Vũ Trọng Phụng- Một Thiên Tài Đoản Mệnh
Là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng với các tác phẩm phản ánh chân thực về xã hội. Tuy nhiên cuộc đời của ông lại có nhiều bi kịch. Các tác phẩm của ông cho đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị, thể hiện một xã hội thối nát, con người tha hóa
"Nếu mỗi ngày tôi có một miếng bít tết để ăn thì đâu có phải chết non như thế này"- Đó là những lời nhà văn Vũ Trọng Phụng nói với nhà văn Vũ Bằng lúc cuối đời trên giường bệnh. Là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng ở Việt Nam vào đầu thế kỉ XX, tuy nhiên ông phải sống một cuộc sống vô cùng khó khăn. Dù lao động cật lực nhưng ông vẫn không đủ để nuôi sống gia đình.
Thân Thế Và Sự Nghiệp Của Nhà Văn Vũ Trọng Phụng
Vũ Trọng Phụng (1912-1939) quê ở làng Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên tuy nhiên ông lớn lên và qua đời tại Hà Nội. Cha ông mất từ khi ông chỉ mới 7 tháng tuổi, vì vậy ông được mẹ tần tảo nuôi ăn học. Sau khi học hết tiểu học tại trường Hàng Vôi, Vũ Trọng Phụng phải thôi học để đi làm kiếm sống vào khoảng năm 16 tuổi.Sau hai năm làm ở các sở tư như nhà hàng Gôđa, nhà in IDEO (Viễn Đông), ông chuyển hẳn sang làm báo, viết văn chuyên nghiệp
Năm 1930, Vũ Trọng Phụng đã có truyện ngắn đầu tay Chống nạng lên đường đăng trên tờ Ngọ Báo. Bắt đầu ông viết một số truyện ngắn, nhưng không được chú ý nhiều. Năm 1931, ông viết vở kịch "Không một tiếng vang", thì bắt đầu thu hút được sự quan tâm của độc giả. Năm 1934, Vũ Trọng Phụng mới cho ra mắt cuốn tiểu thuyết tâm lý đầu tay "Dứt tình" đăng trên tờ Hải Phòng tuần báo.
Năm 1936, năm mà ngòi bút tiểu thuyết văn chương của ông nở rộ. Cả 4 cuốn tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê, Làm đĩ được xuất bản. Chúng đều là những tác phẩm nổi bật của nhà văn, đặc biệt là Số đỏ, tác phẩm đã đưa ông tới đỉnh cao của sự nghiệp. Ngòi bút của ông với giọng văn trào phúng, châm biếm luôn tạo cho người đọc cảm giác gần gũi, chân thành. Ông phê phán những thói hư tật xấu của xã hội bởi ông miêu tả cuộc sống hiện thực.Là cây bút đi tiên phong trong nghề phóng sự, ông đóng rất nhiều cho nên văn học nước nhà. Tên tuổi của ông vào thời điểm mới vào nghề cũng được mọi người biết đến rộng rãi nhờ mảng phóng sự. Phóng sự và tiểu thuyết phóng sự của Vũ Trọng Phụng đều hướng tới những luận đề xã hội nóng bỏng, ứng nghiệm nghệ thuật cao vào đời sống
Một Vài Câu Chuyện Bên Lề Của Vũ Trọng Phụng
Vũ Trọng Phụng khi viết những tác phẩm Lấy nhau vì tình, Làm đĩ, Cạm bẫy chết người, mọi người nghĩ rằng ông là tay chơi ở đất Hà Thành. Tuy không phải là tay chơi như người đời nghĩ, nhưng để có được những thông tin quý giá và thực tế để viết, ông đã phải chăm chỉ tìm kiếm các tài liệu, thông tin, sách báo, điều đó cho ta thấy được cái tâm của một nhà báo có tầm như ông.
Năm 26 tuổi, nhà văn lấy vợ. Khác hẳn so với gia cảnh của ông, vợ của ông là một tiểu thư trong một gia đình khá giả, bà tên là Vũ Mỵ Lương. Gia đình bà khá giả cộng thêm nhan sắc của bà nên cũng được nhiều người hỏi cưới. Tuy nhiên với tài văn chương của mình Vũ Trọng Phụng đã khiến cho bà Mỵ Lương gạt đi tất cả, chọn ông làm chồng.
Để có tiền làm đám cưới ông đã phải làm việc cật lực, tiền nhuận bút được dùng để tổ chức đám cưới linh đình. Đám cưới được tổ chức vào chủ nhật (23/1/1938), tức 22 tháng Chạp năm Đinh Sửu. Cách đây gần một thế kỉ, hiếm có đám cưới nào ở Hà Nội có xe ô tô rước dâu long trọng như vây. Thời đó ở mọi đám cưới, trẻ con thường kéo đến chăng dây, nhà trai muốn đi qua phải nộp một phong bao, trong đó có năm, sáu đồng xu bằng đồng. Nhưng ở đám cưới này, chúng nghe có cả các ông nhà báo về dự nên bảo nhau bỏ cái tục không hay ấy đi. Lần đầu tiên, đám cưới Vũ Trọng Phụng được hưởng nếp sống mới.
Ra Đi Khi Đang Ở Đỉnh Cao Của Sự Nghiệp
Khi đang 27 tuổi- Độ tuổi đỉnh cao của sự nghiệp, ông đột ngột mất vì lao lực, lao tâm sau bấy nhiêu lăn lộn mưu sinh bằng văn tài của mình mà chẳng đủ để nuôi nổi gia đình. Sự ra đi từ rất sớm của ông gây xót thương cho biết bao con người và cũng là nỗi mất mát to lớn của giới văn chương Việt Nam. Trong đám tang của ông, vợ của ông vì quá thương chồng đã lăn xuống huyệt, người ta phải ra sức kéo lên. Tuy ra đi từ sớm, nhưng ông vẫn để lại được một kho tàng đáng kinh ngạc hơn 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch, một bản dịch vở kịch từ tiếng Pháp, cùng nhiều bài viết phê bình, đánh giá văn học.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất