Nguồn: Dahyun Kim
Người dịch: Kat Nguyen
Tới nay tôi đã có khoảng 4 năm sinh sống ở Trung Quốc và hơn 14 năm ở Mỹ, tôi nghĩ tôi có đủ trải nghiệm để phân tích rõ hơn về vấn đề này.
Và vì tôi không phải người Trung Quốc, cũng chẳng phải người phương tây nên các bạn có thể tin tưởng rằng tôi sẽ không tô hồng bất cứ thứ gì hay thiên vị bên này hơn bên kia. Dưới đây đơn giản chỉ là quan sát của tôi thôi.
Tôi phát hiện ra về cơ bản, khác biệt lớn nhất giữa hai bên là những ưu tiên của họ. Văn hóa Trung Quốc có xu hướng ưu tiên kết quả hay đích đến trong khi xã hội phương tây chú trọng vào quá trình hay phương thức hơn.
Trung Quốc quan tâm kết quả
Nói thẳng ra, Trung Quốc quan tâm đến tiền hơn. Đích đến lý tưởng mà mỗi người dân Trung Quốc nỗ lực đạt được là làm sao để có nhiều tiền hơn. Đúng vậy, tiền CỰC KỲ quan trọng trong văn hóa Trung Quốc bởi vì nó mang đến sự đảm bảo cho gia đình. Họ không có mạng lưới an sinh xã hội để mà dựa dẫm vào. Và ký ức về những thời kỳ khó khăn vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của những thế hệ lớn tuổi.
Đây là lý do tại sao trong văn hóa Trung Quốc, việc sở hữu nhà và xe riêng lại cực kỳ quan trọng để thể hiện cho người khác thấy bạn có tài sản. Bạn đã làm được. Còn cách thức bạn trở thành người có tiền không thực sự quan trọng hay đáng để đem ra bàn luận, chỉ cần bạn giàu là đủ rồi. Cuộc sống thật tàn nhẫn và không khoan nhượng. Đây là một nền văn hóa nơi bạn tôn sùng quyền lực và tiền bạc hơn bất cứ thứ gì khác.
Trong lĩnh vực kinh doanh, người Trung Quốc cũng năng động và cần cù hơn. Có ít quy trình quy định cứng nhắc cần phải giải quyết hơn nên họ có thể tự xoay xở tốt. Sự cạnh tranh trên mặt trận này cực kỳ khắc nghiệt bởi vì mọi người đều cấp tốc muốn phát triển nhanh chóng, vượt lên trên và qua mặt đối thủ. Người Trung Quốc cũng khá là thực dụng và chú trọng giải pháp.
Vì văn hóa Trung Quốc tập trung vào kết quả nên người ở đây có xu hướng thành công hơn trong cuộc đời. Họ giỏi “đạt được” những thứ như giấy phép, hạn ngạch, đáp ứng deadline hay các tiêu chuẩn, yêu cầu,…
Người phương Tây chú trọng phương pháp
Trong khi Trung Quốc quan tâm kết quả thì phương tây lại chú trọng phương pháp hơn. Kết quả cũng quan trọng nhưng trong văn hóa phương tây, quá trình và cách thức bạn sử dụng để đạt được kết quả đó còn quan trọng hơn.
Đây là lý do tại sao ở phương tây, hỏi ai đó kiếm được bao nhiêu là điều cấm kỵ. Việc người đó làm gì để sống mới đáng nhắc đến.
Trong kinh doanh, người Trung Quốc sẽ tập trung giảm thiểu chi phí và gia tăng hiệu suất còn người phương tây, nhất là người châu Âu, sẽ quan tâm nhiều hơn đến phương thức sản xuất của sản phẩm và việc sản phẩm đó cung cấp cho người dùng giá trị trải nghiệm ra sao.
Để minh họa cho vấn đề này, chúng ta hãy xem xét ví dụ về đồng hồ. Đồng hồ Quartz được hoàn thiện bởi người Nhật, một dân tộc có nền văn hóa phương đông tương tự Trung Quốc. Đây là một bước đột phá bởi nó chính xác hơn đồng hồ cơ. Ví dụ hoàn hảo cho việc tập trung vào kết quả. Kết quả đáng mong ước nhất của chiếc đồng hồ là báo giờ càng chính xác càng tốt với mức chi phí thấp nhất có thể. Tuy nhiên, liệu một chiếc Casio G-Shock có thể khơi gợi ra trải nghiệm và cảm xúc tương tự như những gì một chiếc Rolex hay Vacheron Constantin có thể làm được không? Có lẽ là không. Dù rằng đồng hồ cơ ít chính xác hơn, vẫn có điều gì đó đặc biệt trong cách thức sản xuất và cả bề dày lịch sử của chúng, mà một chiếc Casio không bao giờ có thể so sánh được.
Trong văn hóa phương tây, cảm xúc hay trải nghiệm là quan trọng, còn trong văn hóa phương đông, những điều đó lại thường bị kìm nén xuống. Người phương tây sẽ nói “nay cậu cảm thấy thế nào?” “cậu thấy sao về xyz?” Điều này hiếm thấy ở Trung Quốc.
Hồi sống ở châu Á tôi để ý thấy người phương tây có thiết lập nội tâm khác với người Á Đông. Họ sẽ có vô số cuộc chuyện phiếm ngay cả ở chỗ làm, nói về tin tức mới hay một số khó khăn họ phải đối mặt trên đường đi làm vào ngày hôm đó, những câu chuyện vặt vãnh thường chẳng bao giờ trở thành chủ đề hội thoại giữa người Trung Quốc với nhau. Đối với người Trung Quốc, họ cố gắng đi làm đúng giờ và thế là hết chuyện.
Vì văn hóa phương tây chú trọng cách thức nên đó là một xã hội tuân theo chủ nghĩa hợp pháp hoặc cực kỳ ưa tranh chấp. Ở phương tây, một công ty phải chịu ước thúc bởi các quy trình hoặc quy tắc nhất định. Chẳng hạn, họ phải tuân theo luật bảo vệ động vật khi sản xuất đồ da. Vì thế nói chung chi phí để hoàn thành công việc ở phương tây sẽ lớn hơn. Đó là lý do tại sao nhiều doanh nghiệp đã chuyển công xưởng sang Trung Quốc, nơi mà các quy định còn lỏng lẻo.
Người phương tây có xu hướng tò mò ham tìm hiểu hơn. Từ trước đến nay khoa học vẫn là thế mạnh của văn hóa phương tây. Và khoa học thực ra liên quan đến việc tách biệt mọi thứ và tìm hiểu cách thức hoạt động, học hỏi quá trình và cơ chế của chúng. Trong khi người phương tây rất giỏi phát minh ra các ý tưởng và cơ sở lý thuyết mới thì người Trung Quốc lại là những chuyên gia thương mại hóa các ý tưởng đó và triển khai vào thực tế.  
Để tóm gọn nền kinh tế toàn cầu ngày nay: Phương tây cung cấp các thiết kế, Trung Quốc thực hiện các thiết kế đó. Cụ thể là iPhone hay các tòa nhà chọc trời ở Thượng Hải.
Chủ nghĩa tập thể vs chủ nghĩa cá nhân
Khác biệt lớn nhất thứ hai giữa Trung Quốc và phương tây là, xã hội Trung Quốc theo chủ nghĩa tập thể hoặc tuân thủ, trong khi phương tây theo chủ nghĩa cá nhân.
Trung Quốc nhìn chung thống nhất và tập trung hơn nhiều so với phương tây. Người Trung Quốc thể hiện thái độ tuân thủ đến một mức độ thực sự đáng kể, đa phần do chế độ chủ nghĩa xã hội và tư tưởng Khổng Tử trong quá khứ. Bạn có thể đi xa hàng ngàn dặm tới một thành phố khác ở Trung Quốc mà vẫn có thể nhìn thấy kiểu kiến trúc, cửa hàng, biển chỉ dẫn, tiện nghi xã hội,… tương tự. Điều này tất nhiên có cả ưu điểm lẫn nhược điểm. Có thể bạn sẽ thấy nhàm chán khi cứ phải chứng kiến những thứ giống hệt nhau ở mọi nơi bạn đi, nhưng đồng thời nó cũng mang đến sự tiện lợi nhất định. Đây là lý do tại sao tôi nghĩ ở Trung Quốc có ý thức mạnh mẽ hơn về bản sắc dân tộc.
Phương Tây cá nhân hơn và điều này cũng được phản ánh trong bối cảnh chính trị. Châu Âu là một đại lục không liền mạch. Nó bị chia thành nhiều đất nước nhỏ và mỗi đất nước nhỏ đó lại chia thành nhiều khu vực và thị trấn nhỏ hơn. Và mỗi nơi lại có nền văn hóa, kiến trúc, phong tục và thậm chí ngôn ngữ riêng biệt.
Ví dụ, Scotland có bản sắc độc đáo riêng khác hẳn với Anh hay châu Âu. Và Scotland chỉ là một đất nước có 5 triệu dân thôi đấy. Nhiều thành phố cỡ trung ở Trung Quốc còn có đông dân hơn cả đất nước Scotland. Tương tự như ở Wales, Bắc Ireland, Cornwall, Andalucia, Catalunya, Bavaria, Veneto, Flanders,…
Nguồn: https://qr.ae/pG0SBL