I.              Giới thiệu về tâm lý học tư duy

Đây là một mảng của ngành tâm lý học-ngành nghiên cứu về các hành vi và tư duy của con người bao gồm cảm xúc, suy nghĩ, hành động,… bằng các hình thức như khảo sát diện rộng, phân tích số liệu cũng như sử dụng lý luận khoa học để giải thích cho những kết quả khảo sát. Tâm lý học tư duy nghiên cứu về khả năng tư duy, đưa ra quyết định trong học tập, cuộc sống,…

II.            Tác giả

Carol Dweck là một nhà tâm lý học tại đại học Stanford. Có thể coi bà là người tiên phong trong lĩnh vực về tâm lý học tư duy. Bà từng là giảng viên của các trường đại học như Harvard, Đại học Columbia. Năm 2006, bà cho ra mắt cuốn Mindset-the new psychology of success với chủ đề về 2 lối tư duy mà bà đã bỏ ra nhiều thập kỷ nghiên cứu. Bà cũng có 2 lần đứng trước công chúng (Ted Talk) để nói về nghiên cứu của mình sau 8 năm kể từ khi cuốn sách được cho ra mắt.

III.         Nội dung chủ đạo của cuốn sách

Xuyên suốt cuốn sách, Carol Dweck đã trình bày về 2 lối tư duy xuất hiện trong mỗi con người- Tư duy cố định (Fixed-Mindset) và tư duy phát triển (Growth-Mindset). Xuyên suốt cuốn sách là những định nghĩa, hành vi và lối tư duy trong những hành động bình thường của con người (từ học tập, làm việc, chơi thể thao hay là đối diện với những thất bại) lồng ghép với đó là những giải thích cho các hành vi trong từng lối tư duy. Cuối sách, bà cũng đưa ra cách để đưa người đọc giải đáp câu hỏi lớn nhất (Làm sao để phát triển một lối tư duy thành công ?).

IV.          Hai lối tư duy được nhắc đến:

Cả cuốn sách của bà, Carol Dweck chỉ có duy nhất một trọng tâm-2 lối tư duy tồn tại trong con người. Tuy nhiên trước hết ta cũng cần đi đến một định nghĩa liên quan và quan trọng không kém trong cuốn sách này. Đó là tư duy-trí thông minh, thật sự là gì?
-   Nhìn ngay vào phần chữ của từ tư duy (Mindset) chúng ta thấy được 2 từ được ghép lại chính là Mind (suy nghĩ) và set (định sẵn). Từ điển Oxford cũng định nghĩa từ này là “Một hệ thống các thái độ được quy tụ sẵn trong mỗi cá nhân”. Tuy nhiên thực tế, những lập luận của Carol Dweck cho rằng những điều ấy chưa chắc là định sẵn và cả cuốn sách bà rằng con người có 2 lối tư duy- Tư duy cố định và tư duy phát triển
2 Lối tư duy theo quan điểm của Carol Dweck
2 Lối tư duy theo quan điểm của Carol Dweck
-   Tư duy cố định cho rằng trí thông minh, phẩm chất hay tư duy đều là những thứ bất biến. Nói một cách ngắn gọn, “Bạn sẽ mãi là bạn dù cho có thế nào” và bạn thành công hay thất bại chỉ phụ thuộc vào khả năng né tránh các thử thách của bạn.
-   Tư duy phát triển lại cho ta một góc nhìn khác. Luôn coi mọi thứ trên là các biến số khó lường và luôn coi sự cố gắng là nền tảng. Phát triển và thay đổi bản thân như một dòng chảy liên tục. Những bài học rút ra là cơ hội để phát triển và thăng tiến hơn chính mình ngày hôm qua (bất kể nó là thất bại hay thành công).

V.            Những ví dụ:

Trong cuốn sách, Carol Dweck đưa ra rất nhiều các ví dụ thực tế về các tình huống cụ thể và cách xử lý của 2 lối tư duy khác nhau.
-       Trong cuộc sống hằng ngày: Giả sử bạn có một ngày không đẹp: “Nhận điểm 5 vào kì thi giữa kỳ, đi về thì bị cảnh sát thổi vì vi phạm giao thông, về tới nhà thì đồ đạc trong nhà không thứ nào theo ý bạn, chúng rối tung cả lên, đang tính điện thoại để than thở với đứa bạn của bạn thì mới nhắn tin thôi nó đã không muốn nghe điều đó.” Đối với tư duy cố định, họ nhận điểm thôi là đã tự coi mình là một kẻ thất bại, cảm thấy mình thật ngu dốt; đi về gặp thêm các chuỗi sự kiện sau sẽ càng khiến họ suy sụp và càng thấy mình thất bại hơn vì trông như cả thế giới đang chống lại mình vậy.
Tuy nhiên với tư duy phát triển, mọi thứ trong đời sống luôn có cơ hội được thay đổi nên với họ những thứ này rất bình thường đi. Bạn điểm thấp giữa kì thì cuối kì bạn cố gắng học bài lại để điểm tốt hơn, còn bạn đi đường bị phạt đó là do bạn thôi, còn người bạn của bạn có khi còn đang gặp chuyện gì đó khó chịu và nặng nề hơn của bạn thì sao, vậy nên hôm sau hỏi lại bạn ấy xem là có chuyện gì không mà trông có vẻ khó chịu thế.
-       Trong giới CEO: Một hội chứng của các CEO có tư duy cố định được gọi là “Hội chứng CEO” (hiểu cơ bản không khác gì một người lãnh đạo mang một tư duy cố định, không chịu lắng nghe ý kiến của người khác và luôn cho mình là đúng).
Hình ảnh CEO của Microsoft Steve Ballmer cười nhạo Iphone 2G vào na
Hình ảnh CEO của Microsoft Steve Ballmer cười nhạo Iphone 2G vào na
Steve Ballmer, một trong những CEO điều hành Microsoft sau thời Bill Gates từng chê cười iphone 2G thậm tệ vào thời điểm năm 2007 ( thời mà người ta cho rằng một chiếc điện thoại phải có bàn phím vật lý và việc vuốt chạm trên chiếc màn hình thật là khác người) hay như CEO của Ford luôn cho ra mắt các mẫu xe y hệt nhau và thay đổi rất ít sau mỗi năm vì những nhà điều hành của nhà Ford cho rằng xe họ đủ tốt để không thay đổi trong thời gian dài. Và ai cũng biết rằng những mẫu xe nhiều năm không đổi của Ford trong giai đoạn ấy bán rất kém, trong khi những mẫu xe đến từ Hàn Quốc luôn có sự thay đổi và đột phá và chiếm thị phần lớn trong giới ô tô.
-       Tư duy về tài năng: Trong cuộc sống, dù cho ta vẫn thích những câu chuyện về các vận động viên cố gắng đi lên từ sự nỗ lực, nhưng trong thâm tâm, ta vẫn tôn vinh những tài năng thiên phú, gán cho họ những điều thật xa vời và khó chạm đến. Ta vẫn thường thích nghe về việc Beethoven biết chơi nhạc từ nhỏ, Picasso biết vẽ từ nhỏ mà quên mất rằng tiềm năng từ nhỏ không thể được phát huy nếu như không có sự nỗ lực. Đó chính là sự khác nhau giữa 2 lối tư duy. Tư duy cố định luôn cho rằng sự thiên phú hay tài năng mới là mấu chốt đem lại cho bạn sự thành công và cố gắng, nỗ lực hết mình chỉ tồn tại ở những người thiếu đi tài năng. Đối với tư duy phát triển, họ ngưỡng mộ những tài năng cá nhân nhưng vẫn tôn thờ nỗ lực và cố gắng là thứ giúp họ đứng vững trên đường tìm những thành công họ mong muốn.
-     Tư duy về thử thách và tiềm năng: Trong nghiên cứu đầu tiên của Carol Dweck-nghiên cứu khiến bà có cảm hứng viết cuốn sách này; bà cho những đứa trẻ lựa chọn, hoặc làm bài tập dễ dàng hoặc làm bài tập sau có độ khó rất cao. Bà bất ngờ vì những đứa trẻ trong quá trình nghiên cứu dù ở độ tuổi tuy khá nhỏ nhưng đã có tư duy về sự an toàn và cố định. Chúng chọn những bài tập dễ dàng vì cho rằng “Giỏi là khi con làm đúng, không được sai sót hoặc làm nhanh hơn bình thường và người khác phải khó khăn tốn thời gian giải ra”. Đối với tư duy phát triển, những đứa trẻ chọn các bài tập khó vì cho rằng thật vô nghĩa nếu làm đi làm lại bài tập cũ dễ dàng mà không có sự thăng tiến. Dù bài tập có khó nhưng nếu bỏ ra nhiều công sức để giải ra thì với chúng vẫn vui hơn là phương pháp nghe có vẻ an toàn nhưng nhàm chán kia. Về tiềm năng, những người có tư duy cố định thường chọn lối đi khá an toàn, chỉ khi nào những phẩm chất của họ được nhen nhóm, họ mới mạnh dạn đổ công sức của bản thân vào (Ví dụ như bạn chỉ học toán chăm hơn khi thấy mình có tố chất giải bài tập nhanh hơn hầu hết các bạn trong lớp)
Kết luận: Ta thấy rằng 2 lối tư duy cơ bản ở đây đã có sự khác nhau rất lớn . Về góc độ các tình huống được đưa ra, có thể thấy tư duy cố định rất nhạy cảm với các kết quả hiện hữu như điểm thấp, bị phạt,….luôn cho những thứ đó chính là thước đo cho họ trong một thời gian dài (hoặc rộng hơn là vĩnh viễn). Đối với tư duy phát triển, những gì họ thấy chỉ là cơ hội học hỏi và thay đổi; khó khăn chỉ là vấn đề nhất thời và đặc biệt là cái nào còn cơ hội lớn để sửa thì họ luôn bỏ công sức và khả năng ra để thay đổi nó.

VI.          Lợi ích của một tư duy phát triển:

 Chúng ta đang sống trong một môi trường quá trọng thành tích. Nghĩ thật kì cục khi một hệ thống giáo dục cạnh tranh lại là nơi dễ nảy sinh những người có tư duy cố định dễ nhất (hay nói phổ quát hơn là nơi nào có các giá trị dễ bị coi là cố định như điểm số, bằng cấp, tiền lương…). Nó có gắn liền khá mật thiết với thói đố kị, chính là những việc những người có tư duy cố định có xu hướng biến những người khác cố định theo mình (“Dời ạ, bài làm gì mà có 2 3 điểm thua cả….). Mang tính chất trêu chọc nhiều hơn là chủ ý muốn kéo ng khác xuống, nhưng cách nhận thức và đối diện với những lời kiểu đó đa phần là tự ti, tự nhục…. Nó tạo ra một môi trường học rất xấu và cũng như độc hại. Vậy nên việc hình thành một tư duy phát triển nó khiến ta không rơi vào vòng xoáy điểm số và những giá trị mang tính “nhãn dán” cho con người-những điều đem lại cho ta ít nhiều sự mệt mỏi, căng thẳng cũng như là trầm cảm. Vậy nên hạn chế được tư duy cố định càng nhiều trong học tập, bạn càng có nhiều cơ hội để học tập trong sự thoải mái và phát triển theo ý mình muốn.
Ra đời cũng vậy, những tư duy khiến ta khó phát triển. Việc những người sếp và chứng bệnh CEO cũng đã được mình trình bày bên trên khiến cho nhân viên làm việc ít có cơ hội thăng tiến cũng như là cho công ty giậm chân tại chỗ khá nhiều. Ngoài ra việc làm việc với những đồng nghiệp có tư duy cố định cũng không mấy dễ chịu. Khó thu nhận ý kiến của nhau, không tìm ra sự đồng điệu và giải pháp cho những vấn đề lớn là những gì tôi có thể nghĩ ra ngay bây giờ. Ngược lại, với lối tư duy phát triển, việc đặt bạn vào một môi trường phù hợp sẽ khiến bạn có những cú bứt tốc và thăng tiến trong công việc rất nhiều-khi sự cần cù, nhiệt huyết, sáng tạo và đam mê trong công việc là điều những người sếp muốn thấy nhất ở một nhân viên giỏi (trùng hợp thay đó cũng là những gì tư duy phát triển có).

VII.       Chúng ta nên làm gì để có một tư duy phát triển:

1.     Một môi trường tốt:

Môi trường ở đây là những người phù hợp, giáo viên, cha mẹ tốt có tư duy phát triển để con có thể học hỏi vậy nên đây sẽ là phần tôi dành cho những người làm cha, mẹ, giáo viên hay người có sức ảnh hưởng đến những người khác:
-      Khen ngợi về quá trình thay vì khả năng:
Một nghiên cứu chỉ ra rằng, những đứa trẻ được khen ngợi về tài năng và trí thông minh thường sẽ có xu hướng hình thành tư duy cố định, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của chúng (Khi cha mẹ khen con mình học giỏi như một thần đồng, vẽ đẹp như Picasso). Tôi lấy ví dụ có phần hơi xa và phóng đại nhưng để nhìn rõ ra rằng nếu chúng không lặp lại “thành tích” như lúc được khen thì chúng có thể nghĩ sao:
o   Con có còn là  Picasso không
o   Con liệu còn thông minh không hay con đang thụt lùi đi trông thấy.
Hãy nhìn vào quá trình và sự cố gắng thay vì thành tích của con cái
Hãy nhìn vào quá trình và sự cố gắng thay vì thành tích của con cái
Ngược lại, việc khen những người con hay học sinh đã cố gắng đạt được điều gì đó khiến người đó có thêm niềm tin vào sự cố gắng, kiên trì cũng như có hứng thú với những thử thách (Con ắt đã cố gắng suy nghĩ nhiều để giải được bài toán này nhỉ; Bố mẹ ngưỡng mộ vì con dành nhiều thời gian cố gắng cho Guitar đến thế).
-   Biết cách trấn an con trẻ: Nếu khen không được, ta phải trấn an cũng như tạo lại động lực cho con về niềm tin của sự cố gắng.
Mọi thứ vẫn phải đi theo nền tảng của sự cố gắng và nỗ lực để có thể lèo lái con trẻ, học sinh theo những hướng đúng trong cuộc sống.
“ Thật là tệ hại khi nghĩ rằng mọi người đang đánh giá con mà con lại không thể thể kiện được những kiến thức gì. Nhưng bố mẹ muốn con biết rằng bố mẹ không đánh giá con. Bố mẹ quan tâm đến việc học của con, và bố mẹ biết rằng con đã học hành chăm chỉ. Bố mẹ tự hào vì con rất kiên trì và luôn cố gắng học tập” _Trích dẫn trang 351_
         Còn rất nhiều điều một giáo sư tâm lý học dày dặn kinh nghiệm như Carol Dweck gửi đến các giáo viên hay những người làm cha làm mẹ trong chương VII của cuốn sách.

2.    Thay đổi tư duy từ góc độ phát triển bản thân:

Luôn có một quy trình rõ ràng để tạo ra sự thay đổi đó là: Nhận thức vấn đề-đánh giá về sự ảnh hưởng của vấn đề-lập kế hoạch-thực hiện- tự ngẫm+điều chỉnh-tạo nền tảng bền vững cho sự thay đổi.
-      Nhận thức: Sự thay đổi về cơ bản đã là khó, chưa kể việc ta còn phải thay đổi tư duy-thứ quyết định tới niềm tin và cách nhìn nhận của mỗi con người về mọi vấn đề. Vậy nên cần một chiến lược cũng như kế hoạch cụ thể và từ từ để tạo ra một sự thay đổi bền vững.
-      Đánh giá sự ảnh hưởng của vấn đề: Tự đánh giá bản thân và nhận ra những điểm hạn chế của mình trong tư duy. Mình đang gặp khó khăn trong những tình huống nào, mình có tư duy cố định ở đâu và những cái nào cần phải thay đổi để bản thân có thể phát triển tốt. Đây có thể coi là quá trình khó nhất và gian nan nhất vì nó phụ thuộc nhiều vào nhận thức và sự sắc bén của chúng ta về chính bản thân mình.
-      Lập kế hoạch: Đều đặn thiết lập những vấn đề mình có thể gặp trong cuộc sống mà ở đó mình đang tồn tại tư duy cố định. Ngồi lại suy ngẫm và viết về những bước đi hay cách xử lý của một người có tư duy phát triển (rõ ràng khi ta ngồi xuống viết và ngẫm sẽ tạo tiền đề tốt cho ta thực hành trong cuộc sống thật)
-      Thực hiện: Đem những gì đã lên kế hoạch đi vào cuộc sống thật.
-      Tự ngẫm và điều chỉnh: Việc “thực hành” dù đã có kế hoạch cụ thể tuy nhiên việc nhận thức và điều chỉnh hành vi ngay từ những ngày đầu là rất khó khăn. Vậy nên cuối quá trình nho nhỏ (có thể là trong ngày, tuần…) ta dành ra thời gian nghiền ngẫm vấn đề, nhận ra tình huống nào vẫn còn gặp lỗi và có những thú gì mới ta cần phải bổ sung vào danh sách không. Việc này giúp cho các bạn vừa rèn được một tư duy phát triển qua việc mở rộng vấn đề cần giải quyết, vừa giúp cho các bạn hoàn thiện hơn sau mỗi quá trình
-   Tạo nền tảng vững chắc: Khi những viên gạch nhỏ đã được mang đến và xếp lên, việc của chúng ta là đưa chất kết dính vào để tạo thành một bức tường vững chắc. Việc xây dựng các thói quen nhỏ có tư duy phát triển khiến cho chúng ta ngày càng có hứng thú với việc phát triển bản thân. Vậy nên tội gì mà không biến nó thành một thói quen, phản xạ tốt để chúng ta có thể hình thành lối tư duy trong mọi việc (nó giống như việc các bạn học tiếng anh từ những thứ nhỏ nhặt xong theo thời gian nó biến tiếng anh thành một thói quen, một ngôn ngữ phản xạ dùng trong giao tiếp thường nhật).

VIII.     Kết luận:

-   Với công sức nhiều thập kỷ nghiên cứu, cuốn “Mindset” xứng đáng với vị thế người đi tiên phong trong lĩnh vực tâm lý học tư duy. Là nền tảng cho các khả năng học thuật và cũng như tiếp thu nhiều thứ khác của con người.
-   Dù cho còn nhiều điểm hơi dài và cần cô đọng nhưng những câu chuyện được Carol Dweck truyền tải vẫn là hay và giúp ta học tập từ đó tốt hơn. Nó giống như một giáo trình tâm huyết với cặn kẽ từng bước chứ không phải một cuốn chỉ có lý thuyết nên việc dài hơn bình thường cũng là điều chấp nhận được.
-   Cuốn sách dễ đọc, gần gũi vậy nên nó thân thiện với hầu như tất cả mọi người.