Một chủ đề khá nhạy cảm, tham nhũng và rửa tiền. Hôm nay, khi tôi đang đọc cuốn Corruption and money laundering: a symbiotic relationship (tạm dịch: Tham nhũng và rửa tiền: mối quan hệ cộng sinh) thì được đọc đến một ví dụ về vụ việc tham nhũng xảy ra tại Vanuatu. Và vì cái tên đất nước nghe quá xa lạ, tôi quyết định tìm hiểu kĩ hơn về nội dung vụ việc này.

1. Về lịch sử đất nước Vanuatu

“Thán dã đồng bào hồng
Bắc khứ Ta hồ ngã chủng cách nam quy”.

Nghĩa là:
“Than ôi, đồng bào ta đã theo chim Hồng đi về phương Bắc
Tiếc thay, dòng giống cốt nhục này phải quay về với trời Nam”.(1)













Hai câu đối chữ nho ở Lễ đài tưởng niệm Nghĩa trang của người Việt Nam tại Port Vila (xây dựng năm 1946) 
    Tôi thực sự bất ngờ khi biết rằng, đất nước này đã từng có một thời kì lịch sử liên quan tới Việt Nam. Qua bài viết trên báo điện tử Nhân Dân, thì Tân đảo, hay nước cộng hoà Vanuatu ngày nay, trước đây cũng là quần đảo thuộc hai nước Anh – Pháp. Người châu Âu đã khám phá ra quần đảo này vào thế kỷ 17, cùng với quần đảo New Caledonia (hay còn gọi là Tân Thế Giới) ở phía bắc, Vanuatu có phía đông gần Australia, phía tây gần Fiji và phía nam gần quần đảo Solomon.
Đài kỉ niệm của người Việt ở Vanuatu
    Là một quần đảo với 83 đảo lớn nhỏ và vỏn vẹn 2% cư dân Hoa Kiều cùng Việt Kiều, qua những tài liệu trên mạng, tôi được biết vào những năm 1911, nơi đây chính là nhà tù chính trị của thực dân Pháp, và đó cũng là thời điểm những người Việt đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này. Phải đến những năm 1923, người chân đăng, những người “nô lệ da vàng” của xứ sở Việt Nam mới đến Vanuatu với tư cách là những người mộ phu(2). Và đương nhiên, cuộc sống mộ phu không hề sung sướng, đầy đủ như người Pháp từng hứa hẹn, mà đó là một cuộc sống khắc nghiệt, khổ sở, bị người ta miệt thị, vắt kiệt sức lao động.
    Khi chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra là lúc con đường giữa Vanuatu và Việt Nam bị cắt đứt, nhưng tình cảm của những người con Việt Nam ở đây chưa bao giờ vụt tắt đi. Qua những bài viết, tôi cảm nhận sâu sắc cái tình của người Việt, dù xa quê hương, vẫn luôn nhớ về nơi cha ông mình từng chôn rau cắt rốn. Nếu có dịp, hãy thử du lịch đất nước này một lần xem, vì tôi nghe nói ở đó có cả “phở” và “nem rán”, những thứ rất Việt Nam còn được đồng bào ta lưu giữ, ở một quốc đảo cách xa chúng ta cả nghìn kilometers.
    Ngày 30/6/1946 – đây là ngày lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng được tung bay trên bầu trời Tân Đảo.
    Ngày 30/12/1960 – con tàu Eastern Queen, hay còn gọi là tàu Nữ hoàng phương Đông, đưa 551 người chân đăng trở về Việt Nam.
    Ngày 12/01/1961 – đích thân thủ tướng Phạm Văn Đồng ra đón Kiều bào xa xứ trở về với mảnh đất quê hương. Bác Hồ cũng đã tiếp đón trọng thể đoàn kiều bào Tân đảo đầu tiên hồi hương tại Phủ Chủ tịch.

    Nếu bạn còn nhớ chiếc xe này tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, thì nó chính là một trong 11 chiếc xe Peugeot 404 được Kiều bào tại Vanuatu kính tặng bác Hồ và chính phủ Việt Nam.

    Một chiếc Peugeot khác được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Cơn bão nhiệt đới Betsy

    Bão nhiệt đới Betsy là cơn bão thứ hai ảnh hưởng tới Quần đảo Vanuatu trong giai đoạn 1991-1992, và nó gây thiệt hại cực kỳ to lớn, to lớn hơn rất nhiều so với Tia, cơn bão trước nó. Bão nhiệt đới Betsy diễn ra vào thời điểm mà thông thường Vanuatu không phải hứng chịu những cơn bão. Cơn bão gây thiệt hại đáng kể về vật chất, hai người đã thiệt mạng trong cơn bão. Nơi bị ảnh hưởng lớn nhất là đảo Efate, cơn bão đã cuốn trôi hàng kilometers đường ven biển, một phần những ngôi làng và toàn bộ khu nghỉ dưỡng Takara. Những nơi khác cũng phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão, thiệt hại về mùa màng và nhiều ngôi nhà bị phá huỷ, hệ thống giao thông hư hại.
Bảng theo dõi và cường độ cơn bão nhiệt đới Betsy

3. Thủ tướng Korman và hành vi rửa tiền

    Vụ việc được văn phòng Giám sát viên (office of the Ombudsman) đưa ra vào ngày 26 tháng 2 năm 1998. Văn phòng đưa ra cáo buộc thủ tướng Maxime Carlot Korman trong nhiệm kì của mình từ năm 1991 đến năm 1995 đã mở một tài khoản ở ngân hàng Hawaii, tài khoản được cho là sử dụng để cứu trợ thảm hoạ từ cơn bão nhiệt đới Betsy, và sử dụng tài khoản đấy cho những mục đích cá nhân và làm lợi cho đảng của mình.
    Các hoạt động điều tra cho thấy ông Korman cố ý không phân rõ giữa số tiền thuộc về người dân Vanuatu và số tiền thuộc về cá nhân ông. Có những bằng chứng cho thấy ông Korman sử dụng quỹ xã hội này với mục đích che giấu số tiền mà mình kiếm được qua các hoạt động kinh doanh và việc lập tài khoản trên chỉ nhằm mục đích che mắt người dân Vanuatu về số tiền bất hợp pháp của mình. Ngoài ra, Văn phòng Giám sát viên khẳng định ông Korman còn sử dụng tài khoản trên để che giấu số tiền ông sử dụng để vận động bỏ phiếu cho bản thân vào cuộc bầu cử tháng 11 năm 1995. Cuộc điều tra một phần đi tìm câu trả lời cho nguồn gốc của số tiền hơn 120 triệu Vt được gửi vào tài khoản Betsy (67 triệu Vt) và tài khoản riêng của ông Korman (59 triệu Vt), ngoài khoảng 6 triệu Vt di chuyển giữa hai tài khoản. Việc mở tài khoản để nhận tiền ủng hộ của ông Korman cũng không đúng thủ tục quy định trong quy định tài chính của Chính phủ Vanuatu (the Government Financial Regulations ‘GFR’).

3.1 Quy định pháp luật

    Điều 66 Hiến pháp quy định cách hành xử của người được quy định tại điều 67 (định nghĩa người đứng đầu), cả trong công việc lẫn đời sống tư để không bị:
  • Đặt mình vào vị trí xung đột lợi ích tư và lợi ích công, khiến lợi ích công bị xâm phạm;
  • Hạ thấp vị trí bản thân, trong công việc;
  • Bị nghi ngờ về tính chính trực, công liêm; hoặc
  • Khiến nhà nước Vanuatu bị nghi ngờ về tính chính trực, công liêm.
    Cụ thể, nhà lãnh đạo nước cộng hoà Vanuatu không được tham gia vào các hoạt động kinh tế tư nhân khiến người dân nghi ngờ về sự công chính trong công việc của anh ta hoặc của chính phủ.
    Luật người đại diện của nhân dân quy định tại điều 45 về tội đưa hối lộ, trong đó nghiêm cấm hành vi đưa tiền hoặc bất cứ lợi ích phi vật chất nào khác cho cử tri nhằm khiến cử tri đó bỏ phiếu cho mình trong kỳ bầu cử. Điều 48 quy định hình phạt của tội tham nhũng, trong đó khoản 1 nêu rõ các hành vi phạm tội về nhân cách, hối lộ, đối xử và làm ảnh hưởng xấu đều được coi là tham nhũng.
    Quy chế tài chính công của Vanuatu quy định để mở một tài khoản công cần thẩm quyền bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Tháng 9 năm 1985, một Quy chế tài chính tạm thời khác được đưa ra, quy định chi tiết hơn về vấn đề này. Cụ thể, tại điều 274 quy định:
  • Nếu muốn mở bất cứ tài khoản ngân hàng nào của Chính phủ đều phải có sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
  • Trong trường hợp cần mở tài khoản cho Chính phủ, nhân viên kế toán công sẽ gửi yêu cầu bằng văn bản cho Tổng giám đốc tài chính. Khi nhận được yêu cầu, Tổng giám đốc tài chính sẽ xem xét tính phù hợp và cần thiết và báo lại cho Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị uỷ quyền về việc mở tài khoản.
    Luật tài chính công cũng quy định rõ, không nhân viên kế toán công nào được mở tài khoản công mà không có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tài chính.  

3.2 Thực tế

    Sau sự kiện bão nhiệt đới Betsy, Văn phòng Quản lý thảm hoạ Quốc gia cùng Bộ Tài chính đã tổng hợp tiền tài trợ và vật tư từ các quốc gia khác. Sở tài chính đã thiết lập các hồ sơ thủ tục cứu trợ cho các quốc gia muốn cứu trợ, tuy nhiên trong đó không có chính phủ Pháp.
    Tuy nhận thức việc kiểm soát nguồn trợ cấp từ Văn phòng Quản lý thảm hoạ Quốc gia, vào tháng 2 năm 1992, ông Korman vẫn mở một tài khoản với Ngân hàng Đông Dương tại Port Vila, Vanuatu (mở cửa năm 1948,sau được bán cho ngân hàng Hawaii vào năm 1993) và nhận trợ cấp từ chính phủ Pháp hoặc thành phố Paris (thời điểm này Văn phòng đã cố liên hệ nhằm xác minh chi tiết nguồn vốn tại đại sứ quán Pháp tại Port Vila nhưng chưa nhận được câu trả lời). Tất nhiên, việc lập tài khoản này của ông Korman là vi phạm thủ tục tố tụng tại Quy chế tài chính công, cụ thể cả ông Korman và người được uỷ quyền là Gerald Leymang (cha của Korman) đều không phải nhân viên kế toán công, ông cũng không hỏi ý kiến Bộ trưởng Bộ Tài chính trước khi mở tài khoản tại ngân hàng này. Thời điểm đó ông Korman giữ chức vụ Thủ tướng kiêm Bí thư thứ nhất(3) nước cộng hoà Vanuatu.
    Khoản tiền đầu tiên được chuyển tới tài khoản này là 1.993.000 Vt vào ngày 27 tháng 3 năm 1992, được chuyển cho Uỷ ban cứu trợ bão nhiệt đới Betsy. Sau đó vào tháng 10 năm 1993, tài khoản này tiếp tục nhận 1.036.662 Vt được chuyển từ Paris. Trong giai đoạn 1994 – 1997, tài khoản này tiếp tục nhận được tiền từ những nguồn như: tiền mặt, tiền bán ngoại tệ, tiền từ công ty Mascot Holdings Limited (được cho là của ông Korman).
    Tổng số tiền được chuyển vào tài khoản Betsy qua từng năm bao gồm:

    Cuộc điều tra còn cho thấy mối liên hệ giữa tài khoản cá nhân của ông Korman và tài khoản Betsy. Tuy nhiên, tại văn phòng chính phủ lại không có hồ sơ nào được lưu trữ về tài khoản Betsy này.
    Tháng 12 năm 1995 (sau cuộc bầu cử), tại bản sao kê tài khoản Betsy ghi nhận 256 khoản thanh toán, và toàn bộ đều do ông Korman ký.
    Trong kết luận của mình, Văn phòng Giám sát viên cáo buộc ông Korman đã vi phạm:
  • Luật đại diện của nhân dân (The Representation Of The People Act)
  • Hành vi trực tiếp đưa tiền và hứa hẹn trả tiền cho mọi người để bỏ phiếu cho mình hoặc cho các ứng cử viên của đảng Liên minh Trung lập (Union of Moderate Parties ‘UMP’).
  • Có hành vi sai trái với tài khoản công, bao gồm
  • Không lưu trữ hồ sơ hoạt động của tài khoản công
  • Sử dụng tài khoản công để nhận tiền từ nguồn không chính thống
  • Dường như sử dụng tài khoản công để mua phiếu bầu cử cho bản thân
  • Sử dụng tài khoản công phục vụ lợi ích đảng phái bằng việc trả tiền tàu để đón các đại biểu dự hội nghị UMP vào tháng 5 năm 1996
  • Chuyển tiền từ tài khoản công sang tài khoản cá nhân
  • Luật tài chính công (Public Financial Act)
  • Hành vi lập tài khoản công mà không được sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Tài chính
  • Quy định tài chính (Financial Regulations)
  • Thực hiện nhiệm vụ của một nhân viên kế toán công (accounting officer)
  • Lập tài khoản công mà không được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tài chính
  • Điều 66 Hiến pháp – luật lãnh đạo

4. Kết luận

    Qua ví dụ, tôi thấy rõ được mối liên hệ giữa tội phạm rửa tiền và tội phạm tham nhũng. Đối với các loại hình tội phạm khác, đơn giản là nguồn sinh thu nhập hợp pháp. Và chúng có mối quan hệ một chiều với tội phạm rửa tiền, bởi lẽ để sử dụng số tiền thu được từ hoạt động tội phạm, chủ thể phạm tội cần phải thực hiện hành vi rửa tiền để hợp pháp hoá số tiền thu được. Đối với tội phạm tham nhũng, một mặt thu nhập từ loại hình tội phạm này vẫn phải thông qua việc rửa tiền để hoàn tất quy trình biến thu nhập bất chính thành thu nhập chính đáng, mặt khác quá trình rửa tiền cũng là cơ sở phát sinh thêm tội phạm tham nhũng, bởi lẽ bộ máy rửa tiền nếu được sự trợ giúp từ chính phủ các quốc gia sẽ là một điểm lợi thế rất lớn, và nguy cơ bại lộ gần như bằng không.
    Tầm quan trọng của Văn phòng Giám sát viên trong ví dụ trên cũng là một điều cần nói tới. Nếu không có Văn phòng này, vụ việc khó có thể đưa ra ánh sáng, bởi bộ máy chính trị khi đó hoàn toàn phụ thuộc vào ông Maxime Carlot Korman, cũng chính là người bị cáo buộc. Chức năng này của Văn phòng Giám sát viên khá giống với Thanh tra Chính phủ tại Việt Nam. Sau khi phát hiện hành vi tham nhũng, Văn phòng có thể tự điều tra sơ bộ và ra Báo cáo Công để Viện Kiểm sát tiến hành điều tra trên quy mô lớn hơn. Tôi tin rằng nghiên cứu sâu về mối quan hệ giữa hai loại tội phạm này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc điều tra và phát hiện tội phạm, vì tội phạm ở loại này đòi hỏi sự hiểu biết cả về kinh tế, tài chính lẫn chính trị, xã hội.
    Cuối cùng, chỉ qua một ví dụ về vụ việc xảy ra vào những năm 92 của thế kỉ trước nhưng có thể thấy tính thời sự vẫn còn cho đến ngày hôm nay. Nếu muốn nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này, tôi khuyên các bạn nên bắt đầu từ cuốn sách Corruption and money laundering: a symbiotic relationship. Cảm ơn các bạn đã theo dõi và ủng hộ những bài viết của tôi. Nếu phát hiện sai sót hoặc muốn góp ý, nhận xét, bình luận về chủ đề này, vui lòng comment phía dưới hoặc liên hệ trực tiếp với Facebook của tôi. Xin cảm ơn vì đã đọc bài viết này.
JustAKID
__________________________________________________
(1) Hai câu đối do Cụ Đồ Phấn và Cụ Phó Ngoạn biên soạn, phần dịch thuật của các ông Lưu Đình Tuân, Phạm Quyết Chiến và Đông Hoàng.
(2) Mộ trong chiêu mộ, phu trong phu phen tạp dịch, mộ phu là từ gọi người làm việc nặng có trả công
(3) Bí thư thứ nhất là chức vụ dự bị cho các chức danh lãnh đạo trong Đảng sau này. Bí thư thứ nhất thường là Ủy viên Trung ương Đảng dự khuyết, một số trường hợp là Ủy viên Trung ương Đảng.
__________________________________________________

Danh mục tài liệu tham khảo

  • https://vtv.vn/doi-song/kham-pha-vanuatu-noi-co-hang-nghin-nguoi-viet-xa-xu-sinh-song-20180910164952518.htm
  • Thông tin cơ bản về cộng hoà Vanuatu và quan hệ Việt Nam – Vanuatu –đăng trên trang chủ Bộ ngoại giao Việt Nam (mofahcm.gov.vn)
  • Người Việt Tân Đảo và Tân thế giới – Nguyễn Văn Trung – đăng trên trang chủ Uỷ ban đoàn kết công giáo Việt Nam (http://ubdkcgvn.org.vn/)
  • Di tích “Lịch sử” của người phu mộ VN ở Tân đảo – Jean Van Son biên soạn và đăng trên Blog (http://jeanvanjeanchandang.blogspot.com/)
  • Người Việt ở Tân đảo và hành trình xa xứ - Quang Lễ – đăng trên trang chủ Công an nhân dân Online (http://cand.com.vn/)
  • Chiếc xe Peugeot 404 và tấm lòng của Việt kiều Tân đảo với Bác Hồ! – Nguyễn Thành Quang – đăng trên trang chủ Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/)
  • Một thế kỷ người Việt ở Vanuatu – Đặng Thái – đăng trên trang chủ báo Nhân dân (nhandan.com.vn)
  • http://www.bom.gov.au/cyclone/history/betsy.shtml
  • Báo cáo Công của Văn phòng Giám sát viên Vanuatu (26/2/1998) VUOM 6; 1998.06 từ website (http://www.paclii.org/)