Năm 1991, có một người phụ nữ Châu Á đã được trao giải Nobel Hòa Bình vì cuộc đấu tranh của mình. Đấy là cuộc đấu tranh đã kéo dài từ năm 1988. Và bà sẽ không biết nó còn kéo dài cho tới 15 năm, nơi bà đã sống với nhà tù, bị quản thúc tại gia, và thậm chí quân đội còn không cho bà đến tang chồng.
Bà đã chiến đấu với quốc gia có nền quân sự độc tài ấy, với một niềm cảm hứng mãnh liệt từ chiến thắng của tổng thống Nam Phi Nelson Mandela trong cuộc chiến với chủ nghĩa apartheid.
Cuộc chiến đấu của bà là cuộc chiến đấu của một người phụ nữ trước một chế độ quân sự độc tài, để đem đến ánh sáng dân chủ cho quốc gia Đông Nam Á Myanmar.
Cuộc chiến đó cuối cùng được hái quả ngọt vào tháng 11 năm 2015, khi Đảng NLD của bà giành thắng lợi áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử.
Người phụ nữ ấy chính là Aung San Suu Kyi.
Nếu mọi thứ dừng ở đây, đó sẽ là câu chuyện cổ tích về một người đã sống và chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc đi đến hồi thắng lợi, đấy là câu chuyện truyền cảm hứng như Nelson Mandela thuở nào.
Nhưng không.
Đấy chỉ là sự khởi đầu của những nỗi đau, tranh cãi, u tối, sầu bi và tràn trề thất vọng.
Do có chồng và 2 con là quốc tịch Anh, bà không được làm tổng thống theo luật. Trong cơn say quyền lực, bà tuyên bố “Tôi đứng cao hơn tổng thống”. Và một chức vụ riêng được gọi là cố vấn đã được đặt ra giao cho bà.
Nhưng đó không phải là đỉnh cao của cái gọi là đổi thay.
26 năm sau ngày giành được giải Nobel Hòa Bình. Vẫn là người phụ nữ ấy, nhưng giờ đây không còn là bó hoa, cái ôm nồng thắm, mà lại là sảnh đường lạnh lẽo của tòa án.
Bà Aung San Suu Kyi đứng đó, trước Tòa án Công lý Quốc tế, trước các luật sư của những quốc gia khác, để giải thích về tội ác diệt chủng mà quân đội cũng như chính quyền của bà đã gây ra đối với người thiểu số Rohingya. Thảm sát, giết người, cưỡng hiếp hàng loạt, và một vụ tháo chạy của 650.000 người Rohingya qua quốc gia láng giềng Bangladesh là những gì được miêu tả 2 năm sau ngày bà Aung San Suu Kyi và Đảng của mình lên nắm quyền.
Một sự châm biếm của lịch sử đã được gọi tên ở khoảnh khắc đó.
Một người đã nói lên tiếng nói về độc tài và thảm sát. Giờ đây lại là nhân vật chính của thảm sát và độc tài. Những giải thưởng nhân quyền bà từng được trao giờ bị coi là nỗi xấu hổ.
Nhưng mọi việc cũng chưa dừng lại.
4 năm sau, vào ngày cả thế giới đang gồng mình với Covid-19 thì một lần nữa cái tên Aung San Suu Kyi phủ sóng trên mọi mặt trận truyền thông. Bà bị bắt vì gian lận bầu cử - cái tội trạng mà bà đã giành cả đời mình để chống lại, nhưng giờ chính bà lại đang bị đánh giá về nó. Và quân đội, những người đã thất bại trước sức mạnh và ý chí của bà vào năm 2015, giờ đây có đầy đủ vũ khí để đánh bại bà, không chỉ bằng sức mạnh, mà còn có cả sự ủng hộ của nhiều phía khi đánh giá lại cái tên Aung San Suu Kyi. Chúng ta không rõ về những thỏa ước, nhượng bộ của bà với quân đội. Hay những âm mưu can thiệp của Trung Quốc-Phương Tây. Nhưng nhìn kết quả có thể thấy được trong cuộc chiến này, bà Suu Kyi đã thua ở nơi bà được coi là vị thánh.
Quân đội đã cho bà Aung San Suu Kyi một nhiệm kỳ, và những gì đáp lại chỉ là cái châm biếm của lịch sử. Như lời Huân tước Acton từng nói: “Quyền lực dẫn đến tha hóa, quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối.”
P/S:
Nếu ai đã từng xem “The Hunger Games: Mockingjay – Part 2” (Đấu trường sinh tử phần cuối), bạn sẽ tìm thấy một mối liên hệ đáng sợ. Bộ phim ra mắt gần như cùng thời điểm với ngày bà Aung San Suu Kyi bước lên vũ đài chiến thắng (tháng 11/2015). Trong bộ phim này, cũng có một người phụ nữ đấu tranh giành được chính quyền để kêu gọi dân chủ, đấy là Alma Coin. Nhưng khi người phụ nữ này thay tổng thống Snow để nắm quyền lực thì những bước tiếp theo mà bà ta làm, lại giống hệt những gì mà chế độ trước đã làm.
Phút cuối cùng, khi Katniss Everdeen (Jennifer Lawrence) cầm mũi tên ngắm bắn để tử hình Snow, thì thay vì bắn vào Snow, cô giương thẳng mũi tên bắn chết Coin. Vì cô linh tính được những gì mà Coin nắm quyền rồi cũng không khác gì Snow. Người dân cần một lãnh đạo khác. Đấy là cảnh cuối cùng của bộ phim.
Bà Aung San Suu Kyi có lẽ đã không dành thời gian để xem bộ phim ấy.
Hình ảnh có thể có: 1 người, ngoài trời và ảnh cận cảnh

Bài viết theo quan điểm, góc nhìn của Dũng Phan thông qua nhiều nguồn sưu tầm khác nhau.