Chủ nghĩa hư vô và trò đùa của Joker
[Cảnh báo: bài viết rất dài] Xin chào, lại là tôi - Samurice. Nếu ai để ý sẽ thấy dạo gần đây tôi không viết nhiều nữa. Lý do là...
[Cảnh báo: bài viết rất dài]
Xin chào, lại là tôi - Samurice. Nếu ai để ý sẽ thấy dạo gần đây tôi không viết nhiều nữa. Lý do là vì tôi vừa chuyển công việc sang chỗ mới và đang chưa cân bằng được thời gian cho cá nhân. Lý do khác là vì tôi không là tôi nữa nên những content về comic hay Dota thực sự không tuôn trào như trước nữa. Nhưng mặt khác, tôi lại đắm mình vào những thứ khác như bản chất xã hội, cán cân hỗn loạn - trật tự và chủ nghĩa hư vô. Tình cờ thay, tôi nhận ra 1 liên hệ khá thú vị giữa Comic, tương quan hỗn loạn - trật tự và chủ nghĩa hư vô và xã hội chúng ta đang sống hiện nay. Và đây là một bài viết chia sẻ về sợi dây kết nối đó.
1. Chủ nghĩa hư vô là gì?
Để giải thích khái niệm này cho các bạn thì có lẽ tôi không còn ngồi đây nữa mà đang giảng dạy ở Đại Học nào đó bên kia biên giới rồi. Tuy nhiên, những gì tôi và bạn cần biết chỉ đơn giản là:
- Chủ nghĩa hư vô hay còn có cái tên đẹp đẽ hơn - Nihilism, đại diện cho một lối sống, tư duy, biện chứng phủ nhận thứ gọi là "mục đích sống".
- Chủ nghĩa hư vô tồn tại dưới nhiều dạng nhưng chủ yếu nhất bao gồm 4 trạng thái:
+ Chủ nghĩa hư vô hiện hữu: Cho rằng cuộc sống không có giá trị nhất định, không có mục đích và ý nghĩa.
+ Chủ nghĩa hư vô đạo đức: Cho rằng đạo đức là thứ không tồn tại và không có giá trị trường tồn.
+ Chủ nghĩa hư vô luận thức: (Cái này tôi cũng ko hiểu nó là gì nên tạm để cái caption này cho anh em hiểu là tôi không hiểu)
+ Chủ nghĩa hư vô siêu hình: (như trên, tôi chịu).
Mặc dù có hình dáng vô cùng tiêu cực nhưng thực chất chủ nghĩa hư vô lại rất trung tính nếu ta hiểu được phần nào. Hãy nhìn vào thực tế của vạn vật và chúng ta sẽ thấy được góc nhìn của chủ nghĩa hư vô.
Chúng ta sống trong một vũ trụ siêu rộng lớn, từ bên này sang bên kia của vũ trụ nhìn thấy được ta cần 90 tỉ năm ánh sáng. Trong khoảng không rộng lớn ấy là hàng triệu các thiên hà khác nhau. Và trong số những thiên hà nhỏ bé nhất là Milkyway - thiên hà chúng ta đang sinh sống. Và trong mẩu không gian tí hon này là hàng tỉ ngôi sao khác nhau với hàng tỉ các hệ mặt trời khác nhau. Chúng ta, may mắn thay lại sống trong một hệ mặt trời có khả năng hỗ trợ sự sống và số hệ mặt trời có khả năng này là khá nhiều.
Vũ trụ đã tồn tại từ cách đây hơn 13 ngàn triệu năm. Cách đây vài chục ngàn triệu năm, Trái Đất mới tồn tại. Cách đây vài trăm triệu năm sinh vật đầu tiên mới sinh ra. Và sau đó vài trăm triệu năm nữa loài người đầu tiên mới xuất hiện. Và rồi đến vài triệu năm trở lại đây khủng long mới tuyệt chủng. Cho đến khi loài người khám phá ra sự tồn tại của xã hội thì chúng ta đã tốn mất vài thiên niên kỉ chỉ để hái lượm và đánh nhau. Cách đây vài thế kỉ chúng ta vẫn tin rằng Trái Đất phẳng và chúng ta là trung tâm của vũ trụ. Và gần đây chúng ta mới nhận ra loài người có thể bay được với sự trợ giúp của cơ khí và động lực. Cách đây vài chục năm chúng ta vẫn chưa biết được ngoài vũ trụ có những gì. Và chỉ mới gần đây những sinh vật thượng đẳng này mới tìm ra được cách để liên lạc với nhau sử dụng Internet. Và tương lai thì sao? Chúng ta còn chưa kịp tưởng tượng đến cách chinh phục đáy sâu nhất trên hành tinh này và công nghệ vẫn đang phát triển. Trong khi đó tuổi trung bình của một người bình thường vẫn chỉ đang đạt mốc 80 tuổi. Chúng ta có còn ở đây khi mặt trời nở rộng ra không? Chúng ta có còn ở đây khi Trái Đất chỉ còn là bụi không gian? Câu trả lời là không ai biết cả. Chúng ta quá nhỏ bé so với vũ trụ bao la này. Nếu nói về thời gian tồn tại, nếu vũ trụ là 1 tiếng đồng hồ thì chúng ta mới chỉ chưa đầy 1 giây. Chúng ta là cái gì so với vạn vật xung quanh?
Chúng ta, những sinh vật thông minh trên hành tinh nhỏ bé này, thực chất chỉ là những hạt bụi trong thế giới này. Cái duy nhất khiến chúng ta có ý nghĩa hơn so với những thứ khác nằm ở cái "con người". Thứ này cho chúng ta sự tự do về tinh thần và một chút về thể chất. Chúng ta được tự do suy nghĩ, cảm nhận, tính toán, tưởng tượng và sáng tạo, đây là thứ khiến chúng ta đặc biệt. Tuy nhiên, từ đó mà chúng ta sinh ra những khái niệm vô thực mà chưa ai từng chạm tới như Thiên Đường, Chúa Trời và những thứ tương tự thuộc về tôn giáo. Từ đó chúng ta có đức tin, có niềm hi vọng và phần nào cải tạo "bản ngã" của chúng ta. Chúng ta không phải những con thú chỉ biết ăn và ngủ qua ngày chờ cái chết đến, chúng ta có đạo đức. Đạo đức mách bảo những thứ như việc giết người là không tốt, ăn thịt người là không đúng và tất nhiên việc bĩnh ra giữa chốn công cộng là không được. Nhưng thực sự thì chúng ta có biết thế nào là đúng thế nào là sai không?
Trong cuốn: "Being and nothingness" , tác giả Jean Paul Sartre có viết:
- "All the barrier, all the guard rails collapse, nihilated by the consciousness of my freedom. I do not have nor can i have course to any value... I have to realize the meaning of the world and my essence; I make my decision without concerning them - without justification and without excuses"
Tạm dịch: Mọi rào cản, mọi lá chắn đều sẽ đổ xuống và bị hủy diệt bởi ý thức về sự tự do của tôi. Tôi không có và sẽ không bao giờ có liên hệ với bất cứ giá trị nào. Tôi phải tự tìm ra ý nghĩa của thế giới và bản ngã của tôi; và tôi phải tạo ra các quyết định mà không được liên hệ với chúng - không cần lý do và không có ngụy biện.
Theo tôi hiểu thì Jean muốn nói rằng trong thực tại này không có gì là tồn tại. Tất cả đều dựa trên tương phản giữa chính mình và thế giới xung quanh. Nếu ta thấy điều gì tốt thì nó là tốt, nếu ta thấy nó tệ thì nó sẽ tệ. Không có giá trị nhất định cho một sự vật/sự việc. Vì chúng ta có ý thức tự do, chúng ta không bị ràng buộc bởi bất cứ đạo luật hoặc quy luật vô hình nào hết. Chúng ta tự tạo ra ý nghĩa cho thế giới xung quanh và ý nghĩa cho chính mình.
Điều này cũng tương tự với việc không có giá trị xấu hoặc tốt chứng nào có sự tự do ý thức. Nếu ta đặt một người vào vị trí tự do hoàn toàn, nghĩa là anh ta có quyền có được mọi thứ anh ta muốn. Một sự tự do tuyệt đối, không bị cản bởi đạo đức, xã hội hoặc các khái niệm về tồn tại. Anh ta sẽ là người tốt hay người điên? Điều gì sẽ ngăn anh ta lại khi ăn thịt người là quyết định của anh ta? Và ai sẽ ngăn anh ta lại khi điều khiển loài người là quyết định cuối cùng? Anh ta có tự do tuyệt đối và không rào cản nào ngăn được. Anh ta sẽ phải tự tạo ra ý nghĩa cho mình, trở thành một kẻ ăn thịt người hoặc một kẻ độc tài, cho dù có là gì anh ta vẫn cần phải tạo ra "ý nghĩa đó".
Điều này có thể được liên hệ với Jean Baudrilard trong cuốn: "Transparency of evil". Trong đây ông có viết:
- "All liberation affects good and evil equally. The liberation of morals and minds entails crimes and catastrophes. The liberation of law and pleasure leads inevitably to the leberation of crime."
Tạm dịch: Mọi sự giải phóng đều tác động đến cả 2 mặt tốt và xấu. Sự giải phóng khỏi đạo đức tạo ra tội ác và thảm họa. Sự giải phóng khỏi luật lệ và sự hài lòng dẫn đến sự giải phóng khỏi tội ác."
Theo tôi hiểu thì cái ác không thực sự là sự thiếu vắng của cái tốt. Cái ác cũng không phải là ngược lại của cái tốt. Thay đổi góc nhìn và dùng thấu kính của chủ nghĩa hư vô thì cái tốt thực chất là sự tuân thủ theo đạo đức và những khái niệm tích cực chúng ta tự đặt ra cho mình. Cái ác thực chất chỉ là sự giải phóng khỏi đạo đức và đem bản thân đến một vị trí gần với bản ngã hơn.
Bởi lẽ về cơ bản chúng ta không ăn thịt người không phải vì thịt người không ăn được mà vì điều đó không đúng với đạo đức. Nếu trở về thời xa xưa, khi chúng ta vẫn còn ở trong hang đá và sống bằng cách săn bắt hái lượm, việc ăn thịt người có bị coi là xấu không?
Tiểu kết: Với chủ nghĩa hư vô, không có khái niệm tốt, xấu, chỉ có bản ngã và sự tự do.
2. Cán cân hỗn loạn - trật tự:
Trật tự - Order và Hỗn loạn - Chaos là 2 khái niệm luôn đính kèm nhau và không bao giờ tách rời. Lý do nằm ở sự tự do và tương quan tốt - xấu như vừa nói ở trên.
Trong :"Những người khốn khổ", chúng ta có nhân vật Jean val Jean, một kẻ nghèo đói với những đứa con còn đói hơn. Anh ta đã chấp nhận phạm luật để cứu đói những đứa con của mình khi ăn cắp bánh mì từ cửa tiệm. Câu hỏi đưa ra là: Ai là kẻ xấu?
Jean có xấu không? Anh ta chỉ muốn cứu con mình, anh ta chỉ muốn bảo vệ ruột thịt của mình. Anh ta không có lựa chọn nào khác và đó là cách duy nhất.
Cảnh sát có xấu không? Họ chỉ làm việc của mình, thực hiện nghĩa vụ bảo vệ trật tự và đảm bảo đồng lương của mình. Đồng lương đó giúp những đứa con họ của không bị đói. Đó là cách duy nhất họ có thể làm.
Chủ cửa hàng có xấu không? Anh ta phải bán bánh mì để kiếm tiền nuôi con, để chúng không bị đói.
Người đặt ra luật lệ có xấu không? Họ cần phải làm thế để đảm bảo rằng những người có công sức đóng góp cho xã hội có phần của mình, được đảm bảo cái ăn cái mặc và không bị đói.
Vậy ai là kẻ xấu?
Điều Jean đã làm là giải phóng chính mình khỏi đạo đức và luật pháp để tăng sự ổn định cho những đứa con của mình. Tuy nhiên điều đó cũng là 1 hành động tạo ra sự hỗn loạn. Và như đã nói ở trên, mọi sự giải phóng để tác động đến cả 2 mặt của vấn đề. Câu trả lời cho câu hỏi trên thực chất rất đơn giản: "Không ai là kẻ xấu cả".
Bất cứ ai cũng là người hùng trong câu chuyện của mình, chúng ta đều tạo ra mục đích cho bản thân, ý nghĩa cho bản thân và tự mình tạo ra quyết định cho mình. Nếu phải chọn giữa đạo đức không ăn thịt người và cái chết vì cơn đói đang kéo đến, bất cứ ai trong chúng ta cũng sẽ chọn phương án cứu đói. Và đó chính là sự thật của chủ nghĩa hư vô, chúng ta không bị ràng buộc, chúng ta hoàn toàn tự do và được phép tạo ra ý nghĩa cho chính mình.
Mọi hành động ta tạo ra đều có tác động đồng đều lên cả 2 mặt: xấu và tốt. Việc đi làm bằng xe máy tốt cho ta vì đỡ tốn sức đi đường dài nhưng có hại cho môi trường vì khí thải. Ăn thịt có hại với động vật bị thịt nhưng tốt cho ta vì bổ sung chất dinh dưỡng... Chúng ta không thể ngăn cản được hậu quả xấu xảy ra, đây chính là hỗn loạn. Và bên cạnh đó ta cũng không thể để hậu quả xấu xảy ra liên tiếp, ta cần hệ thống luật lệ để ngăn cản những điều này tái diễn, đây là trật tự. Và vì thế tương quan Trật tự và Hỗn loạn sẽ mãi mãi đồng hành.
Ở xã hội chúng ta, điều này không hề xa lạ. Ngay vừa đây chúng ta có vụ mẹ dìm chết con sơ sinh và mạng xã hội chia sẻ hàng loạt câu chuyện về "trầm cảm sau khi sinh". Ai là kẻ xấu? Người mẹ đã dìm chết con hay là căn bệnh trầm cảm?
Cuộc chiến bàn phím xảy ra khi 1 bên ủng hộ việc người mẹ có tội và cần tuân theo pháp luật và vào tù vì tội giết người. Bên còn lại bảo vệ người mẹ và nói rằng đó là căn bệnh của phụ nữ và người mẹ không có tội lớn đến thế. Một bên ủng hộ Trật Tự, bên còn lại đại diện cho Hỗn Loạn. Tuy nhiên, với thấu kính của Chủ nghĩa hư vô, câu chuyện chỉ là người mẹ đã giải phóng mình khỏi đạo đức xã hội và làm 1 điều không tưởng. Sự giải phóng này kéo theo sự dâng lên của cả cái tốt lẫn cái xấu và kết quả là xã hội chia ra 2 phe đấu khẩu nhau.
3. Trò đùa của Joker:
Joker là một nhân vật phản diện được DC Comics phát hành từ những năm 50 đến nay và là một nhân vật vô cùng hấp dẫn. Đến nay chúng ta đã có hơn 20 phim lẻ có sự xuất hiện của hắn và tất nhiên trong mọi lần xuất hiện hắn đều hút hết sự chú ý của mọi người, đặc biệt là trong The Dark Knight dưới sự thủ vai của huyền thoại quá cố Heath Ledger.
