WHAT LOVE IS (AND WHAT IT ISN’T) – dịch
Một bài viết của Mark Manson, tui dịch. Khá dài, bạn sẽ mất 10p để đọc (hoặc hơn). Link bài gốc ở đây: https://markmanson.net/unconditional-love...
Một bài viết của Mark Manson, tui dịch. Khá dài, bạn sẽ mất 10p để đọc (hoặc hơn). Link bài gốc ở đây: https://markmanson.net/unconditional-love
Unconditional love, nhiều sách* dịch từ này là tình yêu vô điều kiện. Mình thấy chưa phù hợp lắm, bởi khái niệm điều kiện thì rộng, gồm cả suy nghĩ (quan điểm, hệ quy chiếu), lối sống (khung văn hóa), sở thích (hệ giá trị). Mình nghĩ dịch là tình cảm vô vị kỷ thì phù hợp hơn. Và không chỉ giới hạn khái niệm này trong phạm vi tình yêu đôi lứa.*Như: Muôn kiếp nhân sinh (Nguyên Phong), Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Quan Tâm (Mark Manson), Luận về tình yêu (OSHO), Đàn ông sao Hoả – Đàn bà sao Kim, Hướng dẫn sử dụng nửa kia (John Gray), Cư xử như đàn bà, suy nghĩ như đàn ông (Steve Harvey)
Các mối quan hệ dựa trên tình cảm vô vị kỷ đi qua những thăng trầm cuộc sống, khó bị lay chuyển bởi những giá trị bên ngoài và những thiếu sót của nhau.
Bọn tôi ngồi lặng lẽ. Cô mình nhìn chằm chằm vào ly nước đã cạn của mình, thỉnh thoảng lại dùng ống hút khuấy mấy viên đá. Cô chợt nói: “Wow”. Tui ngồi và chờ coi cổ sẽ nói điều gì đó khác nữa. Một tối nhẽ ra sẽ tưng bừng tiệc tùng nhưng bằng cách nào đó đã trở thành một cuộc thảo luận dài ngoằng và sâu sắc về tình yêu, về những gì nó chứa đựng và sự hiếm hoi của tình yêu thiệt sự.Cuối cùng, tui hỏi: “Wow cái gì?”“Mình chỉ nghĩ là chưa bao giờ trải qua điều đó”“Ờ, có thể bồ chưa gặp được đúng người,” Tui nói, một câu thảo mai mọi người đều nói trong tình huống này.“Không, ý mình là mình chưa trải qua điều đó với bất cứ ai: bố mẹ mình, gia đình mình, thậm chí là hầu hết đám bạn nữa”. Cô ấy ngước lên nhìn tui, mắt cô ấy long lanh và ướt. “Có lẽ mình còn chả biết tình yêu là cái gì nữa”.
THE CONDITIONAL COOLNESS ECONOMY
Khi ở tuổi trẻ trâu, sự “ngầu” (cool) được trao đổi như một loại tiền tệ. Mình cố gắng tích tụ sự “ngầu” (coolness) càng nhiều càng tốt, rồi gặp mấy đứa khác cũng rất ngầu, mình chơi để cả hai cùng ngầu hơn.
Nếu có lúc nào đó mình gặp một đứa còn lâu mới cool bằng mình, mình hông chơi với nó vì sợ nó làm mình bớt coolness và sợ mấy đứa cool kia sẽ thấy mình chơi với đứa hông có cool.
Sự “ngầu” của mình quyết định mức độ mình được yêu thích và có nhiều bạn bè hay không. Nếu mình chơi đá banh rất dở nhưng chơi đá banh mới là ngầu, chả có mấy ai muốn chơi với mình cả. Nếu mình chơi guitar bá chấy và chơi guitar là ngầu, điểm ngầu của mình tăng vọt lên và mọi người lại thích mình. Cứ như vậy, hồi đi học là những năm tháng đấu tranh vũ trang về mức độ ngầu.
Hầu hết những trò chơi ngốc xít của tuổi teen là kết quả của thị trường ngầu này. Tuổi teen, họ yêu những người mà thực ra họ ghét và nghĩ họ ghét những người thực ra họ yêu chỉ vì như thế trông họ có vẻ ngầu hơn thực tế. Điều đó làm họ có nhiều người follow trên Snapchat hơn và được bạn gái cùng đi chơi đêm.
