuyện.
Thực sự mà nói thì với tôi, Watchmen không có một câu chuyện quá đặc biệt hay phức tạp, hại não. Cốt truyện cùng nhân vật phản diện của nó, không quá khó để đoán ra là ai nếu như động não tý và có đầu óc trinh thám. Nhưng thứ quyến rũ tôi đối với tác phẩm chính là sự tuyệt vọng mà nó tạo ra và bồi đắp ở cuối mỗi tập truyện. Với tôi mà nói, đây cũng là một trong những nghệ thuật hay nhất của Watchmen. Với sự kiểm soát tuyệt đối dành cho tác phẩm của mình, Alan Moore đã khéo léo bổ sung những tình thế đen tối, bạo lực và mang tính hỗn mang vào cuối mỗi tác phẩm, như để nhắc nhở rằng thế giới trong Watchmen ngày càng chạm mốc 12 giờ, ngày càng cận kề cái chết và sự hủy diệt, được thể hiện qua chiếc đồng hồ Doomsday Clock mà chúng ta nhìn thấy ở cuối mỗi tác phẩm. Đồng thời, trong suốt cả tác phẩm, Alan Moore liên tục cài cắm vào những chi tiết ngầm, những tình huống trớ trêu, bi hài kịch, những tình huống mà mỗi chúng ta khi nhìn vào chỉ biết "dở khóc dở cười".
Thế nhưng, thứ thực sự khiến tôi thích nhất khi đọc Watchmen, một cuốn tiểu thuyết đồ họa được thiết lập để đọc lại biết bao lần để hiểu thấu được những gì nó truyền tải chính là cách nó truyền tải câu chuyện, chính là phong cách kể chuyện của nó. Trong Watchmen, khi bạn cầm nó lên và đọc nó, bạn sẽ nhận ra nó hấp dẫn qua cách tác giả và họa sĩ kể câu chuyện đó và cách bạn đón nhận nó, không quan tâm những yếu tố về câu chuyện bên trong nó. Cốt truyện của Watchmen, với tôi mà nói, mang nhiều ý nghĩa kể chuyện và thấu hiểu giá trị hơn là câu chuyện bên trong.
Vậy, chúng ta có gì ở yếu tố kể chuyện của Watchmen? Đầu tiên, nó mang đầy ý nghĩa ẩn dụ cũng như đầy rẫy các chi tiết được cài cắm khắp truyện. Thứ hai, nó đan xen giữa hiện tại, quá khứ và tương lai. Điều này đã được thể hiện ra một cách đầy khéo léo, giữa những suy nghĩ của nhân vật, những cách nhìn và nhận thức của từng nhân vật, những buổi phỏng vấn, tra khảo tâm lý, những cuộc đối thoại giữa những nhân vật. Một điểm thú vị nữa là trong Watchmen, Alan Moore sử dụng rất nhiều những câu thoại chơi chữ, vừa tăng chiều sâu cho tác phẩm, vừa ép độc giả phải thấu hiểu những chi tiết và đặc biệt là tăng sự thu hút đến với độc giả trong những cuộc đối thoại.
Một điểm hay nữa về yếu tố kể chuyện của Watchmen đó chính là nó đan xen đồng đều giữa những tập truyện về nguồn gốc của nhân vật với những gì đang xảy ra trong cốt truyện, từ đó giúp Alan Moore tiếp tục khai thác chiều sâu nhân vật mà vẫn đảm bảo được những gì xảy ra trong cốt truyện. Điều này được thể hiện qua những tập truyện #2 , #4, #6, #7, #9, # 10. Ở tập #2, ta được chứng kiến The Comedian. Ở tập #4, ta được chứng kiến Dr Manhattan. Ở tập #7, ta được chứng kiến về The Nite Owl Dan Dreiberg. Ở tập #9, ta được chứng kiến về The Silk Spectre Laurie Juspeczyk. Ở tập #10, ta được chứng kiến về Ozymandias Adrian Veidt. Hình thức truyện được bố cục chen lẫn nhau, đồng thời cách kể chuyện vẫn rất sáng tạo và độc đáo. Với tập #2, Alan Moore vẫn dùng phương pháp thông thường là hồi tưởng nhưng là về nhiều nhân vật khác nhau, tựa như mảnh ghép trong một bức tranh, từ đó hoàn thiện bức tranh tổng thể về The Comedian. Ở tập #4, Watchmen lại cho ta thấy những cảnh hồi tưởng đan xen của Dr Manhattan đồng thời thể hiện cách nhận thức về thế giới của ông. Ở tập #6, một tập truyện với sự lột xác khi vẫn đan xen những cảnh hồi tưởng nhưng được thể hiện qua những lời kể trong một buổi phỏng vấn - tra khảo của bác sĩ tâm lý Malcom Long. Ở tập #7 chúng ta lại xoay quay hai nhân vật Dan-Laurie và cái cách mà họ tương tác với nhau để rồi từ đó hoàn thiện nhân vật Nite Owl. Ở tập #9, vẫn là hình thức đối thoại và hồi tưởng giữa Dr Manhattan và Silk Spectre nhưng lần này lại là một sự đổi mới với góc nhìn của Dr Manhattan về giá trị của sự sống. Cuối cùng, về Ozymandias, khi nói về nguồn gốc của gã này, Alan Moore cho hắn luôn một cuộc độc thoại với các nhân viên ( đã chết vì bị chơi uống thuốc độc ), từ đó giúp ta hình dung ra bản chất vĩ đại của hắn, nhưng thật đáng tiếc là tập truyện này lồng ghép khá nhiều phần cốt truyện và Ozymandias cũng ít được xuất hiện và cho thấy những suy nghĩ của mình như Dan, Laurie hay Rorschach và Dr Manhattan. Nhưng đây là Alan Moore, và còn khuya ông mới cho nhân vật này ít đất diễn đến vậy. Bản thân Watchmen chính là một cuốn tạp chí, nhiều người đã tuyên bố như vậy và bản thân gã Jophanro này đồng ý vì cuốn tạp chí này được xây dựng với rất nhiều chi tiết, ẩn dụ tầng lớp và có nguyên cả một cuốn truyện tranh ( comic ) bên trong nó. Đúng vậy, các bác không nghe nhầm đâu. Trong Watchmen, có một ẩn dụ về một nhân vật đã được thể hiện qua cuốn truyện tranh The Tale of Black Freighter. Đây là một tập truyện rất hay , một ẩn dụ tuyệt vời cho hành trình biến đổi tâm lý của The Ozymandias, và thật đáng tiếc cho gã Jophanro này vì không khai thác nó ở những bài viết trước.
Một điểm thú vị là cuốn Tales of The Black Freighter này cũng đã thực sự tồn tại trong thế giới Watchmen và được thể hiện qua cậu bé da màu Bennie. Và với nhân vật này, Jophanro này xin phép giới thiệu các bác đến nghệ thuật tiếp theo của Watchmen: Xây dựng thế giới
II./Phong cách xây dựng thế giới giả tưởng đỉnh cao của bộ đôi Alan Moore và Dave Gibbon.
1./Tương lai giả tưởng mà Alan Moore-Dave Gibbon tạo ra.
Watchmen là một thế giới được xây dựng rất đầy đặn, gãy gọn và chỉnh chu để rồi bị hủy diệt trong ngày tận thế, đó là điều tôi sẽ nhận xét đầu tiên về thế giới của Watchmen. Thực sự mà nói, thế giới trong Watchmen được xây dựng rất chặt chẽ, cân đối và hoàn thiện. Nhiều tầng lịch sử của thế kỷ 20, năm sinh, năm mất, cuộc đời, quá khứ cũng như ý nghĩa của từng nhân vật được đan xen mượt mà với nhau một cách rất đa dạng, từ câu thoại, suy nghĩ, trường đoạn đến những mảnh hồi tưởng được rải rác xuyên suốt cả tác phẩm để tạo thành thế giới Watchmen đầy chiều sâu.
Không chỉ như vậy, chúng ta còn có thể nhận ra từ việc xây dựng thế giới, Alan Moore đã không ít lần mỉa mai nước Mỹ và thế giới nhân loại. Lấy một ví dụ điển hình là về người Mỹ thắng trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam nhờ có sức mạnh của Dr Manhattan. Nếu nhìn sơ qua, ta sẽ tưởng đây là một chi tiết tôn sùng nước Mỹ, nhưng không, Alan Moore đã tạo ra một châm biếm rất sâu cay về người Mỹ, rằng họ chỉ có thể thắng trong Chiến Tranh Việt Nam nếu như Chúa có tồn tại và ông ấy là người Mỹ.
Không chỉ hoàn thiện về lịch sử và các sự kiện xảy ra, Watchmen còn ghi điểm trong mắt độc giả khi xây dựng được những bối cảnh, sự kiện không quá thừa thãi, thiếu sót nhằm giúp hoàn thiện và thể hiện câu chuyện trong Watchmen một cách hoàn hảo nhất.
2./Tài liệu cuối tác phẩm.
Để hoàn thiện thêm trong thế giới trong Watchmen, không thể không nhắc đến những tư liệu cuối tác phẩm được. Chúng là những tư liệu cực kỳ phong phú và sâu sắc, từ những bài báo, bài phỏng vấn, hồi ký giả tưởng, nghiên cứu khoa học , ... Những yếu tố này đã góp phần quan trọng làm nên thế giới có chiều sâu lớn trong Watchmen và giúp đỡ độc giả trong việc giao tiếp, hiểu rõ và thấm sâu vào thế giới đó.
3./Yếu tố con người---Sự xây dựng xã hội loài người trong Watchmen.
Trong số những con người làm nền cho thế giới trong Watchmen, có lẽ nổi bật nhất chính là ba nhân vật: Ông già bán báo Bennard, cậu bé coi cọp Bennie và người tiến sĩ tâm lý học Malcom Long. Điểm thú vị ở cả ba nhân vật này là họ đều có những định kiến, phán xét nhất định về thế giới siêu anh hùng. Bennard ngưỡng mộ và kính nể Ozymandias, tin tưởng và Rorschach nhưng hết sức khinh bỉ Dr Manhattan, một người mà ông không ngớt lời chế giễu, thậm chí còn tuyên bố "Đồng tính như tờ ba đô", Bennie thì liên tục đọc đi đọc lại một cuốn truyện về một tay cướp biển có ẩn dụ liên quan đến hành trình biến đổi tâm lý của Ozymandias, Malcom thì lại phỏng vấn và bị ám ảnh bởi Rorschach. Hơn thế nữa, cả ba đều không có thứ gọi là tình yêu. Long có người vợ Gloria mà ông vô tình bỏ quên vì sự ám ảnh với Rorschach. Bennie thì hiếm khi thấy mẹ và chị gái, và dường như cha cậu bé chưa bao giờ được nhắc tới. Bennard mất đi người vợ và không có con. Điều đó, vô hình chung giúp chúng ta nhận ra rằng nếu những nhân vật này là hình ảnh phản chiếu của chính những xã hội nhân loại, thì từ đó, chúng ta có thể thấy họ thiếu đi tình thương ra sao. Không chỉ như vậy, một chi tiết ẩn dụ rất sâu cay đó chính là ngay trước khi con mực của Ozymandias nổ tung, chúng ta đã thấy một cặp đôi đồng tính nữ đánh nhau, một chi tiết rất tinh tế mà theo ý kiến cá nhân tôi, thể hiện bản tính bạo lực của con người cũng như sự thiếu vắng tình yêu và sự thấu hiểu trong Watchmen.
Những nhân vật trên, từ theo ý kiến cá nhân Jophanro đều có một ấn tượng nhất định. Họ đều là những con người bình thường, có phán xét, có định kiến, có suy nghĩ về thế giới lụi tàn cùng chủ nghĩa anh hùng của Watchmen tuy có xấu xa nhưng thực sự bên trong vẫn là một con người lương thiện với tấm lòng nhân ái. Đó, có lẽ là một mặt phản chiếu xã hội tinh tế với nhiều chi tiết ẩn dụ mà Alan Moore cùng đội ngũ phối hợp đã dày công xây dựng.
III.Một số yếu tố khác.
1./Nét vẽ-màu sắc.Nét vẽ của Watchmen sử dụng những nét vẽ chì màu để tạo độ sâu cũng như khắc họa những nhân vật trong truyện. Màu sắc trong những trang truyện của Watchmen cũng chú ý sử dụng những phông nền đen đặc hay xanh da trời với những màu sặc sỡ như đỏ, vàng, cam làm điểm nhấn rồi đột ngột chuyển sang màu vàng, đỏ, tím bao quát toàn bộ phông nền để gia tăng sự căng thẳng đến với người đọc. Tuy vậy, một điểm đáng chú ý trong Watchmen đó chính là nó không hề sử dụng những nét vẽ nặng nề. Thực sự mà nói, nét vẽ của họa sĩ Dave Gibbon, được phối hợp nhịp nhàng với những gam màu nghệ sĩ tô màu John Higgin đã đem lại một sắc thái vừa căng thẳng mà cũng vừa dịu nhẹ, giúp cho độc giả giảm tải đáng kể cả đống tình tiết căng như dây đàn mà vẫn có sự lôi cuốn, hấp dẫn hướng tới độc giả tới những tình tiết tiếp theo.2./Tạo hình nhân vật.
Thứ đầu tiên tôi phải khen ở Dave Gibbon: Lạy Kirby, cảm ơn vì đã thu nhỏ dương vật của Manhattan lại. Chứ nếu không thì chắc nó sẽ ám ảnh tôi mất. Việc "thu nhỏ" lại dương vật của Dr Manhattan thực sự là một quyết định sáng suốt, vì nhờ nó mà tôi có thể để ý đến mấy thứ lành mạnh hơn và sâu sắc hơn.Về mặt cơ bản, tạo hình nhân vật Watchmen dựa theo khá nhiều nhân vật trong Chartol Comic, nhưng đã được biến tấu đi để phù hợp với nội dung và ý nghĩa câu chuyện được kể cũng như giúp DC hái ra tiền từ đám nhân vật này. Dù sao thì, tôi khá ấn tượng với tạo hình trong Watchmen bởi chất đen tối và mang hướng thực tế trần trụi.
IV./Lời bạt.
Watchmen là một trong những tác phẩm mà cá nhân tôi thích nhất, bản thân tôi chắc chắn sẽ đọc lại nó nhiều lần trong tương lai. Tính đến nay tôi đã có ba bài viết phân tích về nó nhưng có lẽ gã Jophanro nghiệp dư mới chỉ chạm đến bề mặt của nó mà thôi . Một điểm nữa mà tôi muốn nói chính là các bác nên đọc đầu truyện này, và mỗi khi đọc xong, các bác sẽ có một bức tranh riêng cho mình để hoàn thiện mảnh ghép về những thế giới trong Watchmen.PEACE!
P/S: Bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn và các trang truyện được lấy từ công sức của các dịch giả. Gã Jophanro này xin chân thành cảm ơn các admin của DCVN và Comvel cùng những dịch giả của cộng đồng comic-Vn đã đồng ý cho sử dụng những trang truyện được dịch.
Comics
/comics
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất