Kafka bên bờ biển của Murakami Haruki làm chúng ta phát điên bằng cùng lúc hai thứ, sự hấp dẫn và sự khó hiểu của nó.
Ngay từ cái tựa, nó đã gợi ra một câu hỏi: Kafka là ai?
Kafka không phải là Franz Kafka.
Nhưng Kafka ở đây cũng không hẳn là Kafka Tamura, nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết.
Kafka bên bờ biển có thể là tên của một bài hát, một bức tranh, cũng có thể là một ký ức mờ nhạt của Satoru Nakata, nhân vật chính thứ hai.
Hai nhân vật chính nói trên, một cậu trai 15 tuổi bỏ nhà ra đi để trốn chạy “lời nguyền Oedipus” và một ông lão biết nói chuyện với mèo, không hề tồn tại trong cùng một câu chuyện, mà là hai câu chuyện song song.
Dọc hai câu chuyện đó là liên tiếp những tình tiết dị thường: Những trận mưa cá, mưa đỉa, cô gái điếm thích trích dẫn Hegel và những người lính không hề già đi sau thế chiến thứ 2.
Mọi thứ ở Kafka bên bờ biển vừa mời gọi độc giả tìm hiểu ý nghĩa, lại vừa đẩy độc giả vào những sự vô nghĩa liên tiếp.
Để rồi khi cuốn sách khép lại, trí tò mò tắt ngấm nhưng những câu hỏi vẫn lơ lửng trong đầu.
Người ta vẫn chưa hiểu cái này là gì và cái kia là gì, vì sao nó lại thế này mà lại không như thế kia.
Đọc thêm:
Nhưng nếu có một thứ gì không nên đặt nặng khi đọc Murakami Haruki thì đó chắc chắn là khát khao truy tầm một sự có nghĩa.
Vì Murakami Haruki là một gương mặt văn chương hậu hiện đại. Mà văn chương hậu hiện đại thì như thế nào?
Yếu tính của văn chương hậu hiện đại là sự hoài nghi về mối liên kết giữa ý nghĩa với vỏ bọc của ngôn từ.
Là sự thoát ly khỏi truyền thống kể chuyện lấy một nhân vật làm trung tâm, đơn tuyến tính.
Là sự truất phế địa vị bá chủ của lý tính.
Là sự pha trộn và dẫn chiếu đến những yếu tố văn hóa cách xa nhau về không-thời gian.
Là sự giải thể những chân lý, những cách hiểu phổ quát về thực tại.
Nó ra đời “khi mọi hệ giá trị nhất quán đã sụp đổ (…). Ý nghĩa mới dần được khai sinh từ sự va chạm, đan xen của nhiều tác nhân khác nhau” (Václav Havel, trong một bài diễn văn tháng 7/1994 ở Philadelphia).
Đọc thêm:
Với văn chương hậu hiện đại, khó tồn tại một ý nghĩa chung quyết, tuyệt đối. Ý nghĩa của nó tùy thuộc vào sự diễn giải của từng cá nhân.
Cái tình thế lưỡng nan của người đọc Kafka bên bờ biển – vừa muốn hiểu nghĩa, vừa bị đẩy vào sự vô nghĩa – vì thế, là một điều dễ hiểu.
Nó giống như khi nghe Smells like teen spirit của Nirvana hay xem một bộ phim của Stanley Kubrick vậy.
Điều này đã được Murakami gián tiếp xác nhận trong một bài phỏng vấn. Ông nói:
“Kafka bên bờ biển ẩn chứa nhiều câu đố, nhưng không có bất kỳ lời giải nào.
Thay vào đó, khi hàng loạt những câu đố này kết hợp lại và tương tác qua lại với nhau, khả năng là có một lời giải được thành hình. Dạng thức của lời giải này sẽ riêng biệt với mỗi một người đọc.
Nói cách khác, những câu đố có chức năng như một phần của lời giải đáp. Khá khó giải thích, nhưng đó là loại tiểu thuyết mà tôi muốn viết”
29.7.2019