The science™

Ở đây tôi không có ý định tranh cãi về việc khẩu trang có tác dụng hay không trong việc phòng chống covid-19 theo nghĩa tuyệt đối, vì điều đó là vô nghĩa. Thứ nữa, theo lẽ thường (common sense) thì khẩu trang chắc chắn là sẽ có tác dụng gì đó vì nó ngăn cản một phần các giọt bắn từ người đeo khẩu trang. Vậy nên là không cần bàn luận gì thêm nữa, phải không?
Rất tiếc là không. Ở đây chúng ta nói về khoa học chứ không phải lẽ thường. Và các tiêu chuẩn kiểm chứng lý thuyết khoa học rất khắt khe. Vậy nên cho tới thời điểm này, có 0 nghiên cứu khoa học chỉ ra được sự hiệu quả của việc đeo khẩu trang. Xin nhắc lại là điều đó không đồng nghĩa với việc đeo khẩu trang không có tác dụng, nhưng hiệu quả là bao nhiêu thì chưa có ai chỉ ra được.
Một trong những lý do là vì không có bất kì thí nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng (randomized controlled trial) nào được thực hiện với việc đeo khẩu trang cả. Lý giải cho việc này, WHO cho rằng việc thực hiện thí nghiệm có nhiều trở ngại về mặt logistics và đạo đức trong khi đại dịch diễn ra. Đó là một lý giải hợp lý.
Ở một góc độ khác, vaccine lại được nghiên cứu và thực hiện thử nghiệm với thí nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng. Vaccine là một giải pháp can thiệp y dược (pharmaceutical intervention) – trái ngược với đeo khẩu trang, vốn là một giải pháp không can thiệp y dược (non-pharmaceutical intervention). Tiêu chuẩn chính để phê duyệt một vaccine là phải có độ công hiệu (efficacy) lớn hơn 50%. Vì là giải pháp can thiệp y dược, vaccine cũng đi kèm rủi ro bổ sung (phản ứng phụ) – trái ngược với việc đeo khẩu trang, vốn không đi kèm với rủi ro bổ sung đáng kể nào.
Nếu một thí nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng được thiết kế cho việc đeo khẩu trang, nhiều khả năng là kết quả thu được vẫn rất nhiều nhiễu (noise), vì độ hiệu quả của khẩu trang phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Ngoài ra, nhóm kiểm chứng (controlled group) sẽ phải phơi nhiễm với covid-19 để có thể thu thập được dữ liệu, và vì vậy đây là một trở ngại về đạo đức như đã nói trên. Còn nếu sử dụng các biện pháp khác để loại bỏ bớt rủi ro cơ bản (risk baseline) ví dụ như tiêm vaccine cho người tham gia thí nghiệm, dữ liệu thu thập được sẽ bị nhiễu nhiều hơn nữa và gần như không thể đưa ra kết luận được.
Tất cả những con số mà bạn thấy về việc đeo khẩu trang đều đánh lạc hướng. Chúng dựa trên rất nhiều giả định mà chỉ có thể tồn tại trong phòng thí nghiệm hoặc trên giả lập, hoàn toàn không hề dựa trên bất kì điều kiện thực tế nào. Hơn nữa, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định được cách thức mà virus truyền từ người này sang người khác – liệu nó lây qua các giọt bắn (droplet) hay qua khí dung (aerosol)? Mặc dù khẩu trang khá hiệu quả để chặn các giọt bắn nhưng chúng hầu như vô dụng đối với khí dung.
Và vì vậy, tôi mạnh dạn đoán rằng hiệu quả của việc đeo khẩu trang nằm đâu đó tầm 5% trong việc ngăn chặn lây nhiễm – đấy là trong điều kiện lý tưởng nhất.

The reality

Thực tế thì hiệu quả của việc đeo khẩu trang dao động rất lớn. Không phải loại khẩu trang nào cũng có tác dụng như nhau. Và nếu như virus lây truyền qua khí dung là chủ yếu thì ngoài những loại khẩu trang kín mặt và có màng lọc như N95 thì chúng gần như vô tác dụng. Ngoài ra, khí dung cũng làm cho khẩu trang giảm tác dụng dần theo thời gian vì sự gia tăng nồng độ virus trong không khí, đặc biệt là trong không gian kín và hẹp.
Một vấn đề khác là đa phần người dùng không đeo khẩu trang đúng cách. Không khó gì để bắt gặp những người đeo khẩu trang nhưng kéo xuống dưới mũi hay thậm chí là cằm – đeo như không đeo. Và thường người ta cũng chỉ đeo khẩu trang khi ra đường – nơi có rủi ro lây nhiễm thấp nhất. Người ta thường có thói quen bỏ khẩu trang khi ở nhà hay gặp người quen – nơi có rủi ro lây nhiễm cao nhất.
Với tất cả những điều trên, tôi nghĩ rằng hiệu quả thực tế của việc đeo khẩu trang là tiệm cận 0%. Không phải là 0%, nhưng nó quá nhỏ để có thể phát hiện được sự khác biệt.
Và mặc dù là một giải pháp đơn giản, song khẩu trang không phải là miễn phí. Sản xuất khẩu trang cũng tiêu tốn tài nguyên. Và vì đa phần khẩu trang là loại dùng 1 lần nên lượng rác thải cực lớn và gây áp lực cho môi trường. Đối với tình trạng ở Việt Nam thì rác thải đã là một vấn đề nhức nhối không có lời giải, và khẩu trang – cùng với rất nhiều loại rác thải khác phát sinh trong các “chính sách phòng chống dịch” – càng làm cho vấn đề này nghiêm trọng hơn.

The narrative – the irony

Thế còn các “chiên da” hô hào về hiệu quả của khẩu trang nhan nhản trên truyền hình và báo chí thì sao? Đương nhiên là làm sao có thể tin được những “chiên da” này khi mà họ dễ dàng bị mất việc khi dám nói ngược lại. Nếu như làm một cuộc khảo sát giấu tên đối với đối tượng là y bác sĩ có chuyên môn trong bệnh hô hấp thì tôi dám cá với bạn là có một số lượng đáng kể (nếu không muốn nói là đa số) bọn họ sẽ cho rằng hiệu quả của khẩu trang là không đáng kể.
Còn lực lượng chức năng thi hành cái chính sách “bắt buộc đeo khẩu trang” thì đương nhiên là càng không có hiểu biết rồi. Họ chỉ biết tuân theo chỉ đạo từ bên trên, thậm chí họ còn không đủ khả năng để tư duy phản biện về căn cứ khoa học và căn cứ thực tiễn của cái chính sách đấy (hay hằng sa số các chính sách khác, như mọi khi). Và dẫn đến hệ quả là bản thân họ còn chẳng tin vào cái chính sách đấy. Tôi đã bắt gặp khá thường xuyên các chú cán bộ đi nhắc/phạt người dân không đeo khẩu trang trong khi chính bản thân các chú cũng không đeo.
7h tối tại hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội
7h tối tại hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội
Và điều buồn cười hơn nữa là dường như có một số không gian công cộng không hề được áp dụng chính sách này. Điển hình là sân vận động Mĩ Đình tối 24/3 vừa qua. Phải chăng vì “lòng yêu nước” mà người ta sẵn sàng chấp nhận phơi nhiễm covid-19?
Vì các cầu thủ trên sân, có mắc covid-19 cũng cam lòng (?)
Vì các cầu thủ trên sân, có mắc covid-19 cũng cam lòng (?)
Trước đó ít lâu, có nhiều kênh truyền thông chính thống đã đăng tin về việc 2 cô gái bị phạt không đeo khẩu trang khi chụp ảnh ở hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tuy nhiên, bản tin đó đã bốc hơi một cách lặng lẽ khỏi rất nhiều mặt báo và trang Facebook và hiện tại chỉ còn trên một số mặt báo (có lẽ do chưa khớp lệnh).
Luật pháp để làm gì khi có những người, những không gian “miễn dịch” với luật pháp?

The conclusion

Trong một bài viết trước của tôi, tôi có chia sẻ về việc bị phạt do không đeo khẩu trang. Ở thời điểm đó tôi chấp nhận, nhưng tới thời điểm này thì việc phạt tiền đó không khác gì lạm quyền chiếm đoạt tài sản cả. Với việc có 0 bằng chứng khoa học có thể khẳng định được hiệu quả của việc đeo khẩu trang, cộng thêm mức phạt lố bịch ở ngưỡng 2 triệu đồng (để dễ so sánh: thu nhập trung bình của người Việt Nam là khoảng 6 triệu đồng một tháng, không đeo mũ bảo hiểm bị phạt từ 200 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng) thì kết luận của tôi là như tiêu đề, đó là:
ĐEO KHẨU TRANG LÀ MÊ TÍN DỊ ĐOAN
Mê tín dị đoan, yeah, nếu như nói về phòng chống covid-19. Còn đeo khẩu trang vẫn có tác dụng nào đó trong tình hình ô nhiễm không khí trầm trọng tại Hà Nội.
Và các cơ quan chức năng vẫn đang duy trì sự mê tín dị đoan này để tước đi nguồn lực tài chính của người dân, vào mục đích gì thì trời (và họ) mới biết.
Trong khi đó thì phần còn lại của thế giới đã bắt đầu dẹp bỏ cái sự “mê tin dị đoan” này rồi.
Và khẩu trang cũng chỉ là 1 trong 5K của Bộ Y tế. 5K, nhưng thực chất là 0K vì chúng đều không dựa trên bất kì bằng chứng khoa học nào. Chúc bạn may mắn tìm được bất kì nghiên cứu khoa học nào của Việt Nam trên trang chủ của Bộ Y tế.

Chặn họng

Sau khi tôi phải trả lời 4-5 bình luận phản bác với cùng 1 luận điểm ngớ ngẩn thì tôi cảm thấy cần phải bổ sung điều này - làm ơn đừng bắt tôi phải đưa ra bằng chứng cho việc "khẩu trang không hiệu quả" nữa, vì:
1. Nếu bạn yêu cầu tôi làm điều đó thì trước tiên bạn phải đưa ra được bằng chứng rằng "Chúa không tồn tại" cái đã. 2. Tôi nói từ đầu là không có số liệu hay nghiên cứu nào đáng tin đâu, thế nên đừng bắt tôi phải đưa ra số liệu hay nghiên cứu nào đó để chứng minh. Sao tôi có thể trưng cho các bạn thứ mà cả tôi lẫn bạn đều không tin?
Vậy nhé, đừng khiến tôi phải gõ đi gõ lại nhiều lần cùng một thứ.