Vũ Trọng Phụng – Tuyển Tập
Nguồn: Internet
Tuyển tập của Vũ Trọng Phụng mình đã đọc là của NXB Văn học ( phát hành Trí Việt) bao gồm nhiều truyện ngắn, hai ký sự và một tiểu thuyết. Theo chương trình văn học phổ thông, mình biết được tác giả là người có sức ảnh hưởng đối với thể loại tiểu thuyết trào phúng. Nhưng vào cái tuổi lúc phổ thông, mình có hiểu đâu sự sâu sắc trong từng câu văn của ông. Mình nghe giáo viên phân tích về những chi tiết nổi bật trong đoạn trích “ Hạnh phúc của một tang gia”, mình như đàn gãy tai trâu, nghe trái lọt phải, bay theo gió và những mộng mơ thời học trò.
Văn của Vũ Trọng Phụng theo lối hội thoại xưa, hiện qua từng câu chữ, hình ảnh miêu tả, từ ngữ sử dụng, giọng văn thấm đậm sự trải đời, cái bi và hài đan xen nhau như một điều hết sức là bình thường.
Triết lý trong từng câu truyện ngắn ở cái xã hội của Vũ Trong Phụng vẫn đâu đó hiện diện cho đến ngày hôm nay. Sự dối trá, ghen tuông, lẳng lơ, cái chân tình, khát khao, cái dục vọng, đam mê những bản tính con người trải đầy trong từng vách nhà qua nhiều thời nhiều hệ. Có câu chuyện về tình yêu của một “Con người điêu trá” mãi không cho anh người yêu biết được danh tính đến tận lúc lìa đời. Phụng còn kể về cái ông cụ tám mươi tuổi đầu, cái chết của ông thật là “nhẹ nợ” cho các con. Sự ghen tuông của người đàn ông khi vợ mình đánh mất “trinh tiết tinh thần” vì chị vợ đã kể thật lòng với anh, chị lỡ yêu một người trước khi cưới anh, cái lòng ghen theo anh mãi không thôi. Có thêm cả những nàng tiểu thư như Tuyết Nương và Bạch Vân, con gái nhà danh họa Khôi Kỳ đàn hay, hát não, “lóng lánh như mặt hoa tai dầm” vậy mà không ai chịu lấy. 
  Truyện ngắn mà mình thích nhất trong tuyển tập này là truyện “Một con chó hay chim chuột”, mình không thể nào tưởng tưởng được rằng Vũ Trọng Phụng lại có thể viết ra một câu chuyện về một con chó với những mối tình, đánh nhau trong cái xã hội của nó, chiến đấu vì người bạn tình nó yêu và cuối cùng thì chết, bao nhiêu suy nghĩ, dằn vặt của nó chỉ được thể hiện bằng tiếng kêu “ẳng ẳng” cuối cùng. Một sự trần trụi nhưng đầy ám mụi. Một cái tưởng tưởng thật đời thường. Mình không biết rằng là do mình suy diễn hay thật ra cái xã hội qua con mắt của V.T Phụng thì người cũng như chó mà chó cũng không khác gì người, cả đời loay hoay với ái tình và cái chết.
Ký sự “ cơm thầy cơm cô” là một cái nhìn xã hội dưới con mắt của bọn tôi tớ, nay làm nhà này, mai qua nhà khác. Thằng ở, con sen, chúng nó biết tất thói quen, tật xấu của của bà cai, ông phán. Nếp nhà, nếp cửa tụi nó trông nom, mà chủ thì cứ là thứ không ra gì, “ những câu chuyện ấy thật là lạ lùng, thật là không ai dám tưởng tưởng là có thật được, thật là nhơ bẩn, thật là chướng tai”.
Không thể không kể đến “Số đỏ”, có quá nhiều lời bình khen về tiểu thuyết này nên mĩnh sẽ chỉ điểm thêm những gì mình cảm nhận. Theo mình, “Số đỏ” là một sự châm biếm, chế giễu trong từng câu chữ, đầy sự mỉa mai về cái tân thời của xã hội học đòi làm sang. Tuy nhiên, có điều mình vẫn không hiểu, tại sao xã hội lúc ấy tân thời Âu Hóa như thế, bởi phong trào Âu Hóa sau khi bị phái “hủ lậu” tẩy chay, nó không còn phát triển mạnh mẽ thì giờ đây Vũ Trọng Phụng có ngờ rằng, ở thế kỷ 21, sự Âu hóa đó đã quay trở lại, phái tân tiến không những đối lập với phái hủ lậu mà còn muốn chối bỏ cái bản sắc dân tộc, ngôn ngữ nước nhà. Thử hỏi tân tiến để làm gì mà chối bỏ tự tôn nước nhà, cổ súy những điều dối trá. Thật là ngoài sức tưởng tưởng ông tác giả nhỉ? Bởi người ta không chỉ thay đổi trang phục như thời của ông không đâu, người ta còn ngại dùng Việt ngữ, còn có khi quên luôn tình anh em, bằng hữu...
Phụng ơi! Đời ngộ lắm biết làm sao hở ông?