Ảnh: wall alphacoders
Tôi là người chơi cờ. Cờ vua là sở thích từ bé của tôi, tính đến nay cũng đã được hơn 10 năm. Riêng với cờ, tôi lại quá mải chơi đến mức không chịu học, tức là học về lí thuyết cờ, bởi xưa nay tôi chỉ đánh theo kinh nghiệm và cảm tính.
Tuy nhiên từ đầu năm nay tôi năng đánh cờ hơn, cạnh đó lại tò mò liệu trò chơi trí tuệ này có ảnh hưởng đến triết học hay không, nó có triết lí của riêng mình hay không. Vậy nên tôi mới thử Google từ khoá “triết lý cờ vua” xem sao thì nhận được cái đống này và đủ thứ:



Vâng, rặt là những bài viết hoặc của các con buôn dạy nhau đong xèng, hoặc của các diễn giả dạy bạn self-help (lại self-help, thế mới khổ tôi chứ!). Đọc xong tôi chỉ biết thốt lên: Từ bao giờ mà cờ vua, được mệnh danh là trò chơi quí tộc, lại trở thành thứ để bọn con buôn mang ra nhìn qua lỗ đồng xu như thế?
Mặc dù việc cờ vua đi sâu vào văn hoá đại chúng là tin vui cho trò chơi trí tuệ này, nhưng bất cứ cái gì cần tư duy mà vào tay đại chúng đều trở nên đơn giản đến lố bịch cả, đó là độc hại vì nó khiến người mới học nhìn cờ vua sai lệch. Tự nhận là cao thủ cờ vua hạng ruồi, tôi thấy mình đủ tư cách (mà thật ra tư cách tôi lúc nào cũng đủ), và đủ trình độ để viết bài này nhằm giải ảo tất cả những triết lí self-help về cờ vua trên mạng.
Những thứ đó rất đáng sợ, bởi luyện chúng xong thì sau 3 tháng bạn đánh đâu thắng đấy (vì khi bạn thắng tức là bạn thắng, còn khi bạn thua tức là đối thủ của bạn đã từ chối vinh dự làm bại tướng dưới tay bạn, tức là bạn vẫn thắng!), và sau 6 tháng thì bạn không phân biệt được thế nào là thắng và thế nào là thua nữa (vì cả bạn và đối thủ đều thắng, ván nào cũng win-win, thế mới tài!).

Minh hoạ cho Tornad – cao thủ cờ ruồi. Chụp từ app Chess trên Facebook Messenger.
Bài này sẽ có vài thuật ngữ cờ vua, đều cơ bản thôi nên tôi không giải thích, hi vọng mọi người vẫn hiểu.


I. ẢO TƯỞNG VỀ QUÂN TỐT



Một đặc điểm trong luật cờ vua là quân tốt đi đến hàng cuối đối phương thì có thể được phong cấp thành một quân nhẹ (tượng, mã) hoặc một quân nặng (hậu, xe) cùng màu. Đặc điểm này rất thú vị trong giới chơi cờ vì có thể làm tăng điểm giá trị của tốt khi ván cờ vào tàn cuộc, thú vị cả trong văn hoá đại chúng khi người ta nhìn quân tốt làm động lực tiến thân trong đời. Ví dụ ảnh sau:

Rất hay với đời, mỗi tội lệch lạc với cờ vua.

Những diễn giải ở ảnh trên thể hiện lối suy nghĩ sai lầm phổ biến nhất trong giới đại chúng, đó là nhìn cuộc cờ như một cộng đồng nhiều người thay vì cuộc đấu giữa 2 cá nhân đơn độc. Nếu mỗi bên cờ có 16 quân tương ứng 16 người, thì tổng cộng cả bàn cờ có 32 con người ư? Đó là sai lầm. Mỗi bên cờ chỉ đại diện cho một người duy nhất mà thôi, là người đang đánh cờ. Tất cả quân cờ chỉ là phương tiện phục vụ cho cứu cánh là chiếu bí quân vua đối phương.
Nếu một tốt tiến lên phong cấp (thường được tránh để không bị ăn), và một tốt ở nhà phòng thủ (thường không quan tâm bị ăn hay không, ăn thì đổi) thì cũng giống như cánh tay phải của võ sĩ giơ ra đấm, còn cánh tay trái đỡ đòn. Thật nực cười khi nói tay phải của y dũng cảm còn tay trái y đớn hèn. Ở khía cạnh này cờ vua cũng tương tự vậy.
Và ta chỉ có thể hiểu cờ vua như một cá nhân đơn lẻ chứ không thể hiểu theo cách khác. Nếu là nhiều cá nhân thì thật khó để khiến họ 100% tuân lệnh vua, đặc biệt trong những trường hợp họ phải mang tính mạng ra chết thay. Nhưng trong cờ vua, tôi xin khẳng định, nếu có thể dùng quân khác chết thay, thì 100% nó sẽ chết thay, bằng không ván cờ sẽ không thể tiếp tục.
Ví dụ ảnh sau:

Đến lượt trắng. Thế cờ giả định để minh hoạ.

Nước tiếp theo bắt buộc quân trắng phải lấy Hậu g7 ăn Xe a1. Giả như quân hậu sợ chết không chịu ăn, mà nó tự ý đi ra ô g8 chẳng hạn, thì đó được coi là nước đi không hợp lệ, và quân trắng bắt buộc phải đi lại đến khi hợp lệ thì thôi, bằng không ván cờ treo ở đấy đến khi trắng hết thời gian suy nghĩ là bị xử thua. Cờ vua là trò chơi của quân tử, chỉ thắng khi dồn vua vào nước chiếu bí, chứ không bao giờ được “vồ” vua khi đối phương không để ý hoặc đi nhầm nước.
Thế nên hậu sống hay chết, tốt ở nhà hay đi phong cấp, tất cả đều phụ thuộc ý chí của người chơi, quân cờ không có ý chí. Việc khuyên người ta hãy như con tốt này, đừng như con tốt kia là nực cười và thiếu kiến thức về cờ. Vì một bàn cờ luôn cần 2-3 tốt đứng gần vua để bảo vệ, ý định cho cả 8 tốt lên phong hậu chắc chỉ thành công khi đối thủ chán quá không buồn đánh nữa.



Một ví dụ khác cho thấy người viết không hiểu cờ vua. Bởi đơn giản khi đánh cờ là hai người đánh với nhau, chứ không phải những mẩu gỗ tự di chuyển với nhau, hai cái máy đánh với nhau thì không tính. Và một khi cờ vua còn được đấu bằng hai con người thì khi đó yếu tố tâm lí vẫn cực kì quan trọng.
Các nhà vô địch cờ vua của chúng ta tuy thông minh đến thế, nhưng nhiều lúc vẫn có những lo sợ rất nhảm nhí, và những ván thua đáng tiếc vì khủng hoảng tâm lí. Dưới đây là dẫn chứng về cuộc tranh giải vô địch thế giới giữa Anatoly Karpov và Viktor Korchnoi, năm 1978.
Korchnoi thì mê tín:
Ván thứ mười bốn, Karpov làm chủ tình thế và thắng tiếp, tỉ số lúc này là 3-1. Hai ván tiếp theo hòa.
Đến ván thứ mười bảy thì xảy ra một sự việc bất thường: Bắt đầu vào giờ đấu (ván này Korchnoi cầm quân trắng), đáng lẽ ngồi vào bàn thì ông lại tới ngồi ở chiếc ghế bành đặt ở khá xa bàn cờ. Khi trọng tài tới bên ông ta hỏi xem ông ta có việc gì không thì Korchnoi tay chỉ về phía hàng thứ 6 hay thứ 7 hàng ghế khán giả và nói: “Có người đang thôi miên, không cho tôi suy nghĩ.”
[…]
Trong lúc đó ở ngoài hội trường, các trọng tài vừa giải thích, vừa khẩn khoản yêu cầu khán giả hãy bỏ trống cho tám hàng ghế đầu. Mọi người đứng dậy chuyển chỗ. Cả phần phía trước sân khấu trống hẳn đi một khoảng. Korchnoi ngồi chờ cho mọi sự dàn xếp xong xuôi rồi mới tới bàn cờ nhấc quân đi nước đầu tiên. Ván cờ kết thúc với phần thắng thuộc về Karpov, tỷ số lúc này là 4-1.
Trích Thế giới cờ vua. Võ Tấn.
Karpov thì khủng hoảng:
Chỉ cần một ván nữa thôi là Karpov giữ vững danh hiệu vô địch của mình. Song ”càng gần thắng lợi, càng nhiều gian nan”. Lúc này Karpov cảm thấy trong người đã quá mệt mỏi. Tiếp đó Karpov thua ba ván liền. Korchnoi trong giai đoạn cuối đã thi đấu khá vững vàng, còn Karpov thì lâm vào khủng hoảng thật sự.
Trích Thế giới cờ vua. Võ Tấn.
Cờ cũng như bất kì cuộc thi nào của con người, tâm lí vẫn rất quan trọng.


II. ẢO TƯỞNG VỀ QUÂN VUA



Trong văn hoá đại chúng thì đối lập với quân tốt – quân thấp nhất là quân vua – quân cao nhất. Ấy thế nhưng xét về sức chiến đấu quân vua không hơn tốt là bao, vậy mà kẻ dưới đáy, người trên đỉnh, bất công lắm thay. Vì đặc điểm này mà người ta thường cảm thán thay cho tốt mà nhận định vua như kẻ bất tài mà được hưởng thụ như thế này đây:

Tất nhiên, văn hoá đại chúng thường sai, trường hợp này không ngoại lệ.

Lối suy nghĩ sai lầm phổ biến thứ hai là so sánh điểm giá trị của các quân cờ với quân vua. Trong lí thuyết cờ điểm giá trị vốn chỉ tương đối, nó dùng để đánh giá hơn thiệt khi đổi quân, do đó không áp dụng được với vua. Vua không được phép mang đổi, vua đứng ngoài khái niệm điểm số và đổi chác.
Tuy điểm được tính đại khái như thế này: Hậu = 9, Xe = 5, Tượng = Mã = 3, Tốt = 1. Khác với vua là tuyệt đối, các quân khác tương đối nên khi kết hợp với nhau chúng lại mang điểm số khác (như Xe + Mã = 7,5 thôi), hoặc tuỳ giai đoạn cờ lại thay đổi điểm (như tàn cuộc thì 2 tượng cao hơn 2 mã). Vậy nên có thế cờ người ta đổi hậu lấy tốt là bình thường, lúc này âm 8, nhưng bên âm điểm lại thắng – đây chính là trường hợp của Samuel Reshevsky và Bozidar Ivanovic, đấu ở Skopje năm 1976.
Trong hình dưới, đen đã bị âm 8 điểm, và từ đó đến hết ván đen không gỡ điểm được, bởi vì đen thắng ngay sau đó. Điều này cho thấy điểm giá trị không phải cứu cánh của cờ, con vua mới là cứu cánh kìa.

Nước cờ đẹp như một nghệ phẩm. Bạn có thể tự giải nốt các nước sau để quân đen thắng chứ?

Vấn đề thứ hai là tại sao quân vua quan trọng thế mà được thiết kế yếu đến thế? Câu trả lời là phải như thế thì trò chơi cờ vua mới thú vị, nếu không thế thì trước sau gì người đời cũng sửa luật cờ để cờ trở nên thú vị và sống lâu.
Hãy tưởng tượng quân vua quyền năng như hậu, chúng ta sẽ chiếu bí nó bằng cách nào đây? Nếu chơi cờ hẳn bạn đã biết để đuổi cho hậu hết đường đi ngay cả khi ở trung cuộc với quân đứng dày đặc đã rất khó rồi, còn như tàn cuộc khi bàn cờ không quá 10 quân thì không bao giờ có thể đuổi hết đường hậu được. Vua mà cũng thế thì chiếu bí hẳn là thứ rất xa xỉ.
Vậy nên vua chỉ đi ngang chéo 1 ô là phương án tối ưu, nó không quá yếu như cái chấm nhà trong trò Tank 1990, mà cũng không quá mạnh để vừa đủ cho các quân khác có thể chiếu bí. Cách điều khiển vua ở tàn cuộc là một kĩ năng quan trọng.


Liên quan nhỏ đến quân vua, đó là nước nhập thành. Bài trong ảnh trên thể hiện sự mù mờ về cờ, luật cờ chắc cũng chỉ học lỏm nên mới nói ít người dùng nước nhập thành. Nhập thành là một đột phá trong luật cờ vua hiện đại, nó mang lợi thế lớn nên hầu như ai cũng dùng ngay từ khai cuộc, còn không biết luật thì tất nhiên là không dùng được rồi.
Mục đích của nhập thành cũng chẳng phải trao quyền (thật khó hiểu, vua trao cho xe quyền làm vua?) mà thực chất là giấu vua vào góc bàn cờ, đồng thời đẩy xe ra kiểm soát trung tâm bàn cờ. Lí thuyết cờ hiện đại đưa ra và đã chứng minh là đúng khi khu vực cần kiểm soát là trung tâm bàn thay vì những ô gần vua.


III. ẢO TƯỞNG VỀ QUÂN HẬU



Cuối cùng là quân hậu rất nổi tiếng trong cờ vua. Với giới chơi cờ thì nó trải qua nhiều thăng trầm từ lúc là quân yếu nhì bàn (chỉ mạnh hơn tốt mà thôi) cho đến khi thành quân mạnh nhất, còn với văn hoá đại chúng thì nó là biểu tượng nữ quyền, bởi vì là quân nữ duy nhất, lại còn mạnh nhất bàn cờ. Ví dụ những tuyên bố như sau:


Nhưng lịch sử cờ vua cho thấy quân hậu không được ưu ái đến thế, chính xác là không được đàn ông ưu ái và không được ưu ái trong thời kì đầu.
Tổ tiên của cờ vua là cờ chaturanga, được cho là có xuất xứ từ Ấn Độ. Người ta chưa xác định được ai phát minh ra nó và vào năm bao nhiêu, cũng như chưa thu thập được luật chơi đầy đủ của nó. Chaturanga có nghĩa là tứ binh, ám chỉ đến bốn chủng quân xưa kia: chiến xa – voi – ngựa – bộ binh, tương ứng với xe – tượng – mã – tốt trong cờ vua, cách di chuyển quân cũng gần giống với cờ vua. Ngoài ra còn có hai loại quân khác là quân vua, di chuyển như vua trong cờ vua nhưng không có nhập thành; và quân tể tướng, đây chính là tổ tiên của hậu, bấy giờ tể tướng chỉ được đi chéo 1 ô, vậy nên nó yếu nhì bàn cờ, sau tốt.
Khi cờ chaturanga đến Ba Tư, nó trở thành cờ shatranj, đây chính tiền thân của cờ vua. Luật cờ shatranj gần giống với chaturanga, quân tể tướng đổi tên thành cố vấn và vẫn yếu ớt. Cho đến khi sang châu Âu trở thành cờ vua, cố vấn đổi tên thành hoàng hậu, và con hậu vẫn yếu ớt như thế.

Các quân cờ shatranj. Ảnh: jamesmys blogspot

Ở châu Âu những năm sau đó, nước đi của quân hậu dần dần được chỉnh sửa. Trong quyển Book of Chess của Jacobus de Cessolis, được viết cuối thế kỉ 13, có nói rằng vua được đi từ 2 đến 4 ô trong lần đi đầu tiên, và được quyền kéo theo quân hậu nếu chọn đi 3 ô. Việc cho vua đi bước dài ở nước đầu tiên, lại được kéo theo quân hộ vệ, rõ ràng để giúp nó núp vào vị trí an toàn, đây có vẻ là tổ tiên của nước nhập thành. Và như ta thấy, quân hậu (hoặc tiền thân là tể tướng, cố vấn) yếu ớt như thế rõ ràng sinh ra chỉ để ở nhà bảo vệ vua mà thôi.
Và dân châu Âu cứ chơi cờ theo luật như vậy, chẳng mảy may nghĩ đến chuyện tôn vinh phụ nữ bằng cách cho quân hậu mạnh lên gì cả. Phận của hậu là ở nhà chăm sóc vua, rõ ràng là thế. Thậm chí sau này khi luật cờ được sửa, nhiều người đã phản đối và mỉa mai gọi thứ cờ mới này là Cờ Hậu (Queen's Chess) hoặc Cờ Hậu Điên (Mad Queen Chess). Người Pháp gọi vui nó là ésches de la dame enragée (tạm dịch: cờ bà chằn).
Theo quyển Birth of the Chess Queen: A History của Marilyn Yalom thì lí do quân hậu được sửa vì ảnh hưởng chính trị từ những nhà cai trị nữ. Thế kỉ 10 và 11, bộ đôi mẹ chồng-con dâu nữ hoàng Adelaide và nữ hoàng Theophano giữ quyền lực ở Tuscany, họ cũng là hình mẫu đầu tiên dùng miêu tả cho hậu ở cờ vua. Thế kỉ 12, có nữ hoàng Eleanor of Aquitaine, bà đảm đương cả công việc của tể tướng nên châu Âu bấy giờ không có tể tướng, và bà cũng ảnh hưởng đến cờ vua. Thế kỉ 15, dưới thời nữ hoàng Isabella of Castile, quân hậu đã có được quyền năng cao nhất trên bàn cờ.

Biếm hoạ về cờ hoà vì hết nước đi (stalemate), một đặc trưng thú vị của cờ vua. Tranh của Pháp những năm 1990, không rõ tác giả.

Ta nên nhớ hồi bấy giờ cờ vua là trò chơi quí tộc, nên đổi thay chính trị ảnh hưởng lên nó là không có gì lạ. Mặc dù đây là giả thiết, nhưng nó hợp lí nhất cho đến nay.
Nói tóm lại, quân hậu có tiền thân là quân cờ nam giới, nó chịu ảnh hưởng từ quyền lực của các nhà cai trị nữ nên mới có hình hài như bây giờ, chứ không phải được cánh đàn ông châu Âu ưu ái cho làm quân mạnh nhất bàn cờ.


IV. LỜI KẾT



Nhìn chung tôi không có vấn đề gì với các bài dạy đong xèng và dạy self-help của giới con buôn và diễn giả, nhưng tôi không chấp nhận được họ lôi cờ vua vào để truyền bá kiến thức méo mó. Tôi tự hỏi phải chăng họ thiếu tự tin đến nỗi nếu không dẫn cờ vua vào thì lời nói không còn sức nặng chăng, và phải chăng họ thiếu dũng cảm đến mức không thể thú nhận trò cờ abc với đặc điểm xyz này do tôi hư cấu để minh hoạ cho quan điểm của mình, chứ nó không có thật đâu?
Cờ vua vốn dĩ là một trò chơi, chiến xa đi thẳng, voi đi chéo, hậu đi cả hai, mã đi chữ L, tốt có thể được phong cấp v.v. đều chỉ là qui ước nhằm tạo nên khác biệt giữa các quân trên bàn cờ, và khiến trò chơi thêm thú vị mà thôi. Chẳng có ý nghĩa gì khủng khiếp và cũng chẳng cần cài cắm ý nghĩa gì vào đó.

Biếm hoạ về nước nhập thành. Tranh của Pháp những năm 1990, không rõ tác giả.

Tất nhiên cờ vua vẫn rất đẹp, nó vẫn đã đang được ví như tinh hoa giữa toán học và nghệ thuật kết hợp. Nhưng cái đẹp của cờ vua chỉ được thấy khi bạn biết chơi cờ, khi bạn gặp một thế cờ trên bàn cờ, chứ không phải khi bạn ngồi một chỗ hư cấu và tưởng tượng lăng nhăng. Cờ vua để chơi, không để gáy. Tất cả các lí thuyết cờ xưa nay đều để dùng trong thực hành, lí thuyết khi gáy lên nghe hay đến mấy mà khi áp dụng dễ thua thì vẫn phải bỏ đi.
Với kinh nghiệm đã chục năm chơi cờ và nhiều năm yêu văn chương, tôi thấy ra giữa cờ và văn chương có hai điểm tương đồng: Một là với người sành sỏi, họ nhìn thấy mọi cái đẹp trong chúng, với người ngoại đạo, họ chẳng thấy gì ngoài sự “trúc trắc” khó hiểu. Hai là cả cờ và văn chương đều là thứ được người đời ca tụng và nhiều kẻ cơ hội mang ra làm công cụ cho những mục đích đớn hèn của mình.



Tham khảo:
Lịch sử và các câu chuyện về cờ vua lấy từ:
Thế giới cờ vua. Võ Tấn. NXB Đà Nẵng.
Birth of the Chess Queen: A History. Marilyn Yalom. HarperCollins e-books.



TORNAD
28/3/2019