“Any man who must say ‘I am the king’ is no true king”
- Tywin Lannister
Nếu như trong thời trung đại, nước Nhật nổi bật lên hệ thống “Lưỡng đầu chế”: Mạc phủ - Thiên Hoàng, trong đó hoàng đế đóng vai trò là một nhân vật biểu tượng còn quyền lực thực tế nằm trong tay các vị tướng quân thì tại miền Bắc Việt Nam, trong khoảng thế kỷ XVI-XVIII cũng tồn tại hệ thống “vua Lê - chúa Trịnh” với nhiều điểm tương đồng, chúa Trịnh nắm thực quyền sau tượng đài vua Lê.
Trong số chúng ta, chắc hẳn nhiều người từng tự đặt câu hỏi: tại sao chúa Trịnh, người nắm giữ hoàn toàn quyền lực, không lật đổ nhà Lê để lên ngôi vua mà chỉ giữ mình ở vị trí thứ hai?

Chúa Trịnh
Có nhiều cách lý giải cho câu hỏi này. Có người viện dẫn rằng chúa Trịnh phần nào bị chi phối bởi tư tưởng trung quân của kẻ sĩ thời trung đại; hay chúa Trịnh muốn mượn uy tín của nhà Lê. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng chính lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm là điều tác động đến chúa, tuy nhiên, đây chỉ là giai thoại.
Ở đây, bọn mình xin mạn phép đưa ra một cách lý giải của riêng mình, cũng là tổng hợp lại các ý kiến kể trên:
Không phải chúa Trịnh không muốn làm, mà là không dám làm.
Không dám làm vì việc lên ngôi vua tiềm ẩn quá nhiều rủi ro; cái lợi về danh không đáng so với những nguy cơ phải đối mặt.
Chúa Trịnh không phải là thế lực duy nhất trong thời kỳ này. Nhà Mạc đến tận năm 1592 vẫn chiếm giữ Thăng Long, sau khi rút lên Cao Bằng, thế lực nhà Mạc vẫn có những đợt hành quân đánh xuống vùng Đồng bằng sông Hồng, gây sức ép ít nhiều với chính quyền Lê – Trịnh. Bên cạnh đó, trong Nam còn có thế lực của chúa Nguyễn. Đây là một thế lực rất mạnh; chúa Trịnh đã thực hiện rất nhiều cuộc hành quân để tiêu diệt thế lực này nhưng không thể, dẫn đến thế giằng co trong suốt hai thế kỷ.
Một anh lính bắn cung thời Lê trung hưng
Chúa Trịnh dựa vào danh nghĩa tôn phò vua Lê để đánh dẹp các thế lực khác (một dạng lợi dụng thiên tử để sai khiến chư hầu). Nếu soán ngôi, chúa Trịnh không những để mất con bài thiên tử này, mà còn trao đặc quyền “nắm thiên tử” mà mình vốn nắm giữ giao cho các thế lực khác, cho kẻ thù một cái cớ hợp lòng người để chống lại chính mình. (có thể tham khảo bài về “Thuyết thiên mệnh” của chúng mình)
Sau hàng trăm năm được giáo dục trong tư tưởng “trung quân”, kẻ sĩ thời trung đại đều ít nhiều chịu ảnh hưởng mạnh của tư tưởng này, nhất là khi nhà Lê đã đẩy mạnh nền giáo dục khoa cử Nho học trước đó để phụng sự triều đình. Bên cạnh tư tưởng “trung quân” cũng phải kể đến uy tín cực lớn mà nhà Lê xây dựng được trong lòng người nước Nam khi là triều đại đã giành lại độc lập sau 20 năm Minh thuộc. Hơn nữa, con người luôn cần một lý do hợp lý, chính nghĩa để tin tưởng và hành động. Chính vì vậy, quân bài “tôn phò vua Lê” là một con bài rất mạnh. Quân bài này mang đến cho những kẻ lãnh đạo cái cớ hợp lý, chính nghĩa để hành động; cũng kích thích kẻ sĩ và người dân “hành động vì chính nghĩa”, quy tụ quanh người đã giương cao ngọn cờ này. Người nắm giữ quân bài này trong tay, vừa là hiện thân của “chính nghĩa” và cũng sẽ quy phục được không ít người.
                                                              Một anh học trò thời Lê trung hưng.                                                                   Giới sĩ phu giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc quản trị nhà nước thời kỳ tiền cận đại
Nếu chúa Trịnh soán ngôi của vua Lê, chúa Nguyễn sẽ có một cái cớ không thể chính nghĩa hơn để tiến lên phía Bắc (nhớ rằng, mặc dù chống đối lại chúa Trịnh, chúa Nguyễn vẫn coi vua Lê là Hoàng đế của mình), cái cớ này còn giúp chúa Nguyễn thu phục lòng người, thu phục những ai vẫn còn hoài vọng nhà Lê, thêm vào đó là những kẻ đang chờ thời, chống đối thế lực nhà Chúa. Trong ứng ngoại hợp, chính quyền chúa Trịnh nếu không sụp đổ cũng sẽ lao đao ít nhiều.
Chúa Trịnh trước tiên phải đánh dẹp được các thế lực chống đối (chúa Nguyễn), quy phục được lòng người trong thiên hạ. Sau đó mới có thể an tâm ngồi lên ngai vàng. Trong bối cảnh lúc đó, lựa chọn của chúa Trịnh là hoàn toàn hợp lý. Dưới “bùa hộ mệnh” là vua Lê, họ Trịnh duy trì được quyền lực tối cao của mình ở vùng đất Đàng Ngoài. Vua Lê tuy chỉ còn ý nghĩa biểu tượng, nhưng là một biểu tượng quan trọng và cực kỳ cần thiết. Ai nắm được vua Lê trong tay, người đó sẽ có ưu thế lớn trong ván cờ thế kỷ XVI-XVIII. Chẳng kẻ nào lại dại dột từ bỏ ưu thế của mình, giao cho kẻ khác.
"Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong". Hay nói cách khác, nếu chúa Trịnh "giữ chùa, thờ phật" thì sẽ được "ăn oản".
Ps: Trung Hoa cũng là một nhân tố lớn, tuy nhiên, đây là thời kỳ thoái trào của nhà Minh, sau đó là thời kỳ nhà Thanh xây dựng vị thế của mình tại Trung Hoa. Trước thái độ của nhà Minh đối với nhà Mạc và chính quyền Lê-Trịnh, thái độ của nhà Thanh với chính quyền Tây Sơn (xem thêm: Nguyễn Duy Chính, Thanh – Việt nghị hòa). Thêm vào đó, cuộc hành quân can thiệp vào nội bộ Đại Việt vào năm 1788 của nhà Thanh không được chuẩn bị kỹ lưỡng (xem thêm: Nguyễn Duy Chính, Việt - Thanh chiến dịch). Tôi cho rằng thế lực phương Bắc này không thật sự ảnh hưởng lớn đến thời cuộc của Đại Việt như những thế lực trong nước.
---
Những hình ảnh minh họa trong bài viết là của San Nguyễn và đã được tác giả cho phép sử dụng.
Liên hệ với tác giả và họa sĩ tại đây.