Những mối quan hệ ở trường phổ thông này về bản chất là những mối quan hệ chức năng. Ở đó: tui sẽ làm cho bạn điều này nếu bạn làm cho tui điều kia. Trong những mối quan hệ này, người bạn thân nhất của mình năm nay vì cả hai cũng thích một DJ lại là kẻ thù tệ hại nhất một năm sau đó bởi nó dám chế nhạo mình trong giờ học. Những mối quan hệ này hay thay đổi. Và nông cạn. Và có “pee kịch tính” cao.
Điều này cũng tốt thôi. Tham gia vào nền thị trường ngầu là một phần của sự trưởng thành và tìm ra mình bản thân (identities). Mình cần làm những thứ mình nghĩ mình thích/muốn/cần để cảm nhận được rằng mình có thực sự thích/muốn/cần nó hông.
Rồi vào một thời điểm nào đó, mình vượt ra khỏi cách tiếp cận cuộc sống theo kiểu có qua có lại này. Và bắt đầu thấy người khác thú vị vì chính bản thân họ, không phải vì họ chơi bóng đá giỏi hay dùng cùng một hiệu giấy vệ sinh giống mình.
GETTING STUCK ON CONDITIONAL RELATIONSHIPS
Nhưng không phải ai cũng vượt qua được những mối quan hệ chức năng này. Nhiều người, vì nhiều lí do, bị mắc kẹt lại trong cái thị trường ngầu và tiếp tục chơi ngay cả khi họ đã lớn. Hình thức trở nên phức tạp hơn, muôn hình vạn trạng, nhưng luật chơi thì vẫn vậy. Họ không bao giờ buông được niềm tin rằng, họ chỉ được yêu và được chấp nhận khi nào họ mang lại lợi ích gì đó cho người khác, và đó là điều kiện tiên quyết họ buộc phải làm. Họ nghĩ như vậy và đối xử với mọi người cũng theo cách như vậy luôn.
Vấn đề ở chổ là những mối quan hệ chức năng như vậy, vốn lại dành ưu tiên cho những thứ khác chứ không phải chính bản thân mối quan hệ. Vậy nên, điều tui quan tâm không phải chính bạn, mà là vị trí của bạn trong ngành nghề. Hay điều bạn quan tâm không phải chính tui, mà là khuôn mặt đẹp trai và tính dính dỏm của tui.
“Yêu tui hay yêu đàn, yêu tui hay yêu đàn? Tình tan...” (Cây đàn bỏ quên - Phạm Duy)
Những mối quan hệ chức năng này có thể trở nên tồi tệ về mặt tình cảm. Bởi vì quyết định theo đuổi sự ngầu thật sự không có điểm dừng. Chúng ta chạy theo sự ngầu vì chúng ta thấy bản thân thật tồi tệ và muốn cảm thấy khác đi theo một cách tuyệt vọng.
Bởi vậy, điều tui quan tâm không phải con người thật của bạn, mà làm sao để thông qua bạn tui cảm thấy tốt hơn về bản thân mình. Có thể tui luôn cố gắng bảo vệ bạn hoặc giải quyết những vấn đề của bạn hoặc chu cấp cho bạn hoặc bằng cách nào đó gây ấn tượng với bạn. Có thể tui lợi dụng bạn vì tình dục hoặc tiền bạc hoặc để gây ấn tượng với bạn bè của mình. Có thể bạn đang lợi dụng tui vì tình dục, và điều đó làm tui cảm thấy dễ chịu vì ít nhất tui cảm thấy được người khác muốn.
Cứ vẽ vời những gì bạn muốn, nhưng cuối cùng mọi thứ cũng về cùng bản chất. Đó là những mối quan hệ xây dựng trên điều kiện: “Tui sẽ yêu bạn chỉ khi bạn làm tui cảm thấy tốt về bản thân tui, bạn chỉ yêu tui nếu tui làm bạn cảm thấy tốt về bản thân mình”.
Những mối quan hệ chức năng này vốn vĩ rất ích kỷ. Nếu tui quan tâm đến tiền của bạn hơn chính con người bạn thì thứ duy nhất tui đang muốn đặt mối quan hệ với là tiền. Nếu bạn quan tâm đến sự nghiệp thành công của cô bạn gái hơn là bản thân cô ấy, bạn đâu phải có mối quan hệ với cô ấy, mà là với sự nghiệp của cô ấy đấy chứ! Nếu mẹ chăm sóc con và chịu đựng thói hư hỏng của con chỉ bởi vì việc đó khiến bà ấy cảm thấy tốt hơn khi làm một người mẹ tốt thì bà ấy không hẳn có mối quan hệ với con, bà ấy đang có mối quan hệ với việc cảm thấy tốt hơn về bản thân trong vai trò một người mẹ.
Nếu tất cả những mối quan hệ của chúng ta đều có điều kiện – chức năng, chúng ta chẳng có mối quan hệ thực sự nào cả.
Nếu mình dùng cái này để đạt được một cái khác, thì cái đó trở thành một công cụ hay phương tiện, chứ không phải là mục đích cuối cùng. Và hệ quả của nó là sự cô đơn.
Chúng ta gắn mình với những giá trị mình cho là đúng/hay/cần thiết và cố gắng làm tìm kiếm chúng trong những người mà chúng ta muốn thân thiết. Nhưng như vậy càng làm chúng ta cảm thấy càng ngày càng cô đơn hơn vì thực ra đâu có kết nối thật sự nào được tạo ra đâu.
Những mối quan hệ có điều kiện cũng làm chúng ta chấp nhận chịu đựng việc bị đối xử tệ bạc. Nếu tui hẹn hò với một người vì cô ấy có thân hình nóng bỏng làm tất cả bọn bạn của tui ấn tượng, thì tui dễ chấp nhận để cho việc mình bị cô ấy đối xử chẳng ra gì. Bởi vì tui ở lại với cô ấy không phải bởi vì cách cô ấy đối xử với tui, tui ở lại để gây ấn tượng với người khác.
Những mối quan hệ có điều kiện không kéo dài nổi vì những điều kiện làm nền tảng của mối quan hệ không bao giờ tồn tại mãi mãi. Một khi những điều kiện này mất đi, như người ta rút tấm thảm khỏi chân mình, hai người trong cuộc sẽ té sml, tự làm tổn thương và tổn tổn thương lẫn nhau mà không hiểu nổi tại sao (cao xanh ơi).
WHAT UNCONDITIONAL LOVE IS
Người ta chỉ có thể nhận ra bản chất tạm thời của những mối quan hệ có điều kiện sau khi trải qua đủ thời gian nhất định. Hồi trẻ, mình chỉ đang trên đường nhận ra bản sắc của chính mình (identities), nên cũng là một điều hợp lý khi mình luôn bị ám ảnh bởi cách người khác đánh giá mình. Nhưng khi năm tháng trôi qua, chúng ta nhận ra chỉ còn ít người ở lại bên cuộc đời mình. Và bắt đầu hiểu ra dường như có một nguyên nhân nào đó (zè ye).
Khi dần trưởng thành, chúng ta bắt đầu ưu tiên những mối quan hệ vô vị kỷ – nơi mà mỗi người trong đó được chấp nhận một cách tự nhiên mặc cho họ là bất kỳ ai mà không cần bổ sung thêm kỳ vọng nào. Đây gọi là “sự trưởng thành”, và đó là vùng đất huyền bí mà hiếm người, bất kể tuổi tác có bao nhiêu, thấy được, huống chi là ở lại đó.
Một mẹo để trưởng thành là việc giành ưu tiên cho những mối quan hệ vô vị kỷ, là việc học cách chấp nhận và trân trọng mọi người mặc cho những khuyết điểm, sai lầm và ý tưởng kỳ quặc của họ, là việc đánh giá một người bạn đời hoặc người bạn nào đó, chỉ dựa trên cách họ đối xử với mình thế nào chứ không phải dựa trên những gì mình hưởng lợi từ họ, là việc nhìn nhận bản thân họ là đích đến chứ không phải là phương tiện – công cụ trung gian để đạt đến một mục đích khác.
Những mối quan hệ vô vị kỷ là những mối quan hệ mà cả hai người đều tôn trọng và hỗ trợ nhau mà không ngầm kì vọng được đổi lại điều gì. Nói một cách khác, mỗi người trong mối quan hệ là giá trị cơ bản của chính mối quan hệ đó – sự đồng cảm và hỗ trợ lẫn nhau – chứ không phải công việc, vị trí chức vụ, bề ngoài, sự thành công hay bất cứ điều gì khác của họ.
Những mối quan hệ vô vị kỷ là mối quan hệ duy nhất có thật. Đó là những thứ sẽ cùng mình đi qua những thăng trầm cuộc sống, khó bị lay chuyển bởi những giá trị bên ngoài và những thiếu sót của nhau. Nếu bạn và tui có một tình bạn vô vị kỷ, sẽ chẳng là gì nếu tui mất việc và chuyển đến nước khác sống, hay khi bạn thay đổi giới tính và bắt đầu học chơi đàn tranh; bạn và tui vẫn tiếp tục tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau. Mối quan hệ đó không nằm trong nền thị trường trao đổi, nơi mà tui chỉ chơi với bạn bởi vì bạn “đồng thinh” với tui, tui sẽ chỉ càng thân thiết hơn với bạn nếu bạn chịu thay đổi theo ý tui và tui sẽ lập tức bỏ rơi bạn ngay giây phút bạn quyết định thay đổi bản thân và trở nên không còn “đồng thinh” với tui nữa. Nếu bạn và tui có một tình bạn vô vị kỷ, chúng ta nhất định không cảm thấy phiền nếu người kia chọn làm điều gì đó với cuộc đời họ mà mình không có ưa. Nếu chúng ta cảm thấy không được tự do trong một mối quan hệ nào đó, hãy xem lại điều này.
Những người với những mối quan hệ có điều kiện – chức năng không bao giờ học được cách nhìn nhận mọi người xung quanh mà không dựa trên những lợi ích họ được hưởng hay thang đo giá trị của họ. Đó là bởi vì họ lớn lên trong một môi trường nơi họ chỉ được đánh giá cao vì những lợi ích họ mang đến.
Gia đình và nhà trường ở đây thường là nguyên nhân. Nhưng hầu hết các ông bố bà mẹ không cố ý yêu thương con cái một cách có điều kiện như vậy đâu. Thật ra, rất có thể là vì họ cũng chưa bao giờ được cha mẹ yêu thương một cách vô vị kỷ, nên họ chỉ làm những gì họ biết theo quán tính.
Nếu người cha mẹ chỉ chấp nhận mình khi mình nghe lời ông ấy, nếu thầy cô chỉ thích mình nếu mình được điểm cao, nếu anh trai chỉ tốt với mình nếu mình chuyền bóng cho ảnh trên sân, tất cả những điều đó dần khiến mình đối xử với chính mình như một công cụ tạo lợi ích cho người khác một cách vô thức. Mình sẽ xây dựng các mối quan hệ tương lai của mình bằng cách đúc khuôn chính mình cho vừa với nhu cầu của người khác. Không phải nhu cầu của riêng mình. Mình cũng xây dựng những mối quan hệ của mình bằng cách làm người khác phù hợp với nhu cầu của mình hơn là quan tâm đến chính họ. Đây chính là cơ sở cho một mối quan hệ độc hại (a toxic relationship).
RELATIONSHIP HYPOTHETICALS
Mối quan hệ chức năng có 2 mặt. Mình không giữ mối quan hệ bạn bè với người dùng mình để cảm thấy tốt hơn về chính họ, trừ khi chính mình cũng đang bằng cách nào đó có được lợi ích từ tình bạn đó. Một cô gái không vô tình dễ bị lừa vào hẹn hò với ai đó chỉ thích sờ ngực cổ nếu cổ thật sự yêu thương chính mình, một cách vô điều kiện. Không, cổ tin vào những điều kiện của tên khốn đó bởi vì cổ dùng nó để thỏa mãn những điều kiện của chính cổ.
Hầu hết mọi người bước vào những quan hệ có điều kiện một cách vô thức – Điều đó có nghĩa là họ bước vào mối quan hệ mà không suy nghĩ có ý thức rằng người này là ai, vì sao họ thích mình hay hành vi của họ đối với mình biểu hiện những ý nghĩa gì. Mình chỉ thấy họ thật đẹp trai, dịu dàng, ga lăng, fashionable, ghen tỵ với chiếc xe xịn của họ và muốn ở gần họ.
Có thể đặt ra những giả thuyết cho các mối quan hệ của mình. Ví dụ như:
– Nếu mình mất việc, liệu bố mình còn tôn trọng mình không?– Nếu mình không đưa tiền cho mẹ nữa, liệu mẹ còn yêu thương và chấp nhận mình không?– Nếu mình bảo vợ rằng mình muốn bắt đầu làm nhiếp ảnh gia, liệu cuộc hôn nhân của mình có lao đao không?– Nếu mình không làm tình với anh chàng này nữa, liệu anh ta có muốn gặp mình nữa không?– Nếu mình bảo Jake rằng không đồng ý với quyết định của anh ấy, liệu anh ấy có muốn nói chuyện với mình nữa không?
Nhưng mình cũng phải quay lại và hỏi chính mình rằng:
– Nếu mình chuyển đến Campuchia ở, mình còn giữ liên hệ với anh ấy/cô ấy/bạn đó hay không?– Nếu John không cho mình vé xem hòa nhạc miễn phí nữa, liệu mình có mất thời gian giao tiếp với thằng chả hay không?– Nếu bố không trả tiền học phí cho mình nữa, liệu mình có về thăm nhà không?
Bởi vì nếu có bất cứ câu trả lời nào KHÔNG phải là “Không có gì thay đổi cả”, có thể mình đang có một mối quan hệ có điều kiện – điều này có nghĩa là mối quan hệ yêu thương của mình không phải là thực dù cho mình nghĩ là đang có nó.
Thừa nhận điều đó thật đau lòng. Tui biết.
Nhưng từ từ hãy buồn, đoạn sau còn hơn thế nữa!
Nếu mình muốn loại bỏ hoặc sửa chữa những mối quan hệ có điều kiện trong đời mình và có những mối quan hệ vô vị kỷ mạnh mẽ, mình sẽ phải làm một số người tức giận. Tui muốn nói đến việc phải ngừng chấp nhận những điều kiện của người khác. Và mình phải vứt bỏ những điều kiện của mình.
Điều này chắc chắn bao gồm việc phải nói “Không” với những người thân cận với mình trong những trường hợp họ không muốn nghe điều đó nhất. Sẽ có nhiều kịch tính xảy ra. Trong nhiều trường hợp là cả một cơn bão pee kịch tính. Điều mình sẽ làm là ngăn cản những người sử dụng một phần của mình làm họ cảm thấy tốt hơn có khả năng thực hiện việc đó. Họ sẽ phản ứng giận dữ và đổ lỗi cho mình. Họ sẽ nói những điều xấu xa về mình.
Nhưng đừng nản lòng. Loại phản ứng này chỉ là bằng chứng nữa về những điều kiện của mối quan hệ chức năng. Một tình cảm chân thành thực sự sẽ luôn sẵn lòng tôn trọng và chấp nhận những gì họ không muốn nghe. Một tình yêu có điều kiện thì sẽ chống trả lại.
Nó đau đớn và khó nghe, nhưng chúng ta cần nó. Bởi vì một trong hai điều sẽ xuất hiện sau đó. Hoặc là người đó sẽ không thể buông bỏ những điều kiện của họ và tự loại bỏ chính họ khỏi cuộc đời mình (cuối cùng thì điều này là điều tốt trong hầu hết các trường hợp). Hoặc, người đó sẽ bị buộc phải tôn trọng & chấp nhận mình mặc cho những điều bất tiện mình gây ra cho họ hoặc lòng tự tôn của họ.
Việc này tất nhiên là khó muốn chít. Nhưng bản chất của những mối quan hệ thật sự đã là khó tìm cầu rồi. Bởi vì bản chất của con người là khó chấp nhận nhau, dù nhu cầu sâu thẳm của mọi người là đều muốn được chấp nhận và kết nối với người khác. Theo Maslow, nhu cầu này chỉ đứng sau nhu cầu tồn tại (ăn uống & an toàn). Nếu đời chỉ toàn vui vẻ và hội hè thì “khi cuộc vui tàn, mọi người bước đi, một mình ta về…”* khóc thút thít.
*mượn đỡ lyric bài Và con tim đã vui trở lại – Đức Huy
Yêu
/yeu
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất