SỐNG SÓT TRONG ĐẠI DỊCH [P3: Những quy tắc chung]
"Phòng bệnh hơn chữa bệnh" Khả năng bạn không bị nhiễm mầm bệnh khi đại dịch nổ ra phụ thuộc vào thể trạng cơ thể bạn. Mầm bệnh sẽ...
XÂY DỰNG LỐI SỐNG LÀNH MẠNH.
Cơ thể bạn là nạn nhân trực tiếp của mầm bệnh. Do đó việc xây dựng cho cơ thể của bạn một hệ thống phòng thủ chặt chẽ trước mọi mối đe dọa là điều tối quan trọng. Nó giống như việc các vua chúa thời xưa đều phải có tường dày, thành cao và hào sâu; còn các chính phủ ngày nay phải đặc biệt chú trọng vào an ninh quốc phòng và xây dựng lực lượng quân đội mạnh, các hệ thống phòng thủ và cảnh báo sớm; để có thể bảo vệ đất nước. Hãy bắt đầu thiết lập hệ thống phòng thủ của bạn bằng việc có cho mình một lối sống lành mạnh và khoa học bắt đầu từ ngay sau khi bạn đọc xong bài viết này.
- Ăn uống hợp lý. Ăn đầy đủ một ngày ba bữa sáng, trưa và tối, kể cả bạn có cần giảm cân đi chăng nữa thì vẫn phải ăn đủ một ngày ba bữa chính. Tính toán lượng calo cần thiết nạp vào mỗi ngày, tùy thuộc vào thể trạng hiện tại của bạn và lối sống của bạn, nếu có điều kiện bạn có thể nhờ chuyên gia dinh dưỡng tư vấn cho mình. Hạn chế muối, đồ ngọt và chất béo để giảm thiểu nguy cơ các bệnh tim mạch và tiểu đường. Uống đủ hai lít nước một ngày. Tăng cường ăn rau xanh và hoa quả. Ăn chín uống sôi, nói không với thịt sống hoặc thịt thú rừng. Bổ sung vitamin và muối khoáng bằng thuốc khi và chỉ khi cơ thể bị thiếu hụt chúng và có chỉ định của bác sĩ, nếu không có thể gây rối loạn trong cơ thể do thừa khoáng chất. Có thể sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung vitamin hoặc có tác dụng hỗ trợ, tăng cường hệ miễn dịch. Chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Nhớ là THUỐC khác với THỰC PHẨM CHỨC NĂNG, tuy nhiên cả hai loại đều cần phải uống đúng, đủ, và tuân theo đơn thuốc của bác sĩ hoặc dược sĩ tư vấn, nếu không muốn để lại tác dụng phụ hoặc gây nhờn thuốc. Và quan trọng nhất: biết rõ thực phẩm bạn ăn có chất lượng như thế nào cũng như nguồn gốc xuất xứ ở đâu, và chế biến chúng thật kĩ.
- Khám sức khỏe tổng thể 6 tháng một lần sẽ giúp bạn có được đánh giá tổng quan về tình hình sức khỏe của bản thân, đồng thời cũng giúp bạn xác định xem mình có vấn đề sức khỏe nào cần phải lưu tâm không. Kiểm tra xem bạn đã tiêm đầy đủ các mũi vaccine cần thiết chưa, nếu chưa đủ thì cần tiêm bổ sung nếu có thể. Chúng là những bài "tập trận" cần thiết cho sức đề kháng của bạn, để có thể đương đầu với các loại vi khuẩn, virus đã biết. Ngoài ra, phải biết rõ về nhóm máu, những căn bệnh tiền sử hoặc bệnh di truyền mà mình mắc phải. Kể cả khi căn bệnh duy nhất bạn mắc có là dị ứng đi chăng nữa thì cũng phải được chăm sóc thật cẩn thận. Bạn sẽ không muốn mình phải đến bệnh viện vào những ngày cao điểm của đại dịch và trở thành nạn nhân của sự lây nhiễm chéo đâu. Tất cả những mối đe dọa có thể thấy trước đối với sức khỏe của bạn đều phải bị ngăn chặn kịp thời.
- Hãy tập thể dục! Một nền tảng thể lực tốt luôn luôn có lợi. Ngoài khả năng hỗ trợ sức đề kháng, bạn sẽ không biết được giá trị của một cơ thể rắn rỏi nhanh nhẹn cho đến khi mọi chuyện trở nên thực sự tồi tệ. Hãy tưởng tượng người dân trong khu của bạn đổ xô đi lấy hàng cứu trợ của chính phủ trong tình trạng khan hiếm hàng hóa mà bạn lại là người chạy ra sau cùng xem. Tập thường xuyên và thành thục ít nhất một môn thể thao (không phải "thể thao điện tử" nhé), hoặc tập ở các trung tâm thể hình, với cường độ ít nhất 3 lần/tuần, mỗi lần ít nhất 30 phút đến một tiếng. Tập trung vào các bài tập về sức bền và sức chịu đựng. Bạn nên luyện tập cùng với một huấn luyện viên, người này sẽ cho bạn biết bạn có thể tập đến mức nào là hợp lý và những bài tập nào sẽ phù hợp với bạn, đồng thời cũng có thể tư vấn cho bạn những bữa ăn dinh dưỡng hợp lý.
- Giữ vệ sinh. Mầm bệnh có khả năng phát triển rất nhanh ở những nơi bẩn thỉu, và bạn sẽ không muốn nhà bạn là một nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời cho lũ vi trùng đâu. Hãy ở ngăn nắp gọn gàng. Tổng vệ sinh nơi ở một lần sau mỗi một hoặc hai tuần. Lau chùi cọ rửa các đồ vật, thiết bị thường xuyên, đặc biệt là ở khu bếp, phòng ở và nhà vệ sinh. Bát đĩa phải được rửa ngay sau khi ăn. Bảo quản thức ăn thừa thật kĩ. Đổ rác hàng ngày, nhớ phân loại rác thải có thể phân hủy hoặc có nguồn gốc từ sinh vật (sản phẩm sơ chế thức ăn, giấy vệ sinh, thức ăn ôi thiu...). Quần áo phải được giặt trong ngày. Không để ao tù, nước đọng để tránh muỗi. Tắm rửa thường xuyên, ít nhất là một ngày một lần. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay có cồn trong vòng ít nhất 20 giây, trước và sau khi ăn, trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với các bề mặt ở nơi công cộng.
- Nói không với mọi loại chất kích thích/chất gây nghiện. Rượu, bia, thuốc lá,... dẹp hết! Bạn sẽ không muốn bị đưa vào diện cách li của virus gây ra một Hội chứng Suy hô hấp chỉ vì bạn đang biểu hiện triệu chứng của bệnh ung thư phổi do 10 năm phì phèo thuốc lá gây ra đâu. Mà thực ra thì, chẳng ai muốn một trong hai thứ đó cả. Như đã trình bày ở trên, mọi mối đe dọa nào có thể nhìn thấy trước được đối với sức khỏe của bạn đều phải bị ngăn chặn ngay, nếu bạn không muốn phải đi khám ở một bệnh viện đông lúc nhúc người trong mùa đại dịch. Các loại chất cấm như ma túy, cần sa,... thì càng không được lại gần. Mặc xác tất cả những ý kiến cho là "cần sa tốt cho sức khỏe" hay tương tự đi. Những thứ đó sẽ bào mòn thể lực của bạn, rút cạn sự sống ra khỏi từng tế bào của bạn, lấy đi khả năng suy nghĩ tỉnh táo của bạn, khiến hệ miễn dịch của bạn không còn khả năng hoạt động bình thường và trở nên dễ bị tổn thương trước một cuộc tấn công của vi khuẩn, virus.
- Xây dựng thời gian biểu hợp lý. Đây là yếu tố sẽ đảm bảo mọi thứ vận hành trơn tru. Xây dựng một thời gian biểu hợp lý dựa trên công việc và những nhu cầu trong cuộc sống, cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi. Nhớ dành thời gian cho các hoạt động thể dục thể thao, học hỏi kiến thức và làm vệ sinh. Một tuần một lần hãy dành thời gian cho các hoạt động giải trí và thư giãn, nếu bạn có thể. Một tinh thần thoải mái cũng góp phần tạo nên cơ thể khỏe mạnh.
CÁC QUY TẮC KHÁC
Những điều này sẽ giúp được bạn trong trường hợp có một bệnh dịch nổ ra. Có thể coi đây là biện pháp "ngoại giao" bênh cạnh những biện pháp "đảm bảo an ninh quốc phòng" được trình bày ở trên.
- Tuân thủ luật pháp. Dù là trong thời bình hay thời loạn, bạn cần phải được mọi người nhìn nhận như là một công dân bình thường chứ không phải một kẻ có lịch sử gây rối trật tự công cộng. Tiền án tiền sự là một thứ mà bạn sẽ phải gánh chịu cả đời, và việc người khác biết được là bạn đã từng đi tù sẽ chẳng giúp gì được bạn trong thời kì hỗn loạn xã hội gây ra bởi bệnh dịch tăng cao, nếu không muốn nói là bạn có thể trở thành cái gai trong mắt lực lượng an ninh địa phương. Điều này về lâu về dài sẽ gây bất lợi lớn cho bạn, đặc biệt là trong giai đoạn khan hiếm hàng hóa và bạn buộc phải sống dựa vào hàng cứu trợ của chính quyền. Nghĩ mà xem, nếu bạn là một người lính được giao nhiệm vụ phân phát hàng tiếp tế cho người dân, bạn có muốn phát một gói hàng quý giá mà ai cũng cần cho một kẻ lưu manh đã từng bị tống giam vì giết người, cướp của và sử dụng ma túy không?
- Thận trọng khi ra ngoài đường. Trong thời gian đại dịch chưa bùng nổ, khẩu trang vẫn phải là vật bất li thân của bạn. Khi đại dịch bùng nổ, bạn sẽ cần cả nước rửa tay khô, khăn giấy và găng tay y tế nữa. Tránh thật xa những người có biểu hiện triệu chứng của dịch bệnh. Khi cần ho hoặc hắt hơi, dùng khăn giấy che miệng lại, sau đó vứt bỏ khăn giấy ngay lập tức. Hạn chế tụ tập ở những nơi đông người nếu không quá cần thiết. Tránh mọi tiếp xúc với động vật sống.
- Nếu bạn có vật nuôi, hãy đảm bảo nó không mang mầm bệnh nào có thể lây cho bạn. Đưa vật nuôi đi khám sức khỏe định kì tại các bác sĩ thú y cũng thường xuyên như bạn vậy. Khi dắt chúng đi dạo, cũng phải hạn chế cho chúng tiếp xúc với các động vật khác, đặc biệt là chim chóc hay chuột cống vì những loài này dễ mang mầm bệnh truyền nhiễm. Tắm rửa cho chúng thường xuyên, làm vệ sinh nơi ở cho chúng như thể cho phòng ở của bạn vậy. Và tất nhiên rồi, cẩn trọng khi tiếp xúc với chất thải của chúng. Trong thời gian dịch bệnh nổ ra, tốt nhất là bạn và thú nuôi của bạn nên ở nhà.
- Hạn chế di chuyển bằng phương tiện công cộng. Mặc kệ những lời tuyên truyền ra rả của những nhà hoạt động môi trường cánh tả về ấm lên toàn câu, băng tan hay khí thải carbon đi - chúng ta làm sao bảo vệ được Trái Đất khi mà chúng ta còn không biết tự bảo vệ mình? Nếu bạn bắt buộc phải di chuyển bằng xe buýt hoặc tàu điện, hãy đeo khẩu trang y tế trong suốt thời gian ngồi trên xe. Khi mà chưa có một mối đe dọa sức khỏe toàn cầu nào xuất hiện thì sử dụng một chiếc khẩu trang y tế là đủ để bảo vệ bạn. Còn trong thời gian đại dịch bùng phát, phương tiện công cộng là những ổ lây nhiễm chéo di động. Chỉ cần một người nhiễm bệnh bước lên xe buýt và vài giờ hoặc vài ngày sau, tất cả hành khách và nhân viên trên chuyến xe đó sẽ bị cho vào diện cách ly, do dó cần phải hạn chế tuyệt đối. trong thời gian này thì ngoài khẩu trang, bạn sẽ phải đeo cả găng tay y tế nữa - để giảm thiểu tối đa khả năng tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh. Nếu phải bám vào tay vịn, hãy lau chùi bề mặt bám thật kĩ bằng khăn giấy. Không tiếp xúc với bất cứ ai, không động chạm, không nói chuyện. Sau khi xuống xe, hãy vứt bỏ toàn bộ khăn giấy và găng tay y tế đã sử dụng trong thời gian ngồi trên xe. Và tất nhiên tôi không phải nhắc lại chuyện bạn phải tránh thật xa những người có biểu hiện triệu chứng đâu nhỉ.
- Học cách tự vệ. Có một thứ còn nguy hiểm hơn cả căn bệnh, chính là nạn nhân của nó - con người. Khi mọi chuyện trở nên thực sự tồi tệ và những nền tảng cơ bản của xã hội văn minh sụp đổ, con người - dù lương thiện chất phác đến đâu - rồi cũng sẽ phải giẫm đạp lên nhau mà sống. Bạn không thể biết khi nào thì bạn sẽ phải biến nhà mình thành pháo đài và bảo vệ nó khỏi những kẻ trộm cắp nhu yếu phẩm trong thời gian lương thực và thuốc men trở thành những vật phẩm khan hiếm. Bạn không thể biết khi nào thì một kẻ nhiễm bệnh chán sống đang tìm cách trả thù đời và lao vào bạn ho sù sụ như một kẻ đánh bom liều chết. Bạn không thể biết khi nào bạn sẽ phải bảo vệ thùng đựng hàng cứu trợ vừa nhận được của chính quyền bằng mọi giá trước những người hàng xóm thân thiết của bạn trên con đường mang nó về nhà. Bạn không thể biết khi nào thì bạn lại vô tình bị cuốn vào một cuộc bạo động trên phố và phải tìm mọi cách để thoát ra ngoài trước khi bị lực lượng bảo an của chính quyền cho "xơi kẹo đồng". Luôn luôn biết cách tự bảo vệ bản thân trong những trường hợp này. Hãy học một bộ môn võ thuật, nếu bạn có thời gian và sẵn sàng chi phí. Đảm bảo rằng mình biết nhiều cách thức tự vệ, hoặc cách sử dụng một loại vũ khí thô sơ nào đó. Tất nhiên, bạn vẫn phải tuân thủ luật pháp. Chỉ sử dụng vũ lực vào mục đích tự vệ khi bạn là người bị đe dọa trước.
Tổng kết lại, phần 3 này vẫn mang tính chất "phòng bệnh". Tôi không muốn tỏ ra giáo điều, nhưng những quy tắc được trình bày ở trên cần phải được áp dụng vào cuộc sống của bạn ngay lúc này, chứ không phải khi mà đại dịch bùng nổ thì mới bắt đầu thực hiện. "Nếu muốn hòa bình, phải chuẩn bị cho chiến tranh". Không như chiến tranh hạt nhân hay thảm họa tự nhiên, một đại dịch là một thứ có thể xảy ra ngay ngày mai. Nếu không hành động từ bây giờ thì có thể bạn sẽ không còn cơ hội. Hãy nhìn vào tỉ lệ tử vong của một trong những đại dịch giết chết nhiều người nhất trên thế giới là đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918: khoảng 500 triệu người nhiễm virus cúm Tây Ban Nha trên khắp thế giới, tức là 1/3 dân số thế giới ở thời điểm đó, nhưng số người chết chỉ khoảng từ 50 đến 100 triệu. Nghĩa là vẫn còn khoảng 400 triệu đến 450 triệu người đã sống sót qua thảm kịch này, trong đó có cả những nhân vật nổi tiếng như Franklin D. Roosevelt, Walt Disney hay Franz Kafka. Nếu hành động kịp thời và chuẩn bị tốt, thì trong tương lai, khi có một đại dịch mới bùng nổ, bạn cũng có thể nằm trong nhóm những người sống sót khỏe mạnh hoặc không bị lây nhiễm.
Phần sau của series sẽ tập trung hơn vào những việc bạn cần làm khi đại dịch thực sự bùng phát, từ việc dự trữ nhu yếu phẩm cho đến sử dụng các trang bị y tế đúng cách.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất