I.                   Cảm hứng viết bài (Có thể đọc phần sau nếu bạn không hứng thú):

Một ngày đẹp trời tôi xem bộ phim The secret life of Walter Mitty, nó làm tôi nghĩ về thứ mà nhiều người khác và cả tôi cũng đã và đang bị-Vùng an toàn.
Tóm tắt sơ cho các bạn nếu hứng thú với bộ phim bên trên thì bộ phim xoay quanh một ông làm việc cho một công ty sản xuất báo, ông sống một cuộc sống trăm ngày như một với công việc, nhận lương, chi tiêu và… ảo tưởng; vâng, nhân vật chính rất hay hoang tưởng về những điều mình không dám hoặc có khi là không thể làm như tán tỉnh một cô gái, hay đấm người sếp khó ưa của mình, ông tưởng tượng các viễn cảnh tươi đẹp trong đầu nhưng chẳng bao giờ có thể lôi được nó ra ngoài đời thật. Vì một sự cố, một tấm ảnh phim bị mất và Walter buộc phải tìm chủ nhân của nó để xin lại nội dung ông đã chụp bằng không ông sẽ bị đuổi việc. Walter phải đành cắn răng bỏ công việc, xách balo lên và tìm cho được chủ nhân của tấm ảnh đó, qua nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới từ Greenland, Iceland cho đến cả lên dãy Himalaya tại Afghanistan, ông đã tìm được chủ nhân của bức ảnh đó và tìm ra chỗ để tấm ảnh. Tuy nhiên sau chuyến đi dài đó, Walter Mitty cũng nhận ra được bản thân mình đã bước ra khỏi vòng luẩn quẩn công việc và cuộc sống nhàm chán, trầy da tróc vẩy với chuyến hành trình tuyệt vời và gian nan đó, sau đấy Walter đi về với tấm phim, mạnh mẽ dằn mặt tên quản lý và tỏ tình với cô gái mà trước đó chỉ biết mơ mộng và ảo tưởng. Để chi tiết hơn về ý nghĩa và tình tiết phim đắt giá, bạn có thể đọc ở bài viết/ video này để hiểu rõ hơn:
Dù mang tiếng là một bộ phim hài kiểu mỹ nhưng quả thật, những thông điệp của bộ phim mang lại về cuộc sống là rất rõ ràng. Đặc biệt là khi nó cho ta thấy sức mạnh của việc bước được ra khỏi vùng an toàn có thể thay đổi một con người từ chỉ biết sống trong ảo vọng bước ra đương đầu với sự thật. Từ đây thì tôi mới bật ra trong đầu mình rằng những thứ gì đã biến mình thành con người của bây giờ (một con người học tập thoải mái, ít stress và dám thử sức với các lĩnh vực mới mẻ chưa được tiếp xúc trên ghế nhà trường). Cũng đến lúc để chia sẻ những thứ đó rồi nhỉ !

II.                Vùng an toàn-thứ khiến cuộc sống của bạn trở nên thật nhàm chán (hoặc không):

-       Vùng an toàn (Comfort Zone) là trạng thái tâm lý mà ở đó, chủ thể chọn yên vị trong một trạng thái/vị trí mà họ có thể kiểm soát dễ dàng môi trường xung quanh với những trải nghiệm ở một mức độ cực thấp (hoặc gần như không có) của sự lo lắng hay stress.
-       Hiểu đơn giản đó là khi bạn chỉ chọn điều gì đây mà bạn nắm rất rõ, hiểu rất tốt với ít sự lo lắng hay căng thẳng  và né đi những thứ mơ hồ, khó hiểu hay chưa nghe qua vì nó có khả năng thất bại cao, làm bạn cảm thấy không an tâm, hay sợ vì nó quá mới lạ.
Làm những việc mình giỏi, mình tốt thì không ai cấm, nhưng việc chọn 1 và chỉ một trạng thái an toàn của bản thân khiến cho chúng ta khó lòng vươn lên những vị trí cao khác trong công việc, mối quan hệ hay học tập. Nếu bạn cứ chọn làm những bài tập dễ và không hề có sự nỗ lực trong việc chọn và giải bài khó, trí thông minh bạn bị chững lại; bạn sợ người lạ và chỉ dám nói chuyện với anh chị em, họ hàng trong nhà, từ chối toàn bộ những cuộc nói chuyện với những người mới, mối quan hệ của bạn bị chững lại, và rất nhiều thứ khác sẽ khiến ta giậm chân tại chỗ, trông nhàm chán và chỉ như một vòng luẩn quẩn ngày qua ngày.
Việc sống trong vùng an toàn không sai với một số người, có những người đã và đang ổn định với nó thì có thể không cần phải thay đổi vì nó khiến họ thấy thoải mái. Như cách Walter Mitty sống với công việc làm trong phòng phim ảnh của công ty tạp chí hàng chục năm thoải mái với chỉ một quy trình: đi làm-nhận lương-chi tiêu-sinh hoạt với mẹ và chị em. Tuy nhiên nếu là người trẻ tuổi, tự đánh giá bản thân chưa có gì nhiều, cần học hỏi thêm thì việc phải có một vài lần bước ra và làm mới, làm rộng vùng an toàn của mình là việc cần thiết.

III.             Tại sao việc bước ra khỏi đó lại khó khăn vậy?

Việc đa số mọi người chọn yên vị hoặc không dám bước ra khỏi vùng an toàn có thể đến từ những lý do sau:
-       Không biết ngoài kia có gì: Bên ngoài vùng an toàn là những thứ mà ta còn thấy mơ hồ, không hiểu rõ, làm ta hoang mang và không muốn làm.  
-       Những rủi ro mang lại: Thứ gì không biết thì khi làm không thể tránh khỏi thất bại, đối với một số người, việc thất bại là điều gì đấy rất kinh khủng và không thể chấp nhận, vậy nên họ quyết định bỏ qua. Giống như việc bạn mới học bơi, bơi không được vậy nên tỉ lệ bạn sặc nước một vài lần vì bơi lỗi là điều gần như sẽ có, ai không chấp nhận thì khỏi học, ai chấp nhận thì sẽ tiếp tục học.
-       Sự bảo thủ và an phận với những gì mình đang có: Một số người có tư duy hạn hẹp, nghĩ rằng mình tìm hiểu đến nhiêu đấy là đã đủ, không chấp nhận việc tốn thêm thời gian đào sâu hay mở rộng sang những thứ mới. Ví dụ như việc bạn đi xe máy đã chục năm qua, nắng thì đội nón, mưa thì mặc áo mưa, người khác kêu bạn nên bỏ chuyển qua học lái ô tô để biết cách đi ô tô sau này có khi lại mua thì sao; nhưng bạn lại từ chối vì đã đi xe máy chục năm qua rồi có cái gì đâu. Đi ô tô thì lình kình, phức tạp, đã thế còn nguy hiểm hơn nữa chứ. Thế là bạn bỏ qua cơ hội để có thể lái ô tô.

IV.              Cách để bước khỏi vùng an toàn:

Lấn cấn ở đâu, sửa ngay ở đó, việc nhìn ra được lý do tại sao ta không dám bước ra khỏi vùng an toàn đã là nửa chặng đường của quá trình tìm hiểu bản thân và mở rộng vùng hoạt động của chính mình. Sau đây là những cách tôi biết và đã thực hiện trong việc lấy được sự tự tin và an đảm làm những thứ mới lạ:

1.        Cải thiện Mindset:

Lý do quan trọng nhất trong việc ngăn cản ta đi ra khỏi vùng an toàn chính là về tư duy của bản thân. Nếu vẫn cứ giữ tư duy về việc thất bại chính là dấu hiệu của sự kém cỏi, hay chỉ luôn muốn làm những điều dễ và không tin rằng mình có thể phát triển, ta vẫn sẽ mãi yên vị một chỗ và nhìn người khác đi lên.
Tôi nghĩ việc phát triển tư duy, biến mình thành một người tin vào quá trình phát triển khả năng của bản thân, lấy vấp ngã làm nền tảng cho sự thành công thay vì là dấu hiệu của sự kém cỏi là nền tảng vững chắc để chúng ta đương đầu tốt với những thứ thách mới bên ngoài vùng an toàn.
Thứ tôi khuyên bạn nên thử tìm hiểu chính là 2 hệ thống tư duy (Cố định và phát triển) mà Carol Dweck đã viết trong cuốn Mindset-The new Psychology of success cuốn sách tôi đã làm, tìm hiểu về cách thay đổi lối tư duy lấy sự nỗ lực làm châm ngôn và vấp ngã làm bàn đạp link dưới đây:

2.       Quản lý, kiểm soát được rủi ro mang lại :

Nếu nỗi sợ không dám bước khỏi vùng an toàn của mình đến từ nỗi sợ của những rủi ro, hãy học cách kiểm soát nó:
-       Ngồi xuống suy nghĩ về bức tranh toàn cảnh: Việc trang bị một góc nhìn rộng và xa trước khi bắt đầu một công việc khiến chúng ta hạn chế sự lo lắng và sợ hãi trước so với việc lao đầu về phía trước như một con thiêu thân. Hãy ngồi xuống và nhìn xem những điều cơ bản của cuộc chơi mới có những gì.
-       Cân nhắc về những rủi ro: Nếu ta không dám chơi vì sợ rủi ro, hãy nghĩ và tính toán đến nó. Nếu ta sợ đi bơi bị đuối nước, hãy thuê huấn luyện viên để tập cho an toàn. Nếu muốn lái ô tô, hãy đi học để hạn chế các tai nạn tối thiểu nhất. Khi đã cân nhắc, tính toán và có thể là triệt tiêu được các rủi ro, chúng ta có thể nghĩ đến những gì nó mang lại liệu có xứng đáng với những rủi ro có thể chịu hay có thể đề phòng không. Nếu có thì tiếp tục, nếu không thì có thể bỏ đi một cách khôn ngoan.

3.       Trang bị những thứ cần thiết khi bước vào một cuộc chơi:

-       Tìm hiểu “luật chơi”: Muốn chơi thì phải hiểu luật, vậy nên tiếp tục trau dồi kiến thức để có thể hiểu rõ những ràng buộc trong lĩnh vực mà mình cần nắm. Muốn chơi đá bóng thì phải biết luật đá bóng, muốn đi ô tô phải biết luật giao thông hay muốn đầu tư thì phải biết luật lên-xuống của thị trường. Càng tìm hiểu kĩ, ta càng tự tin vào những gì mình đang làm.
-       Kiên trì, nỗ lực và rèn luyện: Sau khi đã hiểu cách chơi, chưa chắc sẽ có được kết quả. Kết hợp thêm sự rèn luyện và kiên trì để có thể rèn luyện các kĩ năng đòi hỏi thời gian và sự nỗ lực.
-       Tích góp những chiến thắng “nhỏ”: Bước vào một lĩnh vực mới, ta có thể sẽ dễ nản. Tôi nghĩ “liều thuốc” giải quyết tốt nhất cho điều này chính là những chiến thắng nhỏ trong quá trình ta học hỏi và làm việc. Khi ta mới học bơi, cảm giác sung sướng nhất là những lần đầu, lần đầu nổi được, lần đầu bơi liên tục được 5 mét, 10 mét,….. chính những “ghi nhận” đó là dấu hiệu của việc ta đang đi lên và cũng là liều thuốc kích thích  sự hứng thú một cách lành mạnh, khiến ta vui vẻ trong quá trình phát triển của chính mình.
Lời kết: Vùng an toàn chỉ là khái niệm về suy nghĩ và tâm lý con người, nó được đặt ra nhằm mục đích phân loại những gì ta biết rõ và những gì ta còn mơ hồ. Đừng vì thứ gọi là “vùng an toàn” khiến bản thân mình bị chững lại vì cho rằng đó là giới hạn của bản thân, sự sáng tạo là vô hạn vậy nên việc từng bước đi ra khỏi đó, rèn luyện và mở rộng “vùng an toàn”, làm vậy nhiều lần sẽ khiến bản thân càng ngày càng tự tin vào nhiều lĩnh vực hơn, phát triển mạnh mẽ hơn và có được nhiều “chiến thắng” hơn.