Điều khiến Joker đặc biệt không nằm ở việc hắn xấu hay hắn độc ác hoặc có khả năng đặc biệt gì. Thứ khiến chúng ta bị cuốn vào nhân vật này nằm ở suy luận của hắn. Joker tin rằng về cơ bản, ai cũng như hắn, một chủ thể của hỗn loạn và chỉ cần một ngày cực kì tồi tệ xảy ra thì ai cũng sẽ biến thành một Joker.
Điều này hoàn toàn trái ngược với anh hùng của câu chuyện - Batman. Batman tin rằng bất cứ kẻ nào, dù có xấu xa đến mấy vẫn có phần tốt trong mình và cần một liều thuốc đặc biệt để trở thành người tốt ấy. Đó là lý do vì sao anh không bao giờ giết người và không bao giờ kết liễu tội phạm.
Tuy nhiên, trong The Dark Knight, chúng ta đã có một ví dụ cụ thể cho Chủ nghĩa hư vô và ý nghĩa của nó.
Harvey Dent, một người hùng của thành phố, một người có được sự tôn trọng và ủng hộ từ mọi mặt, trở thành vật thí nghiệm của Joker. Với quan điểm của mình, Joker cho rằng Harvey cũng chỉ là một kẻ điên nếu như phải trải qua một ngày cực kì tệ. Và kết quả là Harvey đã trở thành 2Face, một kẻ xấu.
Batman đánh bại được Joker nhưng chung cuộc Joker lại là người chiến thắng. Harvey Dent, một người tốt hoàn toàn trở thành một kẻ xấu sau một ngày cực kì tệ.
Trong phim này, Harvey cũng đã nhận ra sự hư vô của mình khi đi theo con đường của Joker
Harvey Dent: "The only morality in a cruel world is chance. Unbiased, unprejudiced, FAIR!"
Tạm dịch: "Đạo đức duy nhất trong thế giới tệ bạc này là cơ hội. Không thiên vị, không bị ảnh hưởng, CÔNG BẰNG!".
Chúng ta luôn coi Joker như một kẻ điên và phần nhiều bởi vì chúng ta không thực sự hiểu được nhân vật này. Nếu nghĩ kĩ hơn và nhìn Joker với Chủ nghĩa hư vô, chúng ta sẽ thấy một người nhìn thấy được sự mong manh của Đạo đức và sự thật là nó dễ vỡ đến thế nào. Joker có lý, và người có lý thì không thể điên, và có lẽ chúng ta cũng "điên" như Joker.
Sự thật là xã hội này luôn tồn tại sự bất công và cán cân Trật Tự - Hỗn loạn luôn tồn tại. Chúng ta không thể thoát khỏi nó dù chúng ta có đi theo đức tin nào, làm nhiều điều tốt đến mấy thì chúng ta vẫn sẽ phải gặp sự bất công. Và trong xã hội này, đạo đức là thứ duy nhất giữ chúng ta lại, không cho chúng ta làm những điều "được cho là độc ác". Nhưng đạo đức vô cùng mong manh và dường như không có ý nghĩa gì khi sự thật phũ phàng ập đến. Ai sẽ lôi đạo đức ra để cân nhắc khi đứa con bạn sinh ra và nuôi nấng nhiều năm bị kẻ khác băm thành từng mảnh? Bạn sẽ đem công lý ra để chiến đấu hay sẽ tìm bằng được kẻ đó và chặt hắn ra thành từng mảnh như cách hắn đã làm với con bạn?
Đạo đức xã hội là một trò đùa và sâu thẳm trong chúng ta luôn tồn tại một con quỷ. Cho dù chúng ta có hướng thiện đến mấy, tin tưởng với Đấng tối cao đến đâu, chúng ta vẫn là những kẻ điên, chủ thể của hỗn loạn chừng nào còn tồn tại khái niệm Đạo đức.
Bài viết dựa trên thông tin có được từ clip của Wise Crack
Